Các nước Biển Đông có thể gánh hậu quả từ bất ổn Trung Quốc
Đây là quan điểm của ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Ngoại giao, trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn về chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc.
Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược HV Ngoại giao. Ảnh: Hồng Duy
- Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức như thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ phá giá…. Theo ông, chủ tịch Trung Quốc kỳ vọng những gì ở chuyến thăm Mỹ này?
- Theo dự kiến, hai bên Mỹ – Trung sẽ bàn về 4 nhóm vấn đề chính gồm địa chính trị và chiến lược, trong đó có những điểm quan trọng như vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như an ninh mạng. Về vấn đề hợp tác, hai bên sẽ bàn thảo về hợp tác song phương trong đó nhấn mạnh chống khủng bố, biến đổi khí hậu toàn cầu. Về chính trị, hai bên bàn thảo để hướng tới xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới. Về kinh tế, việc ông Tập chọn thành phố Seattle, nơi nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ đặt trụ sở, là điểm dừng chân đầu tiên cho thấy mong muốn của phía Bắc Kinh.
- Trung Quốc coi chuyến thăm Mỹ của ông Tập là cơ hội làm nổi bật vị thế quốc gia duy nhất cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thông qua chuyến đi và giao thiệp đôi bên để từng bước xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa một bên là siêu cường đang nổi và một bên là siêu cường đã khẳng định vị thế trong 70 năm qua nhằm tránh các mâu thuẫn, xung đột dẫn tới nguy cơ chiến tranh. Theo tôi, đây là mục tiêu lớn nhất của ông Tập.
- Cạnh tranh ảnh hưởng là khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Trung – Mỹ nhưng không phải duy nhất. Quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế hiện đại ngày nay. Dù cạnh tranh ảnh hưởng nhưng hai bên vẫn có lợi ích rất lớn trên phương diện kinh tế, hợp tác giáo dục, khoa học, quốc phòng.
Nhân chuyến đi này, ông Tập Cận Bình có thể mở rộng bàn thảo về các vấn đề liên quan, trong đó có việc định hình mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.
- Một số chuyên gia cho rằng khủng hoảng trên thị trường chứng khoán cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu yếu hơn và dễ tổn thương sau thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ nhưng nóng. Vấn đề nội tại có khiến Bắc Kinh nhún nhường tại Biển Đông?
- Ngoài vấn đề kinh tế, Trung Quốc cũng đang đương đầu với nhiều vấn đề trong nội tại như bất ổn Tân Cương, các sự kiện gần đây ở Hong Kong hay chính sách chống tham nhũng gặp nhiều trở ngại. Chúng sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới chính sách đối ngoại nhưng chúng ta cần theo dõi thêm để biết rõ tác động của nó.
Tuy nhiên, nếu bất ổn nội tại quá phức tạp, Trung Quốc có khả năng đẩy mâu thuẫn ra ngoài và các nước xung quanh, đặc biệt là các quốc gia ở Biển Đông, có thể phải gánh chịu hậu quả. Theo quan điểm của tôi, một mặt, khó khăn nội tại sẽ làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc nhưng ở thái cực ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng tới cục diện khu vực khi Bắc Kinh tìm cách đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài.
Video đang HOT
Ông Obama và Tập Cận Bình gặp nhau tại Sunnylands, California, năm 2013. Ảnh:Getty
- Tổng thống Obama quan tâm những gì trong cuộc gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc?
- Nếu đứng từ góc nhìn của Mỹ, Washington sẽ quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia. Qua theo dõi của chúng tôi, mối quan tâm nhất của Mỹ hiện nay là về vấn đề tin tặc.
Trong thời gian qua, tin tặc liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và công nghệ quốc phòng của Mỹ. Thậm chí, tin tặc còn đánh cắp hồ sơ cá nhân của 22 triệu viên chức thuộc Văn phòng Quản lý Nhân sự. Ông Daniel R. Russel, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á, còn lo sợ tin tặc Trung Quốc nắm giữ thông tin về hệ thống cấp nước và lưới điện quốc gia, có thể tạo ra cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ khi nó bị can thiệp.
Ngoài ra, cuộc gặp nhiều khả năng là lần cuối cùng ông Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị tổng thống Mỹ nên phía Washington sẽ không ngần ngại tranh thủ cơ hội để thúc đẩy lợi ích trong quan hệ Mỹ – Trung.Phía Mỹ cũng bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc thực thi chiến dịch “săn cáo” – cử mật vụ vào Mỹ để bắt các nhân vật bị buộc tội tham nhũng đang chạy trốn. Washington nhiều lần cảnh báo động thái này vi phạm luật pháp Mỹ và 2 bên cần có giải pháp thỏa hiệp cho vấn đề này.
Gần đây, trong nội bộ Mỹ có nhiều quan điểm yêu cầu Tổng thống Obama có những hành động cứng rắn với Trung Quốc ở biển Đông, biển Hoa Đông cũng như vấn đề Triều Tiên và đặc biệt là sự vi phạm dân chủ, nhân quyền thông qua việc xiết chặt kiểm duyệt Internet của Trung Quốc. Chúng tôi dự đoán những vấn đề này sẽ được Mỹ gây sức ép lên phía Trung Quốc trong chuyến công du của ông Tập.
- Ông đánh giá thế nào về quan điểm cho rằng kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc?
- Từ góc độ kinh tế, quan hệ giữa hai nước này là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dù hai phía cạnh tranh gay gắt và có những va chạm. Tuy nhiên, đây cũng là điều tương đối bình thường. Nếu nói kinh tế là chiến trường không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc thì cũng đúng nhưng hơi quá. Ngoài ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những siêu cường nên mọi động thái đều có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Từ một khía cạnh khác, người Mỹ được hưởng lợi nhiều từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc dù sự cạnh tranh từ quốc gia đông dân nhất thế giới làm giảm cơ hội việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý đồng tiền dẫn tới quyết định phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian qua gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới Mỹ. Kinh tế trở thành trọng tâm trong cuộc gặp sắp tới và đôi bên sẽ tranh luận có phần gay gắt về vấn đề này.
- Tờ Duowei có trụ sở ở Mỹ cho rằng Washington đang quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng những vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại quá chăm chú với đại cục và những kế hoạch dài hạn. Bởi vậy, hai bên khó có thể gặp nhau và có chung tiếng nói. Trong khi đó, giới phân tích “không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp lần này”. Ông nhận định thế nào về kết quả chuyến thăm?
- Đây là quan điểm chính xác. Thời gian dành cho Tổng thống Obama không còn nhiều khi những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ thứ 2 sắp trôi qua. Trong khi đó, phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh vào quan hệ dài hạn và họ muốn dùng các biện pháp dài hạn nhằm hạn chế sức ép trước mắt.
Tôi cho rằng trong chuyến đi này, mối quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ mà Trung Quốc ấp ủ khó có thể hình thành. Đôi bên cũng khó đạt được đột phá trên lĩnh vực an ninh mạng, dân chủ nhân quyền hay cả vấn đề Biển Đông.
Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ thể hiện thiện chí và đạt được thỏa thuận nào đó để giải tỏa khó khăn và để dư luận trong nước và thế giới thấy được sự ổn định trong mối quan hệ giữa 2 siêu cường. Nó cũng giúp Mỹ và Trung Quốc chứng tỏ khả năng kiểm soát được mối quan hệ để nó không ảnh hưởng tới chính trị nội bộ của đôi bên. Cả Bắc Kinh và Washington đều còn rất nhiều việc phải làm sau đó.
Theo Zing News
"Muốn giải quyết vấn nạn người di cư cần dập tắt nạn buôn người"
Đây là nhận định được ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - đưa ra trong cuộc trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới.
Thưa ông Trần Việt Thái, có thể nhận thấy cuộc khủng hoảng di cư hiện nay không còn là vấn đề riêng của bất kỳ một khu vực nào mà đã trở thành một vấn đề của thế giới. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng di cư ồ ạt hiện nay là do đâu?
Ông Trần Việt Thái: Vấn đề di cư là một vấn đề tự nhiên diễn ra trên thế giới nhưng nó ảnh hưởng đến chính trị, xã hội, đối ngoại nghiêm trọng như hiện nay thì rất cần xem xét giải quyết. Hiện nay, có 2 luồng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi sang châu Âu để thoát khỏi các cuộc khủng hoảng, xung đột, chiến tranh; còn làn sóng di cư từ các nước Nam Á sang Đông Nam Á là để tìm nơi định cư mới. Đây là làn sóng đang tạo ra sức ép rất lớn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng di cư là vì tình hình nghèo đói. Và một nguyên nhân trực tiếp khác là sự gia tăng đáng kể của tình trạng buôn người bất hợp pháp có tổ chức - một vấn nạn an ninh phi truyền thống mà các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới cần xử lý nghiêm túc.
