Các thương hiệu điện ảnh đình đám gây tốn bao nhiêu thời gian?
Đã bao giờ bạn tự hỏi nếu liên tục theo dõi từ đầu tới cuối Vũ trụ Điện ảnh Marvel, loạt “ X-Men” hay “ Rocky”, mình sẽ phải sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu thời gian?
Jurassic Park – 600 phút: Loạt phim khủng long bắt nguồn từ Jurassic Park (1993) của đạo diễn Steven Spielberg tới nay đã kéo dài qua năm tập phim, với phần mới nhất là Jurassic World: Fallen Kingdom (2018). Tổng thời lượng thương hiệu lúc này tròn 10 tiếng đồng hồ, trong đó phần ba – Jurassic Park III (2001) – là ngắn nhất khi chỉ dài 92 phút. Tuy nhiên, bộ ba phim khủng long mới của ngôi sao Chris Pratt vẫn còn một tập nữa chưa ra mắt.
Saw - 760 phút: Tập Saw đầu tiên là một tác phẩm “siêu lãi”: tiêu tốn 1,2 triệu USD để sản xuất, nhưng thu tới hơn 103 triệu USD. Hãng Lionsgate không thể bỏ qua cơ hội kiếm tiền và làm thêm bảy tập phim nữa, tạm dành cho loạt phim kinh dị cái kết ở Jigsaw (2016). Nếu liên tục theo dõi toàn bộ thương hiệu, khán giả sẽ phải bỏ ra hơn nửa ngày và thực sự tập trung bởi hệ thống nhân vật và những mối quan hệ hết sức phức tạp.
Rocky – 766 phút: Dài hơn Saw chút ít là loạt phim đấm bốc Rocky xoay quanh nhân vật Rocky Balboa gắn liền với tên tuổi huyền thoại Sylvester Stallone. Tập đầu tiên ra mắt năm 1976 là một thành công đầy bất ngờ, và thậm chí còn thắng giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 1977. Thương hiệu kể từ đó tới nay trải qua rất nhiều thăng trầm. Sau thất bại của Rocky V (1990), Stallone trở lại với nhân vật qua Rocky Balboa (2006) khi đã 60 tuổi để đem đến cái kết xứng đáng cho khán giả. Tuy nhiên, thương hiệu nay được làm mới với loạt ngoại truyện Creed, bắt đầu từ 2015. Năm nay, khán giả chuẩn bị được thưởng thức tiếp Creed II.
Mission: Impossible - 769 phút: Nếu ai đó liên tục theo dõi loạt Nhiệm vụ bất khả thi, thì 6 tập phim gắn liền với tên tuổi Tom Cruise sẽ khiến họ phải bỏ ra 12 tiếng 49 phút. Trải qua hơn 20 năm, tài tử đã cống hiến cho người hâm mộ vô số cảnh hành động mãn nhãn kể từ Mission: Impossible (1996) cho tới Mission: Impossible – Fallout (2018) mới đây. Tom Cruise khẳng định rằng anh đã có ý tưởng cho ít nhất 2-3 tập Nhiệm vụ bất khả thi nữa. Mong là ngôi sao có thể giữ vững sức khỏe và phong độ để phục vụ thương hiệu bởi anh năm nay đã 56 tuổi.
Hellraiser – 892 phút: Các thương hiệu kinh dị thường bị “vắt sữa” đến cạn kiệt, và Hellraiser không phải ngoại lệ khi đến nay đã trình làng tổng cộng 10 tập phim. Chất lượng của các tập không đồng đều, và đây thực tế thường chỉ được xếp vào dạng phim kinh dị “hạng B”. Tuy nhiên, khi theo dõi chuỗi tác phẩm về gã đầu đinh đáng sợ, khán giả có cơ hội bắt gặp nhiều ngôi sao khi còn rất trẻ như Adam Scott hay Henry Cavil
Fast & Furious – 959 phút: Tạm không tính các bộ phim ngắn, 8 tập phim Fast & Furious sẽ khiến khán giả tốn gần 16 tiếng đồng hồ khi theo dõi liên tục. Thương hiệu từng có lúc tưởng như sụp đổ sau The Fast and the Furious: Tokyo Drift (2006), nhưng rốt cuộc được hồi sinh nhờ cuộc tái hợp giữa Vin Diesel và hãng Universal. Kể từ phần bốn – Fast and Furious (2009) – loạt phim hành động tốc độ thu hút lượng khán giả tăng cao qua từng tập phim. Trong đó, Fast & Furious 7 (2015) chính là tác phẩm thành công nhất khi thu 1,151 tỷ USD. Vin Diesel dự tính kết thúc thương hiệu ở Fast & Furious 10 (2021). Song, thương hiệu trong năm sau sẽ được mở rộng bằng phần ngoại truyện Hobbs & Shaw với hai nhân vật của Dwayne “The Rock” Johnson và Jason Statham.
