Cách Ấn Độ hành xử trong vòng tranh giành của tam cường
Cả Mỹ, Nga, Trung Quốc đều muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ, và những nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á đang phải hành xử thật khéo léo.
Cuộc kéo co kỳ lạ
Ấn Độ đang là mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới, trong đó phải kể đến những cái tên là Trung Quốc, Nga, và Mỹ.
Nếu như thập kỷ trước, những nền kinh tế lớn trên thế giới không quan tâm đến Ấn Độ, thì thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, sự trỗi dậy của nền kinh tế, sức hút của một thị trường rộng lớn và nguồn cung nhân công giá rẻ và cả kỹ thuật cao dồi dào từ quốc gia Nam Á này khiến những cường quốc không thể làm ngơ.
Ngoài ra, Ấn Độ có một vị thế địa chính trị quan trọng với thế giới. Từ trước đến nay, New Dehli luôn giữ vững lập trường không liên kết. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Narendra Modi lên nắm quyền từ giữa năm 2014, với chính sách của mình đã mở ra khả năng rất có thể Ấn Độ sẽ thay đổi quan điểm về vấn đề liên minh.
Song song với đó, việc mâu thuẫn biên giới trên bộ với Trung Quốc, cùng với những đặc thù kinh tế khá tương đồng giữa hai quốc gia này đã tạo ra nhiều sự canh tranh khốc liệt. Và những quốc gia không thích Trung Quốc ngày càng lớn mạnh đang hướng đến Ấn Độ như một giải pháp sáng suốt.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Với những lý do đó, Ấn Độ rơi vào sự tranh giành ảnh hưởng, mà cụ thể là cuộc đua của các cường quốc Nga, Trung Quốc và Mỹ. Tháng 9/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ, tháng 12/2014 là chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin.
Video đang HOT
Và vừa qua, tháng 1/2015, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoàn thiện miếng ghép cuối cùng để khắc họa diện mạo của cuộc kéo co kỳ lạ tranh giành Ấn Độ này.
Tam quốc tranh hùng, Ấn Độ đắc lợi
Xét về thời gian các lãnh đạo nói trên đến thăm Ấn Độ, hãy điểm lại những thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được thông qua.
Trước hết, với Trung Quốc. Cần phải biết rằng chiến lược của ông Modi về kinh tế đó là thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn tài phiệt của nước ngoài, phát triển nền sản xuất, gia công trong nước. Và Trung Quốc đã mang đến hàng loạt các hợp đồng hợp tác giữa hai bên, cam kết đầu tư sản xuất, công trình hạ tầng vào Ấn Độ…
Hai bên cũng đạt được nhiều thỏa thuận, đặc biệt các vấn đề hợp tác song phương và đa phương liên quan đến khối BRICS.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, bất chấp những bất đồng ở biên giới, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tìm thấy những cơ hội kiếm ra tiền khi hai bên gia tăng hợp tác. Và ràng buộc Ấn Độ bằng đồng Nhân dân tệ là sợi dây vững chắc nhất để đảm bảo quốc gia láng giềng này không ngả về phía Mỹ, trong bối cảnh Washington không ngừng thúc đẩy các hành động tạo thiện cảm với nhà lãnh đạo Modi.
Tiếp đến mối quan hệ với Nga, có thể đánh giá rằng đây là mối quan hệ truyền thống của Ấn Độ. Dù luôn kiên định quy chế không liên minh, nhưng New Delhi và Moscow luôn có sự thân thiện trong quá khứ Liên Xô và cả hiện tại. Cơ cấu nền quốc phòng của Ấn Độ cũng được định hình bằng vũ khí của nền công nghệ Nga (Liên Xô).
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ
Việc Nga và Ấn Độ tiếp tục trong mối quan hệ tay bắt mặt mừng không có gì khó hiểu. Đặc biệt sau chuyến thăm của ông Putin, Ấn Độ có thêm nhiều hợp đồng hợp tác về kinh tế, sản xuất công nghiệp, hợp tác năng lượng, và đặc biệt là hợp tác quốc phòng giữa hai bên được đẩy mạnh.
Nga có nhiều tham vọng trong mối quan hệ với Ấn Độ. Moscow hi vọng rằng họ có thể xây dựng một tam giác Âu – Á hùng mạnh với ba đỉnh Nga – Trung – Ấn, đủ sức tạo thế cân bằng với phương Tây về kinh tế, và tiến tới tốt đẹp hơn có thể là cả quân sự.
