Các nghị sĩ Mỹ kêu gọi chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông
Các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ ngày 19/3 đã bày tỏ lo ngại về quy mô và tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng một chiến lược chính thức của Mỹ là cần thiết nhằm giảm tốc hoặc chấm dứt các hành động của Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ John McCain, một trong những ký tên trong lá thư (Ảnh:Guardian)
Trong một lá thư gửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Ash Carter, các nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Bob Corker và các nghị sĩ Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez cho hay nếu không có một chiến lược toàn diện, “các lợi ích lâu đời của Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta bị đe dọa đáng kể”.
Các nghị sĩ Mỹ cho biết việc Trung Quốc xây dựng và cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đã khiến Bắc Kinh có khả năng mở rộng tầm với quân sự và “là một thách thức trực tiếp”, không chỉ với các lợi ích của Mỹ và khu vực, mà cả cộng đồng quốc tế”.
Bức thư nói rằng, bãi đá Gaven đã mở rộng lên quy mô 11,3 héc-ta trong năm qua và Gạc Ma, trước đây là bãi đá ngầm, giờ đây đã trở thành một hòn đảo rộng 10 héc-ta. Bãi Chữ thập đã mở rộng về kích thước hơn 11 lần kể từ tháng 8 năm ngoái.
“Trong khi các nước khác xây dựng trên các vùng đất có sẵn, Trung Quốc lại đang thay đổi quy mô, cấu trúc và các đặc điểm tự nhiên của các thực thể”, bức thư viết. “Đây là một sự thay đổi về chất, dường như là nhằm để thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”.
Bức thư nói thêm rằng bất kỳ một nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo nhân tạo đều có thể “gây ra hậu quả nghiêm trọng” và có thể khiến Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không mới ở Biển Đông, như Bắc Kinh đã làm hồi năm 2013 tại một khu vực tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông.
Video đang HOT
Bãi đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc đã bồi đắp và đang tiến hành xây dựng trái phép các công trình quy mô lớn, nhìn từ trên cao. (Ảnh: Sina)
Các nghị sĩ Mỹ, những người đứng đầu Ủy ban quân vụ thượng viện và Ủy ban đối ngoại thượng viện, cho hay Washington cần đưa ra một chiến lược trong đó vạch ra “những hành động cụ thể mà Mỹ có thể thực hiện nhằm giảm tốc hoặc chấm dứt các hành động cải tạo của Trung Quốc”.
Bắc Kinh đơn phương đòi chủ quyền 90% diện tích Biển Đông, bao trùm lên vùng biển của các quốc gia khác trong khu vực.
Trung Quốc đã bao biện hành động cải tạo của mình ở Biển Đông, nói rằng nước này không tìm cách thay đổi trật tự thế giới.
Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất trên 6 bãi đá ngầm ở Trường Sa. Các công nhân nước này đang xây dựng các cảng và các điểm dự trữ nhiên liệu và có thể là 2 đường băng.
Các chuyên gia nói rằng động thái của Trung Quốc sẽ không chỉ ảnh hưởng tới vị thế ưu việt về quân sự của Mỹ trong khu vực mà còn cho phép Bắc Kinh tiến sâu hơn vào trung tâm hàng hải của Đông Nam Á.
An Bình
Theo Dantri
Philippines: Tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc sẽ tăng cải tạo Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines ngày 9/3 đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng đáng kể và các dự án cải tạo tại Biển Đông của Trung Quốc.
Bãi đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trái phép các công trình quy mô lớn, nhìn từ trên cao. (Ảnh: Sina)
Hãng tin Philippines Star dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho rằng gia tăng ngân sách quốc phòng nghĩa là Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động cải tạo hơn tại Biển Đông.
"Ngân sách quốc phòng của họ (Trung Quốc) không chỉ là mối lo ngại to lớn cho khu vực mà cho cả cộng đồng quốc tế. Với một kinh phí lớn hơn đổ vào quốc phòng, hãy thử tưởng tượng những gì họ có thể làm", ông Galvez nói.
Ông Galvez bổ sung: "Chúng tôi tôn trọng việc gia tăng ngân sách quốc phòng của họ. Đó là đặc quyền của bất cứ quốc gia nào nhưng điều quan trọng ở đây là sự minh bạch trong việc chi tiêu khoản ngân sách đó".
Trung Quốc dự định tăng 10,1% ngân sách quốc phòng vào năm tới giữa lúc căng thẳng trong khu vực chưa hề lắng xuống. Nếu kế hoạch này được thông qua, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp siêu cường này duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng hai con số.
Philippines Star dẫn lời ông Galvez khẳng định các hoạt động cải tạo của Trung Quốc có thể gây ra những rủi ro cho khu vực vốn đã căng thẳng. "Chúng (các dự án cải tạo của Trung Quốc) sẽ tiếp tục gây ra những sai sót và sự cố nghiêm trọng. Khả năng xảy ra sai sót trở nên cao hơn do quan điểm cứng nhắc và thái độ hung hăng của họ (Trung Quốc) trong khu vực. Đây là một nguy cơ rất nghiêm trọng".
Ông Galvez kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động cải tạo trong khu vực tranh chấp, cho rằng chúng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC). Theo Tuyên bố này, các bên tham gia ký kết phải kiềm chế các hoạt động có thể gây ra căng thẳng hoặc làm phức tạp tình hình khu vực.
Hình ảnh vệ tinh được tạp chí quốc phòng IHS Jane công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong các dự án xây dựng ở các bãi đá Kennan, Gạc Ma và Gaven.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã biện bạch rằng những dự án cải tạo trên là cần thiết và không nhằm chống lại nước nào. Ông cũng tuyên bố Trung Quốc không tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế.
"Chúng tôi không giống như một số quốc gia đã "xây dựng trái phép" trên lãnh thổ của nước khác, và chúng tôi sẽ không chấp nhận những nhận xét phi lý về hoạt động của chúng tôi trên lãnh thổ của chính mình," ông Vương Nghị nói tại một buổi họp báo tại Bắc Kinh hồi cuối tuần.
Philippines đã đệ đơn kiện phản đối tuyên bố chủ quyền "quá mức" và "phóng đại" của Trung Quốc ở Biển Đông lên một tòa án trọng tài quốc tế.
Thoa Ph ạm
Theo Dantri/Philippines Star
Mỹ- Trung trong cuộc đua thống trị kinh tế toàn cầu Tuyên bố của 4 nền kinh tế đầu tàu châu Âu cùng một số quốc gia khác để ngỏ khả năng tham gia định chế tài chính mới do Trung Quốc đề xuất dường như đã đánh dấu thắng lợi bước đầu của Bắc Kinh đối với Washington trong cuộc cạnh tranh lôi kéo đồng minh. Cuộc chạy đua nhằm giành vị trí...