Các địa phương hỗ trợ người dân trở về từ vùng dịch
Chiều 3/8, máy bay chở 217 công dân là người Nghệ An từ TP Hồ Chí Minh đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vinh.
Đây là chuyến bay đầu tiên trong nỗ lực đưa công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch COVID-19 của tỉnh Nghệ An.
Các hành khách sau khu xuống sân bay được khẩn trương đưa về nơi cách ly. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
Ngay sau khi máy bay hạ cánh, người dân được đo thân nhiệt, khai báo y tế và được lực lượng chức năng đưa đi cách ly tập trung tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An).
Trong đợt 1, tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ đưa khoảng 1.000 người về quê bằng đường hàng không. Trong đó, ưu tiên các nhóm đối tượng là người có bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… Theo kế hoạch, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức 6 chuyến bay để đưa người dân về quê, tất cả kinh phí của chuyến bay được tỉnh Nghệ An hỗ trợ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã có hàng ngàn người dân Nghệ An tự phát về quê bằng xe máy. Chỉ trong 3 ngày 1 – 3/8, tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2, đã có khoảng 600 người từ vùng dịch các tỉnh phía Nam trở về.
Để đảm bảo công tác phòng dịch lực lượng chức năng Nghệ An đã bố trí lực lượng đưa đón. Công dân phải khai báo y tế, những trường hợp kết quả xét nghiệm COVID-19 đã hết hiệu lực, sẽ được làm test nhanh ngay tại chốt. Sau khi có kết quả, lực lượng chức năng sẽ bố trí ô tô trung chuyển chở về tận quê nhà của công dân để cách ly theo đúng quy định trong phòng, chống dịch.
Video đang HOT
Trước đó, để đưa người dân từ các tỉnh miền Nam về quê, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi người dân có nhu cầu về quê đăng ký qua website dangkyveque.nghean.gov.vn. Đến nay đã có trên 18.000 người đăng ký, trong đó, khoảng 7.800 người ở TP Hồ Chí Minh, gần 7.000 người ở tỉnh Bình Dương, hơn 2.000 người ở tỉnh Đồng Nai và trên 1.600 người ở các tỉnh khác.
* Ngày 3/8, ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, 10 công dân đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương “nhập cảnh” trái phép vào tỉnh Đắk Nông đã được chính quyền huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đón về an toàn.
Theo đó, UBND thành phố Gia Nghĩa đã liên hệ với UBND huyện Lắk thông báo có 10 công dân của địa phương đi bộ về quê và được 1 chiếc xe tải chở về thành phố Gia Nghĩa. Vì hoàn cảnh 10 người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, rất khó khăn không có tiền và phương tiện đi lại. Hai địa phương thống nhất việc huyện Lắk tạo điều kiện hỗ trợ xe để đưa các công dân này về nhà. Tối 2/8, ngay khi về lại địa phương, 10 công dân được thực hiện test nhanh và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, các trường hợp này đang được cách ly theo quy định.
Trước đó, anh P.T.B (sinh năm 1991) và anh N.V.S (sinh năm 1994) trú tại phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa là lái xe cho nhà xe Duyên Hà chở rau củ quả từ thành phố Gia Nghĩa về TP Hồ Chí Minh. Chiều 1/8, trên đường lái xe về thành phố Gia Nghĩa, đến trạm thu phí Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thì 2 tài xế này gặp và chở nhóm 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đang đi bộ tìm đường về quê.
Do nhóm 10 người này không ai có phiếu xét nghiệm âm tính với COVID-19, lợi dụng là xe chở hàng “luồng xanh”, P.T.B và N.V.S đã cho 10 người này lên thùng xe và không khai báo y tế với lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm soát dịch bệnh tại 2 tỉnh Bình Dương và Đắk Nông.
