Các hãng bảo hiểm phương Tây lo ngại thiệt hại vì lệnh trừng phạt Nga
Theo trang oilprice.com, có vẻ như việc thúc đẩy trừng phạt Nga đang phản tác dụng và làm tổn thương các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển ở phương Tây nhiều hơn.
Các tàu chở dầu tại khu phức hợp Sheskharis thuộc Chernomortransneft, một công ty con của Transneft ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP
Một năm trước, tờ Financial Times đưa tin các công ty bảo hiểm hàng hải lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào xuất khẩu dầu của Nga sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến giá cao hơn, gây khó cho các hãng vận chuyển và công ty bảo hiểm.
Tuần này, tờ Financial Times lại gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng không còn là mối quan tâm chung về chuỗi cung ứng, giá dầu và vấn đề tuân thủ trần giá của các công ty vận chuyển và công ty bảo hiểm. Giờ đây, mối quan tâm trực tiếp hơn nhiều, liên quan tới việc các công ty tuân thủ trần giá nhưng lại bị mất các hợp đồng kinh doanh khi các tàu chở dầu Nga lách lệnh trừng phạt.
Phương Tây đã tìm cách chặn nguồn thu của Nga bằng các biện pháp trừng phạt với hy vọng Nga sẽ sụp đổ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, thay vào đó, xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang gia tăng, bất chấp lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và mức giá trần mà Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra. G7 đánh giá mức trần giá là biện pháp thành công, nhưng thực tế là dầu của Nga đang được bán với giá cao hơn trần giá.
Theo ông Neil Roberts, một giám đốc tại Lloyd’s Market Association (Anh), mọi biện pháp trừng phạt đang được chính phủ các nước phương Tây cân nhắc sẽ không có tác động nào đối với chính sách đối ngoại của Nga nhưng chắc chắn sẽ gây tổn hại cho hệ thống cung ứng hợp pháp của thế giới.
Video đang HOT
Trong thực tế, không chỉ phương Tây mới có công ty bảo hiểm và các công ty vận chuyển đường biển. Có những công ty bảo hiểm của Nga sẵn sàng cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu. Có các nhà bảo hiểm Ấn Độ và các công ty vận chuyển Trung Quốc. Tất cả đều muốn tham gia hoạt động kinh doanh liên quan đến dầu Nga.
Mới đây, công ty vận chuyển Gatik của Ấn Độ đã bị Lloyd’s Register trừng phạt vì chở dầu Nga, dường như là do chở dầu được bán vượt giá trần, nhưng chỉ vài ngày sau, một công ty bảo hiểm Ấn Độ đã đứng ra cung cấp bảo hiểm cần thiết cho các tàu của công ty Gatik.
Ngoài các công ty Ấn Độ, còn có đội tàu chở dầu do các công ty nhỏ, vô danh điều hành. Các đội tàu này vận chuyển hàng triệu thùng dầu và nhiên liệu của Nga qua các đại dương hàng ngày. Theo công ty hàng hóa Trafigura, tính đến tháng 2, có khoảng 600 tàu tham gia.
Ông Ben Luckock, đồng giám đốc giao dịch dầu mỏ của Trafigura, cho biết có rất nhiều người nói về các biện pháp thông minh để loại bỏ dầu Nga, nhưng đó là một khối lượng dầu khổng lồ cần tìm điểm đến mới, nên dần dần, sẽ có những khó khăn trên thị trường.
Các quan chức phương Tây cũng đang thảo luận về một gói trừng phạt khác cũng nhắm vào các quốc gia có hoạt động kinh doanh với Nga.
Theo thông tin của Bloomberg, cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và không có khả năng EU sẽ đưa thẳng vào danh sách đen và trừng phạt các đối tác thương mại của Nga, như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, gói trừng phạt tiếp theo có thể bao gồm các biện pháp nhằm vào các công ty thuộc các quốc gia này.
Trong khi EU thảo luận về nhiều biện pháp trừng phạt hơn, thì Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Phần Lan) nhận thấy rằng doanh thu từ dầu mỏ của Nga cũng đang tăng lên. Doanh thu chỉ sụt giảm trong hai tháng đầu năm và tăng trở lại mức hồi tháng 11/2022 – trước khi có lệnh cấm vận của EU và biện pháp áp trần giá.
Đây có thể là lý do tại sao các công ty bảo hiểm đang lên tiếng bất chấp nguy cơ bị chỉ trích vì không ca ngợi các biện pháp trừng phạt.
Theo trang oilprice.com, có vẻ như việc thúc đẩy trừng phạt Nga đang phản tác dụng và làm tổn thương các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển ở phương Tây nhiều hơn.
Điều này đã đươc dự liệu từ trước. Trong thực tế, dầu luôn tìm được cách tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, mặc dù lệnh cấm vận và trần giá chắc chắn đã tước đi một số doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng các biện pháp này cũng tước đi doanh thu của các công ty vận chuyển và công ty bảo hiểm phương Tây.
Nhu cầu tàu chở dầu trong năm tới sẽ tăng cao nhất trong 30 năm
Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Clarkson (Anh), nhu cầu đối với các tàu chở dầu sẽ tăng vọt vào năm tới lên mức cao chưa từng thấy trong ba thập kỷ.
Theo Bloomberg, tổ chức nghiên cứu trên dự báo rằng số tấn dặm sẽ tăng khoảng 9,5% trong năm tới. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1993.
Tấn dặm là khối lượng hàng hóa nhân với quãng đường mà hàng hóa đi qua. Đây là một thước đo phổ biến mà ngành vận tải biển sử dụng.
Một phần lý do gia tăng nhu cầu tàu chở dầu là thay đổi về lộ trình vận chuyển do những lệnh trừng phạt sắp được áp đặt đối với ngành xuất khẩu dầu của Nga. Nga sẽ cần chuyển dầu thô sang những người mua không tham gia áp trần giá dầu hoặc các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như châu Á. Tuy nhiên, điều này khiến tuyến đường vận chuyển dầu Nga tới tay người mua khác sẽ dài hơn.
Ông Anders Redigh Karlsen, một nhà phân tích tại Kepler Cheuvreux, nói với Bloomberg: "Tuyến đường có thể dễ dàng tăng gấp 5 hoặc 6 lần về khoảng cách và điều đó có nghĩa là sẽ cần nhiều tàu hơn nữa để vận chuyển cùng khối lượng trước đó. Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu về tàu chở sản phẩm dầu".
Vào tháng 9, công ty vận tải biển Torm của Đan Mạch cho biết: "Lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2/2023 sẽ tạo ra nhu cầu điều chỉnh lại hệ sinh thái thương mại dầu mỏ. Một số điều chỉnh thương mại này đã bắt đầu rồi".
Một yếu tố khác là các nhà máy lọc dầu mới ở châu Á và Trung Đông dự kiến bắt đầu xuất khẩu.
Thị trường tàu chở dầu đã có một năm thuận lợi, thu nhập cao nhờ cước vận chuyển nhiên liệu tinh chế trên các hành trình tầm trung tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Nhu cầu về tàu chở dầu đã tăng lên kể từ khi EU trừng phạt Nga. Các công ty vận tải biển đã phải tranh giành để có tàu chở dầu trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực. Trong khi đó, vài năm qua, hầu như không có mấy tàu chở dầu được chế tạo mới. Đóng mới tàu chở dầu không phải là điều mà ngành này có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Do đó, nguồn cung tàu chở dầu có thể sẽ vẫn khan hiếm, đẩy chi phí vận chuyển dầu và nhiên liệu lên cao hơn.
Dầu của Nga vẫn chảy sang EU qua các tuyến hàng hải bí ẩn Bất chấp bị phương Tây trừng phạt, dầu của Nga vẫn chảy sang châu Âu thông qua các tuyến hàng hải bí ẩn. Ảnh minh hoạ: RT Theo Nikkei Asia, trong 6 tháng qua, hàng chục chiếc tàu chở dầu đã rời cảng Nga đi theo khu vực ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, sau đó chuyển dầu sang những chiếc tàu khác....