Các vũ khí uy lực Trung Quốc sao chép từ nước ngoài
Một số vũ khí uy lực của Trung Quốc hiện nay được chế tạo theo công nghệ sao chép không hoàn chỉnh của Nga và Mỹ.
Do những tụt hậu của nền công nghiệp quốc phòng so với phương Tây và Liên Xô, Trung Quốc đã phải kết hợp việc chuyển giao công nghệ hợp pháp và hoạt động tình báo, sao chép công nghệ của Liên Xô và Mỹ để phát triển một số loại vũ khí uy lực, mà 4 hệ thống sau đây là những ví dụ điển hình, theo National Interest.
Tiêm kích J-7 của Trung Quốc. Ảnh: SinoDefense
Năm 1961, nhằm xoa dịu căng thẳng và bày tỏ thiện chí hợp tác giữa hai nước, Liên Xô đã chuyển giao bản thiết kế và các tài liệu liên quan đến tiêm kích đánh chặn MiG-21 mới cho Trung Quốc.
Sau khi có được bản thiết kế của Liên Xô, Trung Quốc đã nghiên cứu và cuối cùng chế tạo được tiêm kích J-7, một bản sao chép hoàn chỉnh của MiG-21. Bắc Kinh sau đó còn xuất khẩu biến thể F-7 của chiếc tiêm kích này để cạnh tranh trực tiếp với MiG-21 trên thị trường thế giới.
Không dừng lại ở đó, sau khi khôi phục quan hệ với Mỹ đầu thập niên 1970, Trung Quốc còn trực tiếp bán tiêm kích J-7 cho Mỹ để sử dụng cho việc huấn luyện phi công Mỹ chiến thuật đánh bại tiêm kích Liên Xô.
Tiêm kích J-11 Trung Quốc là bản sao chép không hoàn chỉnh của Su-27 Nga. Ảnh: SinoDefense
Sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990 khiến kinh tế Nga đối mặt với nhiều khó khăn và buộc phải bán một lượng lớn cho Trung Quốc.
Trong thập niên 1990, Moscow và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thương vụ vũ khí lớn, điển hình là hợp đồng bán, cấp phép và chuyển giao công nghệ tiêm kích đa nhiệm Su-27 Flanker. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc có công nghệ để sản xuất thành công mẫu chiến đấu cơ J-11, loại tiêm kích đánh chặn được cho là tương đối nguy hiểm thời điểm đó.
Video đang HOT
Không lâu sau, Nga tố cáo Trung Quốc vi phạm các điều khoản hợp đồng cấp phép bằng việc tích hợp hệ thống điện tử nội địa lên tiêm kích J-11. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tự ý phát triển một biến thể tiêm kích hạm. Hành động sao chép trắng trợn công nghệ này đã ảnh hưởng tới quan hệ Nga – Trung, khiến Moscow thận trọng hơn khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mang tên J-31, các chuyên gia phân tích Mỹ đã nghi ngờ nước này đánh cắp thông tin liên quan đến công nghệ chế tạo tiêm kích F-35.
Nhận định này càng được củng cố khi Trung Quốc công khai các thông tin liên quan đến thiết kế của tiêm kích tàng hình J-31, khá giống với tiêm kích F-35 hai động cơ nhưng không có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của biến thể F-35B.
Tiêm kích J-31 của Trung Quốc cũng được cho là thiếu nhiều hệ thống điện tử tối tân để sở hữu sức mạnh hủy diệt như F-35. Tuy nhiên, J-31 có thể được triển khai trên các tàu sân bay và với lợi thế giá rẻ, có thể cạnh tranh với F-35 trên thị trường xuất khẩu trong tương lai.
UAV Caihong 5 của Trung Quốc khá giống với máy bay MQ-9 Reaper Mỹ .Ảnh: Breakingdefense
Năm 2010, Trung Quốc bị Mỹ bỏ xa trong lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã bắt kịp và hiện sản xuất các UAV có thể cạnh tranh với Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế.
Theo tình báo Mỹ, sở dĩ Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ nhanh đến như vậy là do các tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ từ một số nguồn, gồm cả chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân như General Atomics có liên quan đến việc sản xuất UAV. Các mẫu UAV mới nhất của Trung Quốc có bề ngoài lẫn hiệu suất rất giống máy bay Mỹ, một bước đột phá đáng kể về thời gian sản xuất đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Duy Sơn
Theo VNE
5 vũ khí Trung Quốc có thể giúp quân đội Mỹ khắc phục thiếu sót
Tuy không có ưu thế vượt trội, nhưng một sô vũ khí của Trung Quốc có thể giúp Mỹ cải thiện phần nào năng lực tác chiến trên biển.
Mặc dù tất cả các loại vũ khí hiện nay, cũng như trong 20 năm tới của Trung Quốc chưa thể bắt kịp Mỹ về công nghệ, quân đội Mỹ vẫn còn một số lỗ hổng trong năng lực tác chiến mà 5 vũ khí sau của Trung Quốc có thể giúp khắc phục phần nào, theo National Interest.
Thủy phi cơ AG600
Thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc tự chế tạo. Ảnh: Xinhua
Trong Thế chiến II, Mỹ đã sử dụng rất nhiều thủy phi cơ trong các hoạt động cứu hộ phi công và trinh sát tầm xa. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Lầu Năm Góc đã không còn chú trọng phát triển loại máy bay này.
Trong tương lai, nếu phải tham chiến ở chiến trường Thái Bình Dương rộng lớn, Mỹ sẽ lại cần sử dụng một loại máy bay tầm xa có thể hạ cánh trên biển. Thủy phi cơ khổng lồ AG600 mới của Trung Quốc chính là giải pháp có thể phần nào khắc phục lỗ hổng này.
Với kích cỡ lớn ngang một chiếc Boeing 737, AG600 là chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới với khả năng chở được tới 50 người, tầm hoạt động hơn gần 5.000 km và có thể bay liên tục tới 12 giờ.
Vũ khí siêu vượt âm DF-ZF
Lầu Năm Góc gần đây dành nhiều quan tâm đến các vũ khí siêu vượt âm, có vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Một số dự án, gồm cả dự án chế tạo vũ khí X-51 đang trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa một hệ thống vũ khí nào trong số này đi vào vận hành, dù Mỹ có nhiều lợi thế về công nghệ.
Trong khi đó, vũ khí siêu vượt âm DF-ZF của Trung Quốc dường như có tiến độ phát triển nhanh hơn Mỹ. Với vận tốc hành trình từ 6.437 đến 11.265 km/h, chậm hơn so với vũ khí siêu vượt âm Mỹ, nhưng DF-ZF đã có 7 lần thử nghiệm thành công và dường như gần đạt đến trạng thái vận hành hơn các vũ khí cùng loại đang phát triển ở Mỹ.
Xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05
Xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05. Ảnh: Ausairpower
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tìm phương án thay thế xe tấn công lưỡng dụng AAV-7 sau 4 thập kỷ biên chế. Tuy nhiên, dự án chế tạo xe chiến đấu viễn chinh tiến hành năm 1988 đã thất bại dù đã tiêu tốn tới 3 tỷ USD và bị hủy bỏ vào năm 2011.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã biên chế chính thức xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05. Đây là loại xe do nhà thầu quốc phòng Norinco của Trung Quốc phát triển, có kíp vận hành ba người, có thể chở thêm 10 binh sĩ. Nhờ được trang bị pháo 30 mm trên tháp pháo, súng máy đồng trục 7.62 x 54 mm Type 80, hai ống phóng tên lửa chống tăng Hong Jian-73C ở hai bên tháp pháo và 8 lựu đạn khói 76 mm, xe ZBD-05 có thể chống lại đạn 12,7 mm và mảnh đạn, đạt vận tốc gần 29 km/h khi di chuyển trên mặt nước.
Tàu đổ bộ Type 072A
Năng lực đổ bộ sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở tây Thái Bình Dương. Hạm đội tàu đổ bộ Mỹ hiện nay chủ yếu là các tàu đổ bộ lớp Wasp, America và San Antonio, tuy nhiên các tàu này dễ thu hút sự chú ý của đối phương do luôn có các tàu hộ tống đi kèm.
Tàu đổ bộ Type 072 của Trung Quốc có kích cỡ ngang một khinh hạm, dài hơn 118 m, nặng 3400 tấn. Tàu có thể chở 300 quân, 12 xe tăng hoặc 800 tấn hàng hóa. Trên boong tàu có một bãi đáp trực thăng ở đuôi và có thể mang theo các tàu đổ bộ đệm khí LCAC phiên bản Trung Quốc. Đây là loại tàu có thể âm thầm tiếp cận và đổ bộ một đại đội thủy quân lục chiến lên một khu vực mà không cần đội tàu hộ tống hùng hậu đi theo bảo vệ.
Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia
Để đáp ứng nhu cầu về một loại tàu chiến ven biển uy lực, hải quân Mỹ đã bỏ ra hơn một thập kỷ phát triển chương trình Tàu Chiến đấu Ven biển (LCS). Tuy nhiên, đến nay Mỹ chỉ xây dựng được một hạm đội tàu LCS ở mức tối thiểu, chủ yếu được trang bị một pháo 57 mm và hai pháo 30 mm.
Được xem là đối thủ xứng tầm, tàu hộ vệ Type 056 của Trung Quốc là loại tàu chiến nhỏ nặng 1500 tấn. Tuy không được đóng theo công nghệ module nhiệm vụ như tàu LCS, nhưng Type 056 lại có lợi thế giá thành rẻ, dễ sản xuất và biên chế.
Tàu được trang bị một pháo 76 mm, hai pháo 30 mm và 4 tên lửa diệt hạm YJ-83 chứa đầu đạn nổ văng mảnh uy lực nặng 190 kg tầm bắn 180 km. Ngoài ra, tàu này cũng trang bị ống phóng FL-3000N sử dụng cho tên lửa phòng không.
Về khả năng săn ngầm, tàu Type 056 được lắp hai ống phóng ngư lôi ba nòng 324 mm và các biến thể hiện đại hơn có thêm hệ thống định vị thủy âm mảng pha. Trên tàu có một bãi đáp dành cho trực thăng săn ngầm, nhưng không có khoang chứa máy bay.
Duy Sơn
Theo VNE
J-11 - Tiêm kích nhái Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông Tiêm kích J-11 Trung Quốc triển khai ở Biển Đông thực chất là bản sao chép chưa hoàn chỉnh của chiến đấu cơ Su-27 của Nga. Tiêm kích J-11 của không quân Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa. Ảnh:SinoDefense Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin các chiến đấu cơ J-11 của không quân nước này đã hộ tống máy bay...