“Các người có lương tâm không?”
Đó là câu hỏi uất ức của chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều) tại phiên tòa xử năm sĩ quan công an ở Phú Yên dùng nhục hình, đánh chết người sáng 29-3 tại TAND TP Tuy Hòa.
Kết thúc phần tranh luận vào sáng 29-3, chủ tọa phiên tòa Lý Thơ Hiền cho biết: Đây là vụ án phức tạp, có nhiều nội dung, chứng cứ cần xem xét thấu đáo nên thời gian nghị án kéo dài. Dự kiến chiều 3-4 tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, nhiều người theo dõi phiên tòa đã lặng đi trước hàng loạt câu hỏi đầy uất ức xen giữa những tiếng nấc nghẹn của chị Ngô Thị Tuyết.
“ Sao đánh chết người chỉ bị xử dùng nhục hình?”
Chị Tuyết – người trực tiếp chứng kiến khám nghiệm tử thi em trai mình và kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng để đưa vụ việc ra ánh sáng – đã không đồng ý với đề nghị của VKSND TP Tuy Hòa về việc cho bốn bị cáo hưởng án treo.
“Luật pháp ở đâu khi em tôi bị đánh chết mà bốn bị cáo được đề nghị hưởng án treo? Một con người bị còng hai tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng, không có khả năng tự vệ lại bị năm công an có đầy đủ vũ khí đánh đập tàn nhẫn như vậy. Tử tù trước khi chết còn được cho ăn bữa cơm cuối cùng, còn em tôi có tội gì mà bị bỏ đói suốt từ sáng đến chiều? Khi khám nghiệm tử thi, trong bụng không hề có một chút thức ăn. Trong khi đó, trưa 13-5-2012, hàng loạt cán bộ công an thản nhiên ngồi ăn cơm trong tiếng la hét đau đớn của em tôi. Các người có lương tâm không? Các bị cáo chối tội đánh vào đầu em tôi gây chấn thương sọ não, vậy ai là người đánh chết em tôi? Các người nghĩ gì khi nhìn thấy những tấm ảnh chụp những thương tích khắp người của em tôi. Các người nói chỉ đánh gây xây xát ngoài da, tại sao các bộ phận bên trong thi thể của em tôi bị nát hết?” – chị Tuyết liên tục chất vấn.
Hai bị cáo Đỗ Như Huy, Nguyễn Tấn Quang quỳ xin lỗi gia đình nạn nhân. Ảnh: TẤN LỘC
Đối đáp với đại diện VKS, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) cho rằng việc công tố viên nói do ông Lê Đức Hoàn (phó Công an TP Tuy Hòa) có nhiều cống hiến, công trạng nên miễn trách nhiệm hình sự là không đúng quy định của pháp luật. “Ngoài đề nghị khởi tố ông Hoàn hai tội bắt người trái pháp luật và dùng nhục hình, tôi đề nghị khởi tố ông Hoàn thêm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Giải thích về đề nghị này, luật sư Đôn nêu: Kết quả tranh luận tại tòa cho thấy ông Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi ông là phó Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án, trực tiếp chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lấy lời khai anh Kiều nhưng để họ dùng nhục hình đánh chết người.
“Họ đánh chết người mà không dám nhận”
Video đang HOT
Trong phần tranh luận sáng qua, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cho rằng VKSND TP Tuy Hòa truy tố các bị cáo tội dùng nhục hình là không đúng vì tội danh này chỉ xảy ra trong hoạt động điều tra. “Đây chỉ là hoạt động của ngành công an chứ không phải là hoạt động điều tra. Vậy VKSND TP Tuy Hòa truy tố năm bị cáo trong vụ án với tội danh trên dựa trên cơ sở pháp lý nào?”. Tuy nhiên, công tố viên đã không chỉ ra được điều luật cụ thể.
Trong số năm bị cáo, chỉ có duy nhất Nguyễn Thân Thảo Thành tham gia đối đáp. Thành yêu cầu cơ quan điều tra, VKS giải thích “vì sao giam bị cáo trong một thời gian dài mà không có lệnh?”. “Có lệnh chứ không phải không có. Tuy nhiên, thay vì VKSND Tối cao ra quyết định tạm giam Thành thì VKSND TP Tuy Hòa lại nhầm lẫn ra quyết định” – kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh trả lời.
Bị cáo Thành tiếp tục khẳng định tất cả lời khai của mình từ giai đoạn điều tra đến phiên tòa hôm nay là đúng sự thật. Để chứng minh việc này, bị cáo Thành nói: “Lời khai của các bị cáo khác là giả dối, che giấu sự thật. Trước đây, khi làm việc với cơ quan điều tra, tôi khai thật là thấy bị cáo Quang đá anh Kiều. Sau đó, Quang gặp tôi, nói: “Chết rồi! Sao em lại khai vậy? Anh cùng anh Quyền, anh Mẫn đã thống nhất là khai khác rồi mà!”".
Với tình tiết này, mặc dù tòa hỏi Nguyễn Minh Quyền, Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy có ý kiến gì không nhưng cả bốn bị cáo đều im lặng.
Nhìn bốn bị cáo vốn là đồng nghiệp công an, Thành nói tiếp: “Các anh đánh chết người mà không dám nhận, lại đổ lỗi cho tôi. Tôi đề nghị tòa làm rõ hơn hành vi đánh người của các bị cáo Quang, Mẫn, Quyền, Huy. Các anh góp tiền cho tôi để bồi thường gia đình nạn nhân. Do tôi không đánh anh Kiều nên tôi không nhận”.
Nói lời sau cùng, Thành bức xúc: “Tôi rất nhục nhã khi đứng với những con người như thế này. Họ đánh chết người mà không dám nhận”.
Động lực lớn nhất là bảo vệ công lý
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) cho biết: “Sau khi anh Ngô Thanh Kiều chết, vợ anh Kiều đang mang thai sắp sinh đã bế theo cháu nhỏ đến gặp tôi. Tôi hướng dẫn gia đình anh Kiều cách chụp ảnh khi khám nghiệm tử thi, sau đó giúp họ làm đơn khiếu nại. Với mục đích tìm ra công lý và có ý kiến đề xuất những người có thẩm quyền xử lý những người thi hành công vụ làm sai luật pháp, tôi nhận làm vụ này hoàn toàn miễn phí”.
“Khi đối đầu với công an, luật sư có lo ngại gì không?”. Với câu hỏi này của PV, luật sư Đôn thừa nhận: “Tôi bị rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực từ những người thân trong gia đình, bạn bè, kể cả đồng nghiệp nói rằng không nên làm vì công việc rất khó khăn, đụng chạm đến lực lượng công an. Thế nhưng tôi nghĩ người làm đúng thì không việc gì phải ngại người làm sai”.
Theo Tấn Lộc
Pháp luật TPHCM
Uẩn khúc vụ án 5 công an dùng nhục hình đánh nghi can chết thảm
Sáng ngày 10/3, TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án năm cựu công an dùng nhục hình khiến anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) phải mất mạng.
Phiên tòa thu hút hàng trăm người dân ở các nơi trong tỉnh đến tham dự. Tuy nhiên, đến hơn 10h cùng ngày, HĐXX phải tuyên bố tạm hoãn vì sự vắng mặt không lý do của 19 trong số 23 nhân chứng được tòa triệu tập.
Năm bị cáo Quang, Huy, Thánh, Quyên và Mẫn (từ phải sang) trước vành móng ngựa.
Những chiếc dùi cui và nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não
Năm bị cáo phải ra hầu tòa đều từng là những sỹ quan công an, gồm: Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP. Tuy Hòa).
Trong đó, bị cáo Thành bị bắt tạm giam từ ngày 15/1/2013 và bị viện KSND TP. Tuy Hòa truy tố về tội dùng nhục hình theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự, có mức án từ 5 năm đến 12 năm tù; Bốn bị cáo còn lại bị truy tố tội dùng nhục hình theo quy định tại khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù.
Bố và chị gái Kiều trước phiên tòa.
