Các tổ chức của LHQ chạy đua với thời gian để ngăn chặn nạn đói ở Somalia
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ) đang “chạy đua với thời gian” để ngăn chặn nạn đói ở Somalia, nơi hơn 200.000 người đặc biệt gặp rủi ro trong bối cảnh hạn hán kỷ lục.
Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong đánh giá mới nhất của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), tổng cộng khoảng 7,1 triệu người – gần một nửa dân số Somalia – đang thiếu ăn, trong đó 213.000 người hiện lâm vào tình thế rất nghiêm trọng và cấp bách.
Ông El-Khidir Daloum, Giám đốc WFP tại Somalia, nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Tình trạng suy dinh dưỡng và đói kém đang đe dọa cuộc sống của những người dễ tổn thương nhất. Chúng ta không thể đợi nạn đói xuất hiện rồi mới hành động. Đó là cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chặn nạn đói”.
Video đang HOT
Về phần mình, đại diện của FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt, kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động khi vẫn còn hy vọng ngăn được nguy cơ nạn đói lan rộng tại quốc gia Đông Phi này. Mặc dù vậy, ông cho biết tính đến nay, mới chỉ huy động được chưa đến 20% số tiền cần để hiện thực hóa hy vọng đó và điều này khiến hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chết đói.
Nhiều mùa mưa liên tiếp đã diễn ra bất thường ở vùng Sừng châu Phi, gây ra đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, từ đó dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực lớn ảnh hưởng đến Kenya, Ethiopia và Somalia. Tại Somalia, ngoài việc thiếu kinh phí nghiêm trọng, các nhóm viện trợ đang phải dồn mọi nguồn lực hiện có để tránh lặp lại nạn đói năm 2011, khiến 260.000 người tử vong. Chưa dừng lại tại đó, hoạt động viện trợ nhân đạo gặp nhiều khó khăn tại nhiều khu vực của quốc gia Đông Phi này, đặc biệt là miền Nam, do có sự hiện diện của các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Kể từ giữa năm 2021, khoảng 3 triệu con gia súc đã chết do hạn hán. Đây là tổn thất vô cùng lớn đối với một quốc gia chủ yếu dựa vào chăn nuôi để mưu sinh. Ngoài ra, giá lương thực tại Somalia cũng tăng vọt do sản lượng trong nước thấp còn chi phí nhập khẩu tăng vọt một phần do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Thêm 40 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng trong năm 2021
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 4/5 cho biết số người đối mặt với tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 193 triệu người trong năm 2021 do xung đột, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người.
Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo thường niên của FAO nêu rõ gần 40 triệu người đã rơi vào cảnh "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" trong năm 2021. Trong số 53 nước phải đối mặt với vấn đề trên, hầu hết người bị ảnh hưởng đang sống tại CHDC Congo, Ethiopia, Yemen và Afghanistan - nơi hàng triệu người đối mặt với tình trạng thiếu ăn khi nước này chìm trong khủng hoảng tài chính sau khi Taliban giành quyền kiểm soát từ giữa năm 2021.
LHQ xác định "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" là khi một người không có khả năng ăn uống đầy đủ khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm. FAO cho biết: "Tình trạng thiếu ăn này có nguy cơ trở thành nạn đói và làm nhiều người chết hàng loạt".
Con số đang tăng bền vững kể từ khi báo cáo đầu tiên được FAO, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Liên minh châu Âu (EU) công bố năm 2016. Mức tăng năm 2021 "là do sự cộng gộp của 3 nhân tố gồm xung đột, thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế", làm 53 quốc gia bị ảnh hưởng. Cụ thể, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng tại 24 quốc gia, ảnh hưởng đến 139 triệu người. Các cú sốc kinh tế, càng tồi tệ hơn do tác động của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tới 30,2 triệu người tại 21 quốc gia. Điều kiện thời tiết cực đoan là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực nghiệm trọng của 23,5 triệu người ở 8 nước châu Phi.
Dù báo cáo không tính đến xung đột tại Ukraine, FAO cho biết đây là nhân tố "tác động lớn nhất đến các cuộc khủng hoảng lương thực và những nước đứng bên bờ vực nghèo đói".
Nga và Ukraine là các nhà xuất khẩu chính các loại nông sản quan trọng từ lúa mỳ đến dầu hướng dương và phân bón. FAO từng dự báo rằng cuộc xung đột này sẽ đẩy giá lương thực thế giới lên mức cao nhất từ trước tới nay. FAO nhấn mạnh: "Xung đột tại Ukraine đã khẳng định bản chất phụ thuộc lẫn nhau và sự mong manh của các hệ thống lương thực toàn cầu".
FAO cho biết rằng một số nước đang ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực chính đã có được hầu hết lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Nga và Ukraine trong năm ngoái, trong đó có Somalia, CHDC Congo và Madagascar. FAO cảnh báo "triển vọng phía trước không tốt. Nếu không làm nhiều hơn để hỗ trợ các cộng đồng nông thôn, mức độ thiếu ăn và mất kế sinh nhai sẽ rất kinh khủng". FAO nhấn mạnh "cần hành động nhân đạo khẩn cấp ở quy mô lớn để ngăn điều này xảy ra".
FAO cho biết cần 1,5 tỷ USD để ổn định và tăng sản xuất lương thực tại các vùng có nguy cơ, đồng thời nhấn mạnh: "Không còn thời gian để lãng phí".
Somalia tiêu diệt chỉ huy cấp cao của nhóm khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda Ngày 5/6, Lực lượng Quân đội Quốc gia Somalia (SNA) tuyên bố đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của nhóm khủng bố AL-Shabaab có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda này trong một chiến dịch ở khu vực Tây Nam nước này. Binh sĩ Quân đội Quốc gia Somalia tại hiện trường một vụ tấn công của nhóm phiến...