Các nước lớn đồng loạt đòi Triều Tiên hủy phóng tên lửa
Mỹ và nhiều nước khác cho rằng Triều Tiên đã phá vỡ thỏa thuận đổi hạt nhân lấy lương thực khi lên kế hoạch phóng tên lửa vệ tinh trong tháng 4.
Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng năm 2009 mang theo một vệ tinh thông tin. Ảnh: AP
Sau tuyên bố bất ngờ của Bình Nhưỡng hôm qua, Mỹ đã cảnh báo rằng nước này sẽ không trợ cấp lương thực nếu Bình Nhưỡng thực hiện việc phóng tên lửa tầm xa, trong khi các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, Triều Tiên lập luận rằng hoạt động phóng vệ tinh là một phần của chương trình không gian hòa bình, nằm ngoài nghĩa vụ giải trừ vũ khí. Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác tố công nghệ tên lửa của Triều Tiên được lợi dụng vào mục đích khiêu chiến và lên án đây là vụ thử nghiệm tên lửa quân sự trá hình và như vây là vi phạm lệnh cấm từ Liên Hợp Quốc.
Kế hoạch phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng công bố hôm qua sẽ diễn ra sau đúng 3 năm kể từ vụ phóng thử gần đây nhất của Triều Tiên hồi 2009.
Video đang HOT
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thông báo Mỹ “lo ngại sâu sắc” về thỏa thuận đổi hạt nhân lấy lương thực đạt được cách đây hai tuần. Bà Nuland cho biết kế hoạch phóng tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế đặt ra nhiều câu hỏi.
“Trong suốt quá trình đàm phán với Bình Nhưỡng, chúng tôi đã khẳng định rõ rằng bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào cũng bị xem là phá vỡ thỏa thuận”, AP dẫn lời bà Nuland nói.
Bà Nuland cho hay đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Glyn Davis đã bàn bạc suốt đêm qua với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc về tương lai đàm phán 6 bên. Họ đã nhất trí “dùng tầm ảnh hưởng của mình” để khuyến khích Triều Tiên dừng kế hoạch.
Từ Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố việc phóng tên lửa/vệ tinh sẽ là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên”, là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên “ngay lập chức chấm dứt hành động khiêu khích này”.
Từ Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura kêu gọi Triều Tiên hủy bỏ các kế hoạch phóng tên lửa, và nói rằng bất cứ cuộc phóng nào cũng là sự vi phạm các luật lệ quốc tế và gây nguy hại cho sự ổn định của khu vực.
Từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa vệ tinh của Triều Tiên “gây lo ngại sâu sắc” và đề nghị Bình Nhưỡng cân nhắc lại.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng “các bên liên quan thực hiện vai trò tích cực của mình để bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực”, ông Lưu Vi Dân nói.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc kiêm chủ tịch Hội đồng Bảo an, Mark Lyall Grant, cũng tuyên bố việc phóng tên lửa là vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu Triều Tiên xem xét lại quyết định này, sao cho phù hợp với cam kết gần đây về hạn chế các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Củng cố quyền lực?
Lần phóng tên lửa này của Triều Tiên sẽ diễn ra trong khoảng 12-16/4, từ một điểm phóng ở bờ biển phía tây nam Triều Tiên, phát ngôn viên Ủy ban Công nghệ Không gian Triều Tiên cho hay. Triều Tiên khẳng định sẽ tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về phóng vệ tinh vì mục đích nghiên cứu khoa học và đã lựa chọn được quỹ đạo để tránh va chạm với các nước láng giềng.
“Sự kiện lớn này cho thấy sức mạnh của quốc gia chúng tôi”, một người dân Bình Nhưỡng nói. “Chúng tôi có thể nói rằng Triều Tiên tự hào sánh ngang với những nước phát triển”.
Quyết định này của Bình Nhưỡng cũng được xem là một cách củng cố quyền lực của đại tướng trẻ tuổi Kim Jong-un, sau khi người cha Kim Jong-il qua đời. Hôm qua, truyền hình quốc gia Triều Tiên đã phát đi hình ảnh cho thấy đại tướng Jong-un từng giám sát quá trình phóng tên lửa năm 2009.
Triều Tiên khẳng định việc phóng tên lửa cách đây 3 năm là để đưa vệ tinh thông tin lên không gian, bất chấp sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố tẩy chay cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ. Một vài tuần sau, Triều Tiên tiếp tục thử thiết bị hạt nhân, lần thứ hai trong 3 năm, buộc Liên Hợp Quốc phải thắt chặt lệnh cấm vận.
Triều Tiên cho rằng chương trình hạt nhân và tên lửa là cần thiết để tự bảo vệ trước Mỹ. Mỹ có 28.000 binh sĩ đóng quân ở Hàn Quốc và rất nhiều binh sĩ cũng như tàu chiến hạt nhân trong khu vực. Các nhà khoa học tin rằng Triều Tiên đang nỗ lực phát triển một thiết bị đủ nhỏ để gắn vào tên lửa với tầm phóng đạt đến Mỹ.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngay cả trước khi có tuyên bố về kế hoạch phóng vệ tinh, đã lên cao bởi những cuộc tập trận liên tiếp của cả Bình Nhưỡng và Seoul. Quân đội Triều Tiên vừa kết thúc cuộc diễn tập bắn đạn thật bằng pháo ở một căn cứ quân sự tại phía tây nam, gần khu vực đảo từng có xung đột với Hàn Quốc. Trong cùng thời gian, Hàn Quốc và Mỹ liên tục có các cuộc tập trận tác chiến điện tử cũng như bắn đạn thật trên thực địa với sự tham gia của các binh chủng.
Cuối tháng này, Hàn Quốc kỷ niệm 2 năm ngày tàu chiến Cheonan của hải quân bị đánh chìm do ngư lôi khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul tố cáo Bình Nhưỡng là thủ phạm tấn công tàu, nhưng miền bắc hoàn toàn bác bỏ.
Ngày 26 và 27/3, Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về An ninh hạt nhân với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Mỹ. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ được thảo luận bên lề hội nghị.
Theo VNExpress