Các quốc gia châu Á nào nói không với công nghệ Huawei?
Nhật Bản và Hàn Quốc dường như đang xây dựng rào cản kỹ thuật để hạn chế gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia triển khai mạng 5G. Trong khi đó, phổ cập 5G tại Ấn Độ còn là một hành trình dài.
Nhật Bản
Nhật Bản đã bất đồng với Trung Quốc khi công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Tokyo đã đưa ra quyết định cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị viễn thông tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh quốc gia, nhằm loại trừ các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và ZTE khỏi danh sách đối tác tiềm năng.
Vài tháng qua, Mỹ đã ra sức thuyết phục các đồng minh đóng cửa với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Huawei. Động thái của chính phủ Nhật Bản, tương tự Australia và New Zealand, được đánh giá là chịu sức ép lớn từ Washington.
Theo Kyodo News, cả 3 nhà mạng lớn nhất Nhật Bản là NTT Docomo, KDDI và SoftBank Corp đã loại bỏ toàn bộ các nhà cung cấp Trung Quốc khỏi danh sách mua sắm trạm gốc 5G.
Trong cuộc gặp gỡ giữa quan chức cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 15/4, vấn đề này lại tiếp tục trở thành tâm điểm. Phía Trung Quốc cảnh báo những chính sách hạn chế sẽ làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ song phương.
Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Nhật Bản đưa ra “hành động cụ thể” để cải thiện quan hệ giữa 2 nước.
Được biết, 2 nhà mạng Nhật KDDI Corp và NTT Docomo vẫn đang dùng một số thiết bị Huawei trong hệ thống mạng hiện tại.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Kazuo Yukawa (Đại học Tokyo Châu Á) cho biết Nhật Bản có thẻ đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc trước Hội nghị Thượng định G20 diễn ra tại Osaka vào tháng 6 tới.
Giáo sư Yukawa nói: “Trung Quốc gần đây đã tấn công vào điểm yếu của các đồng minh của Mỹ. và Nhật Bản đang tìm cách chống lại áp lực từ phía Trung Quốc khi G20 đang cận kề.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn APEC tổ chức ở Bắc Kinh.
Video đang HOT
Dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự G20, đánh dấu chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc kể từ năm 2010.
Phát biểu hồi tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố: “Những thành tựu doanh nghiệp Trung Quốc đạt được trong lĩnh vực 5G dựa trên hoạt động định hướng thị trường và cơ sở cạnh tranh công bằng”. Ông Khảng nói: “Chúng tôi hy vọng những công ty này không nên bị phân biệt đối xử”.
Hàn Quốc
Nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc KT Corp đã giới thiệu mạng 5G đầu tiên tại Thế vận hội Pyeongchang vào tháng 2/2018, mà không cần tới sự trợ giúp của Huawei.
Thực tế, Hàn Quốc đang nỗ lực để chiếm lĩnh 15% thị trường 5G toàn cầu vào năm 2026. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư cho mạng 5G trị giá 29 tỷ USD, phân định rõ khu vực thuộc trách nhiệm của tư nhân và nhà nước.
Trong tháng 4, cùng sự ra mắt của dịch vụ 5G thương mại, Samsung đã giới thiệu mẫu smartphone đầu tiên trên thế giới hỗ trợ 5G, Galaxy S10 5G.
Theo thống kê, các công ty Hàn Quốc nắm giữ hơn 2.000 bằng sáng chế trong lĩnh vực 5G, chỉ đứng sau Trung Quốc (3.400 bằng sáng chế).
Thứ trưởng phụ trách Khoa học & CNTT Hàn Quốc, Min Won-ki cho biết chính phủ đang hỗ trợ các nhà khai thác viễn thông để kiểm tra khả năng bảo mật dữ liệu trên các thiết bị 5G.
Với tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên phổ cập mạng 5G, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi thuế cho công nghệ 5G. Dự kiến, Hàn Quốc sẽ xây dựng 13 địa điểm để thử nghiệm 5G và các công nghệ liên quan.
Trong khi 2 nhà mạng di động lớn nhất Hàn Quốc là SK Telecom và KT Corp khẳng định không sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G ban đầu, thì nhà mạng nhỏ hơn như LG Uplus sẽ vẫn kết hợp giữa công nghệ của Huawei và các nhà cung cấp khác.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết các nhà mạng địa phương sẽ được quyền tự lựa chọn nhà cung cấp, miễn là thiết bị 5G đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo mật.
“5G là hệ thống cơ sở hạ tầng cốt lõi để bắt đầu cho cuộc CMCN 4.0. Đây là động lực đầu tiên để chúng tôi thiết luật các tiêu chuẩn trên toàn cầu”, Thứ trưởng Min Won-ki cho biết.
Ấn Độ
Ấn Độ là thị trường viễn thông lớn thứ 2 thế giới xét trên số lượng thuê bao, nhưng luôn đi sau khi ứng dụng các công nghệ mới. Chính phủ Ấn Độ hy vọng quốc gia này sẽ không tụt hậu trong cuộc đua 5G.
Mặc dù các nhà chức trách Ấn Độ mong muốn tổ chức đấu giá phổ tần trong năm 2019, nhưng 3 nhà mạng lớn trong nước như Vodafone Idea hay Bharti Airtek đã kiến nghị chính phủ lùi tới năm 2020 vì chưa phát triển được hệ sinh thái ứng dụng và thiết bị tương thích.
Mặc dù với quy mô rộng lớn, Ấn Độ là thị trường cực kỳ hấp dẫn đối với các công ty Trung Quốc, nhưng quốc gia này luôn đề cao cảnh giác trước thiết bị “Made in China”.
Năm 2014, các nhà chức trách Ấn Độ đã tiến hành điều tra cáo buộc Huawei tấn công hệ thống của nhà mạng Bharat Sanchar Nigam.
Năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã chặn mua thiết bị viễn thông từ các nhà cung cấp Trung Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Năm 2014, các nhà chức trách đã mở cuộc điều tra về cáo buộc Huawei tấn công vào hệ thống của nhà mạng Bharat Sanchar Nigam (cáo buộc này đã bị phía Trung Quốc bác bỏ).
Trong thời điểm cân nhắc cấp phép cho các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc tham gia triển khai 5G, Ấn Độ vẫn mời Huawei tham gia vào các dự án thử nghiệm; cùng các đối thủ của Huawei như: Nokia, Ericsson và Samsung.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Viễn thông Ấn Độ, chỉ có khoảng 45% người dùng điện thoại Ấn Độ kết nối với mạng 3G và 4G trong tháng 2. Nói cách khác, phần lớn dân số ấn độ vẫn đang dùng mạng 5G.
Giám đốc nghiên cứu cấp cao về viễn thông tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của IDC, ông Nikhil Batra cho biết Ấn Độ mới chỉ phổ cập 4G vào cuối năm 2016. Trong những năm gần đây, các nhà mạng Ấn Độ đã chi hàng chục tỷ USD để triển khai mạng 4G và sẽ chưa thể đầu tư đúng mức cho 5G.
Các chuyên gia của IDC ước tính quá trình phổ cập 5G tại Ấn Độ sẽ diễn ra lâu hơn so với các quốc gia khác khoảng 3 năm, tức là vào năm 2023.
Ông Batra nói thêm: “Giờ đây, sự khao khát của các công ty viễn thông Ấn Độ là tận dụng tối đa các khoản đầu tư hiện tại. Đó là lý do họ chưa cần thiết phải đề cập tới 5G”.
Theo SCMP
Doanh thu của Huawei tăng gần 40% trong quý I/2019
'Gã khổng lồ' viễn thông Trung Quốc Huawei ngày 22/4 cho biết, doanh thu trong quý I/2019 của tập đoàn này đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 179,7 tỷ NDT (26,81 tỷ USD).
Biểu tượng của Huawei tại một văn phòng của tập đoàn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Theo Huawei, tỷ suất lợi nhuận ròng của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này đạt khoảng 8% trong quý đầu năm nay, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, Huawei không công bố con số lợi nhuận ròng thực tế.
Báo cáo hạn chế về kết quả kinh doanh của Huawei được công bố vào thời điểm Mỹ đã và đang tăng cường chiến dịch chống lại tập đoàn công nghệ này với cáo buộc thiết bị của Huawei có thể được sử dụng với mục đích gián điệp đồng thời hối thúc các nước đồng minh của Washington ngăn cản tập đoàn Trung Quốc này xây dựng các mạng lưới di động 5G.
Huawei đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nói trên. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới này hồi tuần trước cho biết số hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông 5G mà tập đoàn giành được đang tiếp tục gia tăng, bất chấp chiến dịch "tẩy chay" của Mỹ.
Tính đến cuối tháng 3/2019, Huawei đã ký kết 40 hợp đồng thương mại cung ứng thiết bị 5G với các nhà mạng, đồng thời đã chuyển giao hơn 70.000 trạm 5G cho các thị trường toàn cầu và dự kiến sẽ giao thêm 100.000 trạm từ nay đến tháng 5/2019.
Trước đó, Huawei cho biết lợi nhuận ròng của tập đoàn trong năm 2018 tăng 25% lên 59,3 tỷ NDT (8,8 tỷ USD). Bên cạnh đó, tổng doanh thu của gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc trong năm 2018 cũng tăng 19,5%, trong đó mảng kinh doanh tiêu dùng tăng 45%.
Tuy nhiên, mảng cung cấp hạ tầng viễn thông giảm 1,3%, sau khi ghi nhận mức tăng 2,5% trong năm 2017.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng di động thế hệ 5 (5G), nhưng "ông lớn" này đang bị nhiều thị trường phương Tây "quay lưng" trước những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước mình.
Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn là bà Mạnh Vãn Châu do cáo buộc bà và Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Ngoài ra, hai công ty con của Huawei còn bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn viễn thông T-Mobile./.
Theo Reuters
Bất chấp chỉ trích, Huawei tiếp tục chiến dịch PR toàn diện Huawei đã thực hiện rất nhiều nỗ lực tiếp thị khác nhau nhằm thu hút sự chú ý tích cực cho người tiêu dùng. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Huawei đã tiếp tục một chiến dịch PR lớn, kéo dài hàng tuần - một nỗ lực bao gồm chạy các quảng cáo nổi bật trên một số tờ báo...