Các quỹ đầu tư nước ngoài tăng đổ tiền vào cổ phiếu Việt Nam
Các quỹ đầu tư thị trường biên từ Thụy Điển cho đến Hồng Kông đều đang sẵn sàng mua thêm cổ phiếu Việt Nam. Họ bị thu hút bởi mức giá rẻ và sức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong gần một thập niên.
Đường phố quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội – Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, hãng Coeli Asset Management và Asia Frontier Capital cho hay họ có kế hoạch nắm giữ thêm cổ phiếu Việt Nam trong năm nay, khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục và các hiệp định thương mại tự do góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Tundra Fonder cho biết hãng này muốn mua doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tiêu dùng, công nghiệp và xây dựng.
VN-Index của thị trường chứng khoán nước ta được ở mức 1,68 lần tài sản ròng, cận mức thấp nhất trong ba năm, sau khi chỉ số này bước vào thị trường con gấu trong tháng 1 vừa qua vì Mỹ tăng lãi suất và các đợt bán tháo tại những thị trường mới nổi thúc đẩy dòng vốn thoái.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chính phủ Việt Nam đặt ra trong năm nay là 6,7%, thuộc hàng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 22.2, ngân hàng HSBC lạc quan về Việt Nam vì mức giá hấp dẫn và khả năng phục hồi kinh tế biến đất nước trở thành “một điểm sáng hiếm hoi”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phân bổ vốn bổ sung cho thị trường. Chúng tôi vẫn rất tích cực về triển vọng của Việt Nam”, nhà quản lý danh mục đầu tư James Bannantại hãng Coeli ở Malmo (Thụy Điển) viết trong email. Bannan, người từng tăng lượng cổ phần nắm giữ vào năm 2015 khi VN-Index tăng 6,1%, có 14% quỹ của mình tập trung vào Việt Nam. Các khoản đầu tư của ông tại Việt Nam đem lại lợi nhuận 27% khi tính bằng đô la Mỹ vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Andreas Vogelsanger của AFC Vietnam Fund thuộc Asia Frontier Capital, quỹ đã tăng hơn 40% kể từ khi thành lập cách đây hai năm, cho hay các thỏa thuận thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào là những lý do chính giải thích vì sao Việt Nam sẽ thể hiện tốt hơn các thị trường châu Á. Nhà quản lý tài sản Shamoon Tariq ở Tundra cho hay chi tiêu tiêu dùng và cải cách cơ cấu sẽ củng cố vòng quay của kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, Thang Uong, người quản lý danh mục đầu tư, giám sát 530 triệu USD tại Manulife Asset Management cho hay nguy cơ lạm phát và khả năng tiền Việt Nam yếu hơn sẽ “ngăn cản giới đầu tư”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ba lần làm yếu bản tệ trong năm qua để thúc đẩy xuất khẩu, sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ kéo tỷ giá hối đoái ở châu Á xuống thấp hơn.
Video đang HOT
Theo số liệu chính phủ, giải ngân đầu tư nước ngoài tăng đến mức kỷ lục 14,5 tỉ USD năm ngoái, trong khi số tiền cam kết đầu tư nước ngoài tăng 12,5%. Việt Nam đã ký một thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc hồi tháng 5.2015 và ký với Liên minh châu Âu (EU) một thỏa thuận tự do thương mại khác trong tháng 12.2015. Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất ký kết vào đầu tháng này cũng sẽ được Việt Nam đưa ra thảo luận trong năm nay.
“Đến nay, Việt Nam là nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do nhất trong khu vực và do đó có vị trí độc nhất, đặc biệt còn là một trong những nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt hơn các thị trường mới nổi và thị trường châu Á khác”, ông Vogelsanger nhận định.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Chính thức ký TPP: Việt Nam sẽ đạt lợi ích to lớn và "cốt lõi"
Theo tài liệu công bố ban đầu của Bộ Công Thương dẫn nhận định của Ban Kinh tế trung ương, Việt Nam được đánh giá sẽ đạt được các lợi ích lớn và lợi ích "cốt lõi" khi tham gia vào TPP. Trong đó, các ngành hưởng lợi như: dệt may, da giày, công nghệ cao...
Ngày 4/2/2016, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ đã tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, New Zealand.
Vào 5h sáng nay (4/2), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký xác thực lời văn Hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ... mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.
Như vậy, sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, các nước TPP đã chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định vào ngày 5/10/2015 tại Hội nghị Bộ trưởng tại Atlanta, Hoa Kỳ. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...
Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định TPP bằng 3 thứ tiếng gồm tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã được các nước ký xác thực lời văn và có giá trị pháp lý như nhau cùng các thư trao đổi song phương giữa Việt Nam với một số nước TPP.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích đáp ứng kịp thời và đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương cũng công bố bản dịch tiếng Việt do các Bộ, ngành có liên quan thực hiện.
Việt Nam sẽ đạt lợi ích to lớn và "cốt lõi"
Theo tài liệu công bố ban đầu của Bộ Công Thương dẫn nhận định của Ban Kinh tế trung ương, Việt Nam được đánh giá sẽ đạt được các lợi ích lớn và lợi ích "cốt lõi" khi tham gia vào TPP.
Đối với ngành dệt may, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30%. Về quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", có một số linh hoạt như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP.
Đối với ngành da giày, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được đánh giá dự kiến tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên.
Ban Kinh tế trung ương khẳng định, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.
Hoa Kỳ và các nước dành linh hoạt cho Việt Nam tiếp cận tiêu chuẩn TPP có thời gian chuyển đổi, lộ trình tối đa cho các nghĩa vụ khó nhất lên đến 20 năm. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước để phát triển, thu hút mạnh đầu tư và công nghệ tiên tiến, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản; các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm Chính phủ các nước, có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước của TPP.
Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng,... đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lo doanh nghiệp trong nước mất thị phần
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, tham gia TPP cũng sẽ đi kèm với thách thức và rủi ro không nhỏ với Việt Nam.
"Trong điều kiện là nước thu nhập trung bình, trình độ nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 nước thành viên TPP, hơn 90% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thể chế kinh tế và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm và doanh nghiệp còn yếu kém, thực tiễn 10 năm hội nhập quốc tế gần đây chưa đạt được mục tiêu", báo cáo nhận định.
Bên cạnh đó, mở cửa thị trường là nội dung chủ yếu của TPP, tuy Việt Nam được chấp nhận mở cửa theo lộ trình với nhiều lĩnh vực, mặt hàng nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ mất thị phần thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, mua sắm chính phủ, phải chia sẻ lợi ích cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm giảm việc làm, khả năng doanh nghiệp bị phá sản ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và nảy sinh các hệ luỵ về chính trị, văn hoá...
Các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dệt may và da giày được hưởng lợi hơn các doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam tham gia TPP, vì có thế mạnh về vốn, công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp FDI đang mở rộng sản xuất trên địa bàn cả nước để đón đầu Việt Nam tham gia TPP.
Các doanh nghiệp trong nước, dù số lượng khá lớn nhưng vốn nhỏ, công nghệ trình độ thấp hơn, hầu hết doanh nghiệp chưa có khả năng tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, cho nên sản xuất công đoạn may, làm gia công cho doanh nghiệp FDI.
Hàng nông sản của các nước có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam, làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá, mất thị phần, làm giảm thu nhập của nông dân và doanh nghiệp. Ngoại trừ mặt hàng hồ tiêu, hạt điều, các mặt hàng như thịt gà, thịt lợn... khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp.
Phương Dung
Theo Dantri
TPP đã chính thức được ký tại New Zealand Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng đã chính thức được ký tại New Zealand ngày 4.2. Thủ tướng New Zealand và đại diện 12 nước ký kết HIệp định TPP tại Auckland ngày 4.2 - Ảnh: AFP Thủ tướng New Zealand, ông John Key và đại diện cơ quan thương mại Mỹ Mike Froman chủ trì...