Theo cáo trạng, đầu tháng 3/2012, Công an TP. Tuy Hòa lập chuyên án điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP. Tuy Hòa làm Trưởng ban chuyên án. Chiều ngày 12/5/2012, ông Hoàn chỉ đạo Nguyễn Trần Nguyên Phúc (thuộc cấp) phối hợp với Công an huyện Tây Hòa mời Ngô Thanh Kiều về Công an TP. Tuy Hòa làm việc. Thế nhưng, lúc 3h15' sáng ngày 13/5/2012, tổ công tác gồm 7 người ở Công an TP. Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay Kiều đưa về Công an TP. Tuy Hòa.
Sau đó, ông Lê Đức Hoàn chỉ đạo đưa Kiều vào phòng làm việc và phân công xét hỏi. Lúc này, Mẫn mới còng tay Kiều vào thành ghế. Đến 9h30' cùng ngày, Kiều vẫn không khai nhận, nên Mẫn cầm dùi cui dài 50cm đánh 4-5 cái vào đùi, bắp chân trái, chân phải của Kiều. Tiếp đến, Quyền lại dùng dùi cui do Mẫn vừa đánh xong để trên bàn tiếp tục đánh 4-5 cái vào cẳng chân và đùi phải của Kiều. Thấy Kiều vẫn không chịu nhận tội, Huy tiếp tục cầm dùi cui để sẵn trên bàn đánh 2-3 cái vào bắp đùi phải của Kiều rồi ra ngoài. Đến 11h10, tới lượt Quang vào phòng còng 2 tay Kiều ra phía sau ghế rồi tiếp tục xét hỏi, nhưng Kiều cũng không khai nhận nên lại cầm dùi cui đánh 3-4 cái vào 2 bắp đùi, bắp chân Kiều. Đến 12h15', Thành vào canh giữ. Thành ngồi lên bàn đối diện với Kiều xét hỏi nhưng Kiều không trả lời, nên bị người cán bộ này lại cầm dùi cui bổ 2-3 cái vào đầu.
Đến 14h cùng ngày, khi dẫn giải Kiều đến Công an Phú Yên để làm việc thì phát hiện Kiều có biểu hiện mệt mỏi, nên đưa đến bệnh xá Công an Phú Yên khám. Đến 17h40, bệnh xá này chuyển Kiều đến bệnh viện đa khoa Phú Yên thì Kiều tử vong trên đường đi. Kết quả giám định pháp y của Trung tâm pháp y Phú Yên kết luận Kiều tử vong do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi.
Bị cáo yêu cầu hoãn, bị hại đề nghị đổi chủ tọa
Ngay từ khi bắt đầu, phiên tòa đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến tham dự. Ba mẹ con chị Trần Thị Tâm (29 tuổi, vợ anh Kiều) đầu chít khăn tang lủi thủi đưa nhau đến theo dõi phiên tòa khiến những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng. Tay bồng bế đứa con gái nhỏ chào đời sau 17 ngày cha cháu bị công an đánh chết, chị Tâm đứng ở góc sân tòa như người mất hồn. Sợ hãi nắm chặt lấy tay mẹ, rồi ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh là đứa con gái lớn của chị. Ngày anh Kiều mất, em chỉ mới lên 5 tuổi. "Con tôi ra đời mà không thấy mặt cha vì họ đã tước đoạt mạng sống của cha nó rồi. Đứa lớn thì ngây thơ hỏi sao ba không về dẫn con đi thả diều hả mẹ?"- chị Tâm bộc bạch trong nước mắt.
Vợ anh Kiều không cầm được nước mắt khi cháu Oanh hôn di ảnh người cha và nói nhớ cha nhiều.
Trong phần làm thủ tục, hai bị cáo Thành và Quang đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm các nhân chứng vì phiên tòa hôm đó vắng đến 19 trong 23 nhân chứng được tòa triệu tập. Ngược lại, chị Tâm và chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột anh Kiều), thay mặt cho gia đình bị hại đề nghị tiếp tục xử nhưng phải thay đổi chủ tọa phiên tòa là ông Lý Thơ Hiền bởi họ lo ngại vị thẩm phán này sẽ xét xử không khách quan do nhiều lần ông đã gây khó khăn cho luật sư của họ. Ngoài ra, chị Tuyết muốn cung cấp thêm băng ghi âm lúc khám nghiệm tử thi anh Kiều để tòa xem xét.
