Các quái vật khổng lồ oanh tạc và ghi danh lẫy lừng theo dòng phát triển của kỹ xảo điện ảnh
Trong những năm trở lại đây, người hâm mộ điện ảnh có thể nhận thấy sự trở lại của hàng loạt quái vật trong phim. Trước thềm “Rampage” ra mắt, cùng nhìn lại lịch sử điện ảnh của những sinh vật khổng lồ phá làng phá xóm trên màn bạc nhé!
Bom tấn mới nhất có sự góp mặt của “trái núi” Dwayne Johnson – Rampage (Siêu Thú Cuồng Nộ), dựa trên tựa game kinh điển cùng tên, cho thấy những quái vật khổng lồ đang có một sự trở lại ngoạn mục trên màn ảnh rộng. Và đó cũng là dấu mốc mới của lịch sử kỹ xảo điện ảnh vốn luôn song hành cùng những sinh vật đồ sộ này.
Trong những năm trở lại đây, người hâm mộ điện ảnh có thể nhận thấy sự “ nóng” trở lại của những quái vật khổng lồ trên màn ảnh rộng thế giới. Có thể kế đến những cái tên quen thuộc như Godzilla cả phiên bản Mỹ và Nhật, Power Rangers, King Kong, Jurassic World, cho tới những “tân binh” như Pacific Rim hay sắp tới đây là Rampage. Đối với các nhà làm phim, những sinh vật có kích thước ngoại cỡ này luôn là một giấc mơ mà họ luôn ấp ủ đưa vào hiện thực thông qua tiến bộ của kỹ xảo hình ảnh. Ở một khía cạnh nào đó, việc đặt chúng bên cạnh những tòa nhà hay ngọn núi hùng vĩ chính là một trong số các “đỉnh cao” cần vươn tới của trí tưởng tượng con người từ thuở sơ khai của nghệ thuật thứ bảy.
Sự thật là, lịch sử điện ảnh chính là lịch sử của những màn phá hủy các thành phố lớn thông qua sức mạnh phi thường của những con thú đồ sộ được thả rông. Vậy chúng ta hãy cùng điểm danh những quái vật kinh điển nhất đã từng làm mưa làm gió trên màn bạc trước khi làm quen với chú gorilla lông trắng George nhé.
1. King Kong (1933)
Có lẽ King Kong là một trong số những quái vật khổng lồ đầu tiên trở nên nổi tiếng trong điện ảnh. Bộ phim theo chân chú linh trưởng ngoại cỡ đến từ một hòn đảo bí ẩn và tình yêu với một cô gái xinh đẹp, tuy nhiên vấp phải sự chống cựu từ con người do lo ngại sinh vật đồ sộ này sẽ phá hủy văn minh. King Kong không chỉ đặt nền móng quan trọng cho toàn bộ lịch sử của kỹ xảo điện ảnh, mà còn tạo nên mô típ kể chuyện thường thấy trong các bộ phim tương tự.
Nhân vật Kong được chính cha đẻ của kỹ thuật hoạt hình Stop Motion – Willis O’Brien – đích thân thực hiện đã để lại cho lịch sử điện ảnh rất nhiều những giây phút “để đời” như hình ảnh Kong leo lên tòa nhà Empire State ở New York, một tay cầm cô gái, tay kia đập tan những chiếc máy bay như đập ruồi.
King Kong là một tượng đài thường xuyên được các đạo diễn Hollywood dùng làm phép thử cho khả năng kỹ xảo của mình, mà gần đây nhất chính là phiên bản làm lại của Peter Jackson vào năm 2005 và Kong: Skull Island của Jordan Vogt-Roberts vào năm 2017 được quay tại Việt Nam.
2. The Lost World (1925)
Trước khi làm nên kiệt tác King Kong, Willis O’Brien đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của điện ảnh thế giới nói chung với sự ra mắt của The Lost World vào năm 1925. Bộ phim là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Arthur Conan Doyle và là một “sân chơi” cho Willis thỏa sức dạo chơi với những sinh vật cổ đại có kích cỡ to lớn trong tưởng tượng của ông thông qua Stop Motion.
Tầm quan trọng của bộ phim đối với lịch sử điện ảnh đã được ghi nhận bởi Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ. Khán giả có thể rất dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng của The Lost World lên các dòng phim hiện đại về quái vật và khủng long về sau này như Godzilla hay Jurassic Park.
3. Godzilla (1954)
Mặc dù lấy cảm hứng từ King Kong và hay The Lost World của Mỹ, nhưng Godzilla mới thực sự là cái tên đã khiến cho dòng phim này thực sự bùng nổ ở thị trường quốc tế. Được đạo diễn bởi Ishiro Honda và phần kỹ xảo bởi Eiji Tsuburaya, Godzilla giới thiệu một kỹ thuật mới trong việc mang lại sự sống cho một quái vật có kích thước phi thường như vậy: cho các diễn viên thay nhau khoác lên mình một bộ trang phục quái vật tha hồ đập phá trong một phim trường tí hon mô phỏng các thành phố Nhật Bản.
Bộ phim đã khiến “Kaiju” – từ tiếng Nhật của “Quái thú” trở nên nổi tiếng trong văn hóa đại chúng toàn cầu, mà điển hình chính là Pacific Rim. Kể từ đây, chúng ta đã có hàng loạt các phần tiếp theo, làm lại, spin-off, về Godzilla, cũng như các quái vật “đối thủ” của nó tới từ cả điện ảnh Nhật và Mỹ mà gần đây nhất là Shin Godzilla (2016) và Godzilla (2014).
4. Kraken – Clash of the Titans (1981)
Tiếp nối những thành công của Willis O’Brien, học trò cưng của ông là Ray Harryhausen đã tiếp tục thống trị màn bạc với vai trò “chăn” các quái vật Stop Motion trong điện ảnh trong mấy chục năm sau đó. Quái vật khổng lồ nổi tiếng nhất mà Ray từng thực hiện có lẽ không phải ai khác, chính là The Kraken trong Clash of the Titans – tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp.
Phiên bản làm lại năm 2010
Trong phim, Kraken là thú cưng của thần biển Poseidon và đã được thần Zeus thả ra để hủy diệt thành phố Argos. Nó đã bị hạ gục bởi người hùng Perseus khi anh sử dụng cái đầu của Medusa để biến nó thành đá. Clash of the Titans có thể được coi là một trong số những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại và là một thành công vang dội về mặt kỹ xảo hình ảnh qua bàn tay của Ray Harryhausen.
Phim đã từng được làm lại vào năm 2010 với kỹ xảo máy tính ấn tượng và hình tượng quái vật Kraken hoàn toàn mới, mặc dù không mang lại thành công nào cho nhà sản xuất. Phần 2 của dòng phim Cướp biển vùng Caribbean cũng có phiên bản Kraken của riêng mình có hình dạng giống với loài Bạch Tuộc khổng lồ trong It Came from Beneath the Sea (1955), vốn cũng được thực hiện bởi Ray Harryhausen.
5. Mighty Joe Young (1949)
Quay trở lại với loài linh trưởng và Willis O’Brien, chúng ta phải nhắc tới Mighty Joe Young, một bộ phim đen trắng khác với đề tài quái vật mang nhiều tính “ăn theo” King Kong. Chú gorilla Mighty Joe Young trong phim không có kích thước khủng khiếp như Kong, nhưng lại truyền khá nhiều cảm hứng cho một dòng phim khá phổ biến một thời.
Vẫn được thực hiện bằng kỹ thuật Stop Motion truyền thống, bộ phim là lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh của Ray Harryhausen với vai trò một trợ lý của Willis O’Brien. Bộ phim đã từng được làm lại vào năm 1998, bên cạnh hàng loạt những bộ phim ăn theo chủ đề mối quan hệ giữa loài người và gorilla khác. Quan trọng nhất, chúng ta có thể thấy khá nhiều điểm tương đồng giữa Joe và George trong Rampage.
6. T-Rex – Jurassic Park (1993)
Vẫn được coi là một tượng đài điện ảnh cho tới tận ngày nay, Jurassic Park là một bước ngoặt quan trọng trong công nghệ kỹ xảo hình ảnh trong điện ảnh. Đây là lần đầu tiên các nhà làm phim chính thức bước ra khỏi cái bóng của kỹ thuật Stop Motion để khởi đầu cả một kỷ nguyên của CGI – kỹ xảo hình ảnh máy tính.
Phil Tippet – một họa sĩ hoạt hình nổi tiếng với các sản phẩm Stop Motion trong các tác phẩm kinh điển trước kia như Star Wars, Robocop… đã nhận trọng trách đưa những chú khủng long thời cổ đại vào thế giới loài người trong bộ phim của Stephen Spielberg. Qua hàng loạt những đoạn phim thử nghiệm sử dụng các búp bê khủng long Stop Motion, Tippet và Spielberg đã quyết định sử dụng công nghệ máy tính cho bộ phim.
Mặc dù vẫn có nhiều hạn chế về máy móc và kỹ thuật so với thời đại ngày nay, kỹ xảo mà họ sử dụng trong Jurassic Park phần đầu tiên vẫn chưa hề có dấu hiệu “hết đát” ngay cả khi so sánh với những bộ phim hiện đại của thế kỷ 21. Hình ảnh chú khủng long T-Rex khổng lồ phá hủy khu nhà tham quan của công viên khủng long sẽ mãi mãi hằn sâu trong ký ức của tất cả người hâm mộ điện ảnh.
7. Cloverfield (2008)
Những năm đầu thế kỷ 21, người hâm mộ dường như mất dần hứng thú với các quái thú ngoại cỡ quen thuộc trước kia, cho tới sự xuất hiện đầy bất ngờ của Cloverfield. Được đạo diễn bởi Matt Reeves và sản xuất bởi J. J. Abrams, sự ra đời của Cloverfield ở thời điểm đó chìm đắm trong một lớp màn “sương mù” của các bí ẩn. Suốt quá trình sản xuất, đoàn làm phim đã làm được một điều kỳ diệu khi giữ bí mật hoàn toàn về sự tồn tại của mình cho tới những ngày sát công chiếu của phim.
Cloverfield sử dụng cách thể hiện “found footage” – tận dụng từ góc nhìn tự nhiên của chính các nhân vật trong phim khiến cho phong cách này trở nên cực kỳ phổ biến sau này. Quái vật khổng lồ trong phim không xuất hiện quá nhiều do những thủ thuật tinh tế trong quá trình quay phim để tạo cảm giác như các nhân vật đang trải qua một trải nghiệm có thật, nhưng lại là một giải pháp “tiết kiệm” về mặt kỹ xảo hình ảnh.
Chỉ với một vài giây ngắn ngủi cuối phim, quái vật của Cloverfield chính là lần đầu tiên Hollywood có được một tên tuổi hoàn toàn mới lạ trong dòng phim này, cả về hình dạng lẫn cách thể hiện sau nhiều năm vắng bóng. Bản thân bộ phim cũng đã liên tiếp cho ra 2 phần phim liên quan, nhưng cũng khá độc lập trong 2 năm vừa qua là 10 Cloverfield Lane và The Cloverfield Paradox, cũng đều có sự ra mắt đầy kín tiếng và bất ngờ.
8. Kaiju – Pacific Rim và Pacific Rim: Uprising (2013 – 2018)
Những quái vật đồ sộ được gọi chung Kaiju theo tiếng Nhật trong dòng phim Pacific Rim chính là những “em bé” của thể loại phim đặc biệt này bên cạnh những phiên bản làm lại của các cái tên kinh điển như Kong hay Godzilla, nhưng chúng cũng đã gây được những tiếng vang không hề kém cạnh nhờ sự khác biệt của mình.
Lấy cảm hứng từ những quái vật từng thống trị màn ảnh rộng Nhật Bản bên cạnh Godzilla như Ghidora, Gamera… Kaiju của Pacific Rim không chỉ mang kích cỡ “vô đối”, mà còn có rất nhiều hình dạng khác lạ, khả năng độc đáo cùng nguồn gốc thú vị.
Với sức mạnh kỹ xảo máy tính đã đạt tới những dấu mốc đáng nể, các Kaiju của Guillermo Del Toro đã đem lại làn gió mới cho người hâm mộ thể loại phim này một cách sống động nhất.
Chú gorilla George của Rampage hứa hẹn cũng sẽ trở thành một cái tên đáng chú ý trong đại gia đình những quái vật to lớn trong lịch sử điện ảnh. Và tất nhiên, một lần nữa các nhà làm phim lại có dịp thử thách giới hạn về sức mạnh kỹ xảo của mình trong việc hiện thực hóa không chỉ một chú linh trưởng lông trắng, mà còn cả những quái vật to vĩ đại khác trong phim, cũng như một cuộc chiến kinh thiên động địa, tàn phá những thành phố lớn. Rampage được ra rạp tại Việt Nam từ ngày 13/4/2018.
