Các nước Mekong quan ngại về hạn hán
Lãnh đạo 5 nước hạ lưu sông Mekong bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông thấp kỷ lục, đặc biệt trong hai năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến sáng 9/12, với sự có mặt của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị ACMECS theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội ngày 9/12. Ảnh: BNG .
Các lãnh đạo nhận định khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của Covid-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Các lãnh đạo bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, khiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp kỷ lục mới và gây gián đoạn nguồn cung lương thực, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tiểu vùng.
Video đang HOT
Các nước khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu, tăng cường nỗ lực vừa chống Covid-19 vừa tái thiết kinh tế, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân trong việc thực hiện ba trụ cột hợp tác của Kế hoạch tổng thể ACMECS và sớm đưa Quỹ Phát triển ACMECS đi vào hoạt động, bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, đồng thời xem xét cải tiến cơ cấu, phương thức hoạt động của hợp tác ACMECS.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của ACMECS, gồm bảo đảm kết nối thông suốt và hài hòa trong tiểu vùng, thực hiện nghiêm các thỏa thuận song phương, đa phương đã ký, chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh, đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai.
Cùng ngày, Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV) theo hình thức trực tuyến. Các lãnh đạo thông qua “Khung khổ phát triển CLMV” – tài liệu mang tính định hướng nhằm xây dựng khu vực CLMV thành trung tâm kinh doanh quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao trong năm 2030. Lãnh đạo 4 nước nhất trí tăng cường kết nối trên các mặt cơ sở hạ tầng, con người, thể chế và kinh tế.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen họp Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung, trong đó có thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch khu vực CLV giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn 2030 được thông qua tại hội nghị, nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững.
LHQ: Năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất lịch sử
Năm 2020 đang trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, thậm chí có thể vượt cả mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2016.
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Nội dung này được đề cập trong báo cáo Thực trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ công bố ngày 2/12.
Theo báo cáo mới nhất của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 - 10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850-1900. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.
Báo cáo cho biết năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển. Các năm nắng nóng trên Trái Đất thường có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, năm nay lại trùng với thời điểm hiện tượng La Nina mạnh lên.
Dự kiến, WMO sẽ công bố báo cáo xác nhận dữ liệu trên vào tháng 3/2021.
Cũng trong báo cáo công bố ngày 2/12, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khẳng định biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các di sản thiên nhiên của thế giới được Liên hợp quốc công nhận như sông băng, rạn san hô, vùng đầm lầy.
Theo báo cáo, IUCN cho biết những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra hiện đe dọa đến hơn 30% trong tổng số 252 di sản thiên nhiên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trên thế giới.
Cụ thể, 94 trong số các di sản thiên nhiên đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng hoặc nguy cấp do nhiều yếu tố như du lịch, hoạt động săn bắn, cháy rừng và ô nhiễm nguồn nước. Con số này tăng so với con số 62 di sản được đề cập trong nghiên cứu được công bố năm 2017.
Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle nhấn mạnh báo cáo trên cho thấy biến đổi khí hậu đang phá hủy các di sản thiên nhiên của thế giới, từ hiện tượng sông băng giảm cho đến san hô bị tẩy trắng, các vụ cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng ngày càng gia tăng tần suất, điều này đỏi hỏi các nước cần cùng nhau giải quyết những thách thức về môi trường ở quy mô toàn cầu.
* Cùng ngày 2/12, Đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết Kiev đã trải qua mùa Thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm. Nền nhiệt độ trung bình trong mùa Thu (kết thúc ngày 30/11) đã tăng lên 11,6 độ C, cao hơn 3,6 độ C so với mức thông thường. Đây là mùa Thu Kiev ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1881.
Ngày 30/11 vừa qua là ngày lạnh nhất vào mùa Thu tại Kiev khi nhiệt độ vào buổi sáng xuống -3,8 độ C. Ngày 1/9 trở thành ngày ấm nhất trong mùa Thu và cũng là ngày nóng nhất trong cả năm tại Ukraine khi ghi nhận nhiệt độ lên tới 34,7 độ C.
Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát. Trong tháng 4 năm nay, cháy rừng đã thiêu rụi 66.000 ha tại khu vực rừng bỏ hoang gần Chernobyl ở miền Bắc Ukraine. Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AMMTC 14 "Việc chúng ta có một cuộc gặp hôm nay, tại đây, bằng hình thức trực tuyến đã chứng minh ý chí mạnh mẽ và cam kết bảo vệ, gìn giữ luật pháp và trật tự trên toàn ASEAN", Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định. Nhân dịp Bộ Công an Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng...