Các nước bên bờ vực bị nhấn chìm kêu trời, COP25 chỉ bàn kỹ thuật
Nhóm các nước chịu nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu cùng ra thông cáo kêu gọi các nước công nghiệp hãy hành động, trước cuộc đàm phán quan trọng về biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đang sa lầy vào mối đe dọa cấp bách, liên quan tới sự tồn tại của toàn hành tinh”, lãnh đạo 44 nước trong Liên minh Các quốc đảo Nhỏ ( AOSIS) cho biết trong một thông cáo chung, được đưa ra trước vòng đàm phán quan trọng bắt đầu ngày 2/12 ở Madrid về thực hiện Hiệp định Paris năm 2015.
“Những tác động là thật và cấp bách đối với người dân ở các đảo nhỏ. Đó không nhất thiết phải là định mệnh”, thông cáo viết.
Nhiều đảo nhỏ ở Thái Bình Dương có nguy cơ bị nhấn chìm nếu nhiệt độ tăng lên quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Trong khi đó, với cam kết hiện tại từ Hiệp định Paris, thế giới vẫn sẽ phải chịu mức tăng nhiệt độ “thảm họa” là 3 độ C, theo thông cáo.
“Chúng tôi coi các cuộc đàm phán này là cơ hội cuối cùng để có hành động mang tính quyết định”, Janine Felson, phó chủ tịch của AOSIS nói với Guardian.
Clarence Samuel, nhà đàmphán trưởng của Marshall Islands, cho biết không chỉ các đảo nhỏ, mà các nước phát triển cũng chịu nguy cơ.
“Không ai trong chúng ta được miễn”, ông nói với Guardian. “Cả tháng nay chúng ta đã kinh hoàng khi thấy người anh em Thái Bình Dương là Australia phải chứng kiến đất nước mình bị cháy (rừng), do cuộc khủng hoảng khí hậu mà chính con người gây ra”.
Video đang HOT
Marshall Islands là một trong những nước có nguy cơ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP.
Để đạt được Hiệp định Paris (nhiệt độ tăng 3 độ C), thế giới vẫn cần đặt ra các chỉ tiêu giảm phát thải gắt gao hơn, nhưng các cuộc đàm phán năm nay (có tên gọi COP25, diễn ra từ 2-13/12) sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, như cơ chế chuyển nhượng hạn mức phát thải carbon trong hiệp định.
Các vấn đề kỹ thuật đó sẽ giúp hoàn tất “bộ quy tắc” của Hiệp định Paris, tức các quy tắc về đo đạc lượng phát thải. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng vấn đề thực chất hơn là chỉ tiêu giảm phát thải bao nhiêu vẫn chưa được giải quyết, khi hạn cuối 2020 đang tới gần.
Theo Hiệp định Paris, vào năm 2020, các nước sẽ phải đặt ra chỉ tiêu giảm phát thải mạnh mẽ hơn, khi các chỉ tiêu hiện tại mãn hạn.
Một vấn đề tối quan trọng khác là chỉ tiêu giảm phát thải năm 2030, mang tính quyết định Hiệp định Paris thành công hay thất bại. Nhưng các trao đổi về chỉ tiêu 2030 phần lớn chỉ diễn ra một cách không chính thức bên lề của COP25.
Ngoài ra, có những mâu thuẫn về việc tài trợ tiền để các nền kinh tế đang phát triển giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu, và liệu các nước nghèo có nên được các nước giàu đền bù về thiệt hại do nóng lên toàn cầu hay không.
COP25 diễn ra ở Madrid sau khi nước chủ nhà ban đầu Chile không thể tổ chức do biểu tình và bạo loạn.
Biến đổi khí hậu nếu không được kìm hãm sẽ làm ngập các thành phố lớn vào năm 2100. Ảnh: Getty Images.
Theo news.zing.vn
LHQ cảnh báo sự thất bại trong mục tiêu hạn chế nhiệt độ ở 1,5 độ C
Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: GreenBiz)
Thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) ngày 26/11 đã đưa ra lời cảnh báo trên trong báo cáo thường niên đánh giá về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tên "Khoảng cách khí thải."
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm khoảng 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập kỷ qua, lên tới mức kỷ lục 55,3 tỉ tấn CO2, hay tương đương với lượng khí thải trong năm 2018, 3 năm sau khi 195 nước trên thế giới ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 25/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra cảnh báo lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2018.
Theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, các nước đã cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C nếu có thể. Để làm được như vậy, các nước đã nhất trí giảm lượng khí thải và nỗ lực hướng tới một thế giới carbon thấp trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc phát hiện thấy rằng thế giới đang trên đà khiến nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng đến 3,2 độ C ngay cả khi tính tới những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris 2015. Ở nhiệt độ này, giới khoa học lo ngại có thể gây ra thảm họa khí hậu khôn lường.
Trong báo cáo, Liên hợp quốc cho rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C là vẫn có thể đạt được, song cần tới một sự thay đổi chưa từng có và mang tính phối hợp của nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang tăng trưởng phần lớn nhờ dầu mỏ, khí đốt. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc Inger Andersen nhận định: "Chúng ta đang thất bại trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không hành động khẩn cấp và giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu, chúng ta đang bỏ lỡ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C."
Theo báo cáo, nếu các nước đã có hành động chống biến đổi khí hậu nghiêm túc kể từ năm 2010 thì lượng khí thải cần phải giảm sẽ là 0,7% để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C và 3,3% cho nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, bà Andersen cho rằng 10 năm trì hoãn hành động đã dẫn tới thực trạng khắc nghiệt như hiện nay.
Báo cáo cũng nêu ra những "cơ hội cụ thể" cho những nước có lượng phát thải lớn thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Đó là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá, giảm bớt sử dụng dầu khí và tăng cường năng lượng tái tạo. Nhìn chung, các nước cần phải nỗ lực gấp 5 lần để giảm lượng khí thải nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Hồi năm ngoái, Ủy ban liên chính phủ về biến đối khí hậu đã cảnh báo nếu nhiệt độ Trái Đất tăng vượt 1,5 độ C, thì tần suất và số lượng các đợt nắng nóng, siêu bão và lũ lụt gia tăng. Năm 2019 với nhiệt độ Trái Đất tăng 1 độ C cho đến nay, đã được dự báo là năm nóng thứ hai trong lịch sử nhân loại với các vụ cháy rừng và các trận lốc xoáy dữ dội.
Trong báo cáo, Liên hợp quốc thừa nhận rằng với nhu cầu năng lượng toàn cầu dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới, "không có dấu hiệu cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm trong vài năm tới". Giám đốc phụ trách chính sách thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học, Alden Meyer nói: "Chúng ta đang không còn thời gian mà là chúng ta đã hết thời gian"./.
Theo vietnamplus.vn
Hầm chứa siêu tên lửa đạn đạo ở Mỹ được rao bán với giá 400.000 USD Chủ sở hữu tư nhân ở bang Arizona, Mỹ, đang rao bán khu hầm một thời là nơi chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa loại lớn nhất từng được Mỹ triển khai. Tin rao bán đăng trên tờ báo địa phương mô tả đây là hầm ngầm được xây để chống lại tấn công hạt nhân và để chứa vũ khí...