Các tính năng nổi bật trên Volkswagen Touareg
Với giá 115.500 USD tại Việt Nam, mẫu SUV của Volkswagen sở hữu những tính năng hàng đầu trong lĩnh vực xe địa hình như chống bó cứng phanh ABS Plus, khóa vi sai điện tử EDL và động cơ diesel 5 xi-lanh.
Touareg là một trong số ít mẫu SUV nhập khẩu trang bị đầy đủ các phương tiện cho khả năng vượt địa hình. Xe do World Auto phân phối chính hãng.
Chống bó cứng phanh ABS Plus
Về cơ bản, ABS Plus có nguyên lý hoạt động giống như các loại chống bó cứng phanh thông thường. Nghĩa là nếu một trong các bánh xe quay chậm hơn so với tốc độ xe đang đi, và gần như sắp bị bó cứng, hệ thống sẽ giảm áp suất phanh lên bánh này. Tài xế có thể cảm nhận hệ thống hoạt động bằng sự dao động của bàn đạp phanh và tiếng động phát ra.
ABS Plus được đăng ký phát minh cho VW. Ảnh: VW.
Khi ABS kích hoạt, hệ thống bơm thủy lực sẽ tác động vào má phanh để nó nhả ra-bóp vào khoảng 15 lần mỗi giây. Do đó, xe vừa có thể dừng lại mà không bị mất lái.
Video đang HOT
Để mở rộng tính năng của ABS ở các loại địa hình phức tạp, Volkswagen đã nghiên cứu và phát minh ra hệ thống mang tên ABS Plus. Về tổng thể, ABS Plus sẽ tự động kích hoạt khi xe di chuyển trên mặt đường khó (như tốc độ dưới 5 km/h và vi sai trung tâm khóa).
Ở chế độ này, hệ thống sẽ khóa cách bánh trong một thời gian ngắn, trước khi nhả phanh. Thời gian này đủ để các hạt cát hay sỏi hình thành một cái “nêm” trước bánh. Nhờ đó, độ bám đường tăng lên và tăng hiệu quả phanh. Theo thử nghiệm của Volkswagen, với ABS Plus, xe giảm được 20% quãng đường phanh trên mặt đường khó.
Khóa vi sai điện tử EDL
EDL (Electronic Differential Lock) thực ra không ám chỉ tới khái niệm “khóa vi sai – Differential Lock” ở các cầu thông thường. Đây là cách gọi mà Volkswagen áp dụng cho công nghệ của mình. Nói đúng ra, EDL là giải pháp giảm mức độ sai lệch (differential) về tốc độ quay giữa các bánh. Khi phát hiện bánh bên phải và bên trái, của cùng một trục, quay với tốc độ chênh nhau quá lớn, EDL sẽ sử dụng hệ thống phanh ABS để phanh bánh quay nhanh (thường do bị trượt) và dồn mô-men xoắn về phía bánh xe quay chậm, nhằm tăng độ bám đường.
Để ngăn phanh đĩa bị quá nhiệt, hệ thống EDL tự động ngắt nếu quá tải. Xe sẽ vận hành như xe không có trang bị EDL. Chức năng EDL tự động hoạt động trở lại khi phanh nguội.
Hệ thống 4 bánh chủ động 4xMotion
Volkswagen đặt tên cho hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD của mình là 4xMotion (trên một vài dòng xe, nó được gọi là 4Motion). 4xMotion hoàn toàn tự động và không cần sự can thiệp của tài xế. Lực truyền động từ động cơ được truyền liên tục tới 4 bánh. Vi sai chịu trách nhiệm điều chỉnh lực truyền tới các cầu xe phụ thuộc cách tài xế lái và điều kiện đường sá.
Tài xế có thể lựa chọn các chế độ bình thường (High), tốc độ chậm (Low), khóa vi sai trung tâm hoặc tự động (Auto Diff) thông qua nút xoay.
Hệ thống 4xMotion với núm điều chỉnh các chế độ Low, High và khóa vi sai trung tâm. Ảnh: Trọng Nghiệp.
Chế độ chậm (Low) hỗ trợ xe đạt được độ bám đường tốt, thích hợp với những địa hỉnh hiểm trở, lên dốc đứng hoặc kéo thêm xe khác trên điều kiện địa hình. Việc cài đặt số này không được dùng ở đường bình thường vì ảnh hưởng tới các hệ thống khác.
Ngoài chế độ này, người lái còn có thể chọn chế độ khóa vi sai trung tâm. Vi sai trung tâm có vai trò cân bằng sự khác biệt tốc độ giữa cầu trước và sau. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống bộ phận này ngăn không cho xe lấy lại độ bám nếu một cầu bị mất độ bám trên mặt đất trơn mặc dù cầu kia trên mặt đất cứng.
Khi đó, chỉ cần khóa vi sai lại, hai cầu bị khóa cùng nhau. Mô-men xoắn được phân bổ đồng đều nên xe có thể lấy lại độ bám (nhờ cầu nằm trên mặt đất cứng).
Nhờ thiết kế góc tới và góc thoát hợp lý, cùng sự hỗ trợ của các công nghệ nên Touareg có thể vượt dốc cao 45 độ, nghiêng 35 độ và lội nước sâu 0,5 m.
Động cơ diesel 5 xi-lanh
Touareg là một trong những mẫu xe đầu tiên mang tới khái niệm 5 xi-lanh thẳng hàng (I5) tới người tiêu dùng Việt Nam. Trước đó, phổ biến nhất chỉ là loại 4 xi-lanh thẳng hàng (I4) hoặc 6 xi-lanh thẳng hàng (I6). Ngay cả trên thế giới, I5 cũng chỉ phổ biến ở châu Âu vài năm gần đây. Các nhà sản xuất nổi bật là Volkswagen và Volvo.
Động cơ 5 xi-lanh được cho là sự kết hợp tốt giữa hai loại I5 và I6. Nó dễ chế tạo, ít phức tạp hơn so với I6 nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu nhỉnh hơn I4 chút ít. Tuy nhiên, do số xi-lanh lẻ nên động cơ bị rung khi ở vòng tua cao, vì thế, kỹ thuật chống rung cũng phức tạp hơn.
Volkswagen trang bị trên Touareg R5 loại động cơ dung tích 2,5 lít tăng áp turbin, công suất 174 mã lực tại vòng tua 3.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 400 Nm tại vòng tua 2.250 vòng/phút. Theo thử nghiệm của Volkswagen, Touareg mất 11,6 giây để tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí xuất phát. Tốc độ tối đa 183 km/h.
Trọng Nghiệp
Theo vnexpress