Các hệ thống cảnh báo sớm giúp giảm đáng kể số người thiệt mạng do thiên tai
Ngày 22/5, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết những thảm họa liên quan thời tiết đã gia tăng trong 50 năm qua, gây thiệt hại kinh tế ngày càng lớn dù các hệ thống cảnh báo sớm giúp giảm đáng kể số người thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ được triển khai để sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt tại vùng Emilia-Romagna, miền Bắc Italy ngày 18/5/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ công bố báo cáo cho thấy các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan đã gây ra 11.778 thảm họa trong giai đoạn từ năm 1970-2021. Những thảm họa này cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người, hơn 90% trong đó là tại các nước đang phát triển; đồng thời gây thiệt hại 4.300 tỷ USD.
Dù vậy, WMO nêu rõ các hệ thống cảnh báo sớm được cải thiện và việc phối hợp quản lý thảm họa đã làm giảm đáng kể số người thiệt mạng do thiên tai. Trong báo cáo công bố cách đây 2 năm liên quan thiệt hại về người và thiệt hại kinh tế giai đoạn 1970-2019, WMO chỉ ra rằng vào đầu giai đoạn này, mỗi năm có hơn 50.000 người mất mạng do thiên tai. Vào thập niên 2010, con số này giảm xuống 20.000 người/năm. Trong khi theo báo cáo mới nhất của WMO, 22.608 người tử vong trên toàn cầu do các thảm họa trong 2 năm 2020 và 2021 cộng lại.
Giám đốc WMO Petteri Taalas nhấn mạnh những cộng đồng dễ tổn thương nhất phải hứng chịu các tác động của thiên tai liên quan khí hậu, thời tiết cực đoan. Bão Mocha hoành hành tại Myanmar và Bangladesh tuần trước đã gây tàn phá trên diện rộng, ảnh hưởng đến những người nghèo nhất. Trong các thảm họa tương tự trước đây, cả hai nước đều ghi nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông Taalas cho rằng hệ thống cảnh báo sớm và các kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa/thiên tai đã giúp cứu sống nhiều người.
Video đang HOT
LHQ vừa công bố kế hoạch nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia đều có hệ thống cảnh báo sớm thảm họa vào cuối năm 2027. Việc thông qua kế hoạch này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cuộc họp của Đại hội Khí tượng thế giới – cơ quan ra quyết định của WMO – khai mạc ngày 22/5. Tính đến nay, mới chỉ có 50% số quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trang bị hệ thống như vậy.
Cũng theo báo cáo của WMO, mặc dù số ca tử vong giảm, nhưng thiệt hại kinh tế do các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt. Trong giai đoạn 1970-2019, thiệt hại tăng gấp 7 lần từ 49 triệu USD/ngày trong thập niên đầu tiên lên 383 triệu USD/ngày trong thập niên cuối. Các quốc gia giàu có chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt kinh tế. Chỉ riêng Mỹ đã mất 1.700 tỷ USD, chiếm 39% mức thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai kể từ năm 1970.
WMO cũng lưu ý rằng, trong khi con số thiệt hại quy đổi ra USD tại các quốc gia nghèo hơn không đặc biệt cao, nhưng là mức lớn khi so với quy mô nền kinh tế của những nước này. Các quốc gia phát triển hứng chịu hơn 60% thiệt hại do thiên tai, nhưng hơn 80% trong số này thiệt hại kinh tế tương đương chưa đến 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Không có thảm họa nào gây thiệt hại kinh tế tương đương hơn 3,5% GDP. Trong khi đó, trong 7% thiên tai ở các nước kém phát triển nhất, thiệt hại kinh tế tương đương hơn 5% GDP của các nước này, một số thảm họa gây thiệt hại tương đương gần 1/3 GDP. Đối với những quốc đảo nhỏ đang phát triển, 1/5 số thiên tai gây thiệt hại kinh tế hơn 5% GDP, một số gây thiệt hại tới trên 100% GDP.
Italy: Vùng Emilia-Romagna bị ngập lụt nghiêm trọng nhất trong 100 năm
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, những cơn mưa xối xả sau nhiều tháng khô hạn đã gây ngập lụt diện rộng ở các vùng Emilia Romagna và Marche, Đông Bắc Italy, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và gần 20.000 người phải sơ tán.
