Các nước gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Australia, Phần Lan, Canada tiếp tục thông báo viện trợ vũ khí cho Ukraine để giúp nước này đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Hiện trường đổ nát tại một căn cứ quân sự bị trúng tên lửa ở vùng Sumy Ukraine ngày 28/2 (Ảnh: Reuters).
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 1/3 thông báo nước này sẽ gửi tên lửa cho Ukraine trong gói viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương trị giá 50 triệu USD, nhằm giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Australia nói rằng các tên lửa chống tăng là vũ khí đặc biệt hiệu quả đối với lực lượng vũ trang Ukraine.
Thủ tướng Morrison cho biết phần lớn số vũ khí mới viện trợ cho Ukraine thuộc loại vũ khí sát thương. Động thái này cho thấy sự thay đổi lập trường của Australia. Tuần trước, nước này tuyên bố sẽ chỉ hỗ trợ kỹ thuật quân sự.
Phần Lan ngày 28/2 cũng tuyên bố sẽ cung cấp 2.500 súng trường tấn công, 150.000 băng đạn cho súng trường tấn công, 1.500 vũ khí chống tăng cho Ukraine.
“Tình hình ở Ukraine đang vô cùng khó khăn vì cuộc tấn công quân sự của Nga và họ có nhu cầu ngay lập tức về vật tư quốc phòng”, tuyên bố của chính phủ Phần Lan cho biết. Trước đó, Phần Lan thông báo sẽ gửi áo chống đạn, mũ bảo hiểm và thiết bị sơ cứu tới Ukraine.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 28/2 thông báo nước này sẽ gửi vũ khí chống tăng và đạn dược cho Ukraine. Canada tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột.
Video đang HOT
“Chúng tôi đang viện trợ thêm vũ khí sát thương cho Ukraine. Chúng tôi sẽ gửi 100 hệ thống vũ khí chống tăng Carl Gustaf và 2.000 tên lửa cho Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết.
Trong tuyên bố hôm 28/2, chính phủ Na Uy thông báo sẽ viện trợ 2.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Động thái này đảo ngược chính sách được Na Uy áp dụng từ những năm 1950 là không gửi vũ khí tới các nước không thuộc khối NATO.
“Na Uy có các chính sách nghiêm ngặt liên quan đến xuất khẩu thiết bị quân sự, nhưng Ukraine đang phải đối mặt với những tình huống đặc biệt”, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết.
Trước đó, ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 27/2 cho biết ngoại trưởng của các nước thành viên EU đã nhất trí gửi 450 triệu Euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, một khoản viện trợ khác trị giá 50 triệu Euro cũng được cung cấp cho mục đích trang bị vũ khí không sát thương. Gói viện trợ quân sự của EU còn bao gồm cung cấp máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân Ukraine.
Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ viện trợ 2.700 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết quốc gia châu Âu này sẽ chuyển cho Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 bộ giáp và 135.000 khẩu phần dã chiến.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26/2 thông báo Washington sẽ hỗ trợ số vũ khí trị giá 350 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.
Séc đã cam kết gửi “lô vũ khí” trị giá hơn 8,5 triệu USD cho Ukraine đến địa điểm do Ukraine lựa chọn. Lô hàng của Séc gồm súng máy, súng trường tấn công và các loại vũ khí hạng nhẹ khác. Hà Lan cũng sẽ cung cấp cho Ukraine 200 tên lửa phòng không Stinger.
Chính phủ Đức ngày 26/2 thông báo, nước này đã quyết định cung cấp cho Ukraine 1.000 hệ thống vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của quân đội Đức.
Pháp cũng tuyên bố sẽ chuyển vũ khí phòng thủ và nhiên liệu cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Slovakia thông báo sẽ gửi đạn pháo và nhiên liệu trị giá 11 triệu Euro cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho biết lô viện trợ của nước này cho Ukraine bao gồm 12.000 viên đạn cỡ nòng 120 mm, 10 triệu lít nhiên liệu diesel và 2,4 triệu lít nhiên liệu máy bay.
Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga, Nhật đóng băng tài sản Tổng thống Putin
Mỹ tuyên bố trục xuất 12 nhà ngoại giao trong phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc, trong khi Nhật Bản áp lệnh trừng phạt với hàng loạt quan chức Nga.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia (Ảnh: Getty).
Theo hãng tin RT, quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga ngày càng xấu đi khi Washington ra lệnh trục xuất 12 nhà ngoại giao làm việc tại phái bộ của Moscow tại Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 28/2.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phải tạm dừng cuộc họp báo khi văn phòng của ông thông báo về lệnh trục xuất. Ông Nebenzia cho biết các quan chức Mỹ đã gửi một bức thư, trong đó tuyên bố 12 nhà ngoại giao Nga là những "người không được chào đón" và phải rời khỏi Mỹ trước ngày 7/3.
"Các nhà chức trách Mỹ đã thực hiện một hành động thù địch khác nhằm vào phái bộ của Nga tại Liên Hợp Quốc, vi phạm nghiêm trọng các cam kết trong thỏa thuận với tư cách là nước chủ nhà (Liên Hợp Quốc)", Đại sứ Nebenzia nói.
Một người phát ngôn của phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói với Reuters rằng những nhà ngoại giao Nga bị trục xuất đã "tham gia vào các hoạt động gián điệp gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Mỹ". Người phát ngôn cho biết kế hoạch trục xuất đã được đưa ra trong vài tháng, không liên quan đến căng thẳng xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Đại sứ Nebenzia gọi lệnh trục xuất của Mỹ là "tin đáng buồn" và là "một bằng chứng khác cho thấy sự thiếu tôn trọng" của Mỹ với tư cách là nước chủ nhà.
Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Washington trục xuất nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng động thái này nhằm đáp trả việc Nga trục xuất "vô cớ" nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Mỹ đã trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga và gia đình của họ vào cuối năm ngoái, yêu cầu họ rời đi trước ngày 30/1. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov vào thời điểm đó cho biết đại sứ quán phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng. Trước đó, Nga có gần 200 nhà ngoại giao làm việc tại Mỹ, trong đó có phái bộ của Moscow tại Liên Hợp Quốc.
Nhật Bản trừng phạt hàng loạt quan chức Nga
Nhật Bản đã áp lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lệnh trừng phạt nhằm vào 3 ngân hàng nhà nước và 6 cá nhân, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu.
"Chúng tôi đã nhất trí về việc cần thiết phải thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố.
Lệnh đóng băng tài sản của Nhật Bản nhằm vào ngân hàng trung ương Nga, cũng như ngân hàng nhà nước Vnesheconombank và Promsvyazbank. Ngoài ra, Tokyo cấm xuất khẩu đối với 49 công ty và tổ chức của Nga.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định trừng phạt Tổng thống, Ngoại trưởng và nhiều quan chức cấp cao khác của Nga, trong đó có lệnh đóng băng tài sản ở châu Âu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov không có tài sản ở bên ngoài Nga.
Đại sứ Nga nêu lý do tấn công quân sự Ukraine Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết, Nga đã nhận được một thông tin khiến Moscow buộc ra quyết định mở chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine. Một xe quân sự Nga bị phá hủy sau giao tranh ở Kharkov (Ảnh: AP). "Tất cả các vị đều biết chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng...