Các tỉnh kiểm soát người về từ TP HCM ra sao?
Bộ Y tế yêu cầu người về từ TP HCM cách ly tại nhà 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, song nhiều địa phương đang kiểm soát chặt chẽ hơn.
Hoàng Linh đáp chuyến bay từ Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống Nội Bài, Hà Nội, chiều 8/7, tám tiếng trước khi TP HCM cách ly theo Chỉ thị 16.
Linh trải qua đợt cách ly tập trung 21 ngày tại Sài Gòn, sau chuyến công tác nước ngoài hồi giữa tháng 6. Đợt cách ly kết thúc vào chiều hôm qua, anh cầm giấy xét nghiệm chứng nhận âm tính Covid-19 ra sân bay Tân Sơn Nhất về Hà Nội.
Từ 7/7, Hà Nội quy định những người từ TP HCM về tự cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ba lần. Sau thời gian trên, người đó phải tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày nữa và hạn chế đến nơi đông người. Thống kê trên phần mềm tokhaiyte.vn từ 23/6 – 7/7, Hà Nội có hơn 6.000 người về từ TP HCM. Sở Y tế giao CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR những người này.
Khi về Hà Nội, anh Linh đã tự liên hệ với một khách sạn có thu phí để cách ly 7 ngày. Việc khai báo với y tế phường và liên hệ lấy mẫu xét nghiệm, khách sạn sẽ lo. Người đàn ông 40 tuổi chưa dám về nhà dù có phòng riêng. Anh muốn giữ an toàn tuyệt đối cho vợ và hai con nhỏ, bởi cách ly tại nhà dù có chấp hành nghiêm túc đến mấy thì vẫn sẽ có sự tiếp xúc ở một mức độ nào đó.
Một gia đình làm thủ tục rời TP HCM tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 8/7. Ảnh: Lâm Thỏa
Quy định nêu trên của Hà Nội cũng là yêu cầu chung mà Bộ Y tế hôm 7/7 đưa ra cho các tỉnh, thành . Song mỗi địa phương đang thực hiện khác nhau. Thay vì cách ly tại nhà 7 ngày với người trở về từ TP HCM, Hưng Yên cách ly tại nhà 21 ngày, trước nhà người đó treo biển “Điểm cách ly y tế tại nhà” và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần có thu phí.
Hàng loạt địa phương khác yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày với người về từ TP HCM, như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Đại diện ngành y tế Vĩnh Phúc cho rằng, nhờ chủ động đề ra biện pháp phù hợp, trong hai ngày qua tỉnh đã phát hiện hai trường hợp nghi nhiễm, đi trên các chuyến bay khác nhau từ TP HCM về Hà Nội vào đêm 7/7 và trưa 8/7. Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đón những người này từ sân bay Nội Bài về khu cách ly tập trung, điều tra dịch dễ và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính nCoV.
Hành khách mặc bảo hộ trước khi lên máy bay rời TP HCM, chiều 8/7. Ảnh: Lâm Thỏa
Tại Đà Nẵng, chính quyền tái thiết lập 15 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và hàng không, từ cuối tháng 5.
Video đang HOT
Ga Đà Nẵng 14h chiều 9/7 vắng vẻ khi chuyến tàu SE khởi hành từ ga Sài Gòn không hoạt động như lịch trình dự kiến. Một bảo vệ nhà ga cho biết, những ngày gần đây rải rác người từ TP HCM và các địa phương có dịch về Đà Nẵng. Mỗi chuyến chỉ 2 – 3 người. Ngay khi xuống ga, người Đà Nẵng được kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế vả đưa đi cách ly tập trung tại khu ký túc xá của thành phố.
“Những người không phải công dân Đà Nẵng được hướng dẫn cách ly ở các khách sạn, tự phải trả phí, giá trên dưới một triệu đồng mỗi ngày”, nhân viên bảo vệ nói thêm.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà, những ngày qua nhân viên y tế đã “liên tục liên lạc với các tổ Covid cộng đồng để gõ cửa từng nhà, tìm người về từ TP HCM để đưa đi cách ly, ngăn chặn mầm bệnh”.