Tại phiên tòa, vị luật sư Võ An Đôn (thuộc đoàn Luật sư Phú Yên) cho biết: "Tôi yêu cầu thay đổi vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì vị này đã nhiều lần làm khó dễ, gây khó khăn cho luật sư của bị hại. Mặc dù người nhà anh Kiều đã mời tôi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình người bị hại nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP. Tuy Hòa không đưa luật sư vào tham gia tố tụng. Cách đây mấy ngày, tòa chỉ gọi điện đề nghị luật sư Đôn đến tham gia phiên tòa. Cho đến thời điểm này, gia đình bị hại và tôi không hề nhận được cáo trạng của viện KSND TP. Tuy Hòa, trong khi đó, các vị luật sư bên bị cáo đã có đầy đủ". Ông Đôn còn tâm sự rằng, vì thấy gia đình chị Tâm quá nghèo khổ nên ông đã nhận bào chữa miễn phí với hy vọng vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng.
Sau gần một tiếng đồng hồ HĐXX thảo luận, hội ý, thẩm phán Lý Thơ Hiền, chủ tọa phiên tòa, công bố quyết định hoãn phiên tòa. Theo đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm các nhân chứng. Phiên tòa sẽ mở lại vào lúc 8h ngày 26/3. Thẩm phán Hiền cũng cho rằng yêu cầu của luật sư Võ An Đôn và đại diện của người bị hại về thay đổi chủ tọa phiên tòa là không có căn cứ nên tòa bác yêu cầu.
Lời khẩn cầu của bố nạn nhân
Chị Ngô Thị Tuyết-chị ruột của anh Kiều chia sẻ: "Tui không thể nào quên giây phút đớn đau đến uất nghẹn khi nhìn thấy thi thể em trai mình với nhiều vết thương hiểm độc, trời không dung đất không tha cho những kẻ côn đồ khoác trên người chiếc áo công an nhân dân". Ông Ngô Văn Cộ (75 tuổi, cha anh Kiều) bên con, bên cháu với nỗi buồn nẫu ruột, ông cho biết mong sao phiên xử sắp tới (vào ngày 26/3) được thông suốt, tránh bỏ sót người lọt tội, có như vậy nơi suối vàng con trai ông mới được thanh thản.
Vụ án nhiều uẩn khúc
Vụ án dùng nhục hình này được cục Điều tra viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vào cuộc, điều tra những ẩn khuất xung quanh cái chết của anh Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, trú tại thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) xảy ra ngày 13/5/2012. Đến tháng 3/2013, cục Điều tra viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A, thuộc viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) đề nghị truy tố 5 bị can cùng tội dùng nhục hình. Sau đó, Vụ 1A đã ủy quyền cho viện Kiểm sát nhân dân TP. Tuy Hòa ra cáo trạng truy tố, thực hành quyền công tố. Ngày 28/4/2013, viện Kiểm sát nhân dân TP.Tuy Hòa có cáo trạng số 56/VKS-HS truy tố 5 công an. Đến ngày 22/5/2013, viện Kiểm sát nhân dân TP.Tuy Hòa lại ra cáo trạng số 64/VKS-HS thay thế cho cáo trạng số 56/VKS-HS. Tuy nhiên, gần 8 tháng sau khi ra cáo trạng, vụ án dùng nhục hình này mới được đưa ra xét xử
Theo Đời sống Pháp luật
Phó Chủ tịch tỉnh lội ruộng đi cấy Để cổ vũ bà con hăng hái tham gia sản xuất, sáng ngày 5/2, đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã lội ruộng, vận hành máy cấy trong buổi lễ "ngày hội xuống đồng" tại xã Thiệu Công (Thiệu Hóa). Ngày hội xuống đồng (còn gọi là lễ Tịch Điền) lần đầu tiên được tổ chức vào năm 987 do vua...