Các porter góp phần phát triển du lịch Yên Bái
Tại Yên Bái, cùng với việc phát triển du lịch mạo hiểm, nhiều người dân địa phương đã tìm được công việc có thu nhập tốt khi tham gia làm porter (người khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch).
Nâng cao thu nhập cho người địa phương
Tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 2 đỉnh núi được du khách yêu thích là Tà Xùa, Tả Chù Nhì. Trong đó, đỉnh Tà Xùa khó chinh phục hơn nhưng lại thu hút khách du lịch với rừng rêu, “sống lưng khủng long” và biển mây.
Trước đây, đường lên đỉnh Tà Xùa vô cùng vất vả do đường trơn trượt và những dốc dựng đứng. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền địa phương đã bắt đầu mở đường mòn, trang bị dây cáp ở khu vực nguy hiểm để du khách có thể thuận lợi, an toàn hơn. Nhờ đó loại hình du lịch mạo hiểm cũng được phát triển hơn.
Anh Giàng A Thanh (SN 1996, dân tộc Mông, trú tại bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) từ một nông dân đến nay đã trở thành porter được nhiều khách du lịch biết tới.
Anh Thanh cho biết mình làm porter từ khoảng 10 năm trước. Lúc đầu, khách du lịch thuê anh xách đồ cho một vài người muốn trải nghiệm leo núi. Sau đó, anh Thanh coi đây là công việc chính của gia đình. Cả hai vợ chồng anh Thanh đều tham gia làm công việc này.
Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm việc, hiện tại anh Thanh có thể tự làm “tour” theo nhu cầu của khách. Tùy theo lộ trình của khách mà anh đưa ra các mức giá khác nhau: Nếu đón khách tại chân núi thì giá 1,3 triệu đồng/người; khách đi từ Hà Nội thì giá 2,5 triệu đồng/người (bao gồm ăn và ngủ lán trên núi); còn khách chỉ thuê dẫn đường thì 500 nghìn đồng/ngày.
Một chuyến leo núi kéo dài 2 – 3 ngày đã mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Thanh, thay vì trước đây chỉ trông chờ vào nương lúa, ngô.
Video đang HOT
Hai vợ chồng anh Giàng A Thanh cùng tham gia làm porter tại địa phương. Ảnh: PV
Tại xã Bản Công (huyện Trạm Tấu), nhiều thanh niên cũng tham gia làm porter để ổn định kinh tế gia đình. Em Giàng A Lầu (SN 2005) chia sẻ bản thân thích công việc này vì được trò chuyện với khách, học hỏi thêm nhiều kiến thức. Em mong muốn sau này sẽ trở thành người dẫn đường chuyên nghiệp.
Công việc của các porter không chỉ là gùi đồ, dẫn đường, họ còn trò chuyện với du khách, chia sẻ về văn hóa, sản vật của quê hương. Trên đường leo núi, các porter hào hứng chỉ cho du khách về các loài cây, chim, thú trong rừng hay kể về phong tục, tập quán của người dân bản địa.
Ngày càng có nhiều du khách yêu thích du lịch mạo hiểm leo núi. Ảnh: PV
Các porter cũng tìm kiếm những cung đường lạ, đẹp để khách trải nghiệm.Theo chia sẻ của anh Giàng A Thanh, anh và anh trai của mình còn tự mày mò tìm các đường mới, ví dụ như leo đỉnh Tà Chì Nhù còn có lối đi qua Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải, du khách có thêm trải nghiệm thú vị khi qua những rừng táo mèo bung trắng hoa dịp tháng Ba.
Đặc biệt, các porter cũng là những người thường xuyên “review”, quảng bá du lịch, thu hút du khách tới quê hương mình trên các kênh mạng xã hội. Nhiều khách sau một lần leo núi lại tiếp tục chinh phục thêm các ngọn núi khác và giới thiệu bạn bè.
Trang cá nhân của anh Thanh và các porter khác thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp về Tà Xùa, Tả Chù Nhì, Lùng Cúng… Anh Thanh cho rằng mạng xã hội giúp truyền thông du lịch leo núi Yên Bái mạnh mẽ hơn, nhiều người tìm đến anh thông qua mạng xã hội.
Leo núi là du lịch mạo hiểm, vì vậy porter cũng phải đảm bảo an toàn cho khách và chính mình. Anh Thanh cho biết, nhiều đoàn đông khách nên anh và mọi người phải phân công công việc, đặc biệt chú ý hỗ trợ du khách. Nhiều du khách không thể bám đoàn vì thể lực, nhóm porter phải chú ý liên tục giữ cự ly không quá xa, tránh lạc, luôn có người dẫn đầu và người chốt.
Nhiều porter ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu còn cập nhật xu hướng, tích cực thay đổi tư duy, xây dựng nhiều mô hình dịch vụ du lịch hấp dẫn như hợp tác xã dịch vụ du lịch, homestay… Ví dụ, anh Thanh đã liên kết với các cơ sở dịch vụ du lịch ở chân núi cho khách nghỉ ngơi trước và sau leo núi, giúp họ có trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Anh Phạm Hữu Tình (trú tại TP.HCM, là một người leo núi chuyên nghiệp) chia sẻ, anh thích thuê porter địa phương hơn các công ty du lịch bởi họ có nhiều kinh nghiệm đi rừng, leo núi. Chỉ với 1 con dao, những porter không bao giờ bị lạc bởi đi tới đâu họ cũng đánh dấu. Những porter này đều chất phác, thật thà, sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch, không ngại khó, ngại khổ.
