Các tỉnh miền Trung còn mất điện trên diện rộng
Tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là hai địa phương tâm bão số 11 đi qua và việc khôi phục lưới điện để phục vụ nhiệm vụ chống bão cũng như sinh hoạt của người dân rất khó khăn do thiệt hại của ngành điện khá nặng.
Theo thông tin từ Điện lực Quảng Nam và Đà Nẵng đến chiều tối ngày 15/10, vẫn chưa thể khôi phục điện dùng cho sinh hoạt của người dân. Chỉ có một số cơ quan trọng yếu như Bệnh viện, trung tâm hành chính, nhà máy nước được khôi phục lại điện.
Cây đổ vào trạm biến áp do bão số 11 tại Đà Nẵng
Tại tỉnh Quảng Nam, lúc 0h15 phút ngày 15/10 hàng loạt sự cố đường dây 15, 22 và 35kV gây mất điện toàn bộ địa bàn tỉnh. Đến 5h10′, toàn bộ lưới điện tỉnh Quảng Nam bị cô lập. Đến 11h38′ trưa 15/10, điện được khôi phục tại 1 số đường dây ưu tiên, phụ tải quan trọng như nhà máy nước, Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; các trung tâm hành chính huyện Núi Thành, Đại Lộc, Nam Giang, Thăng Bình, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam…
Đến 15h ngày 15/10, điện đã được khôi phục tại 67/2.500 trạm phụ tải (chiếm 10% công suất). Theo lãnh đạo Điện lực Quảng Nam, chỉ có thể đóng điện đến trạm biến áp nhưng không thể đóng điện đến nhà dân vì chưa an toàn. Khi nào thật sự an toàn mới được đóng điện.
Hiện chưa có báo cáo thiệt hại về điện nhưng thống kê ban đầu, đã có 58 trạm 22kV, 3 trạm biến áp bị nghiêng, đứt cong xà, vỡ sứ, 69 trạm hạ thế bị gãy, dây đứt tại nhiều vị trí. Riêng công suất, sản lượng bị mất khoảng 1,8 triệu kW/h.
Ngay sau khi bão tan, công nhân điện lực đã tiến hành khôi phục lưới điện
Tại TP Đà Nẵng, theo Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), đến 18h30 ngày 15/10, các khu vực phụ tải trọng yếu đã được khôi phục điện trở lại như Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Sản nhi, nhà máy nước Đà Nẵng, trụ sở Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng.
Video đang HOT
Ngoài ra, toàn bộ lưới điện 110kV đã được đóng điện trở lại, còn các lưới điện trung và hạ áp đang được kiểm tra trước khi đóng điện. Bên cạnh đó, các tuyến phố chính trung tâm quận Hải Châu, Thanh Khê cũng đã được đóng điện.
Ước tổng công suất đã khôi phục cấp điện khoảng 15MW/260MW (5,8%). Các khu vực còn lại hiện đơn vị đang huy động toàn bộ lực lượng, khẩn trương kiểm tra xử lý để khôi phục phụ tải nhanh nhất có thể.
Theo ông Nguyễn Thành – Phó Tổng Giám đốc EVNCPC, đến ngày 16/10 sẽ phục hồi các phần còn lại. “Công nhân kiểm tra xong tuyến nào thì đóng điện tuyến đó, không để người dân mất điện lâu”, ông Nguyễn Thành nói.
Để đẩy nhanh tiến độ khôi phục lưới điện tại TP Đà Nẵng, ông Thành cho biết đã điều thiết bị và phương tiện từ các địa phương không bị ảnh hưởng của bão giúp Đà Nẵng khôi phục lưới điện để sớm đưa hoạt động của địa phương trở lại bình thường.
Tại tỉnh Quảng Ngãi đến chiều 15/10 đã khôi phục phần lớn phụ tải các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Minh Long. Hiện còn mất điện tại các huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây.
Theo EVNCPC, tại tỉnh TT-Huế đến chiều 15/10 đã khôi phục điện ở 4 phường thuộc thành phố Huế. Hiện nay còn mất điện tại các hyện Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Thủy, 7 xã thuộc huyện Phú Vang, 5 xã thuộc huyện Hương Trà, 6 xã thuộc huyện Quảng Điền, 2 xã thuộc huyện Phong Điền, các đơn vị đang khẩn trương kiểm tra để khôi phục. Ước tổng công suất đã khôi phục cấp điện 120MW/160MW (75,0%).
Công Bính
Theo Dantri
Cả vườn cao su tan tác như bị dội bom!
"Nghe tiếng cây đổ mà lòng tan nát. Cả đêm không ngủ, tui ứa nước mắt cầu trời cho cây không bị làm sao. Nhưng đến sáng ra đi xem vườn thì tất cả đã như mất sạch".
