Các “ông lớn” đau đầu tính kế trữ đông thịt lợn
Trong lúc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa có dấu hiệu ngừng lây lan, việc cấp đông thịt lợn để đảm bảo nguồn cung được nhiều chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, kế hoạch cấp đông và bài toán cung cầu cho nguồn thịt cấp đông lại đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN)băn khoăn.
Hiện, DN chăn nuôi và người tiêu dùng đang chờ đợi một giải pháp tổng thể, khả thi từ phía các cơ quan nhà nước.
Các “ông lớn” kêu khó
Có trại chăn nuôi riêng, có dây chuyền giết mổ độc lập, Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) được xem là một trong những “ông lớn” ở thị trường thịt lợn TP.HCM. Trên thực tế, DN này vẫn phải nhập thêm một lượng lớn lợn hơi từ các trại nuôi của các công ty khác để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến lẫn cung cấp thịt tươi sống ra thị trường.
Kế hoạch cấp đông đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyên Vỹ
“Trong tình hình DTLCP đang lan rộng như hiện nay, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn, lợn sẽ được xét nghiệm huyết thanh trước khi giết mổ. Quy trình chăn nuôi, giết mổ, cấp đông đến đưa ra tiêu thụ được các cơ quan chức năng kiểm soát tối đa, không để cho bất cứ 1 con lợn mắc bệnh nào lọt được vào quy trình nghiêm ngặt này”.
Ông Phan Văn Dân
Ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, lợn hơi là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với chế biến của công ty. Từ tháng 10/2018, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, Vissan đã phải tính toán kế hoạch lâu dài đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho DN đến tháng 10/2020. Riêng thực phẩm tươi sống cung cấp cho thị trường trong thời gian sắp tới, vẫn là bài toán nan giải. Kịch bản cấp đông thịt lợn đã được Vissan đặt ra khi DTLCP lan rộng.
Tuy nhiên việc cấp đông phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trước hết là chi phí cấp đông và trữ đông sẽ ảnh hưởng đến giá thành khi bán ra thị trường trong thời gian nhất định. Khi đó, sản phẩm bị đội giá lên 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Chưa hết, những phụ phẩm phát sinh trong quá trình giết mổ cũng không thể bán được trong điều kiện dịch bệnh. Sau dịch, hệ thống cơ sở cấp đông đã đầu tư sẽ vận hành như thế nào cũng phải tính toán kỹ.
Video đang HOT
“Đây là vấn đề đau đầu nhất của DN khi tham gia kế hoạch triển khai kịch bản cấp đông dự trữ. Bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước” – ông Phú nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM cũng tỏ ra băn khoăn về chính sách cấp đông. Theo bà Lan, muốn cấp đông, trước hết DN phải có cơ sở vật chất đáp ứng được các yêu cầu. Hay như chi phí vận hành cho hệ thống này, chỉ tính việc giá điện tăng theo lũy tiến khiến việc dùng điện càng nhiều thì trả càng nhiều cũng là khó khăn cho DN.
Hiện Sở Công Thương TP.HCM đã có kế hoạch sẵn sàng nhập nguồn thịt đông lạnh. Theo đánh giá, lúc này thịt đông lạnh nhập khẩu sẽ có giá thành rất cạnh tranh vì xuất phát từ các quốc gia có trình độ chuyên nghiệp về xuất khẩu thịt lợn. “Trong trường hợp này, lượng thịt cấp đông của chúng ta có giải quyết được gì cho đại cục hay chỉ là giải pháp mang tính giải cứu?” – bà Lan đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, virus dịch tả tồn tại rất lâu, môi trường đông lạnh cũng không giết được. Sẽ không khả thi nếu con lợn nào cũng phải kiểm nghiệm vì năng lực kiểm nghiệm thực tế hiện không đáp ứng được.
