Các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống COVID-19
Ngày 3/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn số 603/MTTW-BTT gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19).
Khu cách ly đặc biệt tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “chống dịch như chống giặc”; phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo” và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, nhân dân, thời gian qua các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam như Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, các hội thánh Cao Đài, Tin Lành, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam, các ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Ban Trị sự Minh Lý đạo – Tam Tông miếu, Minh Sư đạo, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo hội Tứ ân Hiếu nghĩa… đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra với nhiều hoạt động thiết thực ở các cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần quan trọng cùng cả nước bước đầu kiểm soát hiệu quả, chống sự lây lan của dịch bệnh tại Việt Nam.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, đóng góp tích cực, thiết thực của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.
Hiện nay, dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia, với số lượng người nhiễm và tử vong do dịch bệnh tiếp tục tăng. Ngày 28/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cấp cảnh báo toàn cầu về nguy cơ dịch COVID-19 lên mức “rất cao”, cho đây là “mối quan ngại rõ ràng”, không thể chủ quan.
Để tiếp tục cùng toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch bệnh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo đó, các tổ chức tôn giáo cần tăng cường các biện pháp phù hợp để thông tin, tuyên truyền đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng để mọi người nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền; phổ biến, nâng cao ý thức tự dự phòng của quần chúng tín đồ, người dân trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe; có biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tối đa tiếp xúc đông người; không đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tích cực tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân không theo dõi, bàn luận, phát tán những thông tin sai lệch về dịch bệnh; có thái độ, biện pháp phù hợp phê phán đối với các tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng tôn giáo, nhân dân.
Các tổ chức tôn giáo vận động tín đồ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; công văn số 514/MTTW-BTT ngày 31/1/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra; công văn số 391/BVHTTVDL-VHCS ngày 31/1/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội, di tích và công văn số 48/TGCP-VP ngày 1/2/2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường… phát huy tốt vai trò trong việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận và cơ sở y tế ở địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; vận động nguồn lực từ quần chúng tín đồ tham gia hỗ trợ cộng đồng, nhân dân về các thiết bị, vật dụng y tế để phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ chức tôn giáo phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan chức năng có liên quan tổ chức giám sát, nắm chắc tình hình triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 79-CT/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Đồng thời, các tổ chức tôn giáo thông tin kịp thời các việc làm tốt, tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đến các cấp Mặt trận Tổ quốc, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương để biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Các tổ chức tôn giáo tuyên truyền tới chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân, khi phát hiện những biểu hiện bất thường do virus SARS-CoV-2 gây ra trong cộng đồng, cần thông tin kịp thời cho cơ quan y tế ở địa phương. Kết quả tham gia phòng, chống dịch bệnh của các tôn giáo cần thông tin sớm về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 phố Tràng Thi, Hà Nội. Điện thoại: 024. 39287.400 hoặc 080.46149. Địa chỉ email: bantongiaomttq@gmail.com để tổng hợp chung.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Hà Nội: Tiếp tục chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 176/TB-UBND, kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo về công tác Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) tại phiên họp số 09 của Ban Chỉ đạo.
Theo đó, các cấp, các ngành thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, đúng theo các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy và hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ đạo của UBND thành phố tại các văn bản đã ban hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 gây ra.
UBND thành phố thống nhất đề xuất của liên sở Giáo dục và Đào tạo - Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội về tiếp tục cho học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội quản lý tạm thời nghỉ học đến hết ngày 01/3/2020 với những lý do: Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam thì diễn biến dịch, bệnh tại Trung Quốc và các nước trên thế giới vẫn đang rất phức tạp khó lường. Hiện nay, vẫn chưa có loại vắc xin đặc hiệu nào để phòng, chống dịch Covid-19 gây ra, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu do vi rút Covid-19 gây ra. Thành phố Hà Nội là nơi có nguy cơ cao, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập lây nhiễm (về mặt địa lý, thành phố Hà Nội tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và có công nhân, học sinh, sinh viên tại huyện có dịch bệnh của tỉnh Vĩnh Phúc đi và đến làm ăn, sinh sống tại Hà Nội và ngược lại; số lượt khách nước ngoài đến du lịch, lưu trú, tham quan tại các di tích - văn hóa rất nhiều). Thành phố xác định mục tiêu, bảo vệ sức khỏe và an toàn của người dân là quan trọng nhất. Đặc biệt lưu ý các trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Theo nguyện vọng của đa số giáo viên và phụ huynh học sinh trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các con em và cộng đồng. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên, người dân là số một và theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bàn số 431/BGDĐT-GDTC, ngày 14/02/2020.
Bên cạnh đó, có thêm thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị và điều kiện cần thiết khác trước khi học sinh, sinh viên đi học trở lại bình thường, đảm bảo an toàn sức khỏe, yên tâm phụ huynh học sinh. Vì vậy, thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội quản lý tạm thời nghỉ học đến hết ngày 01/03/2020.
UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã đã tiếp thực hiện phun hóa chất khử khuẩn và vệ sinh tại các trường và nhóm lớp mầm non trên toàn địa bàn thành phố (lần 4) vào các ngày 22-23/02/2020; (lần 5) vào các ngày 29/02-01/03/2020; sẵn sàng tinh thần nỗ lực không để trường hợp nào lây nhiễm, đảm bảo những điều kiện tốt nhất khi học sinh, sinh viên quay trở lại đi học bình thường. Cùng với đó, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân như: Tối thiểu 01 phòng học phải có 01 máy nhiệt kế đo kiểm tra thân nhiệt, nước sát khuẩn hoặc dung dịch, xà phòng rửa tay trước khi học sinh, sinh viên vào và ra khỏi lớp học. Phối hợp Sở Y tế tập huấn 100% giáo viên thành thạo việc kiểm tra thân nhiệt học sinh, nhận biết và có biện pháp xử lý các tình huống khi học sinh có dấu hiệu như (ho, sốt, chảy nước mũi...).
Sở Y tế khẩn trương đôn đốc thực hiện việc mua đúng, đủ vật tư y tế, trang thiết bị đảm bảo chất lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 gây ra bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, hướng dẫn 100% giáo viên tại các trường của thành phố về cách vệ sinh môi trường, khử khuẩn dụng cụ đồ dùng học sinh, vệ sinh cá nhân trước khi vào và ra khỏi lớp học; nhận biết và xử lý kịp thời khi học sinh có dấu hiệu như (ho, sốt, chảy nước mũi...). Thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 trên thế giới để hướng dẫn toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng trong ngành áp dụng điều trị khi có người bị nhiễm dịch bệnh trên địa bàn thành phố...
Về công tác tuyên truyền: Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc và các nước trên thế giới rất phức tạp, một số quốc gia như Singapore và Nhật Bản, Hàn Quốc đã xuất hiện những trường hợp nhiễm bệnh tại chỗ, chưa rõ yếu tố dịch tễ và nguồn lây nhiễm. Thành phố Hà Nội là nơi tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập lây nhiễm cao. Vì vậy, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền vận động, giải thích, hướng dẫn những người nước ngoài, công dân (chuyên gia, công nhân, khách du lịch, sinh viên, học sinh) đi và đến từ các nước có xảy ra dịch trên thế giới thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến Hà Nội khi có dấu hiệu (ho, sốt, chảy nước mũi...) phải thông báo ngay tới các cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Bộ Y tế để được hướng dẫn.
Tiếp tục tuyên truyền người dân để tạo ra sự đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ động phòng ngừa tự giác cách ly, trao đổi thông tin về hành trình của bản thân với những người có trách nhiệm để có phương hướng xử lý. Đối với những công dân (chuyên gia, công nhân, khách du lịch, sinh viên, học sinh) đi và đến từ các nước có xảy ra dịch trên thế giới đến Hà Nội làm việc, lao động và học tập thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo PL&XH
Vietnam Airlines tạm dừng đường bay Việt Nam - Hàn Quốc để phòng dịch Covid-19 Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm dừng khai thác tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 5/3/2020. Hãng hàng không Vietnam Airlines mới đây cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Hàn Quốc, hãng thông báo sẽ tạm dừng khai...