Một chốt kiểm soát người ra vào tại Đà Nẵng dùng mã QR, tháng 7/2021. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện các khu cách ly tập trung đã quá tải, do vậy thành phố giao ngành du lịch tìm các khách sạn đáp ứng yêu cầu để cách ly người về từ vùng dịch. Mức giá do khách sạn tính toán và đưa ra cho khách lựa chọn. Những người nghèo, không có điều kiện thì Đà Nẵng sẽ đưa vào các khu cách ly tập trung.
“Việc người từ vùng dịch về cách ly tại khách sạn sẽ giảm bớt áp lực cho thành phố ở những khu cách ly tập trung”, ông Chinh giải thích.
Theo thống kê trong ngày 8/7, có 34 người TP HCM, hai người Bình Dương và bảy người Quảng Ngãi đến Đà Nẵng và được đưa đi cách ly tập trung ngay. Cộng dồn đến nay đang có hơn 400 người từ vùng dịch cách ly tập trung tại thành phố.
Ngoài ra, ông Lê Trung Chinh cho hay thời gian tới người dân đang ở TP HCM nếu phát sinh nhu cầu về Đà Nẵng có thể đăng ký với chính quyền để tổng hợp danh sách, đưa về địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những trường hợp về địa phương theo diện giải cứu có kế hoạch, số lượng cụ thể, thành phố sẽ đón và đưa về nhà để tự cách ly 7 ngày. Những người tự ý di chuyển về, dịch tễ khó xác minh, chính quyền buộc đưa đi cách ly tập trung 21 ngày để chủ động phòng dịch, không để “vỡ trận”.
Chủ tịch Đà Nẵng nói không cấm người dân về lại địa phương, không đóng đường bay, ga tàu… Nhưng trong bối cảnh Đà Nẵng đang còn dịch, toàn thành phố đã “gồng mình” chống dịch thời gian qua, người dân khi về nên đồng lòng, chia sẻ nếu phải dùng khách sạn để cách ly.
“Thành phố sẽ không bỏ rơi ai hết”, ông Chinh khẳng định, nói thêm trong trường hợp người dân các tỉnh lân cận, như Thừa Thiên Huế nếu từ TP HCM về đến Đà Nẵng thì thành phố không phân biệt quê ở đâu, sẵn sàng hỗ trợ cách ly nếu có nhu cầu.
Bắc Giang chia những người về từ TP HCM thành hai nhóm. Người nào không khai báo rõ ràng, hoặc có yếu tố dịch tễ thì tỉnh đưa đi cách ly tập trung, tự trả phí đủ 21 ngày. Những người còn lại cách ly tại nhà 14 ngày. Hết ngày 8/7, tỉnh rà soát được 165 người từ TP HCM về Bắc Giang.
Hai hôm nay, công việc của ông Nguyễn Văn Đăng, tổ trưởng Covid cộng đồng Tổ dân phố 3, xã Nam Dương, Lục Ngạn (Bắc Giang), thêm một nhiệm vụ là tìm hiểu xem gia đình nào có người nhà đang ở TP HCM hoặc từ thành phố về. Theo chủ trương của tỉnh, xã phường sẽ thông báo cho các gia đình trên địa bàn, đề nghị người thân ở lại TP HCM và các vùng có dịch, chưa di chuyển về Bắc Giang lúc này.
Tổ Covid cộng đồng có ba người, phụ trách 21 hộ dân. Một gia đình có vợ đang trong Sài Gòn với con gái. Bà đi trông cháu từ cuối tháng 2. Ông Đăng vận động chủ hộ nhắn vợ chưa về đợt này. “Họ cũng đồng tình, vì lúc này đi lại tàu xe dễ lây nhiễm. Chưa kể về địa phương cũng phải cách ly”, ông Đăng nói.
Trước đó, sáng 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc, yêu cầu người từ TP HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.
