Các nàng dâu nghĩ gì khi đón tết muộn nhà ngoại?
Chúng tôi kinh doanh quán café nhỏ, dịp tết thường rất bận rộn nên khó về ngoại sớm. Những năm đầu, tôi buồn và khóc rất nhiều mỗi lần tết đến, thậm chí còn… giận lây sang chồng dù anh chẳng có lỗi gì.
Ngày tết là để dịp để đoàn viên và quây quần bên những người mình yêu thương nhất. Nhưng với các nàng dâu – nhất là những người đi lấy chồng xa, tết dường như là một dịp dễ khiến họ thấy chạnh lòng, tủi thân khi không thể dành trọn vẹn những ngày đầu xuân để ở bên bố mẹ mình.
Hãy cùng chia sẻ với các nàng dâu thường đón tết muộn ở nhà ngoại để hiểu được cảm nhận của họ trong dịp này.
Nguyễn Ngọc Vân (TP.HCM): “Gia đình hiện tại của mình sống cách nhà ba mẹ mình hơn 300km. Vì khoảng cách khá xa nên một năm thường mình chỉ về nhà vào dịp tết Nguyên đán. Đây không chỉ là dịp để cả gia đình đoàn tụ, ông bà ngoại gặp cháu mà còn là khoảng thời gian thảnh thơi, vui vẻ nhất của mình khi được ba mẹ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ như thời còn bé. Tết năm nay vì bà nội vào TP. HCM chăm cháu và ở lại ăn tết nên vợ chồng mình cũng ở lại cùng bà. Sau tết khoảng nửa tháng, khi bà nội về quê thì gia đình mình mới sắp xếp về ngoại để ăn tết “bù”.
Ngọc Vân và cậu con trai nhỏ. Ảnh NVCC
Nói là buồn thì có buồn nhưng mình không cảm thấy tủi thân vì vẫn có gia đình nhỏ cùng chồng, con và mẹ chồng bên cạnh. Tuy nhiên, chắc chắn vào đêm giao thừa và ba ngày tết mình sẽ rất nhớ ba mẹ cùng cái rét căm căm của Đà Lạt quê mình. Mình thèm cảm giác được cùng mẹ lau dọn, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng rồi thức đêm canh nồi bánh nóng thơm phức. Năm nay, mình đã dự định cho con trai cùng tham gia gói bánh cùng cả nhà nhưng kế hoạch “bất thành” nên đành chờ sang năm sau nữa vậy.
May mắn là chồng mình hiểu nỗi buồn của vợ và động viên mình rất nhiều. Anh hứa sẽ sắp xếp để đưa hai mẹ con về ngoại sớm nhất có thể cũng như dành hết thời gian vào dịp tết để đưa cả nhà đi chơi, đường hoa, chụp ảnh… Riêng mình, dù hơi hụt hẫng nhưng luôn tự nhủ mỗi cái tết sẽ là một trải nghiệm khác nhau. Năm nay, lần đầu tiên mình sẽ cùng gia đình nhỏ đón tết Sài Gòn, chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui và thú vị riêng. Cứ hồn nhiên tận hưởng tết thôi!”
Nguyễn Thị Thương (Hải Dương): “Mình lấy chồng ở Hải Dương, gia đình nhà ngoại sống ở Tây Nguyên, cách nhau khoảng 1500km. Bình thường thì khoảng hai năm mình về quê thăm bố mẹ một lần. Tết năm nay, điều kiện kinh tế không cho phép nên mình không thể về quê ngoại đón xuân cùng bố mẹ. Dù đi lấy chồng đã lâu nhưng mỗi dịp tết đến mình vẫn thấy buồn, chạnh lòng khi Giao thừa không được ở bên bố mẹ. Nhưng những lúc như vậy mình lại tự nhủ, may mắn là bố mẹ còn sức khỏe, yêu thương nhau và có gia đình các anh trai bên cạnh nên bố mẹ sẽ đỡ buồn khi con gái không thể về vào dịp tết.
Video đang HOT
Có nhớ nhà nhưng Thương vẫn thấy hạnh phúc vì gia đình chồng thương yêu như con gái ruột. Ảnh NVCC
Mình cũng may mắn khi có một người chồng tâm lý, yêu thương vợ, biết vợ buồn anh luôn động viên vợ cố gắng, sang năm khi kinh tế tốt hơn anh sẽ đưa vợ về thăm ông bà ngoại. Anh cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm bố mẹ vợ rất tình cảm. Một điều an ủi nữa là mình có mẹ chồng hiền lành, thoải mái cùng các anh em chồng rất thân thiết chẳng khác nào ruột thịt. Mình tự nhủ, mọi người luôn yêu thương mình nên mình cũng phải thật vui vẻ để có một cái tết hạnh phúc bên gia đình”.
Trần Thị Cúc (Phan Thiết): “Duyên số đưa đẩy tôi lấy chồng xa nhà hơn 200 cây số. Chúng tôi kinh doanh quán café nhỏ, dịp tết thường rất bận rộn. Những năm đầu, tôi buồn và khóc rất nhiều mỗi lần tết đến, thậm chí còn… giận lây sang chồng dù anh chẳng có lỗi gì. Suốt mấy ngày tết, tâm trạng của tôi nặng nề, khó chịu vô cùng. Tôi cứ mong ngóng mãi đến ngày mùng 3 tết là ngày được về thăm bố mẹ đẻ.
Cúc bù đắp cho bố mẹ bằng những chuyến thăm dài ngày trong năm. Ảnh NVCC
Nhưng mấy năm trở lại đây, tôi đã thay đổi. Tôi nhận ra mình ích kỷ và trẻ con quá. Chồng tôi là người đàn ông rất tốt, hiền lành, anh rất yêu thương tôi và lúc nào cũng sợ vợ buồn, nhưng tôi lại không để tâm đến cảm xúc của anh. Tôi nhận ra, bạn đời chính là người sẽ đồng hành với mình suốt cuộc đời này, mình không thể khiến anh buồn lây. Hơn nữa, tôi cứ buồn phiền như vậy thì bố mẹ đẻ cũng không thể yên lòng đón tết trọn vẹn. Giờ tôi sẽ đón tết vui vẻ cùng chồng con, cho các cháu gọi điện nói chuyện với ông bà thật nhiều và “bù đắp” cho bố mẹ bằng những chuyến thăm dài ngày trong năm”.
Thùy Linh (Hà Nội): “Tôi may mắn có chồng và bố mẹ chồng rất tâm lý nên những năm đầu mới về làm dâu, chúng tôi thường chia ra mỗi năm đón tết ở một nơi vì cả hai vợ chồng tôi đều là con một. Tuy nhiên ba năm trở lại đây, bố mẹ chồng tôi yếu đi nhiều, nhất là mẹ chồng tôi. Vì thế, chúng tôi phải chia lại lịch, hai vợ chồng sẽ ở Hà Nội với bố mẹ chồng từ ngày 30 đến sáng mùng 3, do tôi phải làm cơm đúng Giao thừa, cúng mùng và hóa vàng. Trưa mùng 3, vợ chồng tôi sẽ đưa các con về thăm ông bà ngoại và ở chơi khoảng bốn ngày.
Với Linh, miễn là được ở bên những người thân của mình thì ngày nào cũng là tết. Ảnh NVCC
Chồng có sợ tôi buồn và động viên tôi rất nhiều, nhưng tôi không thấy tủi thân bởi lẽ tôi nghĩ đó là bổn phận tất yếu khi đi làm dâu. Tự tay chăm chút, dọn dẹp nhà cửa và làm cơm cúng ông bà cũng khiến tôi thấy yêu hơn tổ ấm hiện tại của mình. Tôi nghĩ ngày tết cũng chỉ là do con người đặt ra, quan trọng không phải là được ở bên bố mẹ vào ngày nào mà điều ý nghĩa hơn là mỗi khoảng thời gian ở bên cạnh nhau đều thật vui vẻ, hạnh phúc”.
Phương Uyên
Theo phunuonline.com.vn
Thấy con trai không cho vợ về ngoại ăn Tết, mẹ chồng nói ngay câu này khiến nàng dâu rơi nước mắt
Nhờ mẹ chồng mà sau 3 năm trời, cuối cùng tôi cũng đã được về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết.
Người ta bảo lấy chồng xa thì khó về nhà ngoại ăn Tết còn tôi dù chẳng xa xôi gì nhưng cũng không khác bao nhiêu. Bởi suốt 3 năm nay, chưa có 1 cái Tết nào tôi được về nhà ngoại dù khoảng cách giữa 2 nhà chỉ là hơn 60km. Nghe thì thật vô lý nhưng đó hoàn toàn là sự thật.
Vợ chồng tôi ở cùng 1 tỉnh nhưng khác huyện. Ngày yêu nhau thì không sao nhưng khi lấy về mới biết anh là một người ích kỷ và gia trưởng. Điều này lại càng thể hiện rõ mỗi dịp Tết nhất bởi lúc nào anh cũng muốn tôi ở nhà phục vụ, dọn dẹp nhà cửa để anh mời bạn bè về ăn uống thoải mái.
Không chỉ có thế, từ mùng 1 đến mùng 5, ngày nào chồng tôi cũng bắt 2 vợ chồng phải cùng nhau đi chúc Tết bà con nhà nội và bạn bè. Và tuyệt nhiên, anh chẳng hề đả động gì đến nhà ngoại.
Năm đầu tiên về làm dâu, tôi bảo sẽ về bên ngoại chiều mùng 2 để thăm bố mẹ và bà con bên đấy, anh không đồng ý. Lúc đó nghĩ đến chuyện là dâu mới nên tôi nín nhịn nhưng đến năm thứ 2, chồng tôi vẫn tiếp tục không cho vợ về.
(Ảnh minh họa)
Năm ngoái, vợ chồng tôi cãi nhau một trận nảy lửa ngay hôm mùng 1 Tết khi tôi nói muốn về ngoại. Anh bảo: 'Cô buồn cười nhỉ? Lấy chồng thì phải theo chồng chứ đằng này cứ lễ tết là đòi về ngoại. Cô nhìn xem có ai như cô không? Nếu muốn thì về đấy ở luôn đi, đừng có quay lại đây nữa.'
Tết năm nay, biết tính chồng khó chịu như thế nên tôi cũng chẳng buồn xin xỏ gì nữa. Mẹ tôi gọi điện hỏi tết năm nay có về không tôi không biết trả lời như thế nào nên đành bảo: 'Con chưa biết được mẹ ạ. Có gì con báo sau'. Mọi năm tôi vẫn dối bà là con còn nhỏ, hay ốm yếu nên ngại không muốn cho đi lại nhưng năm nay thì không biết lấy lý do gì nên càng nghĩ đến tôi lại càng tủi thân và uất ức đến phát khóc.
Đúng lúc tôi vừa dọn nhà vừa rơm rớm nước mắt thì mẹ chồng tôi bắt gặp. Chúng tôi không sống chung cùng bố mẹ chồng mà được cho ở riêng nên lâu lâu bà lại sang chơi. Thấy con dâu mắt đỏ hoe, bà không nói gì mà vẫn giả vờ nói chuyện bình thường. Đến lúc chuẩn bị về, mẹ chồng tôi không nhịn được mới hỏi:
- Con làm sao thế? Tết nhất đến nơi mà mặt buồn rười rượi, mắt thì đỏ hoe.
- Con...
Từ trước đến nay, dù biết mẹ chồng là người tốt nhưng tôi không dám than vãn gì bởi dù sao chồng tôi cũng là con trai bà. Nhưng có lẽ lúc đó quá ấm ức nên tôi đã không kìm được mà òa khóc như 1 đứa trẻ, vừa khóc vừa kể hết nỗi khổ tâm của mình.
(Ảnh minh họa)
Sau khi nghe xong từ đầu đến cuối, bà chỉ nhẹ nhàng bảo tôi: 'Thế mà từ trước đến nay con không nói với mẹ. Được rồi. Mẹ định về nhưng thôi, đợi chồng con về để nói chuyện. Con cứ dọn dẹp nhà cửa bình thường đi'.
Một lát sau, chồng tôi về, thấy mẹ ngồi chờ thì khá ngạc nhiên bởi chẳng mấy khi bà đến nhà tôi vào giờ này cả. Bà gọi anh vào phòng nói chuyện. Tôi không biết họ nói chuyện gì nhưng thỉnh thoảng lại nghe mẹ chồng quát lớn. Trong đó, câu nói mà tôi nghe rõ nhất là: 'Làm đàn ông đừng có ích kỷ. Nhà này có bố mày như thế chưa đủ à? Năm nay đưa vợ con về ngoại ăn Tết. Mẹ mà không thấy làm đúng như thế thì đừng có trách.'
Lúc sau, chồng tôi ra ngoài với gương mặt sa sầm. Anh nói với giọng miễn cưỡng: 'Năm nay, chiều mùng 2 nhà mình về ngoại'. Tôi không khỏi sung sướng quay sang nhìn mẹ chồng thì bà đang mỉm cười động viên tôi.
Đến khi tiễn mẹ chồng ra tận cửa, bà vỗ vai tôi bảo: 'Tết nhất là đoàn viên mà. Con lấy chồng rồi nhưng vẫn còn bố mẹ ở nhà cũng cần được gặp con, gặp cháu chứ. Với lại từ giờ trở đi, có gì ấm ức là phải nói ngay với mẹ nghe chưa?'. Nhìn theo bóng mẹ chồng đi về, tôi chỉ biết vừa khóc vừa thầm cảm ơn lần nữa mà thôi.
Theo netnews.vn
Đối xử tệ bạc với con dâu, đến lúc nằm ốm liệt giường con dâu cư xử thế này khiến mẹ chồng chảy nước mắt Ngày trước con dâu động vào gì mẹ chồng cũng thấy ngứa mắt, không hài lòng. Tưởng rằng đến lúc bà ốm liệt giường thì con dâu chẳng thèm ngó ngàng... "Lấy chồng nhờ phúc nhà chồng. Sau này phải đối xử tốt với mẹ chồng như với mẹ. Có việc gì cũng đừng dại to tiếng, thiên hạ nhìn vào người ta...