Các nước tranh luận về phân bổ chi phí tìm MH370
Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích hôm 8/3 đến nay đã tiêu tốn hàng chục triệu USD mà vẫn chưa đem lại kết quả. Hiện các quốc gia liên quan cũng đang tranh luận về việc phân bổ khoản chi phí ngất ngưởng này.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 đã tiêu tốn hàng chục triệu USD
Thông tin được một quan chức chỉ huy chiến dịch tìm kiếm của Úc công bố với báo giới.
Hiện các quan chức Malaysia đã có mặt tại thủ đô Canberra của Úc để thảo luận giai đoạn tiếp theo của cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Ấn Độ Dương, nơi chiếc Boeing 777 được cho là đã rơi xuống hôm 8/3, mang theo 239 người trên khoang.
Malaysia hiện đang chủ trì cuộc tìm kiếm do chiếc máy bay được đăng ký tại nước này. Tuy nhiên Úc lại là nước điều phối chiến dịch, do khu vực tìm kiếm gần với bờ biển của họ hơn cả. Nhưng quốc gia có nhiều hành khách trên khoang nhất lại là Trung Quốc, và nước này cũng đã tham gia tích cực trong chiến dịch.
“Chúng tôi vẫn đang thương thảo về việc chia sẻ gánh nặng với các nước, ví dụ như Malaysia”, ông Angus Houston, chỉ huy Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp của Úc, khẳng định với kênh truyền hình ABC.
Một đợt tìm kiếm kỹ lưỡng khu vực đáy biển khả nghi đã được thực hiện, với sự góp mặt của tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa. Tuy nhiên những nỗ lực này đã kết thúc hồi tháng trước sau khi không thu được kết quả nào.
Video đang HOT
Úc hiện đang thuê các nhà thầu tư nhân để tìm kiếm một diện tích lớn hơn, sử dụng các thiết bị dò sóng âm mạnh hơn. Dự kiến chiến dịch mới có thể kéo dài hơn 8 tháng.
Chính phủ Úc dự kiến đến tháng 7/2015 sẽ chi 84 triệu USD cho chiến dịch này. Tuy nhiên chi phí thực sự nước này bỏ ra sẽ phụ thuộc vào việc có thể phát hiện mảnh vỡ sớm hay không, và các nước khác sẵn sàng đóng góp bao nhiêu.
Bộ trưởng tài chính Úc Joe Hockey cho biết chính phủ nước này sẽ không né tránh trách nhiệm tài chính trong việc thực hiện tìm kiếm cứu nạn tại khu vực của Úc.
Về phần mình, trong một cuộc họp báo mới đây, quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, nước này đã chi tổng cộng 27,6 triệu ringgit (8,63 triệu USD) cho chi phí nhiên liệu, thực phẩm, thiết bị và nhân lực phục vụ tìm kiếm.
“Số tiền chúng tôi phải chịu là khá nhỏ so với những thiết bị được các nước khác triển khai cho cuộc tìm kiếm”, ông Hussein nói.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Indonesia để phóng viên nghe cuộc gọi của Thủ tướng Úc
Indonesia hôm nay 3/6 thừa nhận đã để cho phóng viên nghe cuộc đàm thoại giữa Tổng thống nước này và Thủ tướng Úc, song khẳng định vụ việc là do sơ suất.
Tổng thống Indonesia Yudhoyono (phải) và Thủ tướng Úc Abbott dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày mai 4/6.
Thủ tướng Úc Tony Abbott sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trên đảo Batam của Indonesia vào ngày mai, nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước sau những cáo buộc nghe lén và những vụ trả lại người Indonesia tìm cách vượt biển vào Úc.
Ngay trước cuộc gặp dự kiến lại xuất hiện thông tin Jakarta cho phép phóng viên Indonesia nghe cuộc gọi mà Thủ tướng Abbott gọi tới Tổng thống Yudhoyono vào tháng trước. Cuộc gọi khi đó là nhằm sắp xếp cuộc đàm phán vào ngày mai.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abbott đã "cho qua" vụ phá vỡ thông lệ này và một phát ngôn viên của phủ Tổng thống Indonesia cũng giảm nhẹ vụ việc, khi cho biết đây là sự hiểu nhầm.
"Chúng tôi không xem đây là vụ việc to tát. Không có gì chính thức trong cuộc nói chuyện", phát ngôn viên Teuku Faizasyah cho biết với hãng tin Pháp AFP. Ông cũng cho biết vụ việc đã diễn ra từ hơn một tháng trước.
Ngoài ra, người phát ngôn cũng tiết lộ phủ tổng thống Indonesia thường xuyên "hé lộ đôi chút" về các cuộc trò chuyện giữa Tổng thống và các nhà lãnh đạo khác. Tuy nhiên, phát ngôn viên cũng thừa nhận "sai lầm" khi cho phép phóng viên nghe toàn bộ câu chuyện.
"Đã có sự hiểu lầm, khi một số báo ở lại trong phòng. Do phòng có nhiều bộ trưởng và quan chức, nên các nhân viên khó nhận biết ai được ở lại".
Văn phòng Tổng thống Indonesia đã công bố một số đoạn trích cho các phóng viên sau cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Úc-Indonesia.
Thủ tướng Abbott khi được hãng tin ABC hỏi về vụ việc, ông cho biết điều quan trọng là chất lượng của cuộc nói chuyện.
Quan hệ hai nước Indonesia và Úc đã bị xấu đi vào năm ngoái khi xuất hiện cáo buộc Canberra đã nghe lén Tổng thống Yudhoyono, vợ ông và các quan chức thân cận dưới quyền ông.
Jakarta cũng bất bình với chính sách nhập cư cứng rắn của Canberra. Chính sách cho phép Hải quân Úc trả các tàu chở người tìm kiếm tị nạn ở trong vùng biển của Úc trở lại vùng biển của Indonesia. Đại sứ Indonesia tại Úc đã bị triệu về Jakarta hồi tháng 11 khi căng thẳng leo thang và mới trở lại Úc vào tháng trước.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Úc và Indonesia vào ngày mai diễn ra sau khi ông Abbott bất ngờ hủy một chuyến đi tới Indonesia vào tháng 5. Được biết, vụ hủy xuất phát từ lo ngại việc trao trả những người tìm kiếm tị nạn có thể thổi bùng căng thẳng giữa hai nước. Song trước thềm cuộc gặp vào ngày mai, Thủ tướng Úc bày tỏ hi vọng có "một cuộc gặp tốt đẹp, một cuộc gặp ấm áp" với Tổng thống Indonesia.
Theo Dantri
Khu vực có tín hiệu nghi của MH370 không phải vùng máy bay rơi Giới chức Úc ngày hôm (29/5) cho biết việc tìm kiếm MH370 trong vùng biển được đánh giá là có khả năng tìm thấy máy bay cao nhất đã hoàn tất mà không thu được kết quả, và rằng, đây không phải là khu vực máy bay đã rơi như nhận định trước đó. Tàu Ocean Shield đã rời khỏi vùng biển nghi...