Các địa phương đã chuyển đổi 390.000ha lúa
Theo Bộ NNPTNT, qua 3 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu, các địa phương đã chuyển đổi được khoảng 390.000ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, rõ nhất là ở ĐBSCL, ĐBSH (mục tiêu năm 2020 cả nước chuyển đổi 700.000ha).
Đối với các vùng khô hạn, nhiễm mặn từng bước chuyển trồng lúa sang phát triển các cây chịu hạn, cỏ làm thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.
Tại ĐBSCL, qua 3 năm đã chuyển được nhiều diện tích từ trồng lúa sang trồng ngô. Ảnh: N.L
Đồng thời, qua việc triển khai tái cơ cấu cũng xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2016, đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000ha; nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang…
Ngoài ra, cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây, tập trung đối với giống lúa, ngô chất lượng cao. Cơ cấu giống và tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đã tăng mạnh, chất lượng gạo được nâng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của các tỉnh phía Bắc đạt trên 80%, khu vực miền Trung đạt trên 50%, vùng ĐBSCL đạt khoảng 45%; đã hoàn thành thủ tục khảo nghiệm, đánh giá an toàn sinh học và đưa giống ngô biến đổi gen ra sản xuất.
Video đang HOT
Trong 3 năm (2013-2015) giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện.
Theo Danviet
3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: Mờ nhạt bóng dáng doanh nghiệp...
Sau 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong ngành trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong công cuộc "trường chinh" này vẫn đang thiếu bóng dáng của các doanh nghiệp (DN), vì sao?
Thiếu vắng doanh nghiệp
Có một điều dễ nhận thấy, trong rất nhiều các cuộc hết hội thảo đến hội nghị, rồi diễn đàn, tọa đàm với chủ đề đại loại "thu hút đầu tư vào nông nghiệp" vừa qua, các báo cáo cũng chỉ dẫn đi dẫn lại mấy cái tên các DN đã quá quen thuộc như Vingroup, TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, gần đây có thêm Hòa Phát, Bình Hà... Thực tế cho thấy, số DN đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay là quá ít ỏi và với ngay cả các DN đang theo đuổi lĩnh vực này, cũng đang phải lấy nguồn vốn từ chỗ khác để "đắp" vào.
Đơn cử như Hoàng Anh Gia Lai - một trong những DN đi đầu trong đầu tư vào nông nghiệp hiện đang rất chật vật với bài toán lỗ - lãi. Hàng loạt các dự án mà DN này đầu tư đang gặp rất nhiều rủi ro như trồng cao su, nuôi bò, mía đường... Lý do phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường.
Công ty Ba Huân đầu tư dây chuyền xử lý trứng sạch Moba (Hà Lan) diệt khuẩn hoàn toàn. Ảnh: Ngọc Thọ
Theo ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NNPTNT, trong thời gian từ gần 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới giảm nên đã kéo theo giá cao su cũng giảm theo. Trong bối cảnh đó, với những DN lớn, có tiềm lực như trong ngành dầu khí hoặc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thì họ vẫn có thể cầm cự được. Ngược lại, như HAGL và một số DN, nông dân mới đầu tư vào trồng cao su sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hồ Xuân Hùng cho biết, Tổng hội NNPTNT Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét 8 nhóm kiến nghị chính để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Nổi bật là kiến nghị về xây dựng quỹ đất cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp; triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng dòng vốn tín dụng riêng cho DN đầu tư vào nông nghiệp với lãi suất ưu đãi; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thông thoáng; xử lý các vấn đề về thuế, phí nhằm tránh trùng lặp trong quá trình thực hiện; tăng cường đào tạo tạo nguồn nhân lực cho các DN làm nông nghiệp công nghệ cao...
Mới đây, lãnh đạo một tập đoàn tư nhân đang đầu tư vào nông nghiệp cũng chia sẻ, thực tế DN đang phải chịu lỗ để làm nông nghiệp, làm như một kiểu "từ thiện". Đơn giản, bởi để đầu tư để sản xuất ra một bó rau, quả cà chua, củ su hào... sạch, chi phí cho đầu tư công nghệ, thiết bị hết sức tốn kém.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì cho rằng: Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, các "xung lực" để kéo DN đầu tư vào nông nghiệp đã tụ hội khá đầy đủ. Nếu trước đây, chỉ có một số ít DN vừa và nhỏ đầu tư vào nông nghiệp, mà cũng chỉ ở khâu thương mại, thì hiện các DN đã đầu tư theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm, điển hình như dự án trồng sau sạch của Tập đoàn Vingroup.
Cũng có thể thấy, thời điểm rõ nét nhất cho thấy sự tham gia của các DN vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2014 với một loạt các DN lớn về chứng khoán, bất động sản chuyển vốn sang đầu tư nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đức Long Gia Lai, Hòa Phát, gần đây là Vingroup, rồi cả FPT, T&T... cũng tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến các giải pháp về công nghệ sản xuất...
Cần dòng vốn dài hạn
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các DN nói chung, trong đó có các DN đầu tư vào nông nghiệp hiện đang có vấn đề về tính thanh khoản, bởi cùng một lúc họ phải xử lý thanh khoản cho các ngân hàng, chủ nợ, nên đúng là về vấn đề vốn họ sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro. "Vì thế, theo tôi các DN cần một dòng vốn dài hạn để duy trì sản xuất, còn như hiện nay chương trình cho vay nông nghiệp vẫn áp theo chuẩn của công nghiệp là không phù hợp. Điều quan trọng là, DN cần có nguồn vốn ổn định với chu kỳ cho vay dài, phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp"- TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Trong khi đó, theo GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, so với các DN nước ngoài, các DN Việt Nam rất thiệt thòi khi đầu tư vào nông nghiệp. "Đáng ra, Nhà nước phải có chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp bằng cả vốn, đất đai để làm đầu tàu dẫn dắt cả chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Kế tiếp, Nhà nước cần đào tạo các DN vừa và nhỏ có đủ năng lực để họ tự tìm được đầu ra, bằng cách tổ chức lại sản xuất, biết lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, hiện DN tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi còn khá hạn chế"- GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Nhìn nhận về vấn đề này, phát biểu tại một hội nghị mới đây về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục như sức cạnh tranh chưa cao, chuỗi giá trị ngắn. Ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt có 13 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,3ha đất. Ngoài ra, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường rất bấp bênh, không bền vững, thậm chí có thị trường đang đe dọa giảm kim ngạch nhập khẩu, như mặt hàng lúa gạo, thủy sản...
Về tổ chức sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Dù số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng lên nhưng so với yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng. Hiện nay, tỷ lệ DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ chiếm trên 1% tổng số DN trên cả nước. Trong số 1% đó, 99% là các DN nhỏ và siêu nhỏ". Vì vậy, ông Cường cho biết, tới đây Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức diễn đàn thu hút đầu tư vào nông nghiệp để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp có sự đột phá hơn nữa.
Theo Danviet
Kiếm cả trăm triệu đô từ phụ phẩm, phế phẩm Tinh dầu cám gạo, hoa sen, dầu dừa... có giá trị xuất khẩu cao. Hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã sáng tạo, biến nhiều phụ phẩm và sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành những mặt hàng độc đáo, có giá trị cao. Điển hình như tinh dầu cám gạo, tinh dầu hoa sen, tinh dầu dừa... Tạo ra sự khác...