Cách buộc Trung Quốc thay đổi là ngăn họ xây hải đăng ở Hoàng Sa
Auslin nói, cách duy nhất để buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình là một nỗ lực phối hợp các sức mạnh quân sự có khả năng trong khu vực.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.
The Wall Street Journal hôm Thứ Ba 12/8 dẫn lời học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ bình luận, ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á đang phát triển mạnh thông qua cái cách nước này thúc đẩy tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ ở Biển Đông, Hoa Đông mà các bên đối thủ ngày càng khó khăn hơn để đối phó.
Đây là một xu hướng đáng lo ngại trên vũ đài chính trị châu Á và sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo của khu vực, bằng chứng là việc Bắc Kinh vừa tuyên bố sẽ xây dựng (bất hợp pháp) 5 ngọn hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Michael Auslin gọi là “quần đảo tranh chấp”.
Cũng trong tuần qua, trong khuôn khổ diễn đàn an ninh khu vực ARF Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc đóng băng các hành động khiêu khích trên Biển Đông. “Kích thước và sức mạnh của Trung Quốc đã làm cho họ trở nên chiếm ưu thế tuyệt đối với bất kỳ quốc gia nào. Mọi sự sắp xếp chính trị còn xa mới có thể trở thành một tổ chức an ninh để có thể đối phó với hành động khiêu khích của Trung Quốc”, Auslin bình luận.
Thậm chí tồi tệ hơn khi Trung Quốc đang cố gắng cô lập Mỹ về mặt ngoại giao trong khu vực. Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã tìm cách miêu tả Mỹ như một kẻ đứng ngoài tại ARF khi kêu gọi các nước châu Á tự “đóng cửa bảo nhau”, giải quyết các tranh chấp hàng hải của họ mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Auslin nói, cách duy nhất để buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình là một nỗ lực phối hợp các sức mạnh quân sự có khả năng trong khu vực, chẳng hạn như ngăn chặn Trung Quốc xây dựng 5 ngọn hải đăng ở Hoàng Sa. Nhưng khả năng xảy ra điều này là cực nhỏ, Auslin nhận định.
“Nếu bạn chỉ tiếp tục nói rằng chúng tôi không muốn hành vi cưỡng chế, Trung Quốc sẽ nói: Vâng, không phải chúng tôi cưỡng chế mà họ cưỡng chế. Bạn phải sử dụng một cái gì đó khác đi”, Michael Auslin phân tích. Nếu không, Trung Quốc sẽ tiếp tục định nghĩa lại các khái niệm về kiểm soát hành chính trên vùng biển tranh chấp.
“Những gì Bắc Kinh đang cố gắng làm là nói rằng: Không, không có tranh chấp. Không có tranh chấp ở quần đảo Senkaku. Không có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Không có tranh chấp ở phần lớn Biển Đông hay bầu trời Hoa Đông vì Trung Quốc đang quản lý hiệu quả những khu vực này”, học giả Mỹ bình luận.
Tại ARF, Vương Nghị đưa ra cái gọi là “tham vấn thân thiện” nhưng lại kiên quyết duy trì cái gọi là bảo vệ chủ quyền và lợi ích của họ, đó là những hành động khiêu khích, không hợp lý.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã phải lên tiếng khẳng định rằng, không phải Washington làm mất ổn định ở Biển Đông, mà chính là những hành động hiếu chiến của Trung Quốc mới gây bất ổn. Tất cả những gì Mỹ đang làm là để giảm căng thẳng, để giải quyết những khác biệt bằng ngoại giao chứ không phải vũ lực, các biện pháp cưỡng chế hay gây mất ổn định giống như những gì cộng đồng quốc tế đã thấy Trung Quốc làm trong vài tháng qua.
Theo Giáo Dục