Các lãnh đạo của TP. Hà Nội có dám ở chung cư cao tầng?
“Công tác phòng, chống cháy, nổ chưa được đảm bảo trong khi nhà cao tầng mọc lên như nấm thế này thì liệu các lãnh đạo TP. HN có dám ở nhà cao tầng?”.
Người dân ở chung cư cao tầng đang rất lo lắng về an toàn cháy nổ.
Theo một thống kê mới được đưa ra, hiện TP. Hà Nội có tới 500 tòa nhà cao trên 10 tầng. Tuy nhiên hàng loạt những vụ cháy, nổ xảy ra vừa qua lại bộc lộ ra những hạn chế trong việc đảm bảo phòng, chống cháy, nổ… và giải thoát khi gặp sự cố tại các tòa nhà cao tầng. Đồng thời cũng khiến cho người dân sống trong các tòa nhà này không khỏi lo lắng về sự an toàn cháy nổ.
Hiện trường vụ cháy tòa nhà 33 tầng của EVN xảy ra vào chiều ngày 15.12. (Ảnh: Nam Phong)
Còn nhớ hơn 1 năm trước đây vào tối ngày 10/3/2010, chung cư JSC 18 tầng ở phố Lê Văn Lương mới đưa vào sử dụng bốc cháy nghi ngút. 20 phút sau khi xảy ra cháy, 6 xe cứu hỏa được điều đến hiện trường, cảnh sát phải mang mặt nạ ôxy, dùng xe thang 72m để tiếp cận các tầng cao giải cứu người mắc kẹt đang đứng ở ban công vẫy khăn cầu cứu. Tuy nhiên do phương tiện thiếu nên có gia đình ở tầng 18 phải bện quần áo thành dây buộc con thả xuống lan can tầng 17 nhờ giúp đỡ.
Một tiếng sau, ngọn lửa được khống chế, hơn 40 người được giải cứu tuy nhiên, do bị ngạt khói nặng nên chị Vương Lan Phương (34 tuổi) và con trai Lưu Gia Minh (10 tuổi) ở tầng 18 đã tử vong tại bệnh viện.
Vụ cháy mới đây ở công trường xây dựng tổ hợp Keangnam cũng tiếp tục đặt ra nhiều quan ngại về công tác và việc trang bị các thiết bị phòng, chống cháy nổ, giải cứu người bị mắc kẹt ở tòa nhà cao nhất Việt Nam. Chiều 27/8/2011, tầng 7 công trường xây dựng tổ hợp Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội) – tòa nhà cao nhất Việt Nam bỗng bốc khói đen nghi ngút khiến hàng trăm công nhân hoảng hốt, giao thông xung quanh cao ốc tắc nghẽn.
Tòa nhà 7 tầng này được thiết kế để ôtô cho tòa tháp thương mại 70 tầng. Hai xe cứu hỏa, một xe téc và hàng chục cảnh sát được huy động. Cảnh sát đã dùng xe thang tiếp cận tầng 7, phun nước dập tắt đám cháy nhưng một trong hai giàn làm lạnh đặt trên nóc tòa nhà bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính 30.000 USD.
Mới đây nhất, vụ cháy ở tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào chiều 15/12 trên phố Cửa Bắc đang trong giai đoạn hoàn thiện lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ ở các tòa nhà cao tầng. Khói bốc lên từ tầng hầm, sau đó theo cầu thang bộ, hệ thống ống kỹ thuật, ống rác… bao trùm toàn bộ tòa nhà. Lúc đó tòa nhà có khoảng 40 công nhân đang làm việc rải rác tại các tầng.
Khoảng 600 người gồm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội đặc công của Bộ tư lệnh Thủ đô được huy động đến hiện trường khống chế đám cháy và giải cứu nạn nhân. Tuy nhiên do thiếu phương tiện cứu hộ hiện đại, không có đèn chiếu sáng nên lực lượng chức năng phải đi cầu thang bộ, dùng ròng rọc giải cứu nạn nhân. Năm tiếng sau vụ cháy, 40 công nhân bị mắc kẹt mới được giải cứu, trong đó 24 người phải nhập viện trong tình trạng bị ngạt khói.
Video đang HOT
Cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của cơ quan chức năng.
Liên tiếp các vụ cháy nhà cao tầng xảy ra, tuy nhiên phải đến sau khi các vụ cháy xảy ra tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với những yếu kém, hạn chế trong việc phòng chống cháy, nổ tại các tòa nhà này cũng như việc giải cứu nạn nhân mới trở lên thật “ nóng” và khiến Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phải triệu tập cuộc họp khẩn với các sở, ngành.
