Các dự án chống ngập ở TPHCM… mắc cạn: Vẫn loay hoay tìm phương án tháo gỡ
Sau hơn 4 tháng đại công trường chống ngập 10.000 tỉ đồng phải ngừng thi công do thiếu vốn, cả TPHCM và chủ đầu tư vẫn loay hoay chưa tìm ra phương án tháo gỡ.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đang phải tạm ngưng vì thiếu vốn. Ảnh: Minh Quân.
Trong khi đó, vừa qua, chủ đầu tư “ siêu máy bơm” chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh thông báo ngừng vận hành máy bơm do thành phố chưa chốt được giá thuê cũng như chưa tạm ứng kinh phí nên hết kinh phí.
Không tìm được tiếng nói chung
Theo Tập đoàn Trung Nam – Chủ đầu tư dự án 10.000 tỉ đồng “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1″ – tiến độ dự án vẫn đạt 72% (bằng với thời điểm tạm ngưng dự án vào cuối tháng 4.2018). Hiện, UBND TPHCM đã thực hiện ký phụ lục 02A, tuy nhiên hồ sơ các hạng mục lớn khác liên quan đến cống Mương Chuối và tiêu chuẩn thép vẫn chưa được chính quyền thành phố xác nhận.
Ngoài ra, hiện ngân hàng tài trợ vốn BIDV đang có đề xuất thành phố giải quyết các khoản chi phí tài chính phát sinh, do vấn đề tạm dừng dự án gây ra.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc dự án đang gặp phải, UBND TPHCM nhấn mạnh nếu bổ sung các hạng mục: Cầu giao thông Cống Mương Chuối, công suất bơm giai đoạn 2, có khả năng tổng dự toán công trình sẽ tăng so với tổng vốn đầu tư được duyệt, vượt 10.000 tỉ đồng trở thành dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Một vướng mắc khác cửa dự án là chưa có đầy đủ mặt bằng. Dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, chỉ có 154 hộ và 25 tổ chức, doanh nghiệp đã bàn giao mặt bằng.
Video đang HOT
Trong khi đó, ở một dự án khác, để xử lý cấp bách tình trạng ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, chính quyền TPHCM đã chấp thuận cho tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tự bỏ tiền (hơn 100 tỉ đồng) đầu tư máy bơm công suất lên đến 97.000m3 mỗi giờ. Với cam kết “không hết ngập không lấy tiền”, chủ đầu tư vận hành siêu máy bơm từ tháng 10.2017, được thành phố đánh giá cơ bản mang lại hiệu quả và giúp xe lưu thông thuận tiện hơn. Giá thuê máy bơm được chủ đầu tư đưa ra là hơn 24 tỉ đồng mỗi năm, kéo dài trong 7 năm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ đề nghị thành phố thuê với giá gần 10 tỉ đồng mỗi năm.
Đến giữa tháng 8, Tập đoàn Quang Trung gửi công văn đến Thành ủy, UBND TPHCM và các sở ngành đề nghị tạm ứng 30 tỉ đồng để trang trải kinh phí nếu không sẽ dừng vận hành máy bơm. Tuy nhiên, đề nghị này đến nay chưa được đáp ứng. Mới đây, chủ đầu tư thông báo sẽ dừng vận hành máy bơm vì hết tiền, đề nghị Trung tâm chống ngập có biện pháp xử lý ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Nhiều hệ lụy
Theo ghi nhận, việc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ngưng hoạt động đang khiến nguồn nước sông, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề. Tại khu vực thi công cống ngăn triều Bến Nghé (Bến Vân Đồn, Q.4), từ khi thi công làm chắn ngang đoạn kênh, nước sông đen kịt, rác thải nổi lềnh bềnh. Hàng rào làm cống ngăn bờ kênh chỉ còn khoảng cách rất hẹp khoảng 3 – 3,5m, nước chảy rất chậm. Khi triều lên, nước thoát không kịp khiến bèo, rác thải tích tụ lại bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực này. Việc ngăn dòng chảy còn chặn đứng lưu thông của thuyền bè.
Đối với dự án “siêu máy bơm” chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Nguyễn Tăng Cường – GĐ Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, đơn vị đã tốn thời gian nghiên cứu công nghệ, sau đó đầu tư kinh phí để xây dựng, vận hành máy bơm đến nay đã 30 lần và đa số thành công.
Ngoài ra, các loại chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, điện và cả kinh phí thi công 2 tuyến cống băng đường là hơn 14 tỉ đồng vẫn chưa được thành phố thanh toán.
“Số tiền công ty bỏ ra tính đến nay đã hơn 100 tỉ đồng, lãi suất vay ngân hàng là 9,5% mỗi năm. Con số các cơ quan chức năng thành phố đưa ra chỉ mới đủ trả lãi ngân hàng, chúng tôi rất khó chấp nhận”- ông Cường cho hay.
Mới đây, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư chống ngập và xử lý nước thải. Tuy nhiên, qua hai vụ việc trên cho thấy, nếu TPHCM và nhà đầu tư không sớm giải quyết các vướng mắc thì thời gian tới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc kêu gọi đầu tư vào các dự án chống ngập của thành phố.
Chủ một doanh nghiệp cho rằng, muốn có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chống ngập với TPHCM, ngoài việc đấu thầu thi công các dự án chống ngập phải công khai, minh bạch thì thủ tục giải ngân, xác nhận tiến độ phải bớt bị kéo dài như lâu nay.
- Sở GTVT TPHCM vừa phê duyệt dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,1km với tổng mức đầu tư 473 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đang khảo sát thiết kế công trình, dự kiến khởi công trong quý IV năm nay và hoàn thành sau 14 tháng.
Sở GTVT TPHCM cho biết, trong thời gian làm công trình thành phố sẽ duy trì hoạt động của máy bơm công suất lớn – một trong những giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước. Khi công trình hoàn thành, tình trạng ngập nước ở tuyến đường này sẽ không còn.
- Mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Công ty Trung Nam khẩn trương cung cấp toàn bộ hồ sơ cho Đoàn kiểm tra để giám sát, đánh giá dự án đầu tư, phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư theo đúng quy định.
MINH QUÂN
Theo Laodong
Không nên bác bỏ "siêu máy bơm" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Trả lời chất vấn đại biểu về đề án "siêu máy bơm" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, lãnh đạo sở KHCN TPHCM khẳng định thành phố chưa trả chi phí và doanh nghiệp cũng cam kết không hết ngập, không lấy tiền.
Bơm chống ngập công suất lớn được đặt chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: M.Q
Sáng 12.7, tại phiên chất vấn ông Nguyễn Việt Dũng - GĐ Sở Khoa học - Công nghệ tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khoá IX, đại biểu Đỗ Khắc Tuấn cho biết, vừa qua TPHCM đã ký hợp đồng thuê máy bơm của Công ty công nghiệp Quang Trung để giải quyết vấn đề ngập nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng cũng không khắc phục được tình trạng ngập ở đây.
"Tôi được biết nguyên nhân chống ngập không đạt có nhiều yếu tố như ứng dụng khoa học công nghệ chưa hiệu quả, miệng của ống bơm, áp lực nước của ống bơm và tình trạng nghẹt ở các cống thoát nước. Như vậy, trước khi đặt vấn đề ký hợp đồng với doanh nghiệp thì Sở Khoa học Công nghệ có tham mưu cho UBND TPHCM xem các vấn đề mang tính chất về khoa học công nghệ để đạt được hiệu quả không?" - đại biểu Tuấn hỏi.
Cũng theo đại biểu Đỗ Khắc Tuấn, thực tế sau khi thành phố ký hợp đồng đã chi bao nhiêu tiền để thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và sẽ còn phải chi bao nhiêu nữa?
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, sở có tham mưu để đóng góp cho giải pháp chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông Dũng cho rằng, công trình khoa học không nên đòi hỏi có kết quả ngay lập tức vì một nghiên cứu khoa học cho ra kết quả đòi hỏi thời gian rất dài.
"Trong chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh phải rà soát cho kỹ nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án khắc phục. Còn ngay từ đầu dập tắt những sáng tạo thì chính là dập tắt khoa học công nghệ" - ông Dũng nói.
Về kinh phí, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, thành phố vẫn chưa trả phí cho đề án "siêu máy bơm". Nhưng ông cho rằng, doanh nghiệp này đã cam kết không hết ngập không lấy tiền.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, thành phố luôn khuyến khích các doanh nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để giúp thành phố phát triển. "Đây là mô hình tốt, giai đoạn đầu có gặp khó khăn thì chúng ta nên cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn chứ không nên bác bỏ ngay nghiên cứu của họ" - ông Dũng nói.
Theo Laodong
Thiếu kinh phí, ông chủ máy bơm "quái vật" cầu cứu Sau nhiều tháng vận hành hút nước ở "rốn ngập" Sài Gòn, ông chủ máy bơm "quái vật" cho biết vẫn chưa nhận được đồng nào từ TP.HCM. Máy bơm "quái vật" hút nước đường Nguyễn Hữu Cảnh Mới đây, Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM cùng các sở ngành yêu cầu sớm cung cấp giá...