Tuy nhiên, việc Nga với Trung Quốc ngày càng thân thiết, đồng thời xung đột biên giới giữa Ấn – Trung và các mâu thuẫn với chính sách biên giới, chủ quyền mà Trung Quốc đang thể hiện với các quốc gia láng giềng khiến New Delhi tỏ ra không bằng lòng. Đây là rào cản lớn nhất, khó giải quyết nhất trong con đường thực hiện tam giác quyền lực của ông Putin.
Còn với Mỹ, chuyến thăm của ông Obama vừa qua cũng mở ra nhiều cơ hội. Tổng thống Barrack Obama đã đồng ý với Ấn Độ về một số giao dịch bao gồm một thỏa thuận đột phá về hạt nhân, việc này sẽ cho phép Ấn Độ có khả năng tiếp cận tốt hơn với công nghệ hạt nhân dân sự cùng với các thỏa thuận thương mại và đâu tự khác có trị giá 4 tỷ USD trong 2 năm tới.
Mỹ tích cực lôi kéo sự ủng hộ của Ấn Độ về phía mình. Giá trị địa chính trị, cùng với tiềm lực kinh tế của Ấn Độ khiến người tự cho mình có vai trò dẫn dắt thế giới như Mỹ không thể bỏ qua.
Cuộc tranh giành Ấn Độ của ba bên vì thế dù đầy hoa hồng và mật ngọt nhưng cũng không giấu giếm, che đậy đi sự căng thẳng và quyết liệt.
Modi đại tài
Khi các cường quốc tặng quà, họ không bao giờ cho không biếu không. Họ mong muốn nhận lại được những thái độ tích cực từ phía đối phương, đặc biệt với Mỹ, khi Washington đã là bậc thầy của “cây gậy và củ cà rốt”.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lễ kỷ niệm Quốc Khánh thứ 66 của Ấn Độ
Như một cô gái, nếu không được ai ngó ngàng thì đó đã là tai họa, nhưng quá nhiều anh theo đuổi thì cũng sinh phiền phức. Thách thức đặt ra với những người lãnh đạo Ấn Độ lúc này là làm thế nào để cân bằng sự tranh giành của các bên, vừa thu về thật nhiều lợi ích cho quốc gia, nhưng không bị cuốn vào sự tranh chấp phức tạp gây tổn hại cho dân tộc.
Đó là lý do vì sao dù đón nhận những hợp tác với Trung Quốc, nhưng New Delhi vẫn cương quyết gia tăng sức mạnh quân sự, bổ sung lực lượng tác chiến sơn cước hùng mạnh, và tham gia vào các vấn đề nhằm quốc tế hóa Biển Đông – vùng biển có tranh chấp với Bắc Kinh.
Trong mối quan hệ này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh việc làm ăn kinh tế chỉ xét trên bình diện kinh tế, không thể đan xen những thỏa hiệp hay nhập nhằng về vấn đề chủ quyền, biên giới của một quốc gia độc lập.
Tiếp đến, quan hệ với Nga và Mỹ đưa ra những thách thức phức tạp hơn. Vào thời điểm này, giữ thế trung lập là điều nên làm, bởi Nga và Mỹ đang bước vào một giai đoạn đấu đá phức tạp tương tự như thời chiến tranh lạnh của thế kỷ 20. Kinh nghiệm trung lập từ thời Liên Xô – Mỹ đã cho Ấn Độ đủ khôn khéo để hiểu rằng không nên ngả theo bất kỳ chiều hướng nào.
Nhìn vào cách mà New Delhi sử dụng khéo léo cả vũ khí Nga và Mỹ trong biên chế quân đội của mình đủ để thấy họ không ngả về bất kỳ bên nào. Và nếu muốn giành giật sự quan tâm của Ấn Độ, chắc chắn rằng các đối trọng phải chi thêm nhiều quà.
Về chiến lược trong tương lai gần của Ấn Độ, chuyên gia về Nam và Đông Nam Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, Michael Kugelman nói với tờ Sputnik rằng: “Ấn Độ sẽ muốn tiếp tục giữ vững quan hệ với Nga và Trung Quốc mặc dù họ cũng đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Mỹ”.
Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt