Các địa phương tập trung sản xuất lúa đông xuân
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ hôm nay (7-2) đến ngày 11-2, các tỉnh Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng; riêng phía đông Bắc Bộ có mưa rải rác. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Các khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, phổ biến đêm không mưa, ngày nắng, riêng từ ngày 8 đến 11-2, miền đông Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Nông dân xã Yên Bắc ( Duy Tiên, Hà Nam) làm đất sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: Vũ Sinh
Theo Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào hôm nay. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh.
Tổng cục Thủy lợi cho biết, sau hai đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2018 – 2019, diện tích có nước của các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 459.105 ha, đạt 83,06% tổng diện tích gieo cấy. Theo kế hoạch, đợt 3 lấy nước tổng cộng tám ngày, từ ngày 15-2 đến 22-2. Tuy nhiên, tùy theo thực tế nguồn nước và tiến độ lấy nước, sẽ xem xét rút ngắn thời gian lấy nước đợt 3 để tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện.
Dù bận rộn trong những ngày đón Tết Nguyên đán nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn tích cực lấy nước đổ ải chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân. Đến ngày 6-2, toàn tỉnh đã bơm nước đổ ải được khoảng 30 nghìn ha, đạt hơn 90% kế hoạch.
Video đang HOT
Vụ xuân năm 2019, tỉnh Bắc Ninh lên kế hoạch gieo cấy 33.000 ha lúa. Những ngày này, mặc dù trong dịp nghỉ Tết, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn huy động nông dân chủ động đưa nước về đồng, phục vụ đổ ải chuẩn bị sản xuất vụ xuân trong khung thời vụ.
Tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương và các công ty khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, đánh giá tình hình lấy nước đổ ải vụ đông xuân cũng như việc sinh trưởng, phát triển và phân loại chất lượng của toàn bộ diện tích mạ xuân 2019 đã gieo để chỉ đạo các biện pháp xử lý phù hợp ngay sau Tết Kỷ Hợi.
Tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển mới khoảng 24.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 81.706 ha; trong đó, có 10.000 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2019 tăng 30% so năm 2018, với giá trị nông sản hàng hóa đạt 150 triệu USD.
Năm 2019, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 24.460 tấn, tăng 9,82% so năm 2018; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7% so năm 2018. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là tại các khu nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 267 tỷ đồng.
Tỉnh Tiền Giang vừa đầu tư hơn 27 tỷ đồng thực hiện các công trình cung cấp nước sinh hoạt. Đây là những công trình quan trọng nhằm giúp nhân dân những vùng bị nhiễm mặn giải quyết căn cơ vấn đề nước sinh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã xuất hiện rầy nâu với mật số cao và bệnh đạo ôn có khả năng gây hại nặng trên các trà lúa đông xuân ở giai đoạn làm đòng và trổ bông. Để bảo vệ lúa, tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống dịch hại, bảo vệ sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
Theo NDĐT
Ngư dân Lý Sơn trúng đậm "Lộc biển" đầu xuân mới
Ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, hàng chục tàu cá công suất nhỏ hành nghề lưới thanh ba và lặn đêm của ngư dân Lý Sơn sau một đêm bám biển thả lưới buông câu tại ngư trường ven đảo trên khoang chở nặng "lộc biển" hối hả cập bờ.
Nhiều ngư dân trúng "lộc biển" ngay ngày đầu ra khơi năm Kỷ Hợi.
Nhanh tay chuyển những phên cá còn tươi rói, ánh vẩy từ dưới khoang con tàu cá công suất 45 CV vừa cập đảo sau một đêm thả lưới tại ngư trường ven đảo, ngư dân Lê Văn Phát (ở thôn Đông, xã An Vĩnh) hành lưới thanh ba vui mừng chia sẻ, sáng mùng 2 Tết, ông làm Lễ khai tàu mở cửa biển. Chiều tối cùng ngày, ông tranh thủ cho tàu vươn khơi hành nghề.
Thời tiết biển đầu năm khá tốt nên chỉ sau một đêm thả lưới, tàu của ông khai thác được gần 1 tạ cá các loại, trong đó phần lớn là hải sản có giá trị cao như: cá mú, cá tà ma, dìa, ngoài ra còn có chình biển, mực lá và cua huỳnh đế. Với giá bán các loại cá và chình biển dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, riêng cua huỳnh Đế có giá 750.000 - 900.000 đồng/kg, trừ mọi khoản chi phí, tàu của ông cho thu nhập gần 25 triệu đồng. "Giá cá tăng cao nên phiên biển đầu năm mới, 3 lao động trên tàu cho thu nhập gần 8 triệu đồng/ người. "Đầu năm có thu nhập vậy là vui rồi", ông Phát cười nói.
Ngoài các loại cá mú, dìa cho giá trị kinh tế cao, nhiều tàu cá còn khai thác được cua huỳnh đế.
Còn ngư dân Nguyễn Ba (ở thôn Tây, xã An Hải, hành nghề lặn đêm tại ngư trường ven đảo) bộc bạch, nghề lặn đêm chi phí thấp, mỗi tàu chỉ cần 4-5 lao động để thay phiên nhau đổi ca lặn là có thể kiếm tiền triệu mỗi đêm. Nước biển càng lạnh cá càng nhiều. Do vậy nếu muốn bắt được cá lớn, có giá trị thì anh phải tìm dòng hải lưu lạnh, bởi ở đó, cá di chuyển theo đàn.
"Thời điểm này, nguồn thức ăn ven bờ phong phú, rong tảo biển phát triển nên nhiều loại tôm cá về cư ngụ và sống dày ven rạn san hô quanh đảo nên việc làm ăn dễ dàng đạt hiệu quả", ngư dân Ba thổ lộ.
Theo ông Ba, chỉ trong đêm mùng 2 Tết, tàu của ông khai thác được hơn 1,5 tạ cá tà ma và cá dìa, cho thu nhập gần 50 triệu đồng, lao động giắt túi hơn 10 triệu đồng.
Bên cạnh tàu cá của ông Phát, ông Ba cho sản lượng và giá trị thu nhập cao, hàng chục tàu cá hành nghề ven đảo của ngư dân địa phương cũng trúng đậm "lộc biển" ngay từ phiên biển đầu năm mới, báo hiệu một mùa biển mới làm ăn hiệu quả tại các ngư trường xa bờ.
Theo Danviet
Ngày 1 Tết Kỷ Hợi, 15 người chết vì tai nạn giao thông Tối 5.2 (mùng 1 Tết Âm Lịch), Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội xuân 2019, trên cả nước xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người. Lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tại báo cáo...