Các nhà trường ở Hải Phòng được thu những khoản gì?
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh các nhà trường thực hiện những khoản thu trong năm học 2019-2020.
Để thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ban hành công văn 1527 ngày 15/8/2019 về thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2019-2020.
Cụ thể, chi tiết từng khoản thu
Theo đó, các quận, huyện chỉ đạo các phòng chức năng liên quan cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020 tại các trường học trên địa bàn.
Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và các điều kiện cho hoạt động dạy và học tại các trường học, các quận, huyện cho phép triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể đối với từng trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng hướng dẫn cụ thể, chi tiết những khoản thu trong năm học 2019-2020 (Ảnh: Lã Tiến)
Tất cả các cơ sở giáo dục phải thực hiện 3 công khai được quy định tại Thông tư số 36/2017 ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập: thực hiện mức thu học phí theo mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập ( giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn Hải Phòng.
Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường… các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh.
Sau đó, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp.
Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú (đồ dùng cá nhân), học phẩm, tiền nước uống…,
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi và phù hợp với thu nhập bình quân của người dân theo địa bàn.
Video đang HOT
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, quán triệt, phổ biến tường minh tới phụ huynh học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không sử dụng quỹ để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường…Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ học sinh quyết định.
Việc chi tiêu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối kỳ, cuối năm học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được hết các nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tại các trường, thì các nhà trường thực hiện huy động nguồn đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất trường.
Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp này cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu nêu trong Thông tư 16/2018 ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật;
Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Các khoản thu học thêm, học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài và hoạt động học kỹ năng sống (nếu có) thu phải theo tháng, không thu cả học kỳ hoặc cả năm học.
Các trường vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình theo đúng quy định bởi đây là khoản thu bắt buộc; cần giải thích rõ nội dung và tính chất tự nguyện để phụ huynh không hiểu lầm khi mua các loại bảo hiểm thương mại.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường không tập trung các khoản thu vào đầu năm học mà chia thành nhiều đợt trong năm học để tránh cho các gia đình phải có những khoản chi đột biến vào đầu năm học.
Đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương; chú ý thực hiện chế độ miễn giảm cho các học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo để bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệu trưởng các nhà trường phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra lạm thu (Ảnh: Lã Tiến)
“Các khoản đóng góp cần tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, được hạch toán riêng theo từng khoản thu, không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác.
Các khoản đóng góp phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh”.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng nêu rõ: Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các khoản thu tại đơn vị, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trước pháp luật và bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra các khoản thu trong hè và đầu năm học.
Sở cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra các khoản thu đầu năm học đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Nghịch lý từ các khoản đóng góp ở nhà trường
Có trường thu được nhiều quỹ từ các Mạnh Thường Quân khá dồi dào nhưng năm học nào cũng nhờ Ban đại diện cha mẹ học sinh, kêu gọi phụ huynh đóng nhiều khoản.
Qua theo dõi thông tin phản ánh trên báo, đài về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm diễn ra ở nhiều trường nhiều năm gần đây, tôi nhận thấy rõ sự nghịch lý của vấn nạn này.
Ở những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh... hầu hết hệ thống trường phổ thông công lập được Nhà nước, địa phương đầu tư, xây dựng khá khang trang và nguồn kinh phí mua sắm, chi tiêu hằng năm cũng tương đối thoải mái.
Thế nhưng ở những nơi này lại thường xảy ra chuyện lạm thu, với hàng loạt khoản thu trên trời, khoản thu vô lý, chủ yếu bắt buộc phụ huynh phải nộp đúng, nộp đủ, không tuân thủ nguyên tắc tự nguyện theo quy định của cấp trên.
Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Trong khi đó, các địa phương, điều kiện kinh tế còn khó khăn, chậm phát triển ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm trường còn tạm bợ, tranh tre, nứa lá, lễ khai giảng của thầy và trò trông thật thảm hại-đến nhói lòng (hình ảnh ở một điểm trường thuộc xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), nước sạch, nhà vệ sinh (gọi là) cho học sinh và giáo viên tại hàng chục điểm trường thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cũng trở nên xa vời bao nhiêu năm nay... bấy lâu cũng hiếm có chuyện phụ huynh bức xúc, phẫn nộ về nhà trường lạm thu các khoản đóng góp đầu năm.
