Các phóng viên chiến trường Libya được tôn vinh
Các phóng viên tác nghiệp tại Libya đã thắng lớn tại giải Bayeux-Calvados, giải thưởng thường niên dành cho các phóng viên chiến trường được tổ chức vào cuối tuần trước tại Rennes miền Bắc nước Pháp. Tổng cộng, có đến 4/8 hạng mục giải thưởng được trao cho các phóng viên tham đưa tin về cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, đủ thấy sự quan tâm của dư luận thế giới cho chiến trường Bắc Phi này.
Các phóng viên tác nghiệp ở Libya chụp hình lưu niệm sau khi được giải thoát khỏi khách sạn Rixos cuối tháng 8 (Nguồn: Getty Images)
Phóng viên 27 tuổi Sara Hussein của hãng tin Pháp AFP đoạt giải phóng viên trẻ xuất sắc nhất, dành cho 3 bài tường thuật nóng của cô về tình hình chiến sự ở Libya.
Video đang HOT
Tương tự như Hussein, nỗ lực ở chiến trường Bắc Phi cũng giúp cho Yuri Kozyrev của hãng Noor Images giành giải ở hạng mục ảnh.
Giải thưởng dành cho phóng viên phát thanh thì được trao cho Etienne Monin của đài France Info, người đã đi theo sát các chiến binh của phe nổi dậy ở những nơi xảy ra chiến sự khốc liệt nhất, qua đó chuyển về cho bạn nghe đài những thông tin nóng hổi từ Libya.
Giải thưởng ở hạng mục truyền hình cũng được trao cho một phóng viên tác nghiệp ở chiến trường Libya khác là Alex Crawford của kênh Sky Sports.
Trong khi đó, giải thưởng ở hạng mục báo viết thì được trao cho Jon Stephenson của tạp chí Metro nhờ vào những bài tường thuật về tình hình Afghanistan. Các tác phẩm báo chí về đề tài Afghanistan cũng giúp cho phóng viên Vaughan Smith của kênh Al Jazeera đoạt giải ở hạng mục chuyên đề truyền hình.
Ngoài Libya và Afghanistan thì Cộng hòa Dân chủ Congo cũng là một trong những điểm nóng trên thế giới trong năm qua. Các phóng viên Sarah Ledcu và Zoe Lamazou của France24 giành giải dành cho báo điện tử, và đây là năm đầu tiên hạng mục này được trao, một sự ghi nhận cho sự phát triển của loại hình báo chí đang có những bước phát triển chóng mặt.
Còn các phóng viên Mariana Grepinet thì đoạt giải cho hạng mục bìa báo, nhờ tấm ảnh đăng trên bìa tạp chí Paris Match, chụp những nạn nhân bị cưỡng bức tại Congo.
Giải Bayeux-Calvados được trao lần đầu vào năm 1994 nhằm ghi nhận những nỗ lực, thậm chí là sự hy sinh quên thân mình của các phóng viên chiến trường trên toàn thế giới. Trưởng ban giám khảo năm nay là nhà văn/nhà báo Mỹ Mort Rosenblum, nguyên là phóng viên chiến trường của hãng AP từ năm 1965 đến 2004, người đã có mặt tại hầu hết các cuộc chiến khốc liệt nhất thế giới trong quãng thời gian này./.
Theo TTXVN
Người nhập cư đụng độ cảnh sát ở đảo Lampedusa
Ngày 21/9, những người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi đang bị tạm giữ trên đảo Lampedusa, miền Nam Italy đã xung đột với cảnh sát sau khi hàng chục người nhập cư tìm cách trốn khỏi trại giam giữ họ trên hòn đảo này.
Thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi. (Nguồn: Internet)
Cuộc đụng độ nổ ra chỉ một ngày sau khi người nhập cư châm lửa đốt phá trại để phản đối chính sách hồi hương bắt buộc của Chính phủ Italy.
Hình ảnh trên kênh truyền hình SKY TG 24 cho thấy, cảnh sát đã sử dụng dùi cui để trấn áp, ngăn không cho người nhập cư trèo tường trốn khỏi trại. Các nguồn tin báo chí cho biết một số người đã bị thương.
Thị trưởng Lampedusa, ông Bernardino De Rubeis đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ bỏ rơi Lampedusa, để hòn đảo này phải tự đối phó với tình trạng rối ren, hỗn loạn do người nhập cư gây ra. Thậm chí ông còn gọi người nhập cư bất hợp pháp là "những kẻ tội phạm," đồng thời khẳng định hòn đảo này sẽ không tiếp nhận thêm một người nhập cư nào nữa.
Ông cũng đề nghị Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đến Lampedusa "để thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân ở hòn đảo này, vốn đang bị phá rối thường xuyên" do sự xuất hiện của nhiều người nhập cư đang trong tình cảnh tuyệt vọng.
Căng thẳng đã dâng cao trên đảo Lampedusa trong vài ngày qua do hơn 1.000 người nhập cư quốc tịch Tunisia đang có nguy cơ phải hồi hương theo một hiệp định giữa Tunisia và Italy.
Là hòn đảo nằm gần châu Phi hơn khu vực đất liền của Italy, Lampedusa đã bị ngập chìm trong làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi, chủ yếu là từ Tunisia, kể từ mùa Xuân năm nay.
Tình trạng căng thẳng thỉnh thoảng lại bùng lên, nhất là khi trung tâm tạm giữ người nhập cư trên đảo bị quá tải. Trung tâm ở Lampedusa được thiết kế để chứa tối đa là 850 người, nhưng thực tế khoảng 1.200-1300 đang bị tạm giữ tại đây.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) hồi tuần trước cảnh báo rằng, tình hình trên đảo Lampedusa đang trở nên căng thẳng do việc giam giữ kéo dài người nhập cư từ Tunisia và Libya mà không hề có động thái nào nhằm xác định họ có đáp ứng các tiêu chí để được tỵ nạn hay không.
UNHCR thúc giục Chính phủ Italy xúc tiến các biện pháp nhằm chuyển người nhập cư từ Lampedusa đến những trung tâm khác có điều kiện sống ổn định hơn vì theo họ, trung tâm ở Lampedusa chỉ là tạm thời và là nơi dừng chân đầu tiên.
Khoảng 26.000 người Tunisia và 28.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau từ Libya đã đến Lampedusa kể từ khi nổ ra những bất ổn ở khu vực Bắc Phi. Italy lâu nay đã cho hồi hương một số lượng lớn người Tunisia do những người này không đáp ứng các tiêu chí để được tỵ nạn chính trị./.
Theo TTXVN
Algeria đưa ra điều kiện để công nhận NTC ở Libya Theo tờ Maghreb ngày 25/8, Algeria cho biết sẽ chỉ công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy ở Libya với điều kiện thể chế này cam kết đấu tranh chống tổ chức al-Qaeda tại Bắc Phi (Aqmi). Quân nổi dậy Libya mừng chiến thắng tại quảng trường Shuhada ở Tripoli ngày 23/8. (Nguồn: THX/TTXVN) Tờ báo dẫn...