Trong cuộc họp này người đứng đầu UBND TP. Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc điều tra, làm rõ nguyên nhân và tăng cường công tác kiểm tra, phòng cháy ở các tòa nhà cao tầng. Đồng thời với đó là việc tăng cường mua sắm trang thiết bị chữa cháy chuyên dụng, hiện đại cho lực lượng PCCC.
Vụ cháy tòa tháp EVN đã cho thấy nhiều hạn chế trong công tác phòng chống cháy nổ ở các nhà cao tầng cũng như việc thiếu các thiết bị giải cứu, chữa cháy đáp ứng được yêu cầu (Ảnh: Nam Phong).
Sự chỉ đạo của lãnh đạo cao nhất của UBND TP. HN đã rõ ràng tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng. Từ đó dẫn đến thực tế là những quy trình, các thiết bị phục vụ phòng chống cháy còn bị buông lỏng, yếu kém và sơ hở. Theo một con số thống kê cách đây chưa lâu, có đến 2/3 số nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) không có hệ thống chống cháy tự động bằng nước và bằng bột…
Một số nơi như họng rác trong các chung cư là nơi để có nguy cơ xảy ra cháy, nhưng chưa có nơi nào trang bị cho nó hệ thống tự động báo cháy và chữa cháy. Ở nhiều nơi dân chưa được hướng dẫn sử dụng vận hành các thiết bị chống cháy… Những công việc ấy không phải chỉ khoán trắng cho chính quyền sở tại, Ban quản lý khu dân cư hay ban dân phòng.
Trong khi chưa có được sự chỉ đạo sát sao, với những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng trong công tác phòng, chống cháy, nổ ở các tòa nhà cao tầng thì giải pháp tối ưu, quan trọng nhất khi xảy ra cháy nổ, ngoài việc sử dụng các trang thiết bị tự ứng cứu, người dân phải bình tĩnh, tự tìm cách cứu mình. Nhưng về lâu dài, thì giải pháp tốt nhất là cần phải có những quy định, tiêu chuẩn cụ thể và đặc biệt có sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra sát sao hơn nữa của lãnh đạo TP. Hà Nội trong công tác phòng, chống cháy nổ ở các nhà cao tầng.
Từ những thông tin liên tiếp về các vụ cháy, nổ nhà cao tầng tại thủ đô Hà Nội trong thời gian qua mà một độc giả của báo điện tử GDVN đã đặt ra câu hỏi: “Công tác, thiết bị phòng, chống cháy nổ, giải cứu các nạn nhân khi gặp sự cố còn chưa được thực sự đảm bảo, trong khi những khối nhà cao tầng, chung cư, văn phòng lại mọc lên như nấm như thế thì an toàn của người dân sống ở đó sẽ ra sao đây. Và là người đứng đầu chính quyền thành phố, không hiểu sau khi chứng kiến những vấn đề còn tồn tại như thế này, liệu các lãnh đạo của TP. Hà Nội có dám ở nhà chung cư cao tầng?”.
Theo Giáo Dục VN
Hà Nội rung lắc vì dư chấn động đất cấp 5
Khoảng 21h tối 24.3, Hà Nội bị rung động do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7 độ richter ở khu vực biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar.
Bản đồ dư chấn động đất
Người dân Hà Nội ở hàng loạt chung cư cao tầng tại các khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Thụy Khuê, Thanh Xuân, Linh Đàm... đều cảm nhận được sự chao đảo.
Cơn rung chấn bất ngờ này ảnh hưởng rõ nhất tại các tòa nhà cao tầng. Trao đổi nhanh với Dân Việt, chị Mai Hương ở chung cư 18T1 Trung Hòa - Nhân Chính cho biết: "Đang nằm trên giường thì tôi thấy nhà rung rung, đầu mình váng lên, hơi quay quay. Ngắt quãng một chút lại rung lên một cơn như thế nữa khiến mình thấy khá sợ".
Thậm chí, quản trị tòa nhà đã phải gọi loa cảnh báo khả năng có động đất và đề nghị người dân khóa cửa đi xuống đường bằng cầu thang bộ, không nên sử dụng cầu thang máy để bảo đảm an toàn.
Từ trên tầng 9 một khu chung cư cao tầng gần Hồ Tây, anh Quang Phương miêu tả bộ đèn chùm của nhà anh còn rung lên bần bật. Người dân tại đây đã nhanh chóng di chuyển về phía Hồ Tây và những khu đất trống để nghe ngóng tình hình.
Tại khu đô thị Đền Lừ 2, quận Hoàng Mai, nhiều người dân ở các khu nhà cao tầng đã cảm nhận được sự rung chuyển. Cánh cửa nhiều hộ gia đình tự động bật khỏi ổ khoá chao đảo, nhiều vật dụng trong phòng tự nhiên đổ xuống nền nhà.
Người dân ở chung cư 18T1 Trung Hòa - Nhân Chính đổ xô xuống đường ngay sau khi thấy hiện tượng rung lắc. Ảnh: Phong Anh
Ở tòa nhà 15 tầng H10 Thanh Xuân trên đường Nguyễn Trãi, người dân cũng cảm nhận được sự rung lắc. Anh Nguyễn Văn Dung - nhân viên làm việc trong tòa nhà cho biết: "Khi đang trong thang máy, tôi nghe thấy tiếng leng keng, đi ra ngoài thì thấy đèn trần va đập vào nhau".
"Cơn rung lắc chỉ xảy ra trong 5 - 10 giây rồi không thấy gì nữa, tuy nhiên, nhiều người ở các tầng cao đã chạy ngay xuống tầng một vì lo sợ động đất", anh Dung cho biết thêm.
Tại mặt đất, nhiều người cũng có cảm giác rõ rệt với sự rung chuyển lắc lư, trong giây lát chân bỗng như thoát rời khỏi mặt đất.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, tối 24.3, một trận động đất mạnh 7 độ richter đã xảy ra tại phía Đông Bắc Myanmar, gần khu vực biên giới với Thái Lan và Lào.
Cơ quan trên cũng cho hay, trận động đất xảy ra cách thành phố Chiang Rai của Thái Lan 110km về phía Bắc, có tâm chấn dưới độ sâu hơn 230km và làm các tòa nhà ở thủ đô Bangkok lắc lư nhẹ.
Thông tấn xã Việt Nam trích lời Tiến sỹ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết tại Hà Nội, chúng ta đã phải chịu đợt rung chấn. Cơn rung lắc đã diễn ra liên tiếp hai lần.
Cũng theo ông Lê Huy Minh, với cường độ trên 7 độ Richter, ở Thái Lan sẽ phải chịu thiệt hại khá nặng nề.
Theo VTC, lúc 20h, một trận động đất 7 độ richter diễn ra ở biên giới Việt Lào. Trận động đất ở biên giới Việt Lào đã gây dư chấn cấp 5 ở Hà Nội và cấp 6 ở một số nơi thuộc vùng Tây Bắc (hiện ghi nhận tại Điện Biên có dư chấn cấp 6).
Đây là một trận động đất mạnh ở tâm chấn nhưng cách xa Hà Nội (chấn động mạnh nhất theo thang quốc tế là đến cấp thứ 12).
Trước đó, các nhà chuyên môn đã cảnh báo, Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ richter, với tâm chấn sâu 15-20km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy.
Gần đây, năm 1983, Hà Nội bị ảnh hưởng của dư chấn động đất có cường độ 4,5 richter, tương đương cấp 6.
Năm 2007, Hà Nội đã xảy ra chấn động mạnh cấp 3-4 do ảnh hưởng của động đất 6,1 độ richter tại khu vực phía Bắc Lào.
Giữa tháng 5.2008, Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng của dư chấn động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, với cường độ cấp 3.
Theo đánh giá phân loại của Viện Vật lý địa cầu, khu vực huyện Đông Anh, phía tây Hồ Tây có nền đất tốt hơn cả; khu vực quận Ba Đình, tây nam huyện Từ Liêm có nền đất thuộc dạng trung bình, khu vực quận Hoàn Kiếm nằm trên nền đất yếu và khu vực quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì nằm trên nền đất xấu nhất.
Theo Dân Việt
Hà Nội rung lắc vì dư chấn động đất cấp 3-4 Khoảng 21h tối 24.3, người dân Hà Nội ở hàng loạt chung cư cao tầng tại các khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Thụy Khuê, Thanh Xuân, Linh Đàm... đều cảm nhận được sự chao đảo. Bản đồ Hà Nội. Ảnh: Google Maps Cơn rung chấn bất ngờ này ảnh hưởng rõ nhất tại các tòa nhà cao tầng. Trao đổi nhanh...