“Liệu chúng ta có đảm bảo được 100% số lợn giết mổ cấp đông là không mang theo virus? Đến khi tình hình dịch bệnh nguôi ngoai, thịt rã đông khiến mầm bệnh sống lại, dịch bệnh lại bùng phát thì người chăn nuôi tiếp tục khó khăn. Do vậy, việc này cần cân nhắc hết sức thận trọng” – bà Lan nhấn mạnh.
Cần phương án cụ thể
Bà Dương Bạch Mai – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Song Đạt (Đồng Nai) cho biết, nếu tham gia vào kế hoạch cấp trữ đông thịt lợn, DN sẽ phải đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Theo bà Mai, không chỉ vấn đề kiểm soát đầu nguồn thịt, khi triển khai kế hoạch cấp đông thì việc tìm đầu ra sản phẩm cấp đông cũng là một bài toán cần tính đến. Cái khó là ở chỗ, hiện nay, thói quen của người tiêu dùng vẫn chuộng sử dụng nguồn thịt tươi sống.
Do đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc thực hiện cấp đông hiện nay là không khả thi nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các DN.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, hiện hệ thống cấp đông của DN chỉ có công suất cấp đông khoảng 1 tấn/ngày. Sản phẩm cấp đông chủ yếu chỉ phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm của DN. Trong khi đó, việc xây dựng lò giết mổ và kho cấp đông mới của DN tại huyện Củ Chi (TP.HCM) dự kiến phải đến tháng 9 tới mới hoàn thành.
Còn theo ông Đào Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Anh Hoàng Thy, việc cấp đông hiện nay chủ yếu là hướng đến nhu cầu đảm bảo nguồn cung trong tình hình dịch bệnh chứ không mang tính lâu dài. Do đó, sẽ không nhiều DN đầu tư để xây dựng mới các hệ thống này. Vì vậy, giải pháp phù hợp là thuê kho lạnh của các DN khác tại Bình Dương, TP.HCM để cấp đông. Các DN sẽ cùng tham gia với địa phương để thực hiện nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo ông Phan Văn Dân – người phát ngôn Sở Công Thương Đồng Nai, Bộ Công Thương cần phải chủ trì việc giết mổ, cấp đông để bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đưa ra chủ trương chính thức cũng như việc huy động các kho đủ chuẩn cùng tham gia.
Theo Danviet
Trữ đông thịt lợn: Cực khó vì năng lực kho chứa có... vấn đề!
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước với khoảng 2 triệu con lợn đã chết hoặc buộc phải tiêu hủy, phương án trữ đông thịt lợn sạch bệnh được nhiều người đề xuất và đang được đánh giá là khả thi nhất trong lúc này để giảm thiểu thiệt hại và bình ổn thị trường.
Nhưng thực tế triển khai ý tưởng sẽ không hề dễ dàng như vậy.
Năng lực kho chứa có vấn đề
Có thể thấy, cấp đông thịt lợn trong bối cảnh DTLCP là một giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay để vừa giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, bởi có thời điểm, tâm lý lo ngại dịch bệnh đã khiến giá lợn hơi ở nhiều địa phương giảm sâu, khu vực miền Bắc, miền Trung chỉ còn 28.000 - 32.000 đồng/kg, miền Nam khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg (thời điểm này giá lợn hơi đã tăng nhưng không cho thấy dấu hiệu bền vững).
Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là hệ thống kho cấp đông còn quá nhỏ bé, không đủ chứa một sản lượng thịt tương đối lớn.
Việc cấp đông thịt lợn sạch không đơn giản bởi thiếu kho lạnh, nhiều người dân chưa thích dùng thịt đông lạnh... (ảnh minh họa) Ảnh: T.L
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông. Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại có tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, nhưng hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn - con số quá nhỏ bé so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.
Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, lên tới 1,5 triệu con, nhưng cho đến thời điểm này, cả tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài cơ sở giết mổ có hệ thống kho lạnh đảm bảo, nhưng công suất vẫn còn khiêm tốn.
Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc cấp đông thịt lợn sạch, Sở Công Thương Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị sản xuất, chế biến, chăn nuôi, giết mổ, phân phối trên địa bàn. Về cơ bản, các doanh nghiệp, đơn vị giết mổ, thu mua đều ủng hộ chương trình này nhưng "cái khó bó cái khôn" khi hiện nay, Đồng Nai không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn.