Yên Bái: Huyện Trạm Tấu - "Thiên đường" của những người yêu thích leo núi
Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được thiên nhiên ban tặng những ngọn núi cao, hùng vĩ mà nổi bật nhất là hai đỉnh Tà Chì Nhù độ cao 2.979 m và Tà Xùa 2.875 m so với mực nước biển.
Đây là hai ngọn núi đứng trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam mà bất cứ dân leo núi cũng như những người ham chinh phục luôn mong ước được trải nghiệm trên những cung đường đầy khó khăn, thử thách và đẹp như lạc vào tiên cảnh.
Du khách chinh phục đỉnh Tà Xùa
Là địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu cách Hà Nội hơn 300 ki-lô-mét đường bộ. Với địa hình đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, Trạm Tấu được thiên nhiên ban tặng những ngọn núi cao, hùng vĩ với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên làm mê đắm lòng người.
Nổi bật nhất là hai đỉnh núi Tà Chì Nhù với độ cao 2.979 m và đỉnh núi Tà Xùa 2.875 m so với mực nước biển. Đây là hai ngọn núi đứng trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam mà bất cứ dân leo núi cũng như những người ham chinh phục luôn mong ước được trải nghiệm trên những cung đường đầy khó khăn, thử thách và đẹp như lạc vào tiên cảnh.
Đỉnh núi Tà Chì Nhù được mệnh danh là "nóc nhà" Yên Bái, đứng thứ 7 trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Nằm trên địa bàn xã Xà Hồ cách thị trấn 18 ki-lô-mét có thể di chuyển bằng xe máy tới chân núi. Từ đây, du khách bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi được ví như "đại dương trên mây".
Đến với Tà Chì Nhù một ngày nắng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan đẹp vô cùng và có sự thay đổi liên tục theo độ cao. Khi chiêm ngưỡng những cánh rừng nguyên sinh đẹp mê hồn, khi "mục sở thị" ngôi rừng trúc dày đặc đan xen nhau như trong những bộ phim dã sử; chiêm ngưỡng những đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ những triền đồi đầy cây cỏ và hoa lá như những thảo nguyên trong truyện cổ tích.
Khi leo lên đến đỉnh núi, khung cảnh nơi đây phải nói là tuyệt đẹp. Và khi tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi xa cũng là lúc ánh trăng vừa kịp tới. Đốt một đống lửa, mang theo một ít khoai và ngô để nướng, có thêm một chút trà nhẹ hoặc cafe nữa thì bạn đã có một bữa tối hoàn hảo quây quần bên đống lửa bập bùng.
Đứng thứ 2 về độ cao tại tỉnh Yên Bái và thứ 13 trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam là đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Tà Xùa được mệnh danh là "thiên đường" mây trong lòng những con người đam mê trekking.
Tuy không phải là đỉnh núi quá cao nhưng lại là địa điểm khó bởi độ hiểm trở của địa hình, với những dốc núi cheo leo, uốn lượn, đường đèo hiểm trở, quanh co. Chinh phục được đỉnh Tà Xùa chính là thành quả của việc khám phá những giới hạn mới của bản thân.
Thời điểm đẹp nhất trong năm để nhìn thấy đại dương mây trời cuồn cuộn xuất hiện trên nền trời xanh biếc là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Đỉnh Tà Xùa có 3 đỉnh hợp thành một kỳ quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, trông giống như một con khủng long thời tiền sử với sống lưng nhô lên uốn lượn. Dọc đường chinh phục dãy núi, du khách sẽ đi qua một mỏm đá có hình dáng rất giống đầu rùa, chiếc đầu rùa này nằm ở độ cao 2.120 m, đây là địa điểm thú vị và được các du khách yêu thích và ghi lại được nhiều khung hình đẹp.
Điểm nhấn vô cùng hấp dẫn trong cung này đó là rừng rêu ở Tà Xùa. Xuyên qua rừng rêu là tới đỉnh Tà Xùa. Đứng trên đỉnh Tà Xùa nhìn xuống những đám mây lơ lửng trên cao như chốn bồng lai tiên cảnh, xa xa những cung đường đã đi qua hiện ra một cách mờ ảo sau màn sương dày đặc, phía dưới là những bản làng của người Mông, người Thái, tạo nên một bức tranh hữu tình và đậm chất thơ...
Bên cạnh loại hình du lịch leo núi thể thao mạo hiểm, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động thú vị khác tại địa phương như: tham quan phiên chợ huyện, thư giãn tắm suối khoáng nóng và thưởng thức những nét văn hóa vùng miền của mảnh đất vùng cao này.
Những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh khai thác các điểm leo núi. Huyện đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, gắn biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm, đặc biệt là đã xây dựng những đường cáp giúp người leo có điểm bám an toàn. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi theo cũng dần phát triển, những năm gần đây, người dân bản địa đã bắt đầu làm du lịch như homestay, dịch vụ porter - gùi đồ... đáp ứng được nhu cầu của du khách tới khám phá.
Yên Bái: Nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại Lễ hội Trà Shan tuyết Lễ hội nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm Trà Shan tuyết Văn Chấn đến bạn bè trong và ngoài nước; tạo liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cây chè Shan tuyết Suối Giàng. (Ảnh: TTXVN phát) Lễ hội Trà Shan tuyết "Tinh hoa giữa ngàn mây" huyện Văn...