Nơi trường lớp khó khăn, thiếu thốn trăm bề thì thực hiện nghiêm túc quy định về thu, chi tài chính của Nhà nước.
Nơi phố thị văn minh, trường lớp tương đối đủ đầy, khang trang thì lại thi nhau vẽ ra đủ "chiêu" để lạm thu tiền bạc của phụ huynh học sinh.
Phụ huynh ở các thành phố, vùng kinh tế phát triển đã quá chán ngán và chóng vánh đầu óc mỗi khi tham dự họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo đủ loại khoản tiền nộp, từng có trường đưa ra con số trên chục triệu đồng.
Nhà trường ở nơi kinh tế phát triển, đâu có biết rằng, trong một lớp học, bên cạnh nhiều phụ huynh có điều kiện tốt thì vẫn còn không ít phụ huynh khó khăn, lao động chân tay vất vả, chạy gạo từng bữa, nuôi cả gia đình giữa thời vật giá đắt đỏ.Nhiều phụ huynh ở các vùng nông thôn, miền núi... vẫn còn cái cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi đi họp phụ huynh, vì nhà trường chỉ thu những khoản theo quy định bắt buộc của Nhà nước và vì lẽ khác, nhà trường quá thấu hiểu nỗi khổ, cái nghèo của nhiều phụ huynh ở đây.
Đối với họ, số tiền đóng góp một lúc lên đến hàng triệu đồng quả là quá sức chịu đựng để kham nổi.
Tôi được biết những trường phổ thông, nhất là bậc trung học phổ thông (tập trung ở các thành phố tỉnh lẻ, thành phố lớn) có truyền thống, bề dày thành tích, nhiều thế hệ học trò thành đạt trên mọi lĩnh vực, hàng năm, nhân những sự kiện thành lập trường, các khối, lớp... thường đóng góp, hỗ trợ hàng trăm, hàng tỉ đồng cho ngôi trường mà mình từng học tập.
Quỹ này được huy động để làm quỹ học bổng, để nhà trường xây dựng, mua sắm thiết bị mới, sửa chữa, cải tạo phòng ốc, cơ sở vật chất đã hư hỏng, xuống cấp. Có nhà trường đã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.
Tuy nhiên, có nhà trường, có Hiệu trưởng lại mập mờ, thiếu minh bạch trong chi, tiêu. Điều đáng nói, có nhà trường tích lũy và sử dụng được khoản Mạnh Thường Quân này khá dồi dào nhưng năm học nào cũng nhờ Ban đại diện cha mẹ học sinh, kêu gọi phụ huynh từng lớp đóng góp đủ khoản... khiến phụ huynh và các cựu học sinh bức xúc và hoài nghi...
Đầu năm học sau, Hiệu trưởng gọi điện vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng gợi mở, nhắc đóng góp quỹ trường, một số cựu học sinh từng tích cực, nhiệt thành đã lựa lời từ chối khéo và chuyển sang hình thức hỗ trợ, trao học bổng trực tiếp cho con em trong khối, lớp gặp khó khăn - học giỏi.
Thêm một góc khuất nữa được tiết lộ để giúp bạn đọc, các phụ huynh hiểu rõ hơn về bức tranh thu - chi tiền bạc từ các khoản đóng góp của phụ huynh, cựu học sinh... ở một số nhà trường phổ thông hiện nay.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Người phụ nữ vui mừng nhận lại chiếc ví từ CSGT Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa bàn giao lại chiếc ví da màu đỏ cho chủ nhân là một người phụ nữ quê ở TP Hải Phòng do chị này bị đánh rơi vào chiều 25-8. Chị Cao Huyền Vũ vui mừng khi nhận lại được chiếc ví đánh rơi từ chiến...