Video đang HOT
Star Wars – 1.079 phút: Hẳn không ít fan cuồng của Chiến tranh giữa các vì sao đã thử ngồi theo dõi liên tục toàn bộ thương hiệu. Nếu chỉ tính các phim điện ảnh chính, họ sẽ phải mất gần 18 tiếng đồng hồ. Còn nếu muốn xem thêm cả các phim phụ truyện, quãng thời gian có thể lên tới hơn 22 tiếng. Sau thất bại phòng vé mới đây của Solo: A Star Wars Story (2018), thương hiệu dự kiến có màn trở lại mạnh mẽ với Star Wars IX trong cuối 2019.
X-Men – 1.345 phút: Thương hiệu phim dị nhân của Fox có cốt truyện tương đối phức tạp, và đôi lúc các nhà sản xuất thậm chí còn đưa ra những thay đổi đi ngược với quá khứ. Nếu thử theo dõi liên tục từ X-Men (2000) tới Deadpool 2 (2018) mới đây, khán giả cần đến gần một ngày trời: 22 tiếng 25 phút. Thương hiệu tới đây sẽ được nối dài bằng X-Men: Dark Phoenix, The New Mutants cùng trong 2019, và Gambit vào năm 2020. Song, tương lai của chuỗi X-Men hiện là dấu hỏi lớn khi Disney sắp sửa thâu tóm Fox, qua đó giúp nhóm dị nhân có thể đường hoàng xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel trên màn ảnh.
Freddy vs. Jason – 1.668 phút: Hai tên sát nhân khát máu Freddy Krueger và Jason Voorhees ban đầu thuộc hai thương hiệu hoàn toàn khác nhau là A Nightmare on Elm Street và Friday the 13th. Song, cả hai sau đó rốt cuộc gặp nhau ở Freddy vs. Jason (2003). Thử gộp chung hai thương hiệu, khán giả phải theo dõi tổng cộng 18 tác phẩm. Tuy nhiên, mô-típ của chúng rất giống nhau, và khó ai có thể ngồi liên tục ngồi gần 28 tiếng đồng hồ để thực hiện “cuộc marathon” dành cho hai nhân vật biểu tượng của dòng kinh dị.
Vũ trụ Điện ảnh Marvel – 2.556 phút: Quả không khó để đoán ra rằng loạt phim siêu anh hùng đến từ Marvel Studios hiện nắm giữ thời lượng kỷ lục khi đã trải qua 20 tập phim, và vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Từ Iron Man (2008) cho tới Ant-Man and the Wasp (2018), nếu ai đó muốn thử liên tục theo dõi xem MCU đã phát triển ra sao, người ấy cần sẵn sàng bỏ ra hơn 40 tiếng đồng hồ. Đó quả là một thách thức không hề nhỏ khi quãng thời gian tương đương với gần hai ngày trời. Năm sau, MCU còn tiếp tục được nối dài bởi lần lượt Captain Marvel, Avengers 4 và Spider-Man: Far from Home.
Theo New.zing.vn
11 bộ phim siêu lãi của điện ảnh thế giới
Lịch sử điện ảnh từng chứng kiến nhiều bộ phim được làm ra với khoản ngân sách chỉ vài trăm nghìn USD, nhưng sau đó đem về cho nhà sản xuất những khoản doanh thu khổng lồ.
Night of the Living Dead (1968), ngân sách: 114.000 USD, doanh thu: 42 triệu USD: Dòng phim kinh dị là nơi thường xuyên chứng kiến những kỳ tích phòng vé. Một trường hợp sớm là bộ phim được cho là đã khai sinh ra thể loại zombie (xác sống) của đạo diễn George A. Romero. Với doanh thu cao hơn 368 lần so với kinh phí sản xuất, Night of the Living Dead đã khiến cả Hollywood chạy theo làm phim zombie cho tới tận ngày hôm nay.
American Graffiti (1973), ngân sách: 777.000 USD, doanh thu: 140 triệu USD: Khi George Lucas còn ở buổi đầu sự nghiệp, ông đã thực hiện bộ phim về tuổi trưởng thành lấy bối cảnh bang California vào thập niên 1950 chỉ trong vòng 28 ngày. Các studio lớn đồng loạt từ chối phát hành thành phẩm, nhưng American Graffiti may mắn lọt vào mắt xanh của Francis Ford Coppola. Tác giả của The Godfather - Bố già (1972) đã bỏ tiền túi giúp George Lucas, và biến bộ phim trở thành hiện tượng phòng vé. American Graffiti sau đó còn nhận 5 đề cử Oscar, trong đó có Phim truyện xuất sắc. Về phần Lucas, bốn năm sau, ông làm tiếp Star Wars chỉ với kinh phí 11 triệu USD. Chiến tranh giữa các vì sao đã trở thành tượng đài khổng lồ của Hollywood, và giờ là cỗ máy kiếm tiền hàng đầu của Disney.
Rocky (1976), ngân sách: 995.000 USD, doanh thu: 225 triệu USD: Sylvester Stallone đến nay là huyền thoại của Hollywood, nhưng ông chỉ là một gã vô danh khi ngồi viết kịch bản bộ phim xoay quanh một tay đấm bốc tưởng như đã hết thời, nhưng nhờ nỗ lực và may mắn nên có cơ hội thách thức nhà vô địch thế giới. Sly có lần chia sẻ ông đã phải bán cả chú chó cưng của mình để có thể thực hiện Rocky, và kết quả phòng vé của bộ phim thực sự mỹ mãn. Kỳ diệu như câu chuyện trong phim, tác phẩm năm đó còn giành luôn giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar. Rocky sau này có thêm 5 tập, và đến nay được mở rộng thêm loạt ngoại truyện mang tên Creed.
Halloween (1978), ngân sách: 325.000 USD, doanh thu: 47 triệu USD: Một gương mặt tiêu biểu khác của dòng phim kinh dị siêu lãi là Halloween. Đó là câu chuyện về tên sát nhân Michael Myers (Nick Castle). Hắn sát hại chị gái khi mới 6 tuổi, và bị gửi tới bệnh viện tâm thần. 15 năm sau, Myers trốn thoát, đeo chiếc mặt nạ da thuộc, và tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho vùng quê Haddonfield. Thương hiệu sau đó kéo dài thêm 10 tập. Halloween 2018 sắp sửa ra mắt vào tháng 10, với câu chuyện bỏ qua toàn bộ các tập sequel, và là hậu truyện trực tiếp của nguyên tác.
Mad Max (1979), ngân sách: 300.000 USD, doanh thu: 99,75 triệu USD: Biểu tượng hành động "Max điên" của đạo diễn George Miller đã ra đời chỉ nhờ 300.000 USD. Nhưng với doanh thu đạt gần 100 triệu USD, Mad Max sau đó nắm giữ kỷ lục là bộ phim đạt tỷ lệ lãi cao nhất theo sách Guinness trong suốt 20 năm. Người hùng thời hậu tận thế ở ba tập đầu do Mel Gibson thể hiện. Còn tới phần mới nhất mang tên Mad Max: Fury Road (2015), Tom Hardy là người kế nhiệm ông. Tập 4 đã giành 6 giải Oscar, nhưng Mad Max 5 tới nay là dấu hỏi lớn. Bởi Fury Road chỉ thu được 377,6 triệu USD, trong khi ngân sách bị trội lên tới 150 triệu USD do quá trình thực hiện kéo dài.
Friday the 13th (1980), ngân sách: 500.000 USD, doanh thu: 59 triệu USD: Chỉ hai năm sau Halloween, công chúng tiếp tục chứng kiến sự ra đời của một gương mặt kinh dị kinh điển khác: Jason Voorhees của loạt Thứ sáu ngày 13. Loạt phim về tên sát nhân đẫm máu chuyên mang mặt nạ sắt tới nay đã kéo dài qua 12 tập phim.
The Blair Witch Project (1999), ngân sách: 60.000 USD, doanh thu: 248 triệu USD: Kỷ lục của Mad Max rốt cuộc bị phá vỡ bởi bộ phim kinh dị The Blair Witch Project. Với phong cách giả tài liệu, tác phẩm chỉ tiêu tốn 60.000 USD đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho khán giả trên khắp toàn cầu. Thậm chí, với mạng Internet còn hạn chế khi ấy, nhiều người cho rằng những gì diễn ra trên màn ảnh và phù thủy Blair là có thật. Chỉ khi dàn diễn viên xuất hiện và trả lời phỏng vấn báo chí, mọi tin đồn mới bị dẹp bỏ.
Open Water (2003), ngân sách: 500.000 USD, doanh thu: 52 triệu USD: Cuối mùa hè 2004, khán giả rủ nhau ra rạp theo dõi bộ phim mang chủ đề sinh tồn pha trộn màu sắc kinh dị Open Water. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một đôi vợ chồng quyết định đi lặn để cải thiện cuộc sống hôn nhân, nhưng vô tình bị đoàn hướng dẫn bỏ lại phía sau. Hậu quả là họ phải chống chọi lại đàn cá mập dữ tợn giữa vùng nước mênh mông. Open Water gây hứng thú cho người xem bởi phong cách quay phim rung lắc dữ dội, và góc nhìn từ hai nhân vật chính.
