Các món ngon quanh chợ Bàn Cờ vào xế chiều
Chợ Bàn Cờ nằm ở quận 3, TP HCM, nổi tiếng với nhiều món ăn vặt như bánh xèo, bún thịt nướng, bánh Huế, cháo Tiều
Bánh xèo
Đến địa chỉ nằm sâu trong chợ, thực khách sẽ được phục vụ những chiếc bánh xèo kiểu miền Trung, nhỏ và giòn. Nhân bánh ở hàng này chỉ có giá đỗ và vài lát thịt heo, phục vụ kèm các loại rau sống. Sự thành công của món ăn phải kể đến vị nước mắm được chủ quán pha sẵn, có đu đủ và cà rốt ngâm chua. Bạn có thể tự gia giảm ớt theo vị giác. Mỗi chiếc có giá 7.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Bánh khọt cũng là món được nhiều tín đồ ăn vặt ưa thích. Bánh được đổ từ bột gạo, có nhân tôm. Thường để đảm bảo độ ngon của món ăn, bếp tại quán chỉ nổi lửa khi khách gọi món. Đĩa bánh bưng ra còn nóng hổi, bắt mắt với lớp mỡ hành ở trên và thơm mùi bột. Bánh khọt ăn kèm với rau sống như cải xanh, xà lách, tía tô, dấp cá… thêm đu đủ ngâm chua và không thể thiếu chén nước mắm pha chua ngọt. Suất ăn 5 chiếc có giá 20.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Bánh Huế
Lòng vòng trong chợ, thực khách sẽ bắt gặp quầy hàng bày bánh nậm, bánh lọc gói trong lá chuối và bình nước mắm ớt, chậu mỡ hành… ở phía trước. Đây là hình ảnh quen thuộc gần 30 năm qua ở chợ. Bột bánh ở quán có độ dẻo và phần nhân đậm đà, mỗi loại mang hương vị riêng. Thực khách thường gọi đĩa thập cẩm với giá 30.000 đồng để có thể thưởng thức cùng lúc nhiều vị bánh. Ảnh: Thanh Tuyết.
Video đang HOT
Địa chỉ này còn ghi điểm khi phục vụ thêm nem chua nướng và da heo chiên giòn trong mỗi phần ăn. Không gian quán nhỏ, luôn đông khách nên có nhiều nhân viên phục vụ. Từ 1h chiều, thực khách đã ngồi ăn xung quanh hàng. Bạn có thể mua về, vừa khám phá chợ vừa thưởng thức. Ảnh: Thanh Tuyết.
Gỏi ngó sen được nhiều yêu thích bởi vị thanh chua, dễ ăn và tốt cho sức khoẻ. Đến quán của chị Hạnh, nằm ở đầu con hẻm dẫn vào chợ (mặt giao với đường Nguyễn Đình Chiều), bạn sẽ có dịp thưởng thức món gỏi ít phổ biến ở Sài Gòn này. Đĩa gỏi có màu sắc hấp dẫn, thịt ba rọi luộc ít mỡ, tôm lột sạch và tươi. Điểm nhấn tạo nên mùi vị của món ăn là chén nước mắm chua ngọt. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt. Mỗi phần ăn đầy đủ tại đây có giá 30.000 đồng. Quán đóng cửa lúc 18h. Ảnh: Di Vỹ.
Bún bì
Quán Tư Loan là địa chỉ không chỉ có tiếng ở chợ Bàn Cờ mà còn cả Sài Gòn với đặc sản miền Tây, bùn bì. Món ăn bao gồm sợi bún tươi ăn kèm giá, rau sống và lớp bì heo. Bì có độ dai, vị bùi và thơm thoảng mùi thính gạo. Món ăn có thêm rau sống bên dưới khiến bạn ăn ngon miệng mà không bị ngán. Quán có không gian khiêm tốn, bán từ 11h đến 17h mỗi ngày. Giá một tô bún bì dao động 25.000 – 35.000 đồng. Ngoài bún bì, quán còn có thêm món bún thịt nướng, bún chả giò. Ảnh: Thư Kỳ.
Cháo Tiều
Tô cháo lòng theo kiểu Triều Châu (người Tiều) là sự kết hợp của cháo trắng và nguyên liệu tươi sống. Năm 1942, địa chỉ này là một gánh hàng rong của người Triều Châu trên đường Nguyễn Thiện Thuật, sau mới mở quán. Tô cháo hấp dẫn với màu sắc của hành lá, gừng và mùi thơm của tiêu xay. Khách có thể yêu cầu thêm trứng gà cho vào bên trong tuỳ theo khẩu vị. Giá một suất ăn đầy đủ tại đây là 65.000 đồng. Nếu chỉ chọn vài loại nguyên liệu ăn kèm, khách trả trung bình 40.000 đồng một phần. Quán bán từ 3h30 chiều đến 11h tối, cao điểm đông khách vào lúc 7h tối. Ảnh: Thanh Tuyết.
Địa chỉ bán món phở Lạng Sơn không nằm trong chợ Bàn Cờ, nhưng cách đó không xa. Quán phở chua nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Gọi là phở nhưng món có cách ăn và chế biến không giống phở truyền thống. Thay vì chan nước lèo vào bánh phở, điểm nhấn của món này là phần nước sốt chua ngọt có màu nâu, sánh quyện. Bên trong suất ăn còn có một ít rau muống bào và giá trụng ở dưới, phía trên là bánh phồng tôm và đu đủ ngâm ăn kèm. Suất ăn đầy đủ giá 45.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Là địa chỉ nổi tiếng lâu năm, quán bột chiên Đạt Thành mở cửa từ 16h mỗi ngày, từ 17h đã đông đúc, có khi không còn chỗ ngồi. Quán không nằm bên trong chợ Bàn Cờ mà toạ lạc gần đó, trên mặt đường Võ Văn Tần.
Giống các hàng quán khác ở Sài Gòn, bột chiên ở địa chỉ này cũng có thêm nước tương và gỏi đu đủ ăn kèm. Nước tương ở quán thơm, sợi đu đủ giòn và chua vừa phải. Chan thứ nước sóng sánh lên đĩa bánh rồi lấy muỗng xắn từng miếng bột nhỏ, ăn kèm đu đủ, bạn sẽ cảm nhận được hương vị trọn vẹn của món ăn. Giá một suất ăn là 26.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Theo Vnexpress
Địa chỉ cuối tuần: Ba kiểu phở được phục vụ với nước dùng riêng ở Sài Gòn
Phở chua, phở khô, phở trộn được ăn khô, kèm chén nước súp riêng.
Phở chua Lạng Sơn
Tiệm phở chua nằm sâu trong hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật do một người phụ nữ gốc Lạng Sơn mở, suốt mấy chục năm nay vị vẫn không thay đổi nên có khá nhiều khách quen. Tô phở trông có vẻ ít nhưng vừa đủ cho một người lớn ăn no. Sợi phở mềm như sợi mì cán mỏng, ăn chung với rau muống bào sợi, thịt gà, lòng gà rồi rưới một lớp nước sốt gia truyền đặc sánh lên trên. Thêm tép hành, sa tế, da lợn, bánh phồng và một ít rau thơm là chuẩn vị. Chén nước súp nấu từ nước luộc gà có lớp váng mỡ nhưng vị lại thanh, không quá béo, thêm ngò thơm là hết ý. Một tô có giá 50.000 đồng, bên cạnh những món khác như bánh giò, cháo sườn, gỏi gà ăn cũng khá ổn. Quán bán từ 15h đến 20h30 nhưng thường hết sớm và luôn đông khách.
Địa chỉ: 242/101 Nguyễn Thiện Thuật, phường 3, quận 3.
Phở khô Gia Lai
Gọi là phở nhưng sợi của phở khô Gia Lai lại giống sợi hủ tiếu, tròn và mảnh làm từ bột gạo. Sợi cứng nên khi trụng nước sôi không bị bở. Cách chế biến khá giống với món hủ tiếu khô của người miền Nam, người ta nêm nếm nước tương, giấm, rắc thêm tiêu, tép mỡ và thịt heo băm vào tô phở và giá trụng rồi trộn đều lên trước khi ăn. Có người gọi đây là món "phở hai tô" bởi một set phở khô gồm tô phở trộn và chén nước tái đi kèm. Nước súp có vị giống nước phở thông thường, thêm thịt bò thái mỏng tái, đậm đà nhưng ít dầu mỡ nên ăn không bị ngán. Hành tây và hành lá giúp át đi mùi tanh của thịt tươi, ăn với các loại rau xà lách, rau thơm... Tô đầy đủ có giá 30.000 đồng, người ăn khỏe có thể ăn đến 2 tô.
Địa chỉ: 47 Hoa Sứ, quận Phú Nhuận.
Phở trộn
Đúng như cái tên của nó, món này bạn phải trộn trước khi ăn. Sợi phở mềm cho vào tô trước tiên, sau đó đến thịt gà rồi rưới nước tương đã nêm nếm lên. Thêm đu đủ bào, rau thơm, đậu phộng và tép hành cho đỡ ngấy. Khi ăn, bạn đảo đều mọi thứ và do nước tương không có độ kết dính nên sợi phở rời rạc, bạn phải ăn ngay. Nếu để lâu thì dễ bị mặn do sợi phở mềm, mau thấm vị. Chén súp nấu từ nước luộc gà ăn kèm là không thể thiếu. Thịt gà chấm chung với muối tiêu chanh, thêm tương ớt tự làm cay xè là đúng điệu. Một tô có giá 45.000 đồng, nếu chọn đùi gà thì đắt hơn.
Địa chỉ: 211 Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Theo Ngôi sao
BÁNH KHỌT TÔM kiểu rất đơn giản Cách làm bánh khọt tôm kiểu rất đơn giản mình đã thành công ngay lần đầu tiên luôn nhé!, các bạn hãy thử làm xem vị như thế nào... Nguồn: sưu tầm