Bộ cũng đề nghị TP HCM trao đổi, thống nhất với các tỉnh, thành phố trước khi đưa người từ thành phố về các địa phương khác; bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Tâm dịch ở TP HCM khi tổng ca nhiễm nCoV nhiều nhất nước
Số ca dương tính ở TP HCM đang nhiều nhất cả nước, vượt mốc 6.000 trong một tháng rưỡi bùng phát dịch, cao hơn Bắc Giang.
Số ca nhiễm nCoV tại TP HCM đã tăng gần 1.100 ca, từ 4.938 lên 6.034 tính từ sáng 3/7 đến chiều 4/7, theo công bố của Bộ Y tế. Phần lớn ca nhiễm đã được truy vết, trong vùng cách ly, phong tỏa. Song cũng có một số ca cộng đồng đang phải truy vết nguồn lây.
"Tập trung cao nhất chống dịch tại TP HCM", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong cuộc họp bàn biện pháp chống dịch với một số tỉnh, chiều 4/7.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đợt dịch này với những diễn biến chưa từng có tiền lệ. Nhưng càng khó khăn càng phải đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhau. Tình hình dịch tại TP HCM ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, việc phòng chống cũng phức tạp hơn nên phải ưu tiên xử lý. Hai phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Trương Hòa Bình được giao trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương này.
Phút nghỉ ngơi của nhân viên y tế TP HCM trong nhà thi đấu Phú Thọ, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá TP HCM đang gặp khó trong chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng . HCDC đang quá tải, thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố tổ chức lại vấn đề xét nghiệm, lập các bộ phận xét nghiệm tại quận huyện và giao về địa phương tự điều phối.
Bộ khuyến cáo thành phố tăng sử dụng test kháng nguyên nhanh, kết hợp với xét nghiệm gộp mẫu và rút ngắn thời gian trả kết quả trong 6 giờ. Ngành y tế dự báo thời gian tới TP HCM còn ghi nhận các ca nhiễm mới do mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, đặc biệt ở các khu nguy cơ cao như nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu test nhanh kháng nguyên, máy xét nghiệm PCR cùng kỹ thuật viên vận hành máy. Ông Phong cho biết thành phố đang đàm phán mua 1,4 triệu test nhanh kháng nguyên, tập trung khắc phục hạn chế về tổ chức, năng lực và đội ngũ xét nghiệm.
Trong công thức chống dịch 3T của thế giới gồm Test - Track - Treat (Xét nghiệm - Truy vết - Điều trị), xét nghiệm được coi là mắt xích đầu tiên. Ngành y tế thành phố nhìn nhận "cần chấn chỉnh lại công tác xét nghiệm". TP HCM sẽ lập Trung tâm điều hành xét nghiệm Covid-19 do một phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách, nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt. Mỗi quận huyện bổ sung thêm hàng chục nhân lực để đẩy nhanh tốc độ truy vết.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đề xuất tổ chức lại hai quy trình, gồm xét nghiệm và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ, truy vết các F. Cả hai bước này đều cần phải tổ chức lại khoa học hơn. Việc lấy mẫu sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, phân chia giờ giấc, giãn cách hợp lý. Người lấy mẫu phải chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và trang bị vật tư đầy đủ. Công tác tổ chức lấy mẫu phải đúng diện, tập trung khu vực trọng điểm.
Thí sinh thi THPT quốc gia tại TP HCM xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm, ngày 4/7/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Nằm cạnh TP HCM, người lao động Đồng Nai hôm qua đã ùn ùn đến bệnh viện làm xét nghiệm, một ngày trước khi quy định người qua lại TP HCM, Bình Dương làm việc phải có kết quả âm tính trong vòng 7 ngày của tỉnh này có hiệu lực, từ 5/7. Hàng nghìn công nhân lao động, phụ huynh đưa con đi xét nghiệm trước kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều người chen lấn đăng ký test nhanh khiến chính quyền địa phương phải cử lực lượng giữ trật tự, yêu cầu giãn cách để phòng dịch.
Trong khi đó chỉ 10 ngày bùng phát dịch, từ 24/6, Phú Yên đã ghi nhận tổng cộng 301 ca dương tính. 21 ca chưa được Bộ Y tế công bố, xem như nghi nhiễm. Tỉnh thành lập thêm 4 cơ sở cách ly tập trung và 3 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Toàn tỉnh đang giãn cách xã hội từ ngày 27/6.
Chiều mai, khoảng một triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia đợt đầu tiên sẽ làm thủ tục để bước vào hai ngày thi chính thức 7-8/7. Đây không phải là năm đầu kỳ thi phải chia hai đợt, song mang đậm nỗi âu lo của hàng triệu gia đình, khi dịch xuất hiện ở 54 tỉnh thành. Cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, 3/4 trong đó lấy kết quả xét tuyển đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai ngày trước cho biết nếu đến ngày thi mà dịch vẫn diễn biến phức tạp, thí sinh ở địa phương đang giãn cách, cách ly xã hội có thể thi đợt sau.
Gỡ thế bí cho thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM nhưng hiện ở tỉnh, không kịp lên thành phố trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Sở Giáo dục TP HCM ra giải pháp thí sinh ở nơi nào thi nơi đó. Học sinh ngoài công lập có hộ khẩu tỉnh thành khác không kịp lên thành phố thi tốt nghiệp đợt 1 có quyền đăng ký tại địa phương. Song đơn đăng ký phải có sự thống nhất giữa hai Sở Giáo dục Đào tạo địa phương nơi thí sinh ở và TP HCM, thủ tục xong trước 14h ngày 5/7.
Nếu không được sự thống nhất về việc chuyển hội đồng thi, các em có thể đăng ký đợt 2 tại TP HCM. Phần lớn phụ huynh và thí sinh nội trú trường tư thục TP HCM xác nhận với trường sẽ lên thành phố để tham gia thi đợt đầu tiên. Các em ở tỉnh xa đã di chuyển sớm từ ngày 3/7, thí sinh vùng lân cận sẽ đi trong hôm nay hoặc giáp thời gian làm thủ tục.
Diễn tập thi THPT quốc gia tại Hà Nội, tháng 7/2021. Ảnh: Giang Huy
Cách kỳ thi ba ngày, nhiều địa phương phía Nam đã đổi kế hoạch thi THPT quốc gia khi dịch vẫn lan rộng. Phú Yên đã xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh và giáo viên tham dự kỳ thi đợt 1. Bình Thuận test nhanh cho gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi. 262 thí sinh đảo Phú Quý không vào đất liền dự thi như mọi năm và thi tại chỗ. Đề thi được chuyển ra đảo bằng tàu cao tốc, có công an bảo vệ.
Dịch bùng phát ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) khiến 1.265 thí sinh tỉnh này phải chuyển qua thi đợt 2. Bình Định yêu cầu cán bộ, giáo viên không đến nơi khác trước kỳ thi. Hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, công an... phục vụ kỳ thi sẽ được tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm.
Đợt dịch thứ tư đã lan ra 54 tỉnh thành, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ninh Thuận, Bến Tre là hai tỉnh mới nhất ghi nhận ca nhiễm. Cả nước gần 16.500 bệnh nhân Covid-19 đợt này, nhiều nhất TP HCM 6.034 ca, Bắc Giang 5.713 ca.
Tình hình Covid-19 hôm nay 19.6: Lây nhiễm cộng đồng trở lại nhiều tỉnh, 2 ca dương tính tử vong TP.HCM vẫn là điểm nóng trong tình hình Covid-19 hôm nay khi có số ca nhiễm mới cao nhất nước. Nhiều địa phương xuất hiện ca mắc trong cộng đồng trở lại. Hai tỉnh hôm nay có ca mắc Covid-19 tử vong. Tiêm vắc xin tại Khu công nghệ cao TP.HCM hôm nay 19.6 . ẢNH: ĐỘC LẬP Tình hình Covid-19 hôm nay...