Các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ giàu cỡ nào?
Chỉ trong vòng 3 tháng từ khi chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ bắt đầu, các ứng viên đã tiêu tốn gần 350 triệu USD. Mặc dù đa phần là tiền từ quyên góp, nhiều ứng viên vẫn bỏ tiền túi hàng triệu USD cho tham vọng làm chủ Nhà Trắng.
Cuộc đua tốn kém
Theo số liệu vừa được Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC) công bố cho thấy, trong giai đoạn từ 1/4 đến hết ngày 30/6, 22 ứng viên dự định tranh cử Tổng thống Mỹ đã tiêu tốn 346,7 triệu USD.
Bà Hillary Clinton đã chi 18,7 triệu USD cho chiến dịch tranh cử (Ảnh: Getty)
Trong đó chi mạnh tay nhất đang là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton (18,7 triệu USD), cựu bác sỹ Ben Carson, đảng Cộng hòa (5,9 triệu USD), và thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz (5,8 triệu USD). Em trai cựu Tổng thống George Bush là Jeb Bush cũng đã chi 3,1 triệu USD trong số 11,4 triệu USD của quỹ tranh cử.
Có rất nhiều khoản chi phí khiến các ứng viên ôm mộng làm chủ Nhà Trắng phải móc hầu bao, từ thuê văn phòng, quảng cáo, khảo sát cử tri, trả lương đội ngũ hậu cần đôi khi lên tới vài trăm người, tới các nhà tư vấn luật pháp, tư vấn chiến lược tranh cử. Trong số 3,1 triệu USD ông Jeb Bush chi ra, có tới 388.720 USD là chi cho các nhà tư vấn luật pháp và chiến lược.
Thành bại ở tài quyên góp?
Để có được ngân sách phục vụ cho cuộc đua tốn kém này, nhiệm vụ sống còn của các ứng viên là quyên góp, gây quỹ từ những người ủng hộ. Tất cả những thông tin này sau đó đều phải được cung cấp cho FEC, với đầy đủ tên của bất kỳ ai ủng hộ từ 200 USD trở lên.
Theo bản báo cáo mới nhất, tính đến hết ngày 30/6, ở tốp dẫn đầu đang là ông Jeb Bush với 114,4 triệu USD (11,4 triệu USD từ các cá nhân, 103 triệu USD từ các Ủy ban hành động chính trị), kế đến là bà Hillary Clinton, quyên góp được 63,1 triệu USD với 47,5 triệu USD đến từ những người quyên góp nhỏ lẻ.
Video đang HOT
Tỷ phú Donald Trump là người duy nhất tuyên bố không cần gây quỹ tranh cử (Ảnh: PA)
Ở các vị trí tiếp theo có thượng nghị sỹ Ted Cruz (52,3 triệu USD) và thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio (40,7 triệu USD).
Bất chấp những con số “khủng” nêu trên, chặng đường gây quỹ của các ứng viên còn rất dài, bởi để đắc cử nhiệm kỳ hai vừa qua, Tổng thống Obama đã phải chi tới 985,7 triệu USD trong tổng số 1,07 tỷ USD quyên góp được. Đối thủ của ông khi đó là Mitt Romney đã chi 992 triệu USD, nhưng vẫn thất bại. Còn ở chiến dịch 2008, ông Obama đã quyên góp được xấp xỉ 750 triệu USD.
Giàu như ứng viên Tổng thống Mỹ
Cho đến nay, trong số các ứng viên tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng, duy nhất có tỷ phú Donald Trump tuyên bố sẽ tự bỏ tiền túi mà không quyên góp. Phát biểu trước báo giới, “ông trùm” địa ốc không ngần ngại tuyên bố “tôi nghĩ mình thực sự giàu”.
Theo bản kê khai tài sản mới nhất, được ứng viên đảng Cộng hòa này công bố ngày 15/7, ông đang nắm trong tay khối tài sản hơn 10 tỷ USD, với thu nhập hàng năm khoảng 362 triệu USD.
Bà Carly Fiorina và chồng sở hữu khối tài sản 59 triệu USD (Ảnh: AP)
Trong số các nguồn thu nhập hàng năm của Trump, lớn nhất chính là khoản thù lao 214 triệu USD kênh truyền hình NBC trả cho ông trong vai trò dẫn chương trình truyền hình thực tế có tên “The Apprentice”.
Với con số hơn 10 tỷ USD, vị tỷ phú này đã trở thành người giàu có nhất từng tham gia chạy đua vào Nhà Trắng. Donald Trump cho quỹ vận động tranh cử của mình “vay” 1,8 triệu USD, nhưng đã tiêu hết 1,4 triệu USD.
Không thuộc hàng tỷ phú như ông chủ cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới, nhưng các ứng viên còn lại trong cuộc đua cũng không hề nghèo.
