Các sản phẩm Surface vừa được Microsoft vén màn thú vị thật đấy nhưng bạn hãy từ từ nhé, đừng vội mua
So với bất kỳ một ông lớn nào khác, lịch sử phần cứng của Microsoft có một điểm đặc biệt…Nếu bạn thèm khát những trải nghiệm phần cứng mới mẻ, sự kiện Surface ngày 2/10 vừa qua là sự kiện dành cho bạn.
Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, Microsoft đã không chỉ đưa ý tưởng Surface truyền thống sang một trang mới mà còn tạo ra 2 danh mục sản phẩm hoàn toàn mới: một chiếc tablet màn hình gập mang tên gọi Surface Neo và một chiếc smartphone Android 2 màn hình gập mang tên Surface Duo. Kích cỡ khác nhau, hệ điều hành khác nhau nhưng cả Neo và Duo cùng mang một điểm chung: chúng hứa hẹn một trải nghiệm Microsoft vô cùng trực quan để người dùng thoải mái sử dụng trên 2 màn hình phân chia theo chiều dọc. Và, chúng cho phép bạn gập đôi lại để sử dụng như một thiết bị nhỏ gọn, ít tốn diện tích.
Chưa một nhà sản xuất PC nào nghĩ ra ý tưởng đơn giản mà trực quan đến vậy. Đây sẽ là trải nghiệm cân bằng giữa khả năng di chuyển tiện lợi và các tính năng tiện ích đầy đủ cho công việc. Đây chỉ là trải nghiệm mở rộng từ tính năng chia đôi màn hình quen thuộc trên Windows, nhưng cũng lại là một trải nghiệm phần cứng chưa từng có mặt trên một loại sản phẩm nào khác. Trong một năm mà smartphone màn gập ngã ngựa, trong một năm tràn ngập những phát minh vô nghĩa như màn hình thác nước hay “màn hình bao”, Surface Duo và Surface Neo mới là những ý tưởng phần cứng thực sự đáng mong chờ.
Những ý tưởng sản phẩm mới vô cùng thú vị.
Sự chờ đợi sẽ rất dài, bởi 2 thiết bị này sẽ ra mắt vào cuối năm sau. Nhưng đừng vội háo hức ngóng chờ: trước khi yêu Microsoft, bạn cần phải nhớ Microsoft là ai.
Quá khứ của Surface
Với dòng Surface mới nhất (trước sự kiện ngày 2/10) là Surface Laptop, Microsoft đã lựa chọn chất liệu vải alcantara cao cấp làm bề mặt xung quanh bàn phím và touchpad. Một lựa chọn vải thực sự nâng niu hai bàn tay cho đến khi bạn nhận ra điều đánh đổi. Bởi vải alcantara bị gắn liền lên bề mặt Surface Laptop, người dùng lỡ bỏ nghìn đô mua sản phẩm này sẽ phải chấp nhận một trải nghiệm… bẩn thỉu cho đến khi nào vứt máy đi thì thôi.
Đau lòng hơn là câu chuyện của Surface Pro 4. Năm 2017, hàng chục nghìn chiếc Surface Pro 4 trên toàn cầu gặp hiện tượng màn hình nhấp nháy. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra sau khi khoản thời gian bảo hành 1 năm đã chấm dứt, buộc nhiều người dùng phải bỏ ra tới 450 USD để thay thế. Các thiết bị thay thế cũng vẫn lỗi, và phải đến tận 2018 Microsoft mới lên tiếng nhận lỗi, xin đền bủ cho người dùng (một số người dùng không được đền bù).
Trước Surface Pro 4, Surface Pro 3 cũng từng gặp lỗi không khởi động với cách “sửa” vô cùng đặc biệt: đặt máy vào tủ đá trong vòng 3 giờ liên tiếp. Surface Book từng bị rò rỉ về tỷ lệ đổi trả quá cao, và khó hiểu hơn nữa là màn hình… đổi màu khi sử dụng các tính năng nặng ký. Câu chuyện lỗi pin lặp đi lặp lại không ít lần, và, trở về kỷ nguyên khởi đầu, bàn phím Touch Cover của Surface từng gặp hiện tượng “bung chỉ” mất thẩm mỹ.
Lịch sử Surface đã luôn có thể gói gọn trong hai chữ “vấn đề”.
Video đang HOT
Thậm chí là những vấn đề rất “giời ơi đất hỡi”.
Sự thật đau lòng là như vậy: lịch sử Surface của Microsoft đã ngập tràn rất nhiều lỗi theo kiểu “giời ơi đất hỡi”. Mặc dù Surface Pro 2017, Surface Pro 6, Surface 6 hay Surface Book 2 đã ít lỗi ngớ ngẩn hơn, quá khứ của Microsoft sẽ luôn buộc người dùng phải suy nghĩ trước khi chạy theo các dòng sản phẩm mới từ ông chủ Windows.
Surface Neo và Surface Duo rất dễ trở thành những nạn nhân mới. Chúng là những dòng sản phẩm hoàn toàn mới, sử dụng những thiết kế vốn chưa có trên Surface trước đây. Liệu một Microsoft từng gặp lỗi với đế bàn phím của Surface Book có lại gặp vấn đề với gờ gập của Neo và Duo? Liệu một Microsoft từng nhiều lần gặp vấn đề pin và màn hình có thể thực sự đảm bảo cho trải nghiệm 2 màn hình hoàn toàn mới?
Hãy cùng chờ đợi. Và cầu nguyện cho những ý tưởng mới của Microsoft được thành hình một cách trọn vẹn hơn các đàn anh trước đây.
Theo GenK
Tại sao Microsoft lại muốn phát triển chip tùy biến cho Surface Pro X?
Microsoft đặt cược con chip SQ1 mà họ tạo ra từ vi xử lý Snapdragon 8cx của Qualcomm sẽ tăng tốc Windows trên ARM và thu hút được các nhà phát triển phần mềm quan trọng.
Trước khi sự kiện Surface của Microsoft diễn ra vào hôm thứ 3 vừa qua, chúng ta đã biết rằng sẽ có khá nhiều laptop mới xuất hiện. Nhưng điều chúng ta không biết (và cũng không ngờ tới) là Microsoft còn giới thiệu cả một vi xử lý mới, một con chip do Qualcomm phát triển tên SQ1. Con chip trong Surface Pro X này mang trong mình một thông điệp từ Microsoft: đã đến lúc laptop có được thời lượng pin cả ngày như điện thoại mà không phải hi sinh sức mạnh xử lý!
Các sản phẩm Surface của Microsoft, với phần cứng và phần mềm liên kết chặt chẽ với nhau, thường đóng vai trò kép. Đầu tiên, chúng là một mảng kinh doanh nghiêm túc của Microsoft. Và thứ hai, chúng là công cụ để công ty cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất máy tính khác thấy được tầm nhìn của Microsoft về tương lai của điện toán cá nhân.
SQ1 mang lại cho Microsoft khả năng kiểm soát sâu hơn một chút đối với tương lai đó, trong khi vẫn nhắc các nhà phát triển phần mềm rằng họ cũng nên tham gia vào cuộc chơi ngay đi thôi.
Và SQ1 cũng giúp Microsoft cạnh tranh tốt hơn với Apple, hãng sở hữu những thiết kế có tầm ảnh hưởng lớn với mối liên kết chặt chẽ với nhau. iPhone và iPad đều sử dụng vi xử lý ARM dòng A của chính Apple, và MacBook trong tương lai cũng được cho là sẽ "làm bạn" với chip ARM.
Với Microsoft, sử dụng thiết kế chip của chính mình là " rất quan trọng để tối đa hóa trải nghiệm người dùng và thời lượng pin, như Apple đã thể hiện trong thập kỷ qua với những con chip tùy biến trên iPhone" - nhà phân tích Frank Gillet nói.
Những chiếc máy tính ARM "còi cọc"
Máy tính ARM cho đến nay chưa gây được ấn tượng cho người dùng, dù chúng có thời lượng pin tốt và khả năng kết nối đến các mạng di động. Lý do là bởi chúng không thể đạt được hiệu năng của những con chip x86 từ Intel và AMD, và còn gặp vấn đề tương thích phần mềm bởi các phần mềm phổ biến dành cho chip x86 không hoạt động được trên các máy tính ARM.
Nhưng lần này, Microsoft không còn ngần ngại về vấn đề hiệu năng nữa.
Chip SQ1 mang lại cho Surface Pro X " sức mạnh đáng kinh ngạc" - theo lời Yusuf Mehdi, một Phó chủ tịch của Microsoft. " Chúng ta có sức mạnh đồ họa tuyệt vời. Chúng ta sẽ có thể thực hiện các tác vụ AI trên con chip này".
Microsoft và Qualcomm không chia sẻ nhiều thông tin về hiệu năng. Hiệu năng đồ họa của SQ1 cao gấp đôi so với vi xử lý Intel Core thế hệ 8 từ 2 năm trước, hoặc so với chip smartphone Qualcomm 850 vào năm ngoái - Qualcomm cho biết. Và Microsoft thì tập trung so sánh tính hiệu quả, không phải hiệu năng thuần túy, giữa Surface Pro X với chiếc Surface Pro 6 dùng chip Intel.
" Sản phẩm này có hiệu năng trên mỗi watt cao gấp 3 so với Surface Pro 6" - Giám đốc sản phẩm của Microsoft, Panos Panay, nói tại sự kiện. Nếu bạn chưa biết thì Surface Pro 6 vào năm ngoái sử dụng vi xử lý Intel Core thế hệ 8.
Intel vẫn là đồng minh thân cận của Microsoft
Microsoft khó có thể ngó lơ Intel, đối tác kinh doanh của hãng trong nhiều thập kỷ qua. Thật vậy, có hai mẫu Surface mới năm nay dựa vào chip Intel - cụ thể là con chip Ice Lake dành cho các mẫu laptop cao cấp, như Surface Laptop 3 bản 13-inch và chip Lakefield dành cho chiếc Surface Neo màn hình kép ra mắt vào năm sau. Microsoft còn hợp tác với đối thủ truyền kiếp của Intel là AMD, chọn con chip di động Ryzen để trang bị cho Surface Laptop 3 bản 15-inch.
Nhưng thách thức lớn hơn là làm sao để đưa chip ARM vào cuộc chơi của Microsoft, và cho phép người dùng PC phổ thông tận hưởng những lợi ích từ thời lượng pin "khủng", tức về cơ bản cho phép họ có thể để củ sạc ở nhà mỗi khi mang laptop ra ngoài.
ARM cấp giấy phép thiết kế chip của mình, cho phép các hãng khác xây dựng nên các mẫu chip tương thích theo thiết kế của riêng họ và thêm vào các tùy chọn theo ý thích từ một thư viện rất lớn - đó chính là "tài sản trí tuệ" của ARM. Sự linh hoạt đó cho phép nhiều hãng mua giấy phép của ARM chỉnh sửa chip cho phù hợp với các sản phẩm, mức giá, hiệu năng, và mức tiêu thụ điện năng khác nhau.
Và đây là lúc Microsoft vào cuộc. " Chúng tôi kết hợp kỹ thuật và tài sản trí tuệ của mình cùng nhóm của Qualcomm để tạo ra một con chip hoàn toàn mới" - Mehdi nói.
Nước đi này "thực sự thông minh" - theo lời nhà phân tích Avi Greengart. " Nó hé lộ sẽ có những tính năng độc đáo và cho phép Microsoft tránh bị so sánh trực tiếp với các sản phẩm khác dựa trên Qualcomm", chính là những chiếc laptop ARM đến từ các công ty như HP, Lenovo, ASUS, và Samsung.
SQ1 khác biệt ra sao?
SQ1 được phát triển dựa trên con chip Qualcomm tạo ra cho PC, Snapdragon 8cx, nhưng lại không giống hệt con chip bạn sẽ thấy trên các laptop dùng 8cx. Đầu tiên, GPU của SQ1 rất khác biệt.
" GPU và các nhân của nó được tối ưu hóa dành riêng cho Surface Pro X để tăng cường hiệu năng và trải nghiệm người dùng trong các ứng dụng yêu cầu xử lý đồ họa nhiều" - Qualcomm nói. " Microsoft muốn một trải nghiệm di động thực thụ, từ thời lượng pin lâu đến màn hình giàu chi tiết đến kết nối LTE và tất nhiên là phải 'bật lên ngay lập tức' như một chiếc smartphone".
Tăng cường hiệu năng đồ họa là một ý tưởng hay, theo nhà phân tích David Kanter.
" GPU của Qualcomm có thể chạy Windows, nhưng nó yếu hơn so với GPU Intel, AMD và Nvidia" - ông nói. Điều đó càng đúng khi xét đến các driver Windows DirectX cực kỳ quan trọng, chính là phần mềm mà các ứng dụng dùng để điều khiển phần cứng đồ họa.
SQ1 bao gồm phần cứng riêng: Engine AI thế hệ thứ tư, từng được dùng trong vi xử lý Snapdragon 855. Tăng tốc phần mềm AI sẽ giúp tăng tốc các phần mềm tận dụng quá trình xử lý tương tự bộ não con người trong các tác vụ như hiểu được lời nói của con người, nhận dạng ai trong một bức ảnh, hay tự động biên tập video.
Thu hút các nhà phát triển phần mềm đến với PC ARM
Một trong những điểm mấu chốt đối với các máy tính ARM là chúng kém tương thích phần mềm. Surface Pro X, với con chip đặc biệt được Microsoft đồng thiết kế, có thể giúp Microsoft thu hút các nhà phát triển phần mềm đó.
Một trong những nhà phát triển lớn chưa mặn mà với PC ARM là Adobe, nhà phát triển Photoshop, Lightroom, Premiere Pro, Illustrator, và nhiều ứng dụng khác được sử dụng bởi các nhà thiết kế và sáng tạo nội dung. Nhưng trong sự kiện vừa qua, Adobe đã cùng lên sân khấu với Microsoft để trình diễn ứng dụng hội họa Fresco mới trên Surface Pro X và cam kết sẽ mang nhiều hơn các phần mềm trong bộ Creative Cloud lên dòng PC này.
" Surface là một nền tảng quan trọng đối với Creative Cloud và sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong tương lai" - Scott Belsky, giám đốc sản phẩm Creative Cloud của Adobe nói. Hơn một nửa số khác hàng Surface ngày nay cũng đồng thời là khách hàng của Creative Cloud, do đó Adobe đã quyết định mang phần lớn bộ phần mềm của hãng lên các thiết bị Surface trên nền ARM.
" Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để mang các thành phần quan trọng khác của Creative Cloud lên Surface Pro X sớm nhất có thể" - Belsky nói. Adobe từ chối chia sẻ thêm chi tiết về những ứng dụng nào sẽ xuất hiện trên Surface Pro X, bên cạnh Fresco.
Được hỗ trợ phần mềm là chìa khóa tối thượng dẫn đến sự thành công của Surface Pro X và các laptop ARM khác - Gillett nói. " Tất cả đều tùy thuộc liệu các nhà phát triển - và nhóm Windows của Microsoft - có thể khiến trải nghiệm tổng thể hoàn hảo hơn mà không cần vi xử lý x86 hay không".
Theo VN Review
Microsoft: Surface Duo dùng Android nhưng vẫn chạy được ứng dụng Windows? Gianfranco Percopo, một nhà phát triển UWP, đã than phiền với tài khoản Twitter @windowsdev về việc Surface Duo không hỗ trợ các ứng dụng UWP , và ngay lập tức nhận được một câu trả lời cực kỳ ngạc nhiên: Surface Duo có thể cài đặt được các ứng dụng UWP! Đối với hầu hết những người dùng thực dụng, thông tin...