Các nước đua trồng thanh long, VN phải làm bản quyền giống gấp
Các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm phải đạt đến sự hoàn hảo, trong đó bản quyền giống là điều kiện tiên quyết cho thành công lâu dài trong kinh doanh trái cây, đơn cử như với trái thanh long hiện nay.
Bà Wendy Matthews – Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh như thế bên lề hội thảo quốc gia về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp, tổ chức ngày 5.6, tại TP.HCM.
Đánh giá thanh long là một sản phẩm cao cấp, bà Wendy Matthews cho rằng ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ 6 năm trước.
Thanh long Việt Nam được New Zealand đánh giá là loại trái cây cao cấp, còn nhiều tiềm năng phát triển.
Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất và thương mại hóa giống thanh long cao cấp, với khoản viện trợ không hoàn lại 8,1 triệu đô New Zealand.
New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Ngược lại bản quyền giống cây trồng vốn là điểm yếu lâu nay ở Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân Việt về lo ngại này, bà Wendy Matthews khẳng định chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn.
Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ. “Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả”, bà Wendy Matthews nói.
Phát triển giống cây thanh long
Bà Đại sứ kể lại bài học từ nước mình, trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand. Nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống.
Video đang HOT
Khi giống này được nhân lên và tham gia thương mại tự do trên toàn cầu thì quay trở lại cạnh tranh với chính kiwi của New Zealand. Bên tạo giống ban đầu đã không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này.
Ngày nay, thông qua Quyền của Cơ sở tạo giống cây và hành lang pháp lý về nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn cầu, ngành kiwi của New Zealand có thể bảo vệ được các khoản đầu tư và quyền hợp pháp của mình trên các giống kiwi chất lượng mới.
Phải bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn
Những cơ chế này giúp bên sở hữu giống cây được bảo hộ có thể kiểm soát quy trình sản xuất (thông qua việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất), tự tin triển khai và điều phối các chương trình marketing quốc tế toàn diện cho các giống cây trồng mới.
Trở lại với dự án đang triển khai tại Việt Nam, một chương trình tạo giống thanh long toàn diện đang được xây dựng để phát triển các loại giống mới với màu sắc và hương vị khác lạ, khả năng chống chịu bệnh và năng suất cao, và thời gian bảo quản lâu hơn.
Hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch. Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền Giống cây (Plant Variety Rights – PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát.
Khi có bản quyền và thương mại hóa theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát, giá trị trái cây sẽ tăng cao hơn.
Thực tế đã chứng minh sự thành công của việc sản xuất có kiểm soát được hỗ trợ bởi chương trình marketing điều phối nhịp nhàng, thông qua các điển hình là ngành táo và kiwi của New Zealand.
Bà Wendy Matthews dẫn chứng, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi ZESPRIGold, giống của Viện nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng New Zealand đã cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Còn lợi nhuận theo diện tích cho nông dân trồng kiwi ZESPRI Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và Châu Á, giá bán táo Envy có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80 – 90%.
“Chúng tôi đã phát triển ra 20 loại giống thanh long khác nhau. Hi vọng đến 2021 sẽ giới thiệu được các loại thanh long mới này ra thị trường ở Việt Nam cũng như thế giới”, bà Đại sứ chia sẻ.
Theo Danviet
Xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải vượt qua 5 tiêu chuẩn này
Thông tin trên fanpage của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giới thiệu về quả thanh long với những ưu điểm như giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng xứ cờ hoa.
Việc một loại trái cây nhiệt đới được ca ngợi trên đất Mỹ có thể là một tín hiệu tốt cho nhiều loại trái cây Việt.
Từ lời giới thiệu trên fanpage
Ngày 19.3, trên fanpage chính thức, USDA đã có một status ngắn gọn giới thiệu về quả thành long như sau: "Thanh long còn có tên gọi khác là pitaya (tiếng Thái Lan), là một loại trái cây nhiệt đới có nhiều chất xơ và cung cấp một lượng vitamin và khoáng chất tốt".
Có thể thấy, chỉ cần một vài lời giới thiệu ngắn gọn, chừng mực nhưng súc tích trên fanpage của USDA cũng khiến nhiều doanh nghiệp, người trồng thanh long nức lòng.
Xuất khẩu trái cây sang Mỹ cần đáp ứng 5 tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: tư liệu
Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi bài viết được đăng tải, đã có nhiều lời nhận xét tích cực của người dân nước này dành cho trái thanh long - một trong những sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tài khoản Facebook Tricia Braid, Leydi Chu bày tỏ sự yêu thích dành cho trái thanh long trong khi tài khoản Facebook có tên Karen Hoag tiết lộ, giá bán loại quả này tại siêu thị địa phương khá đắt đỏ, giá bán lẻ lên đến 6,99 USD/lb.
Thanh long là 1 trong 6 loại quả của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài). Trong đó, thanh long là mặt hàng được xuất khẩu với số lượng lên đến hàng nghìn tấn mỗi năm.
Được biết, từ năm 2008, những trái thanh long đầu tiên của vựa thanh long Bình Thuận đã có mặt ở thị trường Mỹ. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, số lượng thanh long xuất khẩu sang Mỹ ngày càng tăng.
Nhưng con đường xuất khẩu thanh long vào Mỹ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Còn nhớ năm 2009, chỉ sau 1 năm những trái thanh long đầu tiên được sang xứ cờ hoa, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với thị trường này do vận chuyển bằng đường biển mất quá nhiều thời gian, làm giảm chất lượng trái thanh long, trong khi vận chuyển bằng máy bay thì chi phí quá đắt đỏ.
Những năm sau đó, các điểm yếu dần được khắc phục bằng công nghệ chiếu xạ giúp kéo dài thời gian bảo quản, trái thanh long lại tìm đường sang Mỹ dù số lượng còn khiêm tốn.
Theo Tổng cục Hải quan, nếu như trong năm 2008, mới chỉ có 100 tấn thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ. Đến năm 2012, con số này đã tăng lên là 1.200 tấn. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3.000 tấn thanh long, gấp 2,5 lần so với cả năm 2012.
Nhu cầu lớn nhưng đòi hỏi cao
Theo thông tin từ USDA, Mỹ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây nói riêng, quả và quả hạch ăn được nói chung. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi ở Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại là trái cây tươi nhập khẩu (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn). Đây sẽ là dư địa rất lớn cho trái cây Việt Nam như thanh long, vú sữa, nhãn, xoài...
Ông Nguyễn Thành Phước - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật Sóc Trăng (địa phương vừa đưa được trái vú sữa sang thị trường Mỹ) cho biết, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ, nhà vườn phải được cấp mã code và đáp ứng các yêu cầu như phải bao trái, tuân thủ không dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được phép sử dụng. Để đạt được yêu cầu này, cán bộ Chi cục Trồng trọt- BVTV Sóc Trăng phối hợp cùng Trung tâm Kiểm dịch thực vật tổ chức tập huấn cho các nhà vườn về kỹ thuật canh tác, bao trái, danh mục thuốc cấm sử dụng của Mỹ.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT, sau nhiều năm đàm phán, trái cây Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm như Mỹ, Chi Lê, Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand cho 5 loại trái cây chính là thanh long, nhãn, xoài, vải và vú sữa.
Riêng đối với thị trường Mỹ, sau 10 năm đàm phán, quốc gia này đã chấp nhận mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa và mới đây nhất là xoài, nâng số lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường này lên con số 6.
Tuy vậy, theo Cục Bảo vệ thực vật, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Trong đó, để đáp ứng và được cấp mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thứ nhất, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10ha. Thứ hai, vùng trồng phải định vị trên Google Maps, có danh sách các hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Thứ ba, các hộ dân được cấp mã số và phải thực hiện ghi chép nhật ký (không bắt buộc sản xuất GAP).
Thứ tư, đối với trái nhãn phải thực hiện bao trái trước thu hoạch 3 tuần và vú sữa phải bao trái sớm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm. Thứ năm, không được sử dụng 5 loại hoạt chất hóa học phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất. Đây là 5 tiêu chuẩn cần có để Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.
Tiêu chuẩn đã có, điều còn lại là các doanh nghiệp, nông dân cần liên kết để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường này.
Theo Danviet
Bộ Nông nghiệp Mỹ khen quả thanh long, cơ hội cho trái rồng xanh Thông tin trên fanpage của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giới thiệu về quả thanh long với những ưu điểm như giàu vitamin, khoáng chất và có nhiều chất xơ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng xứ cờ hoa. Ngày 19/3, trên fanpage chính thức, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có một status ngắn gọn giới thiệu...