Các nước châu Á khuyến khích sinh con như thế nào?
Tặng tiền cho phụ nữ sinh con, hỗ trợ phí chụp ảnh cưới hay hối thúc lao động về nhà sớm là những biện pháp các nước châu Á dùng để khuyến khích sinh sản.
Nhật Bản là quốc gia “siêu già”, tức hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Năm 2018, bình quân một phụ nữ Nhật sinh 1,42 con. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản năm 2015, dân số khoảng 127 triệu người của đất nước có thể giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2049 và 82 triệu vào năm 2065.
Học sinh trường mần non tại Nagi, Nhật Bản năm 2018. Ảnh: CNN.
Một trong số những lý do khiến người Nhật ngày càng ngần ngại sinh con là văn hóa làm việc, chi phí chăm sóc trẻ em và kinh tế bấp bênh. Xu hướng này có nguy cơ tạo ra tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Chính phủ Nhật đã đưa ra một số biện pháp để các bà mẹ đi làm cân bằng cuộc sống tốt hơn. Mặc dù Nhật Bản đã đưa ra một số chính sách nghỉ phép dành cho người lao động vào đầu năm 1911, đến năm 1992 họ mới cho phép cha mẹ nghỉ phép có lương lên đến một năm sau khi sinh con.
Chính phủ yêu cầu các công ty gồm hơn 300 nhân viên đề ra mục tiêu tuyển dụng hoặc thăng chức cho nhân viên nữ. Năm 2017, Nhật đầu tư hai nghìn tỷ yên (18,47 tỷ USD) vào một gói trợ cấp cho chăm sóc người già và giáo dục trẻ em. Trường mầm non công miễn phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi và cả trẻ dưới độ tuổi đó đối với gia đình có thu nhập thấp.
Một số thị trấn và đô thị Nhật Bản còn đưa ra những biện pháp đặc biệt. Thị trấn Nagi đã tăng tỷ lệ sinh từ 1,4 năm 2004 lên khoảng 2,8 vào năm 2014 bằng cách tặng tiền các bà mẹ mới sinh cũng như các khoản trợ cấp cho chăm sóc trẻ em, nhà ở, y tế và giáo dục. Các gia đình nhận 100.000 yên (879 USD) khi sinh con đầu lòng, 150.000 yên (1.300 USD) khi sinh con thứ hai và khoảng 400.000 yên (3.500) cho lần sinh thứ năm.
Năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp kỷ lục, bình quân mỗi phụ nữ sinh 0,98 con, chưa bằng một nửa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trong 6 năm tới, Hàn Quốc được dự đoán trở thành “xã hội siêu già”. Đây được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.
Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc chi 152,9 nghìn tỷ won (128,5 tỷ USD) để tăng tỷ lệ sinh. Thông qua chương trình trợ cấp nhà nước, các cặp vợ chồng sắp có em bé có thể nhận 500.000 won (420 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh và khoản trợ cấp 107.000 won (89,90 USD) mỗi tháng dành cho phụ huynh có con dưới 5 tuổi.
Trung bình người Hàn Quốc làm việc 2.113 giờ một năm – nhiều thứ hai trong số các quốc gia khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ đã nhận ra tác động của điều này đối với thời gian hẹn hò của thanh niên nên số giờ làm việc trong tuần đã bị cắt giảm từ 68 giờ xuống còn 52 giờ.
Năm 2010, một ý tưởng đặc biệt của Bộ Y tế Hàn Quốc ra đời: yêu cầu các tòa công sở tắt điện vào 19h30 thứ 4 của tuần thứ ba hàng tháng “để thúc đẩy sinh sản và chăm sóc con cái”.
Video đang HOT
“Về nhà sớm có thể không có liên kết trực tiếp với sinh con, nhưng bạn không thể loại trừ hoàn toàn mối liên kết có thể có giữa hai vấn đề”, quan chức y tế Hàn Quốc Choi Jin-Sun nói.
Trong nội bộ Bộ Y tế Hàn Quốc cũng có những biện pháp khuyến khích nhân viên sinh con, bao gồm tặng tiền mặt cho những người có nhiều hơn hai con. Một số chính quyền địa phương còn vận hành dịch vụ mai mối để tăng tỷ lệ sinh.
Cuối năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ hỗ trợ nhà ở cho gần 25.000 cặp vợ chồng mới cưới mỗi năm thông qua sáng kiến phúc lợi 3,1 nghìn tỷ won (2,6 tỷ USD).
Các cặp vợ chồng không sở hữu nhà, đã kết hôn được 7 năm và thu nhập tổng hàng năm dưới 100 triệu won được nhận khoản vay lên tới 200 triệu won với lãi suất thấp. Các cặp vợ chồng có nhiều con sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.
Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con từ năm 1980, kêu gọi đảng viên chỉ có một con để giữ dân số ở mức 1,2 tỷ người cho đến hết thế kỷ 20. Năm 1982, chính sách này được soạn thảo thành hiến pháp và trở thành bắt buộc. Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách năm 2016. Tuy nhiên, sau khi chính quyền cho phép sinh con thứ hai, nhiều cặp vợ chồng thờ ơ vì cho rằng sinh thêm một con quá tốn kém.
Năm 2016, số em bé chào đời ở Trung Quốc cao kỷ lục, ở mức 17,9 triệu. Nhưng số ca sinh đã liên tiếp giảm xuống 17,2 triệu năm 2017, 15,2 triệu năm 2018 và 14,6 năm 2019. Dân số trong độ tuổi lao động 16-59 tuổi là 896,4 triệu vào năm 2019, chiếm 64% tổng dân số, trong khi số người trên 60 tuổi là 253,8 triệu người, tương đương 18%. Tỷ lệ sinh năm ngoái ở mức 10,48 trẻ trên 1.000 người, thấp nhất kể từ năm 1949.
Nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã thành lập các trung tâm và nền tảng trực tuyến chỉ dẫn sinh sản, để cung cấp dịch vụ thuận tiện cho các cặp vợ chồng trẻ. Từ ngày 1/1/2019, mỗi cặp vợ chồng được khấu trừ 1.000 NDT (khoảng 148 USD) mỗi tháng từ thu nhập chịu thuế khi nuôi con từ bậc mẫu giáo cho đến tiến sĩ.
Các chính quyền địa phương đã sáng tạo nhiều biện pháp để khuyến khích kết hôn và sinh sản. Thành phố Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc miễn phí chi phí sinh nở cho bà mẹ sinh con thứ hai. Thành phố Tiên đào ở Hồ Bắc tặng các cặp vợ chồng 1.200 NDT (179 USD) nếu sinh con thứ hai.
Tại Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, chính quyền năm 2018 đưa ra gói trợ cấp hôn nhân. Các cặp vợ chồng sắp cưới được chính quyền hỗ trợ 5% chi phí chụp ảnh cưới. Họ còn được giảm 3 NDT (0,48 USD) với mỗi gram vàng và mỗi lần mua xe được hoàn 500 NDT (79,41 USD).
Tỷ lệ sinh ở Singapore năm 2018 là một phụ nữ sinh trung bình 1,14 con, giảm so với mức 3 con năm 1970, khiến nước này nằm trong nhóm có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Trong nhiều năm qua, Singapore đã khuyến khích sinh sản bằng trợ cấp tiền mặt cho những cặp vợ chồng mới có con, hỗ trợ nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ và thậm chí còn mở chương trình tư vấn tình cảm.
Hồi tháng một, chính phủ đã tăng cường trợ cấp cho các phụ huynh có con học tại trường mầm non với mức tối thiểu là 300 đô Sing. Chính quyền cũng dành nhiều quan tâm hơn cho các phương pháp điều trị và hỗ trợ sinh sản. Họ có chính sách tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm thuế nhiều hơn cho các gia đình đông con. Chính phủ còn trợ cấp cho các công ty cho phép nhân viên làm việc linh hoạt, như làm việc từ xa.
Singapore đang tìm những cách mới để giúp người dân “tìm bạn trăm năm”. Deon Chan, người sáng lập công ty hẹn hò Love Express, gần đây đã nhận được một khoản tài trợ của chính phủ để xây dựng ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm gợi ý đối tượng hẹn hò cho những người độc thân tham dự các sự kiện công ty cô tổ chức.
“Chúng ta phải tích cực làm cho người dân cảm thấy việc kết hôn và nuôi con không phải là gánh nặng mà là niềm vui và đáng được tôn vinh”, Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo nói hồi năm ngoái.
Cách Chính phủ Singapore cứu doanh nghiệp trong đại dịch
Không chỉ nhận hỗ trợ tài chính hàng tỷ đôla Singapore, doanh nghiệp tại quốc đảo này còn được hướng dẫn cách kinh doanh an toàn trong mùa dịch.
Singapore là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất tại châu Á do Covid-19, cả về y tế và kinh tế. Đến nay, nước này đã ghi nhận 200 ca nhiễm, nhưng chưa trường hợp nào tử vong.
Nền kinh tế này vốn đã lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, khiến GDP năm ngoái tăng thấp nhất 10 năm, nay lại chịu thêm đòn giáng từ Covid-19. Thiệt hại kinh tế của Covid-19 với Singapore được ước tính lớn hơn rất nhiều so với SARS năm 2003, do nước này hiện cởi mở hơn với Trung Quốc - nơi khởi phát đại dịch. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Singapore.
Đầu tuần này, chính phủ Singapore cho biết đã sẵn sàng tung gói cứu trợ thứ hai giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết giới chức nước này đang tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên các ngành nghề và tìm cách hỗ trợ tốt hơn cho quá trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp và người lao động.
Hai du khách đeo khẩu trang ở Marina Bay (Singapore). Ảnh: AFP
Một nhóm hành động sẽ được thành lập để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng. Ông Heng sẽ lãnh đạo nhóm này, cùng các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp khác.
"Khi nền kinh tế chậm lại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp gây dựng sức mạnh và củng cố thêm hoạt động chuyển đổi kinh tế của họ", ông nói. Dù vậy, các biện pháp chi tiết chưa được công bố.
Trước đó, trong kế hoạch ngân sách ngày 18/2, chính phủ Singapore đã tung ra gói giải cứu đầu tiên trị giá 4 tỷ đôla Singapore (SGD) cho doanh nghiệp. Mục đích là hỗ trợ việc làm và dòng tiền, nhằm giúp các công ty giữ chân người lao động, và đào tạo lại họ trong thời kỳ kinh tế xuống dốc.
Theo đó, Chương trình Hỗ trợ Việc làm sẽ chi trả 8% thu nhập của mỗi lao động Singapore trong 3 tháng. Mỗi tháng, mức này không vượt quá 3.600 SGD và khoản trả sẽ được thanh toán cho các công ty vào cuối tháng 7.
Một chương trình khác đang hỗ trợ tăng lương cho lao động Singapore thu nhập dưới 4.000 SGD mỗi tháng cũng sẽ thay đổi. Mức trần 4.000 sẽ được nâng lên 5.000 SGD để "nhiều người dân Singapore nhận được lợi ích hơn", ông Heng cho biết.
Các công ty cũng sẽ được hỗ trợ về dòng tiền trong năm nay, khi được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp hiện ở mức 25%. Số thuế được hoàn tối đa là 15.000 SGD cho mỗi công ty. Heng cũng cam kết áp dụng thêm nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong vòng một năm, nhằm tăng lượng tiền mặt cho các công ty. Những doanh nghiệp thuê đất của chính phủ cũng có thể đề xuất được nới lỏng các điều khoản thanh toán.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng dành riêng 8,3 tỷ USD để chi tiêu trong 3 năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế. Các ngành như du lịch, hàng không, bán lẻ, dịch vụ ăn uống và giao thông còn được hỗ trợ riêng.
Với ngành du lịch, năm nay, các khách sạn, căn hộ dịch vụ và địa điểm tổ chức sự kiện sẽ được hoàn thuế bất động sản lên tới 30%. Những khách sạn có người nhiễm bệnh còn được hỗ trợ chi phí lau dọn, khử trùng. Các bến phà, du thuyền được hoàn thuế 15%. Một chương trình vay vốn bắc cầu tạm thời cũng sẽ được áp dụng trong một năm để các doanh nghiệp ngành này có thêm vốn. Khoản này giới hạn tại 1 triệu SGD mỗi công ty, lãi suất trần là 5%.
Với ngành hàng không, các doanh nghiệp sẽ được hoàn phí đỗ máy bay, phí thuê cửa hàng và dịch vụ vận chuyển tại sân bay Changi. Sân bay này cũng được hoàn thuế bất động sản.
Với ngành giao thông - vận tải, trước đó các công ty đã nhận được gói hỗ trợ 77 triệu USD từ Bộ Giao thông nước này. Dù vậy, khoảng 40.000 lái xe cũng sẽ được hỗ trợ 20 SGD mỗi ngày trong 3 tháng.
Doanh nghiệp ngành bán lẻ và dịch vụ ăn uống thì được hỗ trợ một phần chi phí thuê mặt bằng và hoàn thuế bất động sản.
Ngoài các hỗ trợ tài chính, chính phủ Singapore còn đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các công ty để hoạt động an toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Tháng 1/2020, Enterprise Singapore - cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chính phủ Singapore và Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đã công bố "Hướng dẫn Kế hoạch Kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh".
Theo đó, các doanh nghiệp được hướng dẫn cách quản lý rủi ro về nhân sự, quy trình kinh doanh, nhà cung cấp - khách hàng và truyền thông. Tài liệu này thậm chí giải thích ý nghĩa các mức độ cảnh báo của chính phủ, chỉ ra cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng và ví dụ cả mẫu tờ khai y tế cho khách vào công ty.
Enterprise Singapore cho biết tài liệu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro lây nhiễm với nhân viên, giảm rủi ro biến công ty thành nơi lây bệnh, chuẩn bị trước kế hoạch khi nhân viên vắng mặt, bị cách ly hoặc lây nhiễm và hướng dẫn doanh nghiệp tìm nhà cung cấp - khách hàng thay thế khi chuỗi này bị gián đoạn.
"Chúng tôi đã xây dựng nền tảng tài chính, nhân lực và xã hội để tiếp tục trong dài hạn", Heng kết luận, "Tôi tự tin rằng Singapore sẽ tiếp tục thịnh vượng".
Hà Thu (theo Straits Times, EnterpriseSG)
Theo vnexpress.net
Tại sao khẩu trang quan trọng ở châu Á nhưng bị kỳ thị tại Mỹ Khẩu trang trở thành vật dụng không thể thiếu của người châu Á khi đi ra đường, nhưng tại Mỹ không có nhiều người đeo và cũng không được khuyến khích. Cheryl Man thường là người duy nhất đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm ở thành phố New York. Cô để ý điều này, và người khác cũng vậy. Nhiều người...