Các nước thành viên LHQ nhất trí về ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình
Theo các nguồn tin ngoại giao, 193 nước thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 29/6 đã đạt được thỏa thuận về khoản ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình trong năm tới, theo đó tránh được nguy cơ các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ phải đình chỉ hoạt động.
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở Bamako ngày 18/8/2020, sau vụ binh biến. Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy ban ngân sách của Đại hội đồng LHQ đã nhất trí với dự thảo nghị quyết phân bổ ngân sách năm tới (tính từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) ước tính 6,5 tỷ USD, tương đương ngân sách năm ngoái. Đại hội đồng LHQ sẽ chính thức thông qua nghị quyết này trong ngày 30/6, theo đó cho phép các phái bộ gìn giữ hòa bình tổng cộng khoảng 100.000 lính “mũ nồi xanh” tiếp tục triển khai hoạt động trên khắp thế giới.
Theo các nhà ngoại giao, Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trên, khoảng 25%, tiếp theo là Trung Quốc với 15%.
Cùng ngày 29/6, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết số 2584 gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) thêm 12 tháng.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, nghị quyết kêu gọi Chính phủ chuyển tiếp Mali thực hiện chuyển tiếp đúng thời hạn đề ra và bảo đảm tổ chức bầu cử công bằng tự do và bao trùm. Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh vai trò của MINUSMA trong việc hỗ trợ Chính phủ Mali và các bên liên quan thực hiện Hiệp định hoà bình và hoà giải năm 2015 cũng như kêu gọi thực hiện kế hoạch hỗ trợ Mali về bảo vệ thường dân, giải quyết bạo lực tình dục, bảo vệ trẻ em, chấm dứt xung đột vũ trang, bảo vệ nhân quyền, phụ nữ, hoà bình và an ninh. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tăng cường sự hiện diện của các cơ quan hành pháp, tư pháp của Mali tại miền Bắc và miền Trung Mali cũng như sự cần thiết của việc hỗ trợ lực lượng chung G5-Sahel trong cuộc chiến chống khủng bố, bạo lực cực đoan tại khu vực Sahel và khu vực biên giới với các nước láng giềng với Mali.
Phái bộ MINUSMA được thành lập theo Nghị quyết 2100 ngày 25/4/2013 với nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình chính trị và ổn định tình hình tại Mali. Từ năm 2013 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 3 tháng một lần để nghe báo cáo về hoạt động của phái bộ.
Các lãnh đạo lâm thời của Mali được trả tự do
Ngày 27/5, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự Mali cho biết Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane của chính phủ lâm thời đã được trả tự do sau 3 ngày bị một nhóm binh sĩ bất mãn bắt giữ.
Tổng thống Mali Bah Ndaw (phía trước) tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bamako ngày 25/9/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, nguồn tin trên cho biết hai nhà lãnh đạo của Mali đã được trả tự do vào khoảng 1h30 sáng 27/5, giờ địa phương (8h30 giờ Việt Nam). Các thành viên trong gia đình của 2 nhà lãnh đạo này cũng đã xác nhận thông tin trên.
Trước đó, ngày 24/5, hai nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời Malia bị một nhóm binh sĩ bắt giữ. Các binh sĩ Mali bất mãn về việc cải tổ chính phủ đã bắt giữ và đưa tổng thống và thủ tướng chính phủ lâm thời đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô Bamako sau khi danh sách thành viên nội các mới được công bố. Ngày 26/5, hai vị lãnh đạo này đã tuyên bố từ chức trước các nhà trung gian hòa giải.
Vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về vụ đảo chính thứ hai tại Mali khi chính phủ lâm thời nước này đang trong quá trình kiện toàn nhân sự sau vụ binh biến hồi tháng 8/2020. Vụ binh biến khiến cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita bị lật đổ, đẩy Mali vào khủng hoảng chính trị.
Đến tháng 9/2020, ông Bah Ndaw, một đại tá nghỉ hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp dự kiến kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước Mali đứng trước nhiều thách thức do bất bình về vai trò chi phối của quân đội và các chương trình cải cách chậm được triển khai.
Ngoài ra, Mali cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về an ninh, hậu cần, trong khi các phần tử thánh chiến không ngừng chống phá.
Việt Nam kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ tại Mali Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 26/5 đã họp trực tuyến thảo luận về biến động chính trị vừa qua tại Mali, trong đó có việc quân đội Mali bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Chính phủ chuyển tiếp. Ông Sadio Camara tới trụ sở Bộ Quốc phòng...