Saw (2003), ngân sách: 1,2 triệu USD, doanh thu 103 triệu USD: Chỉ với hơn 1 triệu USD, bộ đôi James Wan và Leigh Whannell đã thổi luồng gió mới tới cho dòng phim kinh dị chém giết/tra tấn bằng Saw với phần kịch bản hết sức bất ngờ. Suốt từ đó tới nay, thương hiệu kéo dài thêm 7 tập nữa, mà mới nhất là Jigsaw (2017). Toàn bộ loạt phim điện ảnh đã thu về ước tính 975 triệu USD tại phòng vé.
Napoleon Dynamite (2004), ngân sách: 400.000 USD, doanh thu: 46 triệu USD: Cuối mùa hè 2004, khó ai có thể tin rằng một bộ phim độc lập gồm toàn diễn viên vô danh lại có thể thu bộn tại phòng vé và trở thành hiện tượng văn hóa trong suốt thời gian dài. Napoleon Dynamite là câu chuyện về một chàng trai tuổi teen hết sức lập dị, nay quyết định giúp người bạn mới quen ra tranh cử tại trường học. Công chúng đến giờ vẫn thuộc nhiều câu thoại, hay mặc những chiếc áo in chữ "Vote for Pedro" (bầu cho Pedro) trong phim.
Paranormal Activity (2007), ngân sách: 15.000 USD, doanh thu: 193 triệu USD: Một tác phẩm kinh dị mang phong cách giả tài liệu nữa giúp đội ngũ nhà sản xuất thu bộn là Paranormal Activity. Nhờ hiệu ứng truyền miệng, câu chuyện xoay quanh một đôi vợ chồng trẻ chuyển tới nhà mới rồi trải nghiệm hàng loạt hiện tượng siêu nhiên đã tạo nên điều không tưởng hồi tháng 9/2007. Giống như nhiều thương hiệu kinh dị khác, Paranormal Activity sau đó như bị "vắt sữa" khi có thêm năm tập nữa. Tổng kinh phí sản xuất của 6 tập phim chỉ rơi vào khoảng 28 triệu USD, nhưng doanh thu mà chúng đạt được đã lên tới hơn 890 triệu USD.
Còn một số tác phẩm kinh dị nổi tiếng khác cũng thuộc dạng siêu lãi. Như The Purge (2013), với kinh phí 3 triệu USD, phim đạt doanh thu 89 triệu USD, rồi biến thành thương hiệu có chỗ đứng, và mới trình làng phần tiền truyện The First Purge (2018) hồi mùa hè.
Hay The Conjuring (2013) cũng là một trường hợp nổi bật khi thu 318 triệu USD so với ngân sách ít ỏi 20 triệu USD. Từ thành công đó, James Wan đã tạo ra Vũ trụ kinh dị The Conjuring, với The Nun (2018) sắp sửa ra mắt trong đầu tháng 9.
Mới đây, một bộ phim kinh dị thuộc dòng zombie của Nhật Bản mang tên One Cut of the Dead (2017) gây xôn xao khi chỉ tiêu tốn khoảng 27.000 USD, nhưng đến nay đã sắp cán mốc 10 triệu USD tại quê hương.
Ngoài ra, các tác phẩm nghệ thuật thuộc dạng tranh giải Oscar cũng thường tạo nên kỳ tích tại phòng vé. Chẳng hạn như Lost in Translation (2003) chỉ tốn 2 triệu USD, nhưng thu 120 triệu USD; Juno (2007) tiêu tốn 7,5 triệu USD, nhưng thu đến 231 triệu USD; Slumdog Millionaire (2007) tiêu tốn 8 triệu USD, nhưng thu tới 377 triệu USD; The King's Speech (2010) tiêu tốn 15 triệu USD, nhưng thu đến 414 triệu USD...
Ngọc Nhi
Ảnh: Outnow
Theo Zing
8 chi tiết ngớ ngẩn nhất của các bom tấn Hollywood thời gian qua Hollywood năm 2018 có không ít siêu phẩm chất lượng như "Avengers: Infinity War" hay "Mission: Impossible", nhưng cũng có nhiều bom tấn gây thất vọng với những chi tiết ngớ ngẩn. Jurassic World: Fallen Kingdom - Một đứa trẻ nhân bản thả khủng long tấn công loài người. Fallen Kingdom gây ngạc nhiên (theo một cách tệ hại) khi tiết lộ việc...