Các mốc bảo dưỡng ôtô định kỳ cần nhớ
Ôtô cần được kiểm tra, thay thế định kỳ nhiều hạng mục để bảo đảm sự ổn định khi vận hành cũng như tăng tuổi thọ của phương tiện.
Bảo dưỡng định kỳ là việc làm quan trọng cần được thực hiện đầy đủ trong quá trình sử dụng ôtô. Ngoài mục đích đảm bảo quyền lợi đối với phương tiện khi có hư hỏng nằm trong diện bảo hành, việc kiểm tra và chăm sóc thường xuyên còn giúp xe vận hành ổn định, an toàn và tăng tuổi thọ sử dụng.
Trong sách hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất đề xuất các mốc bảo dưỡng tính theo tháng hoặc quãng đường di chuyển. Tuy nhiên, không phải tài xế hay chủ xe nào cũng ghi nhớ khuyến nghị này để chăm sóc phương tiện của mình đúng thời điểm và đầy đủ.
Dưới đây là danh sách các hạng mục bảo dưỡng định kỳ theo số kilomet sử dụng thường được các hãng xe khuyến cáo với người sử dụng.
1.000 km đầu tiên
Kể từ lúc lăn bánh khỏi showroom đến khi đồng hồ odo chạm mốc 1.000 km là quãng đường xe hơi chạy rô-đai. Kết thúc quá trình “khởi động” cho động cơ, người dùng được khuyến cáo nên thay dầu bôi trơn động cơ và lọc dầu. Điều này nhằm loại bỏ các mạt kim loại nhỏ sinh ra trong quá trình rô-đai, giảm mài mòn cho các chi tiết bên trong động cơ và tăng tuổi thọ cho xe.
Tùy thuộc vào dung tích nhớt của động cơ, giá loại dầu nhớt thay mới, giá của lọc dầu và giá nhân công, chi phí bảo dưỡng lần đầu có thể dao động từ vài trăm nghìn đồng đến khoảng 1 triệu đồng với các mẫu xe phổ thông.
Bên cạnh đó, khi xe đến bảo dưỡng lần đầu, đội ngũ kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra tổng quan các hạng mục khác như hệ thống phanh, hệ thống treo, nước làm mát, đường dẫn nhiên liệu, hệ thống nước làm mát, ắc-quy…
5.000 km
Sau mốc chung 1.000 km đầu tiên, các nhà sản xuất có những hạng mục đề xuất bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 5.000 km di chuyển (hoặc 6 tháng sử dụng). Ở xe Toyota hay Hyundai, các mốc định kỳ như 5.000 km, 15.000 km, 25.000 km… được gọi là bảo dưỡng nhỏ hay bảo dưỡng cấp 1. Những nhà sản xuất khác như Mazda, Kia, Ford, Honda… cũng có thời gian và quãng đường sử dụng khuyến cáo tương tự.
Ngoài việc thay mới dầu động cơ, ở mốc 5.000 km ôtô cần được làm vệ sinh lọc gió động cơ và bộ lọc của hệ thống điều hòa. Những hạng mục được khuyến cáo kiểm tra khác còn có nước làm mát, nước rửa kính, dầu phanh, dầu hộp số, tình trạng ắc-quy… tránh tình trạng thiếu hụt.
Chi phí cho mốc bảo dưỡng này tùy theo dòng xe và nhà sản xuất có dao động từ 500 nghìn đến khoảng 900 nghìn đồng với xe hạng A, và từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu đồng cho xe 7 chỗ cỡ trung.
10.000 km
Tương ứng với mốc di chuyển 10.000, người dùng có thể chọn kiểm tra xe định kỳ sau 12 tháng sử dụng. Bên cạnh các điểm bảo dưỡng tương tự mốc 5.000 km, động cơ cần được thay lọc dầu sau mỗi một vạn km hoạt động.
Video đang HOT
Một hạng mục ít được chú ý ở mốc 10.000 km là đảo lốp. Việc đảo thứ tự lốp của xe giúp bộ lốp mòn đều và tăng thời gian sử dụng, tránh hiện tượng một phần của lốp bị mòn nhiều hơn, dẫn đến rách hoặc hư hỏng gây nguy hiểm khi vận hành. Người dùng được khuyến cáo đảo lốp sau mỗi 10.000 km di chuyển và thường xuyên kiểm tra độ mòn để thay lốp khi cần thiết.
So với đợt bảo dưỡng 5.000 km, chi phí cho lần bảo dưỡng ở mốc 10.000 km cao hơn khoảng vài trăm nghìn đồng. Toyota gọi đợt bảo dưỡng 10.000 km là cấp trung bình, trong khi Hyundai gọi là bảo dưỡng cấp 2.
20.000 km
Các mục bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ tại mốc 20.000 km nhìn chung không quá khác biệt với mốc 10.000 km, vẫn là thay dầu động cơ, thay lọc dầu, vệ sinh lọc gió, bổ sung các dung dịch ở khoang động cơ, ắc-quy, đảo lốp…
Có một số nhà sản xuất có chỉ định riêng cho mốc bảo dưỡng 20.000 km. Chẳng hạn như Toyota có thêm thay thế mỡ bôi trơn trục các-đăng, kiểm tra thước lái, kiểm tra ga máy lạnh, thay lọc gió điều hòa… Trong khi đó, xe Hyundai được yêu cầu thay lọc nhiên liệu và lọc điều hòa không khí. Các mẫu ôtô Honda được kiểm tra phanh tay và thay lọc không khí/bụi phấn nếu có trang bị.
Người dùng cần chi khoảng 1-3 triệu đồng cho đợt bảo dưỡng 20.000 km và các mốc tương đương (bảo dưỡng trung bình lớn của Toyota hay cấp 3 của Hyundai).
40.000 km
Sau một thời gian dài hoạt động, số mục kiểm tra và thay thế ở mốc 40.000 km nhiều hơn đáng kể so với các đợt bảo dưỡng trước đó. Đây là một trong những đợt chăm sóc quan trọng đối với ôtô, được gọi là bảo dưỡng lớn ở xe Toyota hay bảo dưỡng cấp 4 với ôtô Hyundai.
Những chi tiết quan trọng được thay thế lần đầu ở mốc 40.000 km có thể kể đến bugi đánh lửa (loại thường), lọc nhiên liệu, dầu phanh, dầu hộp số, dầu trợ lực hệ thống lái, dầu vi sai… Ngoài ra, một vài hãng xe có thêm hạng mục riêng biệt với mỗi 40.000 km hay 50.000 km. Đơn cử Honda có mục kiểm tra và điều chỉnh khe hở xu-páp, Hyundai khuyến cáo kiểm tra và vệ sinh hệ thống trợ lực tay lái điện.
Tùy theo số lượng hạng mục, giá vật tư cũng như tùy theo dòng xe, chi phí dành cho đợt bảo dưỡng 40.000 km có thể dao động từ khoảng 3 triệu đến hơn 8 triệu đồng.
Từ 100.000 km
Đối với phương tiện có đồng hồ odo chạm mốc 100.000 km, các hạng mục thiết yếu cần được thay mới gồm có nước làm mát động cơ, dây cu-roa động cơ, bugi bạch kim, dầu hộp số tự động…
Sau mốc 100.000 km, người dùng cần tiếp tục chăm sóc xe đều đặn với các mốc thời gian và quãng đường khuyến nghị từ nhà sản xuất.
Bên cạnh động cơ và khung gầm, người dùng cũng cần kiểm tra định kỳ những chi tiết an toàn và hỗ trợ vận hành như má phanh, đĩa phanh, hệ thống treo, đèn chiếu sáng, ắc-quy… để đảm bảo việc sử dụng xe hiệu quả, an toàn.
Du xuân an toàn bằng ô tô, đừng bỏ qua những công đoạn này
Kế hoạch đưa gia đình du xuân, về quê bằng ô tô không thể thiếu công đoạn kiểm tra, chăm sóc chiếc xe để có một hành trình an toàn, vui vẻ.
Tết cổ truyền là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong năm. Hầu hết mọi người tạm gác công việc, dành thời gian sum vầy với gia đình, người thân, bạn bè. Những cuộc du xuân, du lịch, về quê thăm hỏi người thân được lên kế hoạch từ sớm và ô tô chính là người bạn đồng hành lý tưởng ở thời điểm này.
Trước khi bắt đầu một chuyến đi xa, chúng ta nên dành thời gian chăm sóc "người bạn" này bằng những việc sau.
Bảo dưỡng xe sớm
Điều đầu tiên nên làm là đưa xe đi bảo dưỡng sớm. Càng gần Tết, các garage càng đông khách, bạn mất thời gian chờ đợi nếu sát ngày khởi hành mới đưa xe đến. Chưa kể tình trạng đông khách, quá tải sẽ làm chất lượng bảo dưỡng kém hơn so với ngày thường.
Khi đi bảo dưỡng xe chơi Tết cần lưu ý các hạng mục: Thay dầu, đổ nước rửa kính, châm nước làm má, kiểm tra áp xuất của toàn hệ thống lốp bao gồm cả lốp dự phòng... Điều này khá quan trọng cho những chuyến đi dài bởi ngày xuân rất khó tìm người giúp bạn thực hiện những công việc này.
Lên lịch trình cụ thể
Hãy dành chút thời gian tính toán lại thời gian, địa điểm, quãng đường di chuyển. Kiểm tra thông tin những điểm dừng chân, ăn uống, lưu trú, địa điểm tham quan, số lượng người đi cùng.
Bước tiếp theo là dự trù nguồn tài chính, liệt kê vật dụng mang theo, hạn chế nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Chuẩn bị một số loại thuốc, vật dụng y tế thông dụng, đồ ăn, nước uống nếu thấy cần thiết...
Lưu ý rằng, dừng xe nghỉ ngơi giữa hành trình giúp giảm mệt mỏi khi di chuyển trên đường dài. Thế nhưng không nên dừng đỗ ở những nơi tối tăm, ít người. Nếu có trục trặc, hãy cố lái xe tới nơi đông người hoặc nơi dễ quan sát để được hỗ trợ tốt hơn.
Trong trường hợp xe đột ngột chết máy ở nơi hoang vắng. Bạn nên gọi cứu hộ, chuẩn bị dụng cụ phòng vệ khi gặp kẻ xấu, khóa cửa và ngồi yên trong xe chờ nhân viên cứu hộ tới.
Kiểm tra lại xe trước khi khởi hành
Kiểm tra trình trạng hoạt động một số bộ phận một ngày trước khi khởi hành như: Phanh, lốp, ắc-quy, gương, cần gạt mưa, lọc gió,...
Để chiếc xe bóng mượt, bạn nên dành thời gian dọn lại nội thất, rửa xe thật sạch. Có thể tự rửa để tiết kiệm chi phí bởi gần Tết, giá dịch vụ rửa xe tăng vài lần so với ngày thường và thợ có thể làm ẩu vì quá đông.
Xăng luôn đầy bình
Thực tế cho thấy nhiều cung đường về quê, du xuân không có cây xăng, rất tốn công sức cho việc chạy lòng vòng tìm nơi đổ xăng. Có khi bị phải chọn những nơi bán xăng chiết lẻ, đổ xăng không đúng chủng loại hay dính tạp chất.
Việc đổ xăng đầy bình mang lại sự an tâm khi di chuyển trong những ngày Tết. Hơn nữa, theo quan niệm duy tâm của một số người thì chiếc xe đổ đầy xăng cũng là biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ, no ấm cả năm.
Mang theo giấy tờ xe
Những loại giấy tờ cần mang theo gồm: Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường,...
Ngoài ra, bạn nên tìm và ghi lại số điện thoại cứu hộ, thợ sửa chữa tại địa phương phòng khi có sự cố bất ngờ.
Lên đường với tinh thần vui vẻ, lạc quan
Hoàn thành những việc trên đồng nghĩa chiếc xe sẵn sàng cùng bạn vi vu mọi nẻo đường nhưng đây chỉ là một trong nhiều yếu tố góp phần giúp hành trình du xuân suôn sẻ.
Điều quan trọng nhất là hành trang du xuân không thể thiếu sự vui vẻ, niềm hứng khởi. Tâm trạng tốt sản sinh nhiều năng lượng hòa vào không khí tưng bừng ngày xuân. Thái độ lái xe nghiêm túc, tập trung, hạn chế sử dụng điện thoại, chấp hành luật giao thông cũng giúp bạn có một hành trình an toàn.
Vì thế, hãy lái xe với tâm thế nhường nhịn, từ bi hỉ xả, hướng tới điều bình an, may mắn đang ở phía trước, tạo nên một chuyến du xuân vui vẻ, ý nghĩa.
Kinh nghiệm lái xe: Chuẩn bị xe trước mỗi hành trình dài Cho dù dịch covid vẫn đang có những diễn biến khó lường, nhưng điều này cũng không thể ngăn cấm nhiều người về quê ăn tết, và cả những chuyến du xuân của người dân ở những địa phương không bị ảnh hưởng. Một số kinh nghiệm dưới đây có thể giúp bạn có thể tự mình chuẩn bị cho chiếc xe để...