Đến huyện miền núi Nam Đông vào chiều 15/10 sau khi cơn bão 11 vừa mới đi qua, thiệt hại chính ở huyện này là cây cao su - "vàng trắng" của vùng đất này. Hộ ông Trần Hữu Quang (thôn 10, xã Hương Hòa) đã bị đổ gãy hết gần 300 cây cao su đang thời kỳ thu hoạch. Ước chừng mỗi tháng ông Quang thu từ 3 đến 5 triệu đồng tiền mủ cao su. Số tiền này để nuôi 2 đứa con đang còn đi học.
"Chừ đổ hết rồi tui không biết làm sao nữa. Nhà còn nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng chưa trả. Những thân cây đổ răng rắc trong đêm tối, rạng sáng. Chúng tôi không biết phải làm răng. Nghe tiếng cây đổ mà lòng tan nát. Cả đêm không ngủ, tui ứa nước mắt cầu trời cho cây không bị làm sao. Nhưng đến sáng ra đi xem vườn thì tất cả đã như mất sạch" - ông Quang xót xa.
Ở vườn của chị Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi, ở cùng xã Hương Hòa) với 1 hecta cao su đã bị bão làm gãy hết gần như toàn bộ. Dẫn chúng tôi vào vườn cao su đang còn tươm nhựa trắng. Những gốc cây to, mập chỉ mới trồng 7 năm chứng tỏ bàn tay khéo léo, nguồn đất tốt tươi ở đây. Nhưng giờ đây đã không còn gì. Mỗi tháng chị Hòa thu vào được từ 10 đến 15 triệu cho 1 hecta mủ. Số tiền đó để nuôi con, giúp chồng và trang trải phí sinh hoạt gia đình. Ngồi bần thần bên vườn cao su đô rạp như vừa bị bom đạn dội trúng, chị Hòa không nói nên lời.
Rất nhiều trường hợp khác như chị Ngô Thị Thu với 3 hecta đã bị đổ ngã, ông Dương Đình Nhót hơn 1 hecta... đi đâu cũng thấy cao su ngã rạp mà xót cả lòng. Hầu hết bà con đều đang mắc nợ từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Cơn bão Xangsane 2006 đã từng thổi bay hơn 600 hecta cao su ở đây. Nay tình trạng trên lại tái diễn làm bà con chưa thu hoạch được vài mùa mà phải mất hết, vì bão.
Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông trao đổi nhanh, thống kê ban đầu, có hơn 160 hecta cao su của 3 xã Hương Giang (30ha), Hương Phú (hơn 40ha), Hương Hòa (50ha) bị gãy, đô, bật gốc. Huyện co hướng xóa đói giảm nghèo là cây cao su. Nay tâm lý người dân không biết trồng gì ngoài cao su.
"Trước mắt sẽ phối hợp cùng Ban chỉ huy quân sự tỉnh đến dựng gốc cao su lên (đối với cây bật gốc) để chăm sóc. Khoảng 3 năm sau có thể thu hoạch được dù năng suất giảm bằng một nửa khi trước. Các cây gãy ngang thì cưa lại, sau bôi thuốc có thể ra chồi lại. Mong nhà nước quan tâm khoanh nợ, giãn nợ cho dân trồng cao su bị thiệt hại do bão" - ông Bình nói.
Hiện toàn huyện Nam Đông có khoảng 3.585 hecta cao su, trong đó số đưa vào khai thác là hơn 2.000 hecta. Ước tính mỗi hộ ở huyện có khoảng 0,5 hecta; tổng số dân có cao su là hơn 60.000 hộ. Đây là huyện trồng cao su nhất nhì tỉnh TT-Huế và bị thiệt hại khá nặng trong trận bão số 11 vừa quét qua.
Bão số 11 cũng gây ra thiệt hại cho huyện trên 27 tỷ đồng. Ngoài cây cao su chính, còn bị gãy đổ hơn 370 ha keo. Chuối bị thiệt hại hơn 60ha. Các đường dây điện trung và hạ thế bị đứt; và hơn 60 nhà bị tốc mái.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận của PV Dân tri chiều 15/10 tại Nam Đông:
Những gốc cao su rất to bị gãy lìa ngang thân
Những dòng nhựa trắng rỉ ra như máu
Những gốc cây bằng một người ôm
Một số nhà bị cây đè vào làm sập mái.
Đại Dương
Theo Dantri
Bão gây sự cố đường dây 500kV, mất điện diện rộng Bão Nari đã khiến hệ thống truyền tải điện 500kV bị sự cố, làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia, và khiến 10 nhà máy điện ngừng hoạt động khẩn cấp. Bão Nari đã khiến hệ thống truyền tải điện 500kV bị sự cố (Ảnh minh họa) Ngày 15/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vào lúc 22h25...