Các nước tìm cách duy trì cuộc sống bình thường mới
Chính phủ Anh ngày 13/10 đưa ra một quy định mới, theo đó không bắt buộc những người dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19 tại England phải ở trong nhà như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, thay vào đó khuyến cáo họ tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để có thể tiếp tục cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê, từ đầu năm nay, trên 2 triệu người đang bị các bệnh như ung thư, hen suyễn và viêm khớp tại Anh đã phải ở trong nhà nhiều tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới, chỉ những người dễ bị tổn thương đang sống tại “các khu vực có nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao” mới cần ở trong nhà, không đi làm hay đi học, và tránh tiếp xúc với người khác.
Bộ Y tế Anh cho biết thông báo mới của chính phủ đồng nghĩa với việc mọi người sẽ làm theo khuyến cáo đặc biệt tùy theo tình hình dịch bệnh ở địa phương, “đảm bảo rằng họ cũng có thể duy trì cuộc sống bình thường của mình” trong khi tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
* Cùng ngày, nhà chức trách Cuba cũng thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 7 tháng áp dụng nhằm chống đại dịch COVID-19, theo đó các cửa hàng, cửa hiệu và cơ quan công sở được mở cửa trở lại, đồng thời các sân bay cũng được mở cửa đón khách du lịch tới hòn đảo xinh đẹp này nhằm trở lại cuộc sống bình thường và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là quy định bắt buộc, dù không còn áp dụng cách ly đối với những người có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
Video đang HOT
Thị trấn nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng Varadero sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài từ ngày 15/10 tới. Mọi du khách đến Cuba sẽ bắt buộc phải xét nghiệm và được giám sát dịch tễ trong thời gian nghỉ dưỡng trên đảo. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì tại thủ đô La Havana, nơi dịch tái bùng phát từ tháng 8. Trường học ở thủ đô có thể chưa được mở lại vào tháng 11 tới, trong khi lớp học ở các nơi khác đã nối lại từ tháng trước.
Quy định mới được đưa ra sau khi nhà chức trách Cuba nhận thấy sự cần thiết phải tái kích hoạt nền kinh tế bị tác động của các biện pháp hạn chế chống dịch cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ gần đây.
Phát biểu trên truyền hình tối 13/10, Phó Thủ tướng Alejandro Gil cho biết: “Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan giữa y tế và kinh tế như hiện nay. Ưu tiên luôn là sức khỏe của mọi người, song tình hình kinh tế cũng đang rất căng thẳng”.
Theo ông Gil, 250.000 trong số 600.000 chủ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì dịch, trong khi 150.000 người lao động bị ảnh hưởng. Đại dịch đã “đóng băng” ngành du lịch trị giá 2 tỷ USD rất quan trọng của Cuba. Trong khi đó, nông nghiệp, vận tải và kiều hối cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến nay, hòn đảo với trên 11 triệu dân này đã ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó trên 120 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại hầu hết các tỉnh của Cuba. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tuần trước thông báo một số tỉnh đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều tháng.
Thêm thành phố của Đức bị xếp vào danh sách nguy cơ cao
Thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Wrttemberg, Tây Nam nước Đức, đã bị xếp vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi tỷ lệ lây nhiễm ở thành phố này vượt mức 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua, buộc chính quyền thành phố phải siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát mới.
Một biển thông báo giữ khoảng cách tiếp xúc với những người xung quanh được dán trên một tuyến phố đi bộ ở Berlin, Đức nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức dẫn thông báo chính thức của chính quyền thành phố, cho biết tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới tại thủ phủ Stuttgart trong ngày 10/10 đã tăng lên mức 50,5 ca trên 100.000 dân, vượt mức giới hạn 50 ca/100.000 dân/tuần. Các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy thành phố với hơn 600.000 dân này, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 82 ca nhiễm mới COVID-19.
Trước tình hình số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, chính quyền thành phố Stuttgart cho biết sẽ buộc phải áp đặt thêm nhiều biện pháp kiểm soát mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, ngoài việc cấm các cuộc tụ tập riêng tư với hơn 25 người trong thành phố, các biện pháp mới sẽ bao gồm quy định hạn chế đồ uống có cồn, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và giới hạn thời gian mở cửa và hoạt động đối với các nhà hàng, quán bar, quán rượu. Chính quyền thành phố cũng khuyến khích người dân làm việc tại nhà.
Stuttgart là thành phố mới nhất của Đức được đưa vào danh sách khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 sau 3 thành phố Kln, thủ đô Berlin và Frankfurt. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trên toàn nước Đức vẫn tiếp tục tăng đáng lo ngại. Trong ngày 10/10, Đức đã ghi nhận 4.721 ca nhiễm mới, vượt mốc 4.000 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Séc cũng thông báo sẽ siết chặt các biện pháp chống dịch nhằm hạn chế tốc độ lây lan dịch bệnh khiến số người phải nhập viện tăng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Séc Alena Schillerova khẳng định sẽ tìm kiếm giải pháp để tránh không phải áp đặt biện pháp cách ly, như từng thực hiện đầu năm nay.
Quốc gia 10,7 triệu dân này đã ghi nhận tỷ lệ gia tăng số mắc mới COVID-19 trên đầu người cao nhất châu Âu sau khi nhà chức trách nới lỏng hầu hết các hạn chế. Theo bà Alena Schillerova, Chính phủ Séc không muốn đóng cửa nền kinh tế mà muốn có các biện pháp trọng tâm hơn, theo đó, sẽ hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người.
Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10 này, Séc đã ghi nhận hơn 43.000 ca mắc COVID-19, bằng tổng số ca mắc trong cả tháng 9 và số người phải nhập viện cũng tăng 76% lên 2.085 ca trong tuần qua. Cùng với nguy cơ các bệnh viện có thể quá tải trong những ngày tới, Viện Đại học Y của Séc cảnh báo số bác sĩ và nhân viên y tế mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh tại nước này.
Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm cảnh báo Anh đang ở "đỉnh điểm" của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 và nước này phải hành động ngay lập tức để có thể ngăn chặn lặp lại "kịch bản xấu" như hồi tháng 3 vừa qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Với số ca mắc mới tăng nhanh, đặc biệt là tại miền Bắc England, đồng thời tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang chuyển từ những nhóm đối tượng thanh niên sang những người già hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Chính phủ Anh đang cân nhắc đưa ra một loạt quy định chống dịch mới, bao gồm cả việc trao nhiều quyền hơn cho các lãnh đạo địa phương nhằm theo dõi và truy vết những ca nhiễm mới. Ngoài ra, chính quyền cũng kêu gọi người dân thực hiện những quy định như rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc xã hội.
Từng là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, Anh hiện đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại kể từ khi chính phủ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và mở lại trường học. Để cân bằng giữa việc chống dịch và hoạt động kinh tế, chính phủ đã thông qua một chiến lược thực hiện cách ly theo vùng nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên, một số quan điểm chỉ trích cho rằng có ít bằng chứng cho thấy hình thức cách ly kiểu này mang lại hiệu quả.
Thăm dò của Anh cho thấy Trump vượt Biden Tỷ lệ ủng hộ Trump cao hơn Biden 1 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò do Viện Dân chủ ở Anh thực hiện sau tin ông nhiễm Covid-19. Kết quả thăm dò hàng tháng do Viện Dân chủ có trụ sở tại London, Anh và thủ đô Washington của Mỹ, công bố hôm 4/10 cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn...