Các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa
Ngày 5-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn về việc tái thiết sản xuất sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Nước lũ dâng cao ở xã Hòa Tiến ( Hòa Vang, Đà Nẵng) khiến hoa màu bị ngập nặng. Nguồn: TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống. Về vắc xin và hóa chất khử trùng, tổng nhu cầu các địa phương là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp báo cáo Chính phủ hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Đến nay, đã hỗ trợ cấp phát cho các tỉnh miền Trung được 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống và hỗ trợ 30.000 liều vắc xin, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng.
Video đang HOT
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung như: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi… ước tính giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Trước mắt, các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ vừa qua như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quân khu IV và V sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm.
Tại cuộc họp bàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngay khi các tỉnh miền Trung bị mưa lũ, Bộ đã liên hệ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động được hơn 1,1 triệu con giống gia cầm, 300.000 tấn thức ăn chăn nuôi và vắc xin, thuốc thú y… để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Chăn nuôi gia cầm sẽ được chú trọng vì có chu kỳ sản xuất ngắn, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm để người dân có sinh kế và tái sản xuất cho những chu kỳ sau.
Ngoài ra, để phát triển chăn nuôi, các địa phương phải khử trùng, tiêu độc, bảo đảm môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Bộ giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương.
Về nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản kết hợp với lực lượng thú y tổ chức hướng dẫn làm sạch môi trường, quan trắc môi trường nuôi bảo đảm các thông số mới, khuyến cáo người dân đưa con giống vào sản xuất. Các địa phương cũng sẽ huy động lực lượng tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình để tạo sức lan tỏa ở các địa phương nhằm khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Nghệ An: Hưng Nguyên có 4.371 hộ dân bị nước lũ vào nhà
Toàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 4.371 hộ dân bị ngập lụt. Đặc biệt, toàn bộ 11 xóm của xã Hưng Trung bị ngập nặng, trong đó có 50% số hộ bị ngập sâu trên 70cm, các tuyến đường bị chia cắt...
Theo số liệu báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB huyện Hưng Nguyên cho thấy, tính đến 16h ngày 30/10, trên địa bàn huyện có 45 xóm bị ngập, với 4.371 hộ dân bị nước vào nhà. Trong đó, có khoảng 710 hộ bị nước ngập vào nhà từ 1-1,5m. Đặc biệt, toàn bộ 11 xóm của xã Hưng Trung bị ngập nặng. Có 85% hộ dân nước đã vào nhà, 50% số hộ bị ngập sâu trên 70 cm, các tuyến đường hầu hết bị chia cắt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đi kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên
Trước diễn biến phức tạp của lũ lụt, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên đã trực tiếp xuống chỉ đạo chính quyền địa phương tiến hành di dời 543 người dân bị ngập nước sâu ở các xã Hưng Trung, Long Xá, Châu Nhân đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức cho nhân dân kê gác tài sản lên cao.
Đến chiều tối 30/10, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã ngớt mưa, nhưng nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, mà vẫn đang lên chậm. Người dân ở các vùng trũng, ngoài đê 42 đang khẩn trương chạy đua với thời gian và đêm tối để kê gác tài sản. Đặc biệt là "sơ tán", di chuyển gia súc, gia cầm lên đê 42 để đề phòng lũ tiếp tục dâng cao. Ngay trong đêm 30/10, người dân xã Hưng Lợi đã phải dựng rạp, làm lều trên đê 42 để đưa trâu bò lên tránh lũ.
Lũ lụt tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hưng Nguyên đã phân công lực lượng về ứng trực và chỉ đạo tại các tuyến, các xã bị ngập và sạt lở đất. Huy động lực lượng vũ trang phối hợp với các địa phương sẵn sàng giúp dân sơ tán trong trường hợp nước ngập sâu. Các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền nhân dân về ảnh hưởng của đợt mưa lũ, chủ động các phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để tránh lũ, người dân xã Hưng Lợi đã đưa trâu bò lên bờ Đê 42 trú ấn
Hiện tại, mực nước ở các sông dâng cao, nếu trời tiếp tục mưa sẽ có nguy cơ gây ngập trên diện rộng. Do đó, lãnh đạo huyện đang khẩn trương chỉ đạo triển khai các phương án đối phó với thiên tai, mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Hàng loạt hồ thủy điện, thủy lợi ở Nghệ An bắt đầu xả lũ Do mưa lớn nên nhiều hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt đầu xả lũ. Do ảnh hưởng của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ 29 - 31/10, trên địa bàn Nghệ An có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt. Vì vậy,...