Các nước vùng Baltic ủng hộ chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn nguồn truyền thông Litva ngày 26/1 cho biết các nước vùng Baltic (Estonia, Litva và Latvia) ủng hộ việc chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine sau khi Đức, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác chấp thuận cung cấp xe tăng cho Kiev.
Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Một số quan chức quân sự và ngoại giao phương Tây cho biết các cuộc thảo luận về việc này đã được tiến hành với sự ủng hộ của các nước vùng Baltic. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những lo ngại nguy cơ leo thang chiến tranh. Theo nhà ngoại giao này, Washington đã khẳng định với Kiev rằng việc cung cấp máy bay cho Ukraine “không nên tiến hành vào lúc này”.
Trong tháng 2 tới, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp lại nhau tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ trên lãnh thổ Đức và dự kiến sẽ thảo luận việc hỗ trợ về không quân cho Ukraine. Một số nước châu Âu được cho là đã phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra tuần trước phát biểu trước Quốc hội nước này rằng Chính phủ Hà Lan sẽ xem xét cung cấp máy bay chiến đấu F-16 nếu Kiev yêu cầu.
Tháng trước, Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Káer cũng cho biết nước này “sẵn sàng” chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô cho Kiev và đang thảo luận với các đối tác NATO cũng như Tổng thống Ukraine về cách thực hiện.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 25/1 đã bác bỏ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ông nói: “Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Điều này đã được làm rõ từ lâu”.
Sau xe tăng, Ukraine muốn nhận chiến đấu cơ
Ukraine cho biết sẽ nhắm đến các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của phương Tây như F-16 của Mỹ sau khi nước này nhận được hàng chục xe tăng chiến đấu từ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25/1, Mỹ tuyên bố trong vài tháng tới sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams - một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất của nước này - cho Ukraine. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Yuriy Sak cho biết: "Rào cản lớn tiếp theo bây giờ sẽ là máy bay chiến đấu. Nếu chúng ta có được chúng thì lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng lớn... Không chỉ có F-16, máy bay thế hệ thứ tư là thứ chúng ta muốn".
Lực lượng không quân của Ukraine sở hữu phi đội máy bay chiến đấu mà từ thời Liên Xô đã ra khỏi dây chuyền lắp ráp trước cả khi Kiev tuyên bố độc lập hơn 31 năm trước. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, ý tưởng cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine thường gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nguồn cung của phương Tây kể từ đó đến nay đã phá vỡ mọi điều cấm kỵ.
Ông Yuriy Sak nêu rõ: "Họ không muốn cung cấp cho chúng ta pháo hạng nặng, nhưng họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng ta hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), nhưng họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng ta xe tăng, bây giờ họ đang cung cấp cho chúng ta xe tăng. Ngoài vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ nhận được mọi thứ".
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ không có khả năng máy bay chiến đấu được gửi đến Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: "Tôi đã nói rõ từ rất sớm rằng chúng ta không nói về máy bay chiến đấu, và tôi đang làm điều tương tự ở đây".
Ông Scholz bổ sung: "Chúng tôi sẽ không cử lính bộ binh trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi đã nói sẽ không có sự tham gia trực tiếp của binh lính NATO trong cuộc xung đột Ukraine. Đó không phải là trường hợp hiện nay và cả trong tương lai".
Đức rút cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine Cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng là một tuyên bố quan trọng của Thủ tướng Olaf Scholz trước Quốc hội Đức vào tháng 2, chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Politico Vài ngày sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam...