Các hãng ô tô Trung Quốc đổ bộ thị trường Úc
Ngày càng nhiều các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang xếp hàng chờ tiếp cận thị trường Úc.
Hiện có hơn 150 nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc, phần lớn là các công ty nhỏ phục vụ nhu cầu của khách hàng nội địa. Tuy nhiên, có 3 thương hiệu lớn đã có chỗ đứng trên thị trường xe du lịch là Chery, Great Wall và Geely, chưa kể đến các thương hiệu Foton và JAC trong lĩnh vực xe tải, Higer chuyên về xe buýt.
Great Wall hiện là hãng ô tô Trung Quốc thành công nhất tại thị trường Úc nhờ dòng xe thể thao việt dã, với doanh số đạt 4.838 xe trong 5 tháng đầu năm, kế đến là Chery với 696 xe. Geely chưa được đưa vào hệ thống thống kê doanh số ô tô VFACTS của Úc dù đã có mặt trên thị trường này từ năm ngoái.
Mẫu xe thể thao việt dã MK của Geely đang được tiêu thụ tại Úc
Theo trang CarsGuide, hiện có 6 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chờ thủ tục để phân phối xe tại thị trường Úc. “Đại sứ quán Trung Quốc đã liên hệ với chúng tôi về việc tìm đối tác trong nước cho 6 công ty ô tô của họ,” một nhân vật cấp cao tại Phòng công nghiệp ô tô liên bang Úc tiết lộ. “Chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ. Có vẻ như họ rất nhiệt tình.”
Ateco Automotive, nhà nhập khẩu ô tô Úc có mối liên hệ chặt chẽ nhất với phía Trung Quốc, hiện là đối tác của Chery và Great Wall. Giám đốc công ty, ông Neville Crichton, thừa nhận rằng ông đang muốn mở rộng hoạt động. Ateco gần đây đã mất hợp đồng phân phối tại Úc cho Alfa Romeo và Fiat, vì tập đoàn Fiat Chrysler muốn trực tiếp kiểm soát. Trước đó, Ateco từng nhập khẩu cả xe Suzuki và Kia, nhưng đã bán lại hệ thống phân phối cho chính hãng.
Ông Crichton không nói rõ mục tiêu của mình trong tương lai, nhưng Ateco đã cho người sang Trung Quốc dự Triển lãm ô tô Bắc Kinh hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua. Hiện Great Wall đang bán 7 mẫu xe ở Úc, nhưng không có mẫu xe du lịch nào, còn Chery có 3 mẫu và J11 SUV bán chạy nhất, với doanh số đạt 374 chiếc trong 5 tháng đầu năm nay.
Video đang HOT
John Hughes, nhà nhập khẩu xe Geely ở Perth, đang tiến hành cơ cấu lại trước khi phân phối các mẫu xe mới nhất của thương hiệu ô tô Trung Quốc này trong năm 2013. Hai thương hiệu khác là JAC và Maxus do công ty nhập khẩu WMC phân phối tại Úc.
JAC bắt đầu thâm nhập thị trường Úc bằng xe tải nhỏ, dự kiến sau đó tiếp tục với dòng xe van và SUV vào năm 2013, và có thể sẽ là xe du lịch vào cuối năm 2014. Maxus, thương hiệu thuộc Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) cùng với MG, sẽ bắt đầu chinh phục thị trường Úc bằng xe van.
Theo VNE
Thị trường Mỹ Latinh thích ô tô Trung Quốc
Trong khi người tiêu dùng ở nhiều nước vẫn còn e ngại và có định kiến không tốt, thì thị trường Mỹ Latinh đã mở cửa đón nhận ô tô Trung Quốc. Ở Peru, cứ 6 xe ô tô mới bán ra thì có một chiếc của Trung Quốc.
Ô tô Trung Quốc đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Mỹ Latinh. (Ảnh: AP)
Ban đầu, anh Mario Segura, một tài xế taxi ở Lima, Peru, còn thấy khó chịu khi được gợi ý mua một chiếc ô tô Trung Quốc. Anh nghi ngờ độ bền của xe, dịch vụ đi kèm, và ngại xe nhanh mất giá, khó bán lại.
Tuy nhiên, sự truyền miệng, tính sẵn có của phụ tùng thay thế, và tất nhiên là mức giá rẻ bất ngờ đã từng bước thuyết phục anh.
"Chỗ này một tý, chỗ kia một tý, tôi đã nghe được những ý kiến tích cực về ô tô Trung Quốc," anh Segura cho biết khi đang ở trong một showroom của hãng Chery ở quận Surquillo. Anh vừa chi 12.000 USD bằng tiền mặt để mua một chiếc Fullwin XR sedan mới, rẻ hơn một nửa so với xe cùng loại mang thương hiệu Fiat hoặc Renault. "Mất khá nhiều thời gian để tôi đưa ra quyết định, cuối cùng tôi liều thử," anh nói.
Tương tự là trường hợp của Luis Luna, một bác sĩ vừa trở về Lima sau nhiều năm làm việc tại Argentina. Ông đã định mua một chiếc xe Nhật đã qua sử dụng. Nhưng rồi ông để ý tới các quảng cáo ô tô Trung Quốc giá rẻ và bắt đầu tìm hiểu khi bạn bè, họ hàng khẳng định rằng ông nên tới một đại lý của JAC, một trong số cả chục thương hiệu Trung Quốc có mặt tại đây.
"Chúng tôi thấy rằng với cùng một số tiền mua ô tô cũ nhếch nhác chẳng đem lại chút tự tin nào, thì chúng tôi có thể mua một chiếc xe Trung Quốc mới tinh, kèm thời hạn bảo hành 2 năm," ông Luna cho biết sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ mua chiếc JAC B-Cross mới 100%, giá 16.000 USD.
"Tôi hoàn toàn bị thuyết phục rằng đây là một quyết định đúng đắn," ông nói.
Những ngày này, ở khắp các nước Mỹ Latinh, có rất nhiều người cũng đã quyết định thử mua ô tô Trung Quốc tương tự như anh Segura và bác sĩ Luna. Tại đây, ô tô Trung Quốc mang các thương hiệu không mấy quen thuộc như Great Wall, JAC, Brilliance và Sinotruk đang bán rất chạy.
Ô tô Trung Quốc có mặt tại Peru từ năm 2006, và giờ đây cứ 6 xe mới bán ra ở đây thì có một chiếc là của Trung Quốc.
Theo Hiệp hội ô tô Peru, hiện có không dưới 90 hãng xe Trung Quốc để người tiêu dùng lựa chọn. Ngành ô tô Trung Quốc chưa trải qua quá trình sàng lọc kéo dài cả thế kỷ như ở Mỹ khiến ngành ô tô rút lại chỉ còn 3 tên tuổi lớn - GM, Ford và Chrysler.
Thế mạnh chính của ô tô Trung Quốc tất nhiên là giá bán. Thông thường, ô tô Trung Quốc có giá chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 một chiếc xe cùng loại thương hiệu châu Âu, Mỹ hoặc Nhật Bản - ông Guido Vildozo, một chuyên gia phân tích ngành ô tô của công ty tư vấn IHS Automotive ở Mỹ, cho biết.
"Cái gì khiến ô tô Trung Quốc rẻ hơn nhiều đến thế? Hãy bắt đầu với nhân công," ông Vildozo phân tích, với lưu ý rằng một công nhân ô tô Trung Quốc bình thường được trả 300 - 400 USD/tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức lương 2.000 - 3.000 USD/tháng của công nhân Mexico, hay mức lương trung bình 5.000 - 7.000 USD/tháng của công nhân ô tô Mỹ.
Bên cạnh đó, ô tô Trung Quốc rẻ còn vì nhà sản xuất không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc thiết kế, nhiều công ty sao chép kiểu dáng các mẫu xe bán chạy của các hãng nổi tiếng trên trên giới.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thâm nhập thị trường khi thu nhập bình quân đầu người của các nước Mỹ Latinh tăng lên mức chưa từng thấy.
Thị trường với nhu cầu mua xe mới tăng cao đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những doanh nghiệp đang coi Mỹ Latinh như một bước đệm trong kế hoạch chinh phục thị trường ô tô thế giới trong những thập kỷ tới. Theo công ty tư vấn AT Kearney, Trung Quốc đã xuất khẩu 800.000 xe ô tô trong năm 2011, nhưng kỳ vọng tăng lên mức 2 triệu xe vào năm 2015 và lên 3 triệu xe vào năm 2020.
Theo ông Jial Sun, một chuyên gia của công ty tư vấn AT Kearney, sự tập trung vào thị trường Mỹ Latinh một phần còn do các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa chuẩn bị đủ để có thể chinh phục các thị trường Mỹ và châu Âu có yêu cầu cao hơn về chất lượng và tiêu chuẩn khí thải.
Ở các thị trường mới nổi, sự cạnh tranh ít khốc liệt hơn và các quy định cũng thấp hơn. Trung Quốc và các khu vực thị trường này có chung điều kiện đường sá, quy định về nồng độ khí thải và tiêu chuẩn an toàn.
Nhiều khách hàng, như Antonio Benevides, một công nhân 26 tuổi làm việc trong công viên giải trí ở Bogota, là người lần đầu tiên mua ô tô. Đầu tháng 12 năm ngoái, anh mua một chiếc Chery QQ mới với giá 9.000 USD, rẻ chỉ bằng 2/3 giá xe Renault cùng loại.
"Sự khác biệt đó về giá bán đã khiến tôi cân nhắc mua xe mới cho lần đầu tiên sở hữu ô tô," Benevides nói trong lúc lái xe ra khỏi đại lý ở gần sân bay quốc tế Bogota. "Tôi đã nghe người ta nói rằng xe chạy khá ổn, chi phí vận hành rẻ, và như bạn thấy đấy, trông chúng cũng không đến nỗi xấu."
Nhật Minh
Theo Dân trí
Người đẹp tạo dáng với Geely Những chiếc xe nhập khẩu chính hãng từ Trung Quốc đọ độ duyên dáng bên cạnh người mẫu. Geely nằm trong Top 10 nhà sản xuất ôtô nội địa lớn nhất Trung Quốc và trở nên nổi tiếng khi mua lại hãng xe Thụy Điển Volvo từ Ford Geely hiện sở hữu các thương hiệu con là Emgrand, Gleagle và Englon Nhà phân...