Tình trạng di cư ồ ạt tạo ra sức ép rất lớn đối với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Hiện nay, tình trạng này mới chỉ liên quan trực tiếp tới Myanmar, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo ông, liệu ASEAN có đưa ra một giải pháp chung với tất cả các thành viên hay không?
Ông Trần Việt Thái: Ngày 29/5 tới đây, một Hội nghị cấp cao sẽ được tổ chức để bàn giải pháp cho tình trạng khủng hoảng di cư hiện nay với sự tham gia của 29 quốc gia và tổ chức quốc tế. Hiện, hải quân và cảnh sát biển của Malaysia đã được huy động để cứu những người di cư lênh đênh trên biển.
Việc giải quyết vấn đề người di cư không hề đơn giản. Một mặt, nó dễ đạt được đồng thuận ở những điểm như: ngăn chặn tệ nạn buôn người, đối xử nhân đạo với người di cư. Mặt khác, có những vấn đề sẽ phải mất thời gian thỏa hiệp trong Hội nghị cấp cao ngày 29/5 tới như việc phân công trách nhiệm quốc gia nào sẽ tiếp nhận người di cư. Nếu xử lý không khéo có thể dẫn tới kích thích dòng người di cư tiếp tục gia tăng.
Vậy khó khăn mà các quốc gia Đông Nam Á gặp phải trong giải quyết vấn nạn người di cư hiện nay là gì, so với các quốc gia châu Âu?
Ông Trần Việt Thái: So với các quốc gia châu Âu, việc giải quyết vấn nạn người di cư của các quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng và khác biệt. Khác biệt lớn nhất là bản thân các nước Đông Nam Á không phải là đích đến cuối cùng của dòng người di cư này vì họ muốn thông qua đây để tới một nước thứ ba. Do vậy, Malaysia, Thái Lan hay quốc gia nào khác thực chất chỉ là một điểm trung chuyển để người di cư tới được một quốc gia phát triển hơn ở châu Âu.
Khác biệt thứ hai và cùng là khó khăn là về nguồn lực tài chính vì các quốc gia Đông Nam Á vẫn là những nước nghèo, những nước đang phát triển. Ngoài ra, hệ thống luật pháp ở các nước Đông Nam Á không được chặt chẽ và phát triển như ở các nước châu Âu. Do vậy, khi tiếp nhận những người tị nạn, nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm dụng, đối xử vô nhân đạo là hoàn toàn có thể xảy ra hay có thể để lọt tình trạng buôn người.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này như: hỗ trợ tài chính, giúp tái định cư... Theo ông, sự hỗ trợ này liệu có thể giúp Đông Nam Á giải quyết vấn đề người di cư hay không?
Ông Trần Việt Thái: Thực ra đây là những tín hiệu rất tích cực và đáng quý vì nó thể hiện trách nhiệm của các nước lớn, của các tổ chức quốc tế và của cộng đồng quốc tế trước một vấn đề không phải chỉ riêng của khu vực mà đã trở thành vấn đề của toàn cầu.
Tuy nhiên, đây chỉ là một nhân tố phụ. Muốn giải quyết triệt để tình trạng di cư hiện nay, tôi cho rằng cần có những giải pháp sâu xa hơn mà trước hết là giải quyết tình trạng xung đột sắc tộc, phân biệt đối xử; giải quyết tận gốc nguy cơ chiến tranh, bạo lực để những người di cư không bị sợ hãi khi sống trên mảnh đất quê hương của họ và phải phải liều mình ra đi đến một miền đất hứa.
Thứ hai, cần phát triển kinh tế địa phương, kết hợp với vấn đề xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, tôi cho rằng các quốc gia cần hợp lực giải quyết vấn nạn buôn người - yếu tố khiến cuộc khủng hoảng di cư trở nên trầm trọng như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo_VTV
Khai mạc Đối thoại Shangri La: Nóng vấn đề Biển Đông Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu có một lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc song phương Đối thoại Shangri La vừa khai mạc cách đây vài tiếng đồng hồ tại Singapore với sự tham dự của khoảng 30 đoàn Bộ Quốc phòng các nước, trong đó đoàn Trung Quốc lần đầu...