Các gói cứu trợ khổng lồ khiến ECB quan ngại về khả năng trả nợ của Eurozone
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 26/5 cảnh báo các biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) có thể làm dấy lên quan ngại về khả năng trả nợ của khối này, cũng như nguy cơ một số nước rút khỏi Eurozone.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo ổn định tài chính mới nhất, ECB cho biết trong giai đoạn bình thường, các nước Eurozone đều đặt mục tiêu duy trì nợ công dưới 60%. Song ranh giới này đã được nới lỏng trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
ECB đánh giá các gói chi tiêu của chính phủ đã giúp giảm nhẹ tác động của COVID-19 và sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ECB cũng dự báo tỷ lệ nợ công của Eurozone trên Tổng sản phẩm (GDP) sẽ tăng từ 7-22 điểm phần trăm trong năm nay, khi các chính phủ vay hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ kinh tế. Điều này sẽ nâng tổng nợ trên GDP trong khu vực từ 86% lên gần 103%.
Theo ECB, việc mua lại hơn 1.000 tỷ euro (1.100 tỷ USD) trái phiếu trong năm nay đã phần nào giảm bớt quan ngại của các nhà đầu tư về rủi ro nợ tăng. Tuy nhiên, nguy cơ tăng trưởng kinh tế suy giảm và kéo dài hơn dự tính sẽ khiến tỷ lệ nợ công trên GDP khó có thể bền vững, ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế.
Khi đó, thị trường sẽ hoài nghi về giá trị trái phiếu, cũng như khả năng đảm bảo mức tín nhiệm của chính phủ. Mối lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ một số quốc gia thành viên rời Eurozone hoặc sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung này cũng sẽ tăng cao.
Vì vậy, ECB tái khẳng định rằng các nước thành viên của Eurozone cần phối hợp hành động chung để duy trì nợ bền vững tại mỗi quốc gia thành viên. Theo các chuyên gia kinh tế của ECB, việc có thêm trái phiếu từ các thực thể được xếp hạng cao của châu Âu, thay vì vốn quốc gia, sẽ giúp giảm bớt chi phí cho quỹ đầu tư quốc gia, cũng như rủi ro từ nợ công.
Đầu tuần trước, Đức và Pháp đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết EU trị giá 500 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực. Theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhận khoản nợ 500 tỷ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19.
Với đề xuất trên, Đức và Pháp đã bỏ qua chương trình có tên gọi “trái phiếu corona” vốn gây tranh cãi, thay vào đó đảm bảo nguồn vốn từ các cơ chế tài chính hiện tại của châu Âu. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu từ Italy và các nước Nam Âu khác do không phải tăng thêm gánh nặng nợ quốc gia.
Dự kiến EC sẽ công bố các đề xuất riêng vào ngày 27/5.
ECB: Tiền giấy không phải là nguy cơ lây nhiễm lớn virus SARS-CoV-2
Ngày 28/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ tiền giấy euro là không lớn, sau khi kết quả kiểm tra cho thấy virus bám trên các bề mặt khác lâu hơn rất nhiều.
Nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ tiền giấy euro là không lớn. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù tiền mặt được dùng rộng rãi tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đã yêu cầu khách hàng chuyển sang dùng thẻ hay các phương thức thanh toán không tiếp xúc khác để tránh việc sử dụng những tờ tiền bị người mắc COVID-19 chạm vào.
Fabio Panetta, một thành viên trong ban điều hành ECB, cho biết các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm ở châu Âu cho thấy trong vài giờ đầu tiên, tỷ lệ sống sót của virus SARS-CoV-2 trên các bề mặt thép không rỉ, như tay nắm cửa, cao hơn 10 cho đến 100 lần so với trên bề mặt tiền giấy euro. Các phân tích khác cho thấy việc virus chuyển sang người từ các bề mặt như tiền giấy là khó hơn rất nhiều so với từ các bề mặt trơn nhẵn như nhựa.
Với các kết quả trên, ECB kết luận rằng so với những vật liệu khác mà con người tiếp xúc hàng ngày, tiền giấy không phải là nguy cơ lây nhiễm lớn. Tuy nhiên, ECB không đề cập về việc có nghiên cứu nguy cơ lây nhiễm từ đồng tiền xu euro hay không.
Ước tính trên 340 triệu người tại khu vực Eurozone đang sử dụng tiền euro. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu của người tiêu dùng trong khu vực, chiếm 75% các giao dịch. Việc sử dụng tiền mặt đặc biệt phổ biến tại những nước lớn như Đức, Italy và Tây Ban Nha. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu tiền mặt trở nên khó đoán hơn do một số người có xu hướng tích trữ tiền ở nhà, trong khi những người khác chi tiêu ít hơn do lệnh phong tỏa.
Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố sử dụng tia cực tím để khử trùng tiền giấy nhằm ngăn ngừa nguy cơ virus lây lan.
Đặng Ánh
Số người tử vong tăng cao do Covid-19, EU đối mặt nguy cơ suy thoái Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang nỗ lực vượt qua bất đồng nhằm đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Nhiều nước châu Âu trong tuần này đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa và khôi phục dần hoạt động kinh tế sau khi xuất hiện những tín hiệu cải thiện đầu tiên dù số ca...