Carly Fiorina, cựu giám đốc điều hành hãng máy tính Hewlett-Packard, là một ví dụ điển hình với khối tài sản gia đình được công bố lên tới 59 triệu USD. Không thua kém ứng viên đảng Cộng hòa về độ giàu có là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, với thu nhập khoảng 30 triệu USD chỉ tính từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 5 vừa qua, theo hồ sơ tranh cử.
Trong đó, chỉ tính riêng thu nhập từ các buổi thuyết trình, cựu Tổng thống Bill Clinton và vợ mình đã thu về 25 triệu USD. Theo tờ Freebeacon tại Mỹ, chỉ riêng một buổi nói chuyện của vị cựu ngoại trưởng tại một sự kiện của hãng chip máy tính Qualcomm tháng 10/2014 đã giúp bà thu về 335.000 USD. Trong khi đó, ông Clinton đều đặn mỗi năm thu về hàng triệu USD từ các buổi diễn thuyết.
Thượng nghị sỹ Bernie Sanders là ứng viên “kém giàu” nhất với tài sản chừa đầy 350.000 USD (Ảnh: AP)
Một gương mặt đáng chú ý khác là thống đốc bang New Jersey Chris Christie, người tự nhận “tôi thấy mình không hề giàu có”. Nhưng tờ Bưu điện Washington đã dẫn hồ sơ khai báo thuế của gia đình ông Christie, cho thấy mức thu nhập gần 700.000 USD năm 2013, với giá trị tài sản ròng khoảng ít nhất 3,8 triệu USD.
Dù “không hề giàu” nhưng mỗi năm ông bà Christie cũng chi ra 120.000 USD cho hai con học đại học tại hai trường danh giá là Princeton và Notre Dame.
Trường hợp “ngoại lệ” hiếm hoi trong số các ứng viên Tổng thống Mỹ kỳ này có lẽ là thượng nghị sỹ Bernie Sanders, với tài sản ròng ước tính tại thời điểm cuối năm 2013 là 330.000 USD. Dù vậy thì với mức kê khai thu nhập 205.000 USD trong năm 2014, gia đình ông vẫn nằm trong nhóm 5% khá giả nhất nước Mỹ.
Theo phân tích của Trung tâm phản ứng chính trị, một tổ chức chuyên theo dõi tài chính của các chính trị gia, giá trị tài sản ròng bình quân của các thành viên quốc hội Mỹ ngay từ năm 2013 đã vượt 1 triệu USD, trong đó tại Thượng viện, con số này là 2,8 triệu USD. Bởi vậy rõ ràng Sanders rất “nghèo” so với các đồng nghiệp khác.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Mitt Romney: Đừng biến Hillary Clinton thành "người phụ nữ của công chúng"
Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mitt Romney, người từng tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012, cho rằng không nên biến bà Hillary Clinton thành "người phụ nữ của công chúng", bởi bà không phải là người như vậy.
Ông Mitt Romney tuyên bố không tham gia tranh cử Tổng thống 2016. (Ảnh: AP)
Cựu thống đốc bang Massachusetts và ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ năm 2012 Mitt Romney hôm 22/4 nói rằng có thể ông không phải là người sáng suốt nhất, nhưng quan điểm của ông là không nên cố gắng biến cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thành "người phụ nữ của công chúng" trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Tờ Washington Times dẫn lời ông Romney nói rằng: "Đó không phải là bà ấy. Đi ngoài đường với chiếc xe Scooby chẳng giống như bà ấy. Bà ấy không kết nối theo cách mà tôi nghĩ những người ủng hộ bà muốn".
Ông Romney cũng cho rằng với những nghi vấn liên quan đến địa chỉ email của bà Hillary và tặng phẩm của các quốc gia khác dành cho Quỹ Clinton khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng, thì một "khoảng trống niềm tin" ngày càng lớn đã hình thành giữa bà và người dân Mỹ. "Và nó không hề thu hẹp lại, mà đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn", ông Romney nói.
Đây là một trong những lời chỉ trích công khai của đảng Cộng hòa dành cho bà Hillary Clinton, một ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Tháng 3 vừa rồi, The New York Times thông báo rằng thay vì sử dụng một tài khoản email chính thức của chính phủ để đảm bảo an toàn, bà Hillary đã sử dụng tài khoản email cá nhân để thực hiện các công việc của Bộ Ngoại giao trong suốt thời gian làm Ngoại trưởng.
Bất chấp những chỉ trích này, nhiều nhà phân tích đánh giá bà Hillary đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bà được cho là một ứng cử viên đầy tiềm năng, và có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Nghi Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Những bức ảnh kể câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp Hillary Clinton Luật sư Hillary Clinton đã trải qua nhiều thăng trầm trên hành trình trở thành Đệ nhất phu nhân, sau đó là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Thông báo về kế hoạch trở lại cuộc đua vào Nhà Trắng mới đây tiếp tục khẳng định hoài bão chính trị của "người đàn bà thép" này. Bà Hillary Diane Rodham sinh vào...