Các địa phương khẩn trương vào cuộc sau chấn chỉnh của Thủ tướng về phòng chống dịch
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, lãnh đạo các địa phương khẳng định sẽ chấn chỉnh ngay, nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan tới công tác chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp sáng 2/5 về phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai các giải pháp theo tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, coi chống dịch là ưu tiên hàng đầu lúc này.
Đặc biệt, tại các địa phương đang là “điểm nóng” hoặc có nguy cơ cao bùng phát dịch, công tác này càng được chú trọng, nhất là sau cuộc họp sáng 2/5 của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu nghiêm khắc chấn chỉnh, nhắc nhở, phê bình các địa phương còn lơ là, còn chủ quan, làm chưa đúng các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự. Cùng với đó, phản ánh của người dân, báo chí cho thấy các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội; Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay. Giao trách nhiệm cho Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các cấp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ.
Hà Nam sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Chiều 2/5, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đồng chí Lê Thị Thủy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết đang chủ trì cuộc họp để triển khai ngay chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bà Thủy khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý, kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch để báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, theo bà Thủy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này của Hà Nam là tiếp tục huy động lực lượng thần tốc truy vết F1 triệt để, không sót trường hợp nào, đồng thời quản lý chặt chẽ F2 và nắm chắc F3; lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm gộp các mẫu nghi ngờ.
Video đang HOT
Đối với việc thực hiện quản lý phong tỏa phải đáp ứng hai yêu cầu nội bất xuất, ngoại bất nhập, đảm bảo dập dịch sớm ngay trong khu vực phong tỏa. Phải đẩy mạnh hoạt động của tổ COVID cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Công tác tuyên truyền được cần tăng cường. Ngành y tế tập trung nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, phối hợp với các bệnh viện của Trung ương điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cũng cho biết đã yêu cầu UBND tỉnh nhanh chóng xây dựng hệ thống văn bản, biểu mẫu hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn nội dung tuyên truyền thực hiện các chỉ đạo, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch và hoạt động của tổ COVID cộng đồng…
Chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng sắp tới, nhất là cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5, UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị các địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ như tích cực tuyên truyền để người dân tự nguyện khai báo y tế; không tổ chức các sự kiện tập trung đông người; chuẩn bị ngay các điều kiện phòng chống dịch cho việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, đối với những thôn xã bị phong tỏa phải lên kịch bản tiếp xúc cử tri cụ thể, phù hợp.
Cùng với đó, rà soát lại các cơ sở bán trú của các trường học, chuẩn bị kịch bản cho phương án trưng tập những địa điểm này làm khu cách ly nếu dịch bệnh lan rộng, số người thuộc diện cách ly tăng cao. Tất cả các công dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ phải khai báo y tế nghiêm túc. Riêng với những trường hợp đang ở vùng có dịch trên địa bàn huyện Lý Nhân không được trở lại đơn vị, doanh nghiệp làm việc vào thời điểm này…
UBND tỉnh Hà Nam cũng sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, xác định và khắc phục lỗ hổng (nếu có) trong việc gửi văn bản giữa các địa phương, các ngành về các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương quản lý.
Chốt phòng chống dịch tại tỉnh Hà Nam.
Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh việc thực hiện 5K
Cũng trong chiều 2/5, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ khi đang chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là chấn chỉnh, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, trước mắt là trong kỳ nghỉ lễ.
“Tỉnh sẽ chấn chỉnh ngay, nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp sáng 2/5 cũng như các chỉ đạo trước đó”, ông Thọ nói.
Cụ thể, tỉnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp về đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tạp đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng; xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, không chấp hành thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Ông Thọ cho biết, đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính khoảng 30 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt trên 30 triệu đồng.
Lực lượng chức năng 2 địa phương cũng đã phát miễn phí hàng trăm khẩu trang cho người dân tại các khu vực chợ, bãi tắm và công viên. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và nhắc nhở trực tiếp người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tổ chức kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và 5K tại các khu vui chơi, cơ sở kinh doanh dịch vụ; xử lý nghiêm các đơn vị không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và để xảy ra trường hợp khách đến vui chơi tại các cơ sở này không đeo khẩu trang. Trong trường hợp các cơ sở này cố tình vi phạm, đề xuất cơ quan thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định.
Qua công tác kiểm tra, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã triển khai trang bị nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cho khách hàng. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách giữa các khách hàng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc và lực lượng chức năng đã nhắc nhở.
Tỉnh cũng đã có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường thực hiện giám sát và khai báo y tế sau dịp lễ 30/4 và 1/5 với yêu cầu quản lý chặt ngươi từ nơi khác đến, đặc biệt là người đến từ vùng có dịch, có giải pháp ngăn chặn, sớm phát hiện nếu có người trốn khỏi nơi cách ly từ nơi khác đến. Yêu cầu tất cả người dân khi ra khỏi tỉnh về lại địa phương phải thực hiện nghiêm khai báo y tế, trường hợp về từ vùng có phát sinh dịch phải cách ly….
Hà Nội kiểm soát chặt người trở lại sau kỳ nghỉ
Trong khi đó, tại Hà Nội, trước tình hình một lượng người rất lớn sẽ trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền việc thành phố yêu cầu tất cả người dân thực hiện khai báo y tế khi quay về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 để người dân biết, thực hiện.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại thành phố bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo bằng mã QR Code; ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác… trực thuộc.
Theo Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng, nguy cơ của Hà Nội là có lượng người dân đi và đến lớn; cùng với đó là nguy cơ từ nguồn nhập cảnh trái phép và các khu cách ly tập trung với người từ nước ngoài về. Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh việc làm tốt công tác cách ly tại các khu cách ly tập trung là rất quan trọng, cần thực hiện hết sức nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các khu cách ly tập trung phải bảo đảm quy trình một chiều từ lúc đón từ sân bay về tổ chức cách ly tại khách sạn đến khi bàn giao về địa hương phải bảo đảm quy trình. Quá trình cách ly tập trung phải bảo đảm không có tiếp xúc; bảo đảm thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; sau khi về các địa phương đề nghị các khách sạn và quận nơi có khu cách ly tập trung báo cáo thông tin về các địa phương để quản lý người về cách ly… Các quá trình này phải kỹ lưỡng, không để sai sót. Phải tập huấn bài bản cho người phục vụ cách ly từ lái xe đến bảo vệ, thu gom rác thải y tế.
Với các địa điểm vui chơi công cộng như vườn thú Thủ Lệ, tại buổi kiểm tra ngày 1/5, ông Chử Xuân Dũng cho rằng “chưa thể yên tâm với công tác chống dịch”. Bởi riêng vườn thú Thủ Lệ trong một ngày 15.000 người ra vào nhưng không có khai báo y tế, nhiều người không đeo khẩu trang; điều này cần được chấn chỉnh, xử lý…
Tạm đình chỉ Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái
Chiều ngày 02/5, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái để kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành quy trình xử lý kỷ luật theo quy định do có vi phạm khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài. UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ tiếp tục xem xét mức độ vi phạm để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định trong thời gian tới.
Về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan các ca nhiễm tại Hà Nam, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đối với bệnh nhân BN2899 đã hoàn thành thực hiện cách ly ở Đà Nẵng, nhưng khi về địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của địa phương, phải tự cách ly tại nhà vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống, gây hậu quả để một số người mắc COVID-19, trước hết phải xử lý phạt hành chính, giao Công an tỉnh và các ngành thực thi pháp luật rà soát lại hồ sơ vụ việc, nếu hồ sơ đủ căn cứ vi phạm sẽ truy cứu hình sự.
Trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (nơi cư trú của BN 2899) có trách nhiệm trong việc trong ngày 24/4, bệnh nhân có những biểu hiện ho, sốt, lại mới nhập cảnh về Việt Nam nhưng chưa xử lý và giải quyết kịp thời sự việc, gây ra hậu quả lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Trước mắt yêu cầu kiểm điểm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp
Đối với các tập thể, cá nhân khác thuộc Sở Y tế, thuộc huyện Lý Nhân, thuộc xã Đạo Lý, UBND tỉnh giao Công an tỉnh rà soát toàn bộ hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.