Các đoàn tình nguyện tự tin lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch COVID-19
Ngày 25/8, Đoàn cán bộ, sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y Dược Hải Phòng xuất quân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn y tế Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trước giờ lên đường. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Đoàn gồm 208 cán bộ, giảng viên, bác sĩ nội trú và sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, là những người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch tại thành phố. Các thành viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để góp phần hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine và điều trị bệnh nhân COVID-19 .
Trước khi lên đường, em Tô Vũ Hiệu, đại diện cho sinh viên tình nguyện đợt này cho biết: “Khi nhà trường kêu gọi tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại khu vực miền Nam, chúng em đã đăng kí và cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được cùng thầy cô trong trường trở thành thành viên của Đoàn. Trước đó, chúng em đã được tập huấn và trang bị kiến thức quan trọng về kỹ thuật lấy mẫu, xử lý mẫu, truy vết, tiêm vaccine, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân… Chúng em cũng đã được thực địa tại huyện Vĩnh Bảo và các chốt cửa ngõ thành phố. Chúng em tự tin và quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Động viên Đoàn trước giờ lên đường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, sau các đoàn hỗ trợ Bắc Giang, Bình Dương, hôm nay, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tiếp tục lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 28/8, Đoàn hỗ trợ tỉnh Bình Dương kết thúc thời gian giúp địa phương bạn phòng, chống dịch. Một số cán bộ, sinh viên đã tình nguyện đi tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh nhập Đoàn hỗ trợ công tác chống dịch tại Thành phố. Điều này thể hiện tinh thần dấn thân, vì đồng bào của đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam căn dặn Trưởng đoàn của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trước giờ lên đường. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Tại lễ xuất quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam căn dặn các thành viên trong Đoàn giữ gìn sức khỏe, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam chia sẻ một số kinh nghiệm phòng, chống dịch nổi bật của Hải Phòng để các thành viên linh hoạt ứng dụng, phát huy trong thời gian hỗ trợ địa phương bạn như: kiểm soát chặt chẽ tại các điểm chốt ra, vào thành phố, khẩn trương khoanh vùng, truy vết, dập dịch khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 25/8, UBND tỉnh Hà Giang đã gặp mặt Đoàn cán bộ y tế tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 đợt 2 tại tỉnh Bình Dương.
Video đang HOT
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang tặng hoa, quà y bác sỹ chi viện vào Bình Dương chống dịch. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN
Động viên Đoàn lên đường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, chung tay, chung sức của các nhân viên y tế để tham gia hỗ trợ các tỉnh miền Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, các thành viên trong Đoàn công tác sẽ nỗ lực phối hợp cùng ngành Y tế Bình Dương thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Theo ông Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, cùng chung tay chia sẻ gánh nặng, khó khăn với các tỉnh miền Nam, Hà Giang tiếp tục huy động đợt thứ 2 gồm 30 cán bộ y tế lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Bình Dương. Các cán bộ đợt này là các thầy thuốc tình nguyện, ưu tú được Sở Y tế Hà Giang lựa chọn để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, với mong muốn tình hình dịch bệnh trong cả nước sớm được đẩy lùi, để đất nước được bình yên, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Trước đó, Sở Y tế Hà Giang đã tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị COVID-19; phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám, chữa bệnh; điều tra truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm… cho các thành viên trong Đoàn.
Cán bộ y bác sỹ tham gia đoàn công tác vào Bình Dương chống dịch chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Hà Giang tại Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN
Phát biểu nhận nhiệm vụ, bác sĩ Vũ Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Trưởng đoàn công tác hứa với lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế Hà Giang, Đoàn công tác sẽ tuân thủ tuyệt đối sự điều động của Bộ Y tế, sự phân công nhiệm vụ của nơi đến công tác; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhiệt huyết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tại buổi lễ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang và đơn vị, địa phương đã tặng quà, động viên các y, bác sĩ Đoàn công tác.
Nhân dịp này, Hà Giang tiếp tục vận chuyển hỗ trợ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương 23.000 chiếc bánh chưng, 3,5 tấn giò chả, 3 tấn lạc.
Trước đó vào ngày 29/7, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã cử đoàn cán bộ y tế gồm 42 y, bác sĩ lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Hà Giang hỗ trợ 1 tỷ đồng giúp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch; cùng hàng nghìn chiếc bánh trưng, hàng chục tấn giò chả và lạc ủng hộ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…
Kết nối tiêu thụ gắn với hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19
Ngày 17/8, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, qua gần 1 tháng đường dây nóng đi vào hoạt động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã nhận được hơn 200 cuộc gọi đến để được hỗ trợ, tư vấn; trong đó đáng chú ý có 89 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại sản xuất các nông sản và thực phẩm đề nghị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Người dân thực hiện "5K" tại điểm bán hàng hóa thiết yếu bình ổn của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: TTXVN phát
Từ kết nối tiêu thụ nông sản
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, sản lượng bình quân mà 89 đơn vị đề nghị hỗ trợ tiêu thụ là rau 128,33 tấn/ngày, trái cây 184,3 tấn/ngày, thịt gà 64,98 tấn/ngày, thịt heo 118,7 tấn/ngày, trứng cút 354.000 quả/ngày, trứng gà 30.700 quả/ngày và sản phẩm thủy sản 14 tấn/ngày.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã thống kê danh sách cụ thể các địa điểm cần hỗ trợ, cập nhật các thông tin địa chỉ rõ ràng đăng tải trên các cơ quan báo đài và gửi trực tiếp đến các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, kết quả đã giúp kết nối tiêu thụ được cho một số đơn vị như Hợp tác xã Rau sạch Tân Yên đã kết nối tiêu thụ với các điểm bình ổn giá, hệ thống bán lẽ như Big C, Coopmart, các điểm từ thiện,... trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 15 tấn rau các loại.
Hợp tác xã rau sạch Trường An mỗi ngày cung cấp cho các hệ thống siệu thị như Bách hóa Xanh, Vinmart, Coopmart, điểm phân phối bán bình ổn giá, trung bình mỗi ngày cung cấp khoảng 25 tấn rau, củ quả các loại. Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát đã hỗ trợ bán gà với giá thành 7.000 đồng/kg cho các tổ chức từ thiện mua đi ủng hộ các người dân gặp khó khăn và còn còn kết nối với nhau thuộc nhiều đơn vị khác.
Đến hỗ trợ người khó khăn
Theo ông Cao Tiến Sỹ, giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt là những lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do, lao động hợp đồng thời vụ; những nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không tiêu thụ được hàng hóa. Ngày 9/7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thành lập ngay Tổ hỗ trợ phòng chống COVID-19, do ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng, các tổ phó và thành viên là lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc. Với mục tiêu của Tổ là kêu gọi, huy động, tập hợp các nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh để chung tay, hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ nông sản đang vào kỳ thu hoạch như chôm chôm, thanh long, chuối và các loại hàng hóa rau, củ quả, heo, gà... cho các doanh nghiệp, nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, góp phần bình ổn giá, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.
Chương trình hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai với tên gọi "Nông nghiệp Đồng Nai đoàn kết, chia sẻ phòng chống dịch COVID-19". Đối tượng hỗ trợ mà chương trình hướng đến, trước tiên là những hộ gia đình nghèo, neo đơn, yếu thế có hoàn cảnh khó khăn trong các khu vực bị phong tỏa, khó tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm; các bếp ăn phục vụ người dân trong khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bếp ăn phục vụ lực lượng y, bác sỹ làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch.
Khởi động Chương trình, ngày 12/7/2021, "những chuyến xe nghĩa tình" đã lên đường trao cho Uỷ ban Mặt trận huyện Thống Nhất hơn 1 tấn hàng hóa gồm các nhu yếu phẩm như gạo, trứng, mỳ, đường, bột ngọt, nước mắm... trị giá hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con khó khăn đang trong vùng phong tỏa COVID-19 của 5 xã: Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Gia Kiệm, Quang Trung thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Để chia sẻ bớt những khó khăn của người dân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Ngày 14/7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 5 chuyến xe tải, chở hơn 10 tấn rau củ quả, 10 ngàn quả trứng gà và xúc xích, trị giá hơn 240 triệu đồng để phân phát cho ba con tại các quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị phong tỏa.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ thường xuyên thực phẩm như: gạo, gà, chả lụa, rau củ cho một số bếp ăn bệnh viện, bếp ăn dã chiến, các điểm trực chốt phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 nhằm tăng thêm khẩu phần ăn cho lực lượng nơi tuyến đầu, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19...
Sau hơn 1 tháng triển khai hỗ trợ liên tục, không ngừng nghỉ, kể cả những ngày thứ bảy và chủ nhật, với sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động của ngành, chương trình thiện nguyện Nông nghiệp Đồng Nai đoàn kết, chia sẻ phòng chống COVID-19 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã nhận được sự đóng góp về tinh thần cũng như vật chất của các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số lượng trên 300 tấn nhu yếu phẩm, cụ thể: trên 200 tấn rau củ, quả; trên 45 tấn xương, thịt heo; 50 tấn gà; 25 tấn gạo; 25.000 trứng và hàng chục tấn trái cây cùng 5 tấn các loại thực phẩm như mỳ, xúc xịch, giò lụa, lạp xưởng, bột ngọt, hạt nêm, nước năm, nước tương, đường, tổng trị giá hàng hóa hỗ trợ là hơn chục tỷ đồng.
Hạn chế chuỗi đứt gãy nông sản
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Biên Hòa, UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các xã phường, cộng tác viên để duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ cho những gia đình công nhân ở trọ, hộ có hoàn cảnh khó khăn những túi quà, đảm bảo hỗ trợ nhu yếu phẩm đủ dùng cho một gia đình khoảng từ 5 -7 ngày, chương trình được thực hiện trong suốt thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, góp phần an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Với chức năng quản lý ngành, thực hiện mục tiêu kết nối cung cầu, hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho các nhà vườn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp sản xuất, hạn chế đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ và vận chuyển nông sản trong trong thời gian giãn cách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kết nối đường dây nóng, số điện thoại gửi đến các địa phương và thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tiếp nhận, hướng dẫn, tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến việc tiệu thụ, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ nguồn cung cho các điểm bán hàng bình ổn giá.
Đồng thời thông qua đường dây nóng, bộ phận tổng đài trực cũng tư vấn hướng dẫn cho một số công ty, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR); đăng ký "Luồng xanh" vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; cung cấp thông tin nhóm hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị kịp thời để thực hiện thủ tục lưu thông vận chuyển nông sản được thuận lợi.
Bình Dương, Nghệ An quyết liệt mở rộng 'vùng xanh', dập dịch vào cuối tháng 8 Tỉnh Bình Dương đang đưa những biện pháp nhằm kiểm soát dịch. Nghệ An chủ động khoanh "vùng đỏ" có ca F0 trong cộng đồng và quyết liệt có giải pháp bảo vệ "vùng xanh" bằng nhiều hình thức. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Dương đã phân chia 9 địa phương trong tỉnh theo vùng tương ứng với...