Các hãng ôtô chờ đợi được giải cứu từ chính sách hỗ trợ trước bạ
Nếu được thông qua, quy định hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước có thể là cứu cánh giúp các hãng xe tại Việt Nam cải thiện doanh số trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh thị trường ôtô Việt Nam đối mặt với khó khăn đến từ dịch bệnh kéo dài, nhiều hãng xe đang chờ đợi “liều thuốc” hỗ trợ trước bạ từ Chính phủ, giống như những gì đã diễn ra vào nửa cuối năm 2020.
Mới đây, một nhà sản xuất đã có kiến nghị Thủ tướng ban hành trở lại quy định giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo văn bản Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính, vấn đề này được Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét và đánh giá, báo cáo Thủ tướng để từ đó tháo gỡ khó khăn cho ngành ôtô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nếu được tái áp dụng, quy định hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (xe CKD) có thể là cứu cánh để các hãng xe vực dậy trong giai đoạn cuối năm sau nhiều tháng liền suy giảm doanh số.
Liều thuốc hữu hiệu cho thị trường
Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP, trong đó quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước kéo dài từ cuối tháng 6 đến hết tháng 12 năm trước.
Video đang HOT
Chính sách này đã mang đến tác động tích cực cho toàn thị trường ôtô Việt Nam, sau giai đoạn nửa đầu năm 2020 ảm đạm khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trong nước.
Các dòng ôtô CKD tăng trưởng doanh số sau khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP được áp dụng vào năm trước. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam ( VAMA), sau khi Nghị định 70 được áp dụng, doanh số xe du lịch bán ra trong giai đoạn 1/3 cuối năm cao gấp nhiều lần những tháng trước đó trong năm 2020.
Kể từ sau tháng 8/2020 rơi vào tháng Ngâu khiến lượng xe tiêu thụ chỉ hơn hơn 15.000 chiếc, các tháng 9-12/2020 ghi nhận doanh số ôtô con liên tục tăng trưởng. Đỉnh điểm là tháng cuối năm 2020, lượng xe bán ra đạt gần 36.900 chiếc, hơn gấp đôi mức 17.600 xe ở tháng 6/2020, theo VAMA.
Tương tự, đầu năm nay TC Motor cho biết doanh số xe du lịch Hyundai tháng 12/2020 đạt gần 12.000 chiếc, cao nhất trong năm trước. Nếu trong quý I và II năm 2020, TC Motor bán được khoảng 25.500 xe du lịch thì 6 tháng áp dụng Nghị định 70, doanh số của thương hiệu Hàn Quốc tăng thêm đến 47.700 xe. Đáng chú ý, tất cả dòng xe Hyundai đều được lắp ráp trong nước.
Các nhà sản xuất chờ đợi hỗ trợ để vượt khó
Thực tế, đề nghị tái áp dụng chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước đã được VAMA gửi đến Bộ Tài chính hồi tháng 5/2021. Dù vậy, kiến nghị này đã không được chấp thuận khi giai đoạn tháng 1-4/2021, doanh số của toàn thị trường ghi nhận cao hơn cùng kỳ năm trước.
Còn ở thời điểm hiện tại, các hãng xe phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn quý I và II khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.
Các quy định phòng chống dịch khiến tình hình kinh doanh ôtô ở nhiều địa phương bị gián đoạn. Ảnh: Bối Hạ.
Lượng xe du lịch tiêu thụ trong tháng đầu tiên của quý III giảm đến 34% so với tháng 6/2021. Tháng 7 vừa qua cũng là tháng thứ 4 liên tiếp VAMA ghi nhận sự đi xuống của mảng ôtô du lịch. So với mốc cao nhất hồi tháng 3 khi bán ra hơn 21.000 xe, tháng 7 doanh số xe con chỉ bằng 1/2 với 10.400 chiếc, VAMA cho biết.
Trước tình thế nhu cầu mua xe chững lại, nhiều nhà sản xuất đã phải tung ra các chính sách kích cầu để thu hút người dùng.
Phổ biến nhất là các ưu đãi lệ phí trước bạ với mức hỗ trợ 50-100% chi phí đăng ký, đi cùng các khoản giảm giá sâu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Không chỉ các thương hiệu phổ thông mà xe sang cũng tham gia cuộc đua khuyến mại để cải thiện tình hình kinh doanh trong mùa dịch.
Dù mang lại ít nhiều kết quả khả quan và giúp vài mẫu xe có doanh số tăng trưởng ngược dòng suy giảm chung, các nhà sản xuất vẫn khó có thể kéo dài khuyến mại và ưu đãi lớn trong thời gian tới.
Vì vậy, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ tương tự Nghị định 70/2020/NĐ-CP có thể xem là cứu cánh khả dĩ để hỗ trợ kích cầu cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, nhất là trong giai đoạn cuối năm khi nhiều dòng xe CKD mới được lên lịch ra mắt.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty Thành Công Motor Việt Nam.
Hoạt động tại Hyundai Thành Công. (Nguồn: Cand.com.vn)
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5586/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc Công ty Cổ phần Thành Công Motor Việt Nam kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty Thành Công Motor Việt Nam, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước ở bối cảnh dịch COVID-19, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021./.
Phí trước bạ giảm 50%: Mua ô tô điện giảm được bao nhiêu tiền Nếu ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe điện thì nhu cầu sử dụng ô tô điện cũng chủ yếu chỉ tăng ở những đô thị lớn, nơi có hạ tầng giao thông phát triển. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140 của Chính phủ về lệ...