Các tỉnh ĐBSCL đã chuẩn bị gì để ứng phó với sự cố vỡ đập tại Lào?
Cơ quan chức năng các địa phương đầu nguồn lũ ở ĐBSCL cho biết, đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn nên việc vỡ đập thủy điện ở Lào không phải lo lắng.
Không có gì bất ngờ
Liên quan đến thông tin vỡ đập thủy điện ở Lào có thể ảnh hưởng đến ĐBSCL, sáng nay (25.7), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, địa phương đầu nguồn lũ ở ĐBSCL này không có gì bất ngờ hết vì kế hoạch đã có từ trước.
“Không phải chờ đến khi vỡ đập thuỷ điện ở Lào mới lo mà trước đó tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn. Kế hoạch này trùng với trường hợp vỡ đập thuỷ điện nên không có gì bất ngờ và lo lắng gì hết. Hơn nữa, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương cũng sẽ không nhiều”.
Diện tích lúa ngoài đê bao ở huyện An Phú (An Giang) bị ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường
Ông Thư nói thêm: “Mình không có tính trước chuyện đập thuỷ điện bị vỡ mà tiên lượng năm nay lũ về sớm hơn cùng kỳ năm trước từ 7-10 ngày và có mưa bão ở phía thượng nguồn Mekong làm cho mực nước ở tỉnh An Giang nói riêng và ĐSBCL nói chung sẽ dâng lên”.
Còn ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì cho hay, hiện mực nước tỉnh này vẫn chưa có gì biến động bất thường. Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai chưa có chỉ đạo cụ thể gì đến địa phương.
“Theo thông tin tôi nắm được thì dung tích của đập thuỷ điện đang xây dựng ở Lào bị vỡ không phải là 5 tỷ m3 nước mà là 500 triệu m3. Với khoảng cách từ biên giới các tỉnh ĐBSCL với khu vực vỡ đập rất xa, nếu nước về tới cũng chỉ dâng lên từ 4-5cm thôi. Với mực nước thấp như hiện nay, cộng thêm chừng 4-5cm nữa thì không có ảnh hưởng gì”.
Cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước
Video đang HOT
Theo phóng viên tìm hiểu, hiện nay, các vùng lúa 3 vụ ở tỉnh An Giang đều đã có cống đập đều an toàn. Riêng vùng lúa, hoa màu (hơn 7.500 ha) nằm ngoài đê bao ở huyện An Phú (An Giang) bị ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường. Trong số diện tích trên, có gần 5.500 ha lúa trong giai đoạn chín đến thu hoạch nhưng bị thiệt hại từ 30%-70%.
Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, đỉnh lũ năm 2018 này sẽ đạt trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 24.10. Trước thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý. Huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ dân thu hoạch lúa.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Huỳnh Văn Tài – Chánh Văn phòng UBND huyện Hồng Ngự (Hồng Tháp) cho hay, trong 2 ngày qua, lãnh đạo huyện đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra các điểm cống đập điều tiết nước mùa lũ này. “Hiện 2/3 diện tích lúa đã được thu hoạch, mực nước cũng đã có hiện tượng dâng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Chúng tôi luôn theo dõi để phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra” – anh Tài nói.
Còn theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì sẽ cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước thường xuyên. Đồng thời, chờ chỉ đạo từ các cơ quan dự báo T.Ư để có hướng xử lý tiếp theo.
“Về các cống đập của địa phương trong điều kiện mưa lũ bình thường vẫn không có vấn đề gì. Tôi chỉ lo ngạy, ở thời điểm đỉnh lũ, cộng thêm việc vỡ đập, triều cường và có mưa bão lớn thôi” – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mekong thông tin với phóng viên Dân Việt: “Có nhiều vấn đề cần phải quan tâm đến việc đập thuỷ điện bên Lào bị vỡ. Vấn đề cần quan tâm đầu tiên là dung tích thật sự là bao nhiêu, từ dung tích đó mới tính được lượng nước về ĐBSCL trong thời gian tới. Nếu nói lượng nước về ĐBSCL khoảng 5cm như các phương tiện thông tin truyền thông truyền tải từ hôm qua tới giờ thì không đáng lo ngạy, thêm vài cm thì không chuyện gì lớn đến vùng này.
Qua quan sát thiệt hại về người trong vụ vỡ đập ở Lào thì đây là chuyện bất ngờ, không kịp trở tay đến mức đáng sợ. Không những vậy, phía truyền thông cho rằng đơn vị xây dựng đập nói không rõ nguyên do tại sao thì đây là thêm 1 sự lo lắng nữa bởi trước khi xây dựng đập thì các tình huống này phải được tính rất kỹ, theo đó các phương án ứng cứu phải được triển khai nhanh không để dẫn đến thiệt hại nặng như vậy.
Từ chuyện vỡ đập này có thể khẳng định từ trước đến giờ, chúng ta lo ngạy về tính an toàn từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn là chính đáng.
Theo Danviet
Cộng đồng quốc tế dốc sức hỗ trợ Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện
Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ chính phủ Lào khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập thủy điện hôm 23/7.
Đội cứu hộ tại tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái Lan chuẩn bị các trang thiết bị tới hỗ trợ người dân Lào (Ảnh: Bangkok Post)
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cho biết nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy vào tối 23/7. Một trong số các phương án được triển khai là cử một đội cứu trợ khẩn cấp tới giúp đỡ các nạn nhân tại khu vực bị ảnh hưởng.
"Tổng thống đã chỉ đạo các biện pháp cấp bách bao gồm cử một đội cứu trợ khẩn cấp trong khi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới vụ việc, vì các công ty của chúng tôi đã tham gia vào quá trình xây dựng đập", Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom, phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay.
Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, một trong số các đơn vị tham gia vào quá trình xây dựng đập Xe-Pian Xe-Namnoy, bước đầu xác định nguyên nhân dẫn tới sự cố vỡ đập là do mưa lớn kéo dài. Công ty này cũng đã phối hợp với chính phủ Lào trong việc sơ tán người dân ra khỏi khu vực ngập lụt.
Báo Vientiane Times cho biết thi thể của 19 nạn nhân đã được tìm thấy trong khi hơn 3.000 người "cần được cứu" và khoảng 2.851 người đã được cứu.
Sau khi nhận được tin về sự cố vỡ công trình đập thủy điện tại Lào, Bộ Ngoại giao Singapore đã gửi lời chia buồn và cho biết sẽ viện trợ cho chính phủ Lào để hỗ trợ khắc phục hậu quả. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo đã liên lạc với phía Lào để đề nghị giúp đỡ và khẳng định Singapore luôn sẵn sàng giúp đỡ Lào bằng mọi cách có thể.
Người dân tại huyện Sanam Xay, tỉnh Attapeu, Lào sơ tán khỏi khu vực ngập lụt do sự cố vỡ đập (Ảnh: Reuters)
Theo Bangkok Post, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan hôm qua cũng đã chỉ đạo lực lượng vũ trang sẵn sàng lên đường hỗ trợ chính phủ Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện. Tướng Prawit yêu cầu lực lượng vũ trang Thái Lan theo dõi sát sao mọi diễn biến liên quan tới sự cố vỡ đập tại Lào để có biện pháp hỗ trợ ngay lập tức.
Bộ trưởng Prawit đã yêu cầu Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan thành lập một phòng đặc biệt để lên sẵn kế hoạch ứng phó. Ngoài ra, lực lượng không quân Thái Lan cũng chuẩn bị sẵn các máy bay tại tỉnh Ubon Ratchanthani để hỗ trợ chuyển hàng cứu trợ tới sân bay Pakse của Lào.
Vào tối qua, tại tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái Lan, một nhóm gồm 30 nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế và thợ lặn đã lên đường tới tỉnh Attapeu của Lào - nơi xảy ra sự cố vỡ đập. Họ đã mang theo các thiết bị cứu hộ như thuyền tới hỗ trợ người dân Lào sơ tán.
Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết sẵn sàng giúp đỡ nếu chính phủ Lào kêu gọi hỗ trợ cho người dân sống ở khu vực xảy ra sự cố vỡ đập. Trong khi đó, chính quyền địa phương tại tỉnh Attapeu mong muốn tiếp nhận thêm các nhu yếu phẩm cần thiết như quần áo, lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân.
Hội Chữ Thập đỏ quốc tế cho biết lương thực đang là vấn đề cấp bách đối với người dân do nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu và tài sản. Hội Chữ Thập đỏ đang lên kế hoạch chuyển các máy lọc nước tới Lào để đảm bảo người dân có nước sạch sử dụng.
Hiện tại công tác cứu hộ đang gặp nhiều thách thức do mưa lớn và gió mạnh vẫn xảy ra tại khu vực bị ngập lụt. Vị trí địa lý xa xôi trong khi các tuyến đường và những cây cầu bị phá hủy khiến việc tiếp cận người dân tại khu vực ngập lụt gặp nhiều khó khăn.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi về vụ vỡ đập thủy điện Lào Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hy vọng Lào sớm khắc phục được hậu quả vụ vỡ đập thủy điện. Trẻ em ngồi trên thuyền trước căn nhà bị ngập của mình tại Attapeu ngày 25/7. Ảnh: AFP. Sau khi biết tin thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy thuộc tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ vào tối 23/7,...