‘Các kháng thể chống Covid-19 yếu dần sau 2-3 tháng khởi phát bệnh’
Nghiên cứu mới trên Tạp chí Nature Medicine cho thấy các kháng thể miễn dịch với SARS-CoV-2 có thể bị yếu dần sau 2-3 tháng khởi phát bệnh.
Nature Medicine vừa công bố kết quả nghiên cứu của Trung Quốc về khả năng miễn dịch của những người nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh.
Các nhà khoa học từ Đại học Y Trùng Khánh, Trung Quốc, đã nghiên cứu 37 người ở quận Vạn Châu mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng lâm sàng trong 14 ngày trước và trong khi nhập viện. Họ cũng so sánh phản ứng miễn dịch của những người này với 37 bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng cụ thể.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan sát thấy rằng nồng độ kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và kháng thể trung hòa ở hầu hết người mắc Covid-19 (cả có triệu chứng và không có triệu chứng) đã hồi phục bắt đầu giảm trong vòng 2-3 tháng sau khi nhiễm bệnh”, các tác giả nghiên cứu cho hay. Sau 8 tuần xuất viện, mức kháng thể trung hòa giảm 80% ở những bệnh nhân không có triệu chứng, so với khoảng 62% ở những bệnh nhân có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những người mắc Covid-19 không có triệu chứng cụ thể, kháng thể của họ yếu đi nhanh hơn so với những người mắc bệnh có triệu chứng rõ ràng.
Những bệnh nhân không có triệu chứng cũng có mức cytokine thấp hơn. Cytokine là protein nhỏ được các tế bào khác nhau trong cơ thể tạo ra để phản ứng với nhiễm trùng. Những protein này nếu không được kiểm soát có thể gây ra tình trạng viêm quá mức.
Mức độ kháng thể ở những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục giảm mạnh sau 2-3 tháng khởi phát bệnh. Ảnh: P harmaceuticaltechnology.
Video đang HOT
Nghiên cứu cũng phát hiện thời gian lây nhiễm virus trung bình ở 37 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ là 14 ngày, ngắn hơn so với các báo cáo trước đây. Trong khi đó, nhóm không có triệu chứng có thời gian lây nhiễm virus lâu hơn đáng kể – 19 ngày.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 tồn tại ít nhất một năm trong khi nồng độ IgG duy trì được trong hơn 2 năm sau khi nhiễm bệnh. Đồng thời, phản ứng kháng thể ở những người mắc bệnh được xác nhận trong phòng thí nghiệm kéo dài ít nhất 34 tháng.
Do vậy, kết quả của nghiên cứu mới cho thấy mức độ kháng thể đối với virus corona có thể suy giảm nhanh hơn rất nhiều.
Mặc dù nghiên cứu ở phạm vi nhỏ và có những hạn chế, kết quả cũng cho thấy cần cẩn trọng khi cấp “hộ chiếu miễn dịch” Covid-19, tức là không tái nhiễm với virus SARS-CoV-2, cho những người đã khỏi bệnh.
Theo Giáo sư Dịch tễ học lâm sàng Liam Smeeth, Đại học London School of Hygiene & Tropical Medicine (Anh), khoảng 1/5 số người mắc Covid-19 trên thế giới không có triệu chứng. Vì vậy, đây là nghiên cứu thú vị với những phát hiện quan trọng, đặc biệt là khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 giảm khá nhanh ở nhiều người. Ông Liam cũng khẳng định cần nhiều nghiên cứu lớn hơn với thời gian theo dõi lâu, số lượng người tham gia nhiều hơn để xác định thời gian miễn dịch dựa trên kháng thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng để lại băn khoăn cho các nhà khoa học. Giáo sư Charles Bangham, Trưởng khoa Miễn dịch học, Đại học Imperial College London (Anh), cho biết thật khó để so sánh chính xác thời gian phát tán virus giữa nhóm không có triệu chứng và có triệu chứng trong nghiên cứu này vì không chắc chắn thời điểm bệnh nhân nhiễm virus.
“Có thể những người mắc bệnh có triệu chứng được phát hiện sớm hơn, vì vậy, họ có thể loại bỏ virus sớm hơn những người không có triệu chứng”, ông Bangham cho hay.
Ông Bangham cũng cho biết phản ứng kháng thể thấp hơn không nhất thiết là phản ứng miễn dịch yếu và kém hiệu quả hơn.
“Để hiểu rõ hơn về đáp ứng miễn dịch với SARS-CoV-2 ở những người này, cần phải kiểm tra phản ứng của tế bào lympho T với virus. Phản ứng tế bào T rất cần thiết để khẳng định phản ứng kháng thể hiệu quả và khả năng loại bỏ virus ra khỏi cơ thể”, ông Bangham khẳng định.
Sử dụng thuốc ho có thể khiến virus Covid-19 sinh trưởng nhanh hơn trong cơ thể
Do triệu chứng của Covid-19 là ho nên nhiều người có xu hướng tự ý mua thuốc ho về uống, tuy nhiên thành phần của các loại siro ho có thể khiến virus sinh trưởng nhanh chóng.
Covid-19 có những triệu chứng giống với cảm cúm thông thường nên nhiều người sẽ lập tức đi mua thuốc uống. Triệu chứng phổ biến nhất là ho nên thuốc ho là sản phẩm thường được sử dụng. Tuy nhiên, dùng thuốc ho khi bị Covid-19 lại rất nguy hiểm.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng, thành phần phổ biến trong nhiều loại thuốc trị ho và cảm lạnh không cần kê đơn của bác sĩ bao gồm thuốc Benylin và Night Nurse, có thể khiến virus nhân lên nhanh chóng trong cơ thể. Phát hiện này nằm trong các nghiên cứu của ngành y tế trên toàn về các loại thuốc có sẵn và cách chúng có thể được sử dụng để điều trị Covid-19 nguy hiểm.
Một nhóm các nhà khoa học phát hiện ra rằng hoạt chất phổ biến trong thuốc ho là dextromethorphan, có thể khiến mầm bệnh SARS-CoV-2 nhân lên nhanh chóng. Mặc dù điều này không có nghĩa là tình trạng bệnh sẽ nguy hiểm hơn nhưng các nhà nghiên cứu vẫn khuyến cáo không sử dụng thuốc có thành phần này, trong khi cần nhiều thử nghiệm để nghiên cứu tác động của chúng tới bệnh nhân Covid-19.
Để xác định chính xác hơn tác động của những thành phần trong thuốc ho đối với bệnh nhân Covid-19 cần thêm nhiều nghiên cứu, tuy nhiên người dùng vẫn nên cẩn thận khi dùng. (Ảnh minh hoạ)
Giáo sư Nevin Krogan của Đại học California tại San Francisco, cho biết: "Chúng tôi đã xác định được một số loại thuốc không kê đơn có thể thúc đẩy sự lây nhiễm của virus. Không phải ai cũng nhận biết được bản thân có bị nhiễm bệnh hay không, nên trong trong thời điểm này, mọi người cần suy nghĩ kĩ trước khi dùng siro ho".
Nhóm nghiên cứu nói rằng, thành phần dextromethorphan được dùng trong hầu hết các loại siro ho phổ biến, để kìm hãm các tín hiệu trong não tạo ra phản xạ ho. Họ đã tiến hành thử nghiệm trên các tế bào từ khỉ xanh châu Phi (có phản ứng thuốc tương tự như con người) để thực hiện nghiên cứu này.
Tại Viện Pasteur Paris, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng khi dextromethorphan được đưa vào tế bào khỉ bị nhiễm bệnh, tốc độ sinh trưởng của SARS-CoV-2 đã tăng lên.
Giáo sư Brian Shoichet nói rằng đây là thông tin cần phải thông báo cho toàn bộ công chúng và các quan chức. "Đây chỉ là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứ không phải chứng minh lâm sàng, nên mọi người không nhất thiết phải ngừng sử dụng dẽtromethorphan. Tuy nhiên, nó vẫn làm virus nhân lên, có thể gây bất lợi nên mọi người vẫn cần biết tới thông tin này", giáo sư nói thêm.
Bên cạnh đó còn có một tin tốt là nhóm nghiên cứu có thể xác định các loại thuốc điều trị tiềm năng cho loại virus chết người đã lan rộng khắp thế giới. Họ đã tìm thấy thuốc kháng histamine, haloderidol chống loạn thần và một số thành phần thuốc ho như cloparastine có thể giúp điều trị bệnh. Nhóm nghiên cứu đã xem xét 30 mẫu gen của virus SARS-CoV-2 và phát hiện ra 332 cách khác nhau mà virus có thể xâm nhập vào một tế bào và tạo ra các bản sao của chính nó, sau đó họ xem xét các loại thuốc có thể ngăn chặn quá trình này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 69 loại thuốc hiện có, phương pháp điều trị thử nghiệm hoặc hợp chất chuẩn bị được điều chế thành thuốc. Trong số đó, họ đã nhận thấy 62 cách khác nhau có thể giúp tiêu diệt virus.
Giáo sư Krogan cho biết, nhiều hợp chất sử dụng song song với các loại thuốc khác sẽ cho ra kết quả và chất lượng tốt, chẳng hạn như remdesivir, một phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng.
Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật và chưa xác định được khi nào sẽ bắt đầu kết hợp các loại thuốc có thể hoạt động để điều trị virus.
Hai năm sống trong nguy hiểm của cô gái mất khứu giác Hơi ga nồng nặc lan cả ra ngoài hành lang nhưng Lucy vẫn không cảm thấy gì. Cô gái người Anh thoát nạn nhờ một người bạn phát hiện vào cứu. Một trong những triệu chứng lạ của Covid-19 là mất khứu giác, vị giác. Dù đó chỉ là tình trạng tạm thời nhưng cũng khiến bệnh nhân cảm thấy rất khổ sở...