Trailer của “Rampage” (Siêu Thú Cuồng Nộ)
Theo Trí Thức Trẻ
Godzilla suýt xuất hiện trong bom tấn 'Kong: Skull Island'
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts từng muốn cho "vua của các loài quái vật" xuất hiện trong đoạn phim after-credits của bom tấn "Kong: Skull Island" nhưng không thể.
Là tác phẩm thứ hai thuộc chuỗi phim quái vật "monsterverse" mà Legendary Pictures và Warner Bros. đang gắng công xây dựng, Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu lâu) có những kết nối tới bộ phim Godzilla (2014) thông qua tổ chức Monarch, đồng thời úp mở về Godzilla: King of Monsters (2019) với đoạn phim after-credits.
Sau khi Kong khép lại, nhóm nhân vật còn sống sót trong phim biết rằng King Kong và các sinh vật ghê rợn trên đảo Đầu lâu không phải là những quái vật duy nhất trên Trái đất. Họ đã tìm được loạt bằng chứng về sự tồn tại của Godzilla, Mothra, Rodan và King Ghidorah.
Do Kong lấy bối cảnh thập niên 1970, tức khoảng 40 năm trước những sự kiện trong bộ phim Godzilla (2014), nên việc nhóm nghiên cứu trong phim chưa biết đến Godzilla là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Song, chính điều đó khiến đạo diễn Jordan Vogt-Roberts không thể thực hiện ý tưởng ban đầu dành cho đoạn phim after-credits của Kong: Skull Island. Anh từng có một viễn tưởng rất khác để giới thiệu Kong, cũng như mở ra vũ trụ phim quái vật.
Jordan Vogt-Roberts từng muốn sử dụng lại một phần tạo hình của King Kong ở bộ phim 2005, cũng như cho Godzilla xuất hiện ở cuối Kong: Skull Island. Ảnh: Outnow.
Trả lời phỏng vấn tạp chí điện ảnh Empire, anh nói: "Ban đầu, tôi muốn cảnh mở màn diễn ra trên một bãi biển. Đó là thời kỳ Thế chiến II và con người đang giao tranh dữ dội. Bỗng một con khỉ khổng lồ xuất hiện, mang dáng dấp giống King Kong ở bộ phim 2005. Song, nó nhanh chóng bị sát hại. Nhưng rồi một tiếng gầm lớn vang lên và King Kong thực sự mới xuất hiện".
Theo Jordan Vogt-Roberts, đoạn phim giống như lời tuyên bố Kong: Skull Island của anh rất khác so với tác phẩm năm 2005 của Peter Jackson và nhiều phim King Kong trước đây. Tuy nhiên, ý tưởng táo bạo ấy nhanh chóng bị nhà sản xuất dẹp bỏ.
Vogt-Roberts còn muốn một đoạn kết bất ngờ hơn. "Sau khi thoát khỏi đảo Đầu lâu, nhóm nhân vật tiếp tục thám hiểm vùng Nam Đại Dương. Godzilla bỗng trồi lên từ dưới biển, phá vỡ lớp băng lạnh giá. Ý tưởng là thế, nhưng nó không khớp với nội dung của bộ phim 2014 bởi Godzilla được cho là chưa từng xuất hiện kể từ sau vụ nổ bom hạt nhân", anh giải thích.
Rốt cuộc, nhà làm phim 33 tuổi buộc phải hài lòng với những gì mình đã làm với bản phim cuối cùng khi gợi ý các quái vật mới qua hình vẽ, đồng thời sử dụng tiếng gầm quen thuộc của Godzilla trước khi màn hình vụt tắt.
Theo kế hoạch, Godzilla: King of Monsters (Godzilla: Vua quái vật) là tác phẩm tiếp theo thuộc chuỗi "monsterverse" của Legendary Pictures và Warner Bros, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 3/2019.
Sau đó đúng một năm, hai quái vật huyền thoại sẽ chạm trán trong tập phim Kong vs. Godzilla (2020).
Theo Zing
Sân khấu "Kong" 1 tỷ cháy rụi, sao Việt hoảng hốt, BTC nói gì? Phía đơn vị tổ chức sự kiện ra mắt phim "Kong: Skull Island" tại Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi các khách mời và khán giả. Tối 9.3, ở TPHCM đã xảy ra một sự cố hy hữu khi sân khấu của buổi ra mắt phim Kong: Skull Island diễn ra tại trung tâm thương mại Vivo City, quận 7 bị cháy...