Mua to làm ngập nặng nhiều tuyến phố tại vùng Emilia-Romagna của Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguyên nhân trực tiếp của trận lũ lụt gây chết người là hiện tượng thời tiết cực đoan, với lượng mưa trút xuống trong 48 giờ tại vùng này tương đương với tổng lượng mưa của 6 tháng, sau đợt hạn hán kéo dài 2 năm, khiến hàng chục con sông và nhánh sông bị vỡ bờ. Lực nước đã nhấn chìm hàng chục thành phố và thị trấn, gây ra hàng nghìn vụ lở đất, tạo ra những dòng bùn tràn qua các thị trấn làm ngập các mặt tiền cửa hàng và tầng hầm.
Ngày 19/5, các nhà chức trách tại Ravenna đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức thêm 2 thị trấn nhỏ nữa và đưa ra lời kêu gọi "cực kỳ khẩn cấp", cảnh báo người dân hạn chế di chuyển trong khu vực vẫn đang trong tình trạng báo động thời tiết "đỏ", mức cao nhất. 43 thị trấn đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lở đất, và hơn 500 con đường đã bị đóng cửa hoặc bị phá hủy. Thiệt hại vì lũ lụt có thể lên đến nhiều tỷ euro, mà Chủ tịch vùng Emilia Romagna Stefano Bonaccini đã so sánh với một trận động đất.
Đây là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua và cũng là lần thứ 2 trong tháng này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai. Hồi đầu tháng, mưa bão tại đây cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 người.
Vùng Emilia Romagna đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, do vị trí nằm giữa dãy núi Apennine và biển Adriatic. Viện nghiên cứu và bảo vệ môi trường Italy (ISPRA) đã xác định Emilia-Romagna là một trong những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao nhất tại Italy.
Trong điều kiện khí hậu thay đổi, lượng mưa sẽ nhiều hơn, nhưng mưa sẽ rơi vào ít ngày hơn và gây ra những trận mưa như trút nước, ít có ích và nguy hiểm hơn. Ông Antonello Pasini, nhà khoa học khí hậu tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Italy, cho biết một xu hướng đã tự hình thành khi "lượng mưa tổng thể tăng lên mỗi năm, nhưng số ngày mưa giảm và cường độ mưa tăng lên". Mặt đất khô, không thấm nước đồng nghĩa với việc mưa lớn khó có thể giúp ích, mà còn gây hại cho khu vực này.
Miền Bắc Italy đã bị hạn hán trong 2 năm qua do lượng tuyết rơi ít hơn mức trung bình trong những tháng mùa Đông. Tuyết tan từ các dãy núi Alps, Dolomites và Apennines thường cung cấp dòng chảy ổn định trong suốt mùa xuân và mùa hè, làm đầy song, hồ của nước này, tưới tiêu cho vùng trung tâm nông nghiệp và giữ nước cho sông Po, cũng như các sông nhánh quan trọng khác. Không có tuyết rơi bình thường ở vùng núi, đồng bằng trở nên khô hạn và nước ở các lòng sông, hồ và hồ chứa đã rút đi. Ông Pasini cho biết vùng khô hạn không thể phục hồi ngay cả khi trời mưa vì mặt đất về cơ bản là "không thấm nước" và mưa chỉ rửa trôi lớp đất mặt và chảy ra biển.
Các chuyên gia cho biết lũ lụt chết người tại Italy là một ví dụ khác về sự cực đoan của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Địa Trung Hải trở thành điều bình thường mới, đòi hỏi Italy phải thích nghi và suy nghĩ lại về các biện pháp phòng chống lũ lụt trên toàn quốc.
Ngày 20/5, vùng Emilia-Romagna vẫn trong tình trạng báo động đỏ, khi mưa quay trở lại. Các trận mưa mới có thể khiến mực nước sông dâng cao và tràn trở lại, trong bối cảnh nhiều khu vực vẫn còn chìm trong nước và sạt lở đất là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng núi Apennines.
Hơn 27.000 người đã được sơ tán khỏi nhà riêng ở tỉnh Ravenna, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, với tình trạng thiếu nước uống và lương thực ở một số khu vực.
Nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới trong 5 năm tới Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 17/5 cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và hiện tượng tự nhiên El Nio xảy ra. Người dân tắm biển tránh nóng ở Collioure, Pháp, ngày 17/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Có 66% khả năng...