Tối cùng ngày, khi về tới thành phố Gia Nghĩa, 10 công dân xuống xe ở khu vực xã Đắk Nia rồi tiếp tục đi bộ để về huyện Lắk thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Ngay sau đó, toàn bộ 12 người được đưa vào các ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm PT-PCR, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Trước sự việc này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Gia Nghĩa đề nghị xử lý khẩn cấp 2 lái xe và chủ xe tải 48C- 045.83 theo quy định. Nếu vụ việc này để lây lan dịch bệnh sẽ củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tháo gỡ vướng mắc phòng, chống dịch COVID-19
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải một số khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của ngành hàng không về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai, điều hành hoạt động hàng không theo đúng chỉ đạo, chỉ thị, hướng dẫn về vận chuyển hàng không của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan đảm bảo hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, an ninh, phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố, đồng thời các địa phương lân cận áp dụng các biện pháp phòng dịch đối với người trở về từ Hà Nội, nhiều hành khách từ các địa phương về Hà Nội gặp khó khăn khi đến và đi từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài dù không vào trung tâm thành phố. Các khó khăn đến từ việc xe chở khách đi/đến sân bay không được xác định là đối tượng ưu tiên để được cấp quyền vào"luồng xanh"; nhiều địa phương không tiếp cận được cao tốc theo chỉ dẫn về "luồng xanh"; các tỉnh đều quy định áp dụng cách ly tập trung từ 14 đến 21 ngày đối với người trở về từ Hà Nội. Vì lý do này nhiều lái xe từ chối chở người đến và đón người từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bổ sung phương tiện đón/đưa khách đến từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là đối tượng ưu tiên vào "luồng xanh" khi xuất trình các giấy tờ đi lại của hành khách; trao đổi với các địa phương miễn cách ly đối với lái xe đưa/đón khách từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi lái xe xuất trình tại địa phương bản sao vé, giấy tờ tùy thân của khách, có xác nhận của Cảng vụ hàng không miền Bắc. Khi đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai việc xác nhận khi các địa phương đồng ý với phương án này.
Một vấn đề khó khăn, vướng mắc nữa trong thực hiện Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội, đó là, cho đến nay thành phố Hà Nội mới bố trí tiếp nhận duy nhất 1 chuyến bay Tp. Hồ Chí Minh-Hà Nội ngày 22/7/2021 với 299 hành khách (không tính đến số lượng các chuyến bay phục vụ công vụ, lực lượng vũ trang có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Việc này gây gián đoạn toàn bộ hoạt động vận chuyển giữa hai thành phố - trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân (không còn nơi cư trú tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương phía Nam nơi đang có dịch và áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ngoài ra, đối tượng miễn cách ly/tự cách ly khi về Hà Nội cũng không quy định rõ ràng, nên gây khó khăn khi cấp phép cho hãng hàng không vận chuyển.
Do vậy, Cục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Hà Nội nêu rõ các đối tượng loại trừ không phải cách ly tập trung và cần có xác nhận công tác của các cơ quan cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cấp bộ, cơ quan ngang bộ để có trách nhiệm quản lý người đi lại, thuận tiện cho việc xem xét, cấp phép bay.
Đồng thời UBND thành phố Hà Nội cần có ý kiến chính thức về việc có khả năng thu xếp tiếp nhận cách ly hành khách thông thường trong thời gian tới để hãng hàng không thông báo tới hành khách, tránh các trường hợp phải đền bù tài chính cho hành khách như thời gian qua trong điều kiện các hãng hàng không hiện đã rất khó khăn.
Một vấn đề nữa Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải là Bộ có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò là cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân cần sớm có hướng dẫn cho những trường hợp như hãng hàng không vận chuyển hành khách từ Việt Nam đi quốc tế bị buộc phải đưa ngược trở lại Việt Nam vì hành khách bị từ chối nhập cảnh (dù đáp ứng đầy đủ giấy tờ nhưng bị từ chối khi phỏng vấn trực tiếp khi nhập cảnh) hoặc hành khách đủ điều kiện khi đã được phỏng vấn, nhưng lại bị từ chối nhập cảnh, phải nằm trong khu vực quá cảnh tại sân bay trong thời gian dài.
Nội dung tiếp theo, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Y tế để xác định rõ nội dung quy định chưa rõ ràng về cách ly cho người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh để Cục Hàng không Việt Nam xem xét việc cấp phép bay cho phù hợp.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành hướng dẫn giải quyết cho công dân Việt Nam được nhập cảnh Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay mới chỉ có hướng dẫn giải quyết cho chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nêu tại công văn số 5322/CV-BCĐ ngày 5/7/2021. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa có văn bản hướng dẫn đối với công dân Việt Nam (bao gồm cả những công dân đã có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR) có mong muốn về nước. Theo Cục Hàng không Việt lượng khách này chiếm 90% nhu cầu cần nhập cảnh Việt Nam, là nguồn khách quan trọng để có thể nối lại đường bay thương mại quốc tế như nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Giao thông Vận tải thực hiện.
Đến Tân Sơn Nhất sau 18h, hành khách phải vạ vật ngủ qua đêm ở sân bay Chuyến bay từ Hà Nội đến TP.HCM hạ cánh lúc 21h15 ngày 26-7, một số hành khách không có xe đón về nhà đành phải ngủ lại ở sân bay, một số người lội bộ ra đường Trường Sơn chờ người nhà. Đến Tân Sơn Nhất sau 18h, nhiều hành khách phải vạ vật ngủ qua đêm ở sân bay - Ảnh: Q.AN...