"Chúng tôi đã tính đến chuyện đi thuê kho với giá thuê 1USD/tấn/ngày. Do đó, nên chăng Bộ Công Thương đứng ra chủ trì để các địa phương lân cận phối hợp cùng nhau làm việc này, cùng kết nối với các địa phương để thực hiện việc cấp đông. Đơn cử, Đồng Nai thực hiện giết mổ và TP.HCM sẽ giúp Đồng Nai cấp đông thịt lợn" - ông Lộc đề xuất.
Đại diện Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh - đơn vị duy nhất trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện cấp đông thịt lợn cho biết, theo chủ trương kêu gọi của thành phố, doanh nghiệp đã cấp đông được 500 tấn lợn nhưng hiện tại kho đã hết công suất. Trong khi đó, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn về vốn khi nguồn tiền đã cạn, trong khi chi phí tiền điện chạy kho lạnh mỗi tháng hết hơn 200 triệu đồng.
Nhiều ý kiến thì cho rằng, phương án cấp đông thịt lợn rất khó thực hiện, bởi tập quán sử dụng thịt tươi, mua trong ngày của người tiêu dùng khiến nhiều địa phương thiếu kho chứa trầm trọng. Trên thực tế, năm 2016, khi xảy ra khủng hoảng giá lợn, Hải Phòng đã thực hiện cấp đông nhưng lượng thịt đó về sau không thể giải phóng được. Còn bây giờ, nếu triển khai xây kho chứa thì có thể đến khi xây xong sẽ... hết lợn.
Doanh nghiệp phải được bảo hiểm
Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội lại có một nỗi lo khác, đó là, chẳng may trong quá trình vận chuyển, giết mổ, cấp đông, lô hàng bị phơi nhiễm DTLCP thì doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào?
"Bộ NNPTNT phải xây dựng được quy trình vận chuyển, giết mổ, cấp đông một cách chặt chẽ, phải đề ra những phương án bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Không ai dám chắc trong quá trình vận chuyển, lợn không bị phơi nhiễm DTLCP khi hiện nay vẫn có những xe chở lợn không được che bạt. Trong trường hợp này doanh nghiệp được bảo hiểm như thế nào" - ông Dũng băn khoăn.
Đó là chưa kể, theo ông Dũng, các trang trại, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi đang gặp khó về nguồn vốn khi ngân hàng đang xếp vào nhóm rủi ro cao, trong khi chỉ cách đây một năm còn mời gọi vay vốn. "Nếu các ngành chức năng không quan tâm đến những lĩnh vực nền tảng sản xuất thì các giải pháp đưa ra sẽ không hiệu quả, chẳng khác gì đấm tay vào không khí" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, vấn đề kho lạnh không đáng lo ngại vì có thể đi thuê, Chính phủ hỗ trợ về tiền điện, kiểm dịch, tất cả những chính sách này đều rất tốt nhưng cần có bảo hiểm cho doanh nghiệp thì họ mới dám làm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan cho rằng, việc cấp đông thịt lợn nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn..., các doanh nghiệp như Vissan không dám tham gia, bởi rủi ro rất lớn. Hơn nữa, giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp.
"Nếu có chủ trương cấp đông thịt lợn thì sau này lợn cấp đông được bán như thế nào, giải phóng hàng tồn kho ra sao?" - ông An băn khoăn.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh DTLCP đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nếu không cấp bách triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, cấp đông thịt lợn sạch thì nguồn cung thịt lợn cuối năm sẽ thiếu, trong khi hiện nay, việc tiêu hủy lợn có thể khiến người chăn nuôi tổn thất nghiêm trọng.
Một trong những cơ chế nổi bật được Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đó là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.
Theo Danviet
Hỗ trợ người dân phòng, chống dịch tả lợn châu Phi Chiều 30-5, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp đề xuất cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trong thời gian tới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở...