Các ĐBQH đã cùng tháo gỡ nút thắt cho TPHCM phát triển
Chiều 12-1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021). Tham dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM.
Cùng tìm kiếm cách làm hay, mô hình mới
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang, đoàn ĐBQH TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định vị thế trong nhiệm kỳ qua. Trên diễn đàn Quốc hội, các ĐBQH TPHCM đã có rất nhiều ý kiến sắc sảo, không chỉ đóng góp cho TPHCM mà còn xây dựng cho chính sách chung của cả nước. Các ĐBQH đã tạo được lòng tin với cử tri. Theo đồng chí, chưa có nhiệm kỳ nào, địa phương nào mà trong một nhiệm kỳ đã đề xuất và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 nghị quyết cho sự phát triển như TPHCM.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, 5 năm qua là một nhiệm kỳ rất thành công của Đoàn ĐBQH TPHCM. Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, Đoàn ĐBQH TPHCM, các ĐBQH đã chung sức đồng lòng cùng nhân dân và hệ thống chính trị của TPHCM tìm kiếm những cách làm hay, mô hình mới thúc đẩy TPHCM ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục khẳng định là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Điểm nhấn là Đoàn ĐBQH TPHCM tích cực cùng hệ thống chính trị của TPHCM xây dựng, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, ban hành 3 nghị quyết với những quyết sách đột phá, đồng bộ, tạo cơ hội cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững. Đó là, Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; và Nghị quyết số 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Video đang HOT
“Có thể nói, 3 nghị quyết trên cũng là 3 nội dung chính của Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM – một đề án tâm huyết của TPHCM đã ấp ủ qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Chặng đường hơn 13 năm kiên trì theo đuổi, đề xuất mô hình phát triển mới cho TPHCM giờ đây đã thành hiện thực”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, các ĐBQH đã thấu hiểu và hòa mình vào những nỗi trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM để tìm lời giải cho bài toán tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tạo động lực phát triển cho TPHCM xứng tầm khu vực và quốc tế. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM sẽ tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù này một cách hiệu quả nhất để vươn lên tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, cùng cả nước, vì cả nước và phục vụ người dân TPHCM được tốt hơn.
Trong hoạt động giám sát, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tích cực, nỗ lực khảo sát, cùng hệ thống chính trị của TPHCM nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chậm tiến độ, có dự án khiếu nại kéo dài nhưng chưa được xử lý, giải quyết triệt để. Cụ thể như việc triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 (quận 6), dự án Khu đô thị Sing – Việt (huyện Bình Chánh)…
Để ĐBQH quyết định các vấn đề quan trọng
Trước đó, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động. Các hoạt động của đoàn luôn chú trọng vào những vấn đề bức xúc của thực tiễn và cử tri đòi hỏi. Dù vậy, theo ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Nguyên nhân là nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH rất nhiều, nhưng phần lớn ĐBQH là kiêm nhiệm nên việc thực hiện vai trò ĐBQH còn gặp khó khăn. Số lượng các dự án luật ngày càng nhiều nhưng một số dự án luật gần sát ngày khai mạc kỳ họp mới gửi đến ĐBQH. Việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để giúp thông tin cho đoàn giám sát còn ít.
Từ thực tế đó, Đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị, trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ (kể cả các ý kiến phản biện của các nhà khoa học) cho ĐBQH để việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đạt hiệu quả cao. Theo Đoàn ĐBQH TPHCM, việc trả lời các kiến nghị, khiếu nại của cử tri cũng cần phải được đảm bảo về thời gian và đảm bảo về nội dung, tránh trả lời chung chung, không giải quyết đúng yêu cầu của cử tri gây khiếu nại kéo dài. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài phù hợp đối với những cơ quan có thẩm quyền vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo phiếu chuyển của Đoàn ĐBQH.
Tại buổi tổng kết, ĐBQH Tô Thị Bích Châu bày tỏ trăn trở khi có những vụ việc khiếu nại cử tri cả đời người nhưng kết quả chưa như mong muốn. Theo ĐBQH, việc tổ chức tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Nguyện vọng của cử tri là được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lần, nhưng việc tiếp xúc thường chỉ diễn ra được ở trước và sau kỳ họp. Có những vụ việc người dân khiếu nại kéo dài 5 năm, 10 năm, hay cả đời người nhưng kết quả cũng không được như mong muốn. Trong khi đó, ĐBQH Phan Thanh Bình đề nghị, cần sớm có cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để TP Thủ Đức phát triển, giải quyết nhanh các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Cử tri chất vấn đại biểu Quốc hội tại TPHCM đa số là gương mặt quen thuộc
Chiều 12/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định, trong các kỳ tiếp xúc cử tri nhiệm kỳ qua, nhiều ý kiến phát biểu hầu như chỉ xoay quanh của một số cử tri quen thuộc. Đây là những cử tri quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, có kiến thức, có hiểu biết.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tuy nhiên, để có nhiều ý kiến phát biểu phong phú hơn, ông Đạt đề nghị các cấp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cần chủ động mời thêm cử tri chưa hoặc ít phát biểu.
Về vấn đề tiếp xúc cử tri, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc tiếp xúc cử tri theo giới, theo ngành và nơi cư trú chưa nhiều. Nếu tổ chức được thì sẽ có nhiều ý kiến chuyên sâu hơn về một số lĩnh vực như giáo dục, khoa học công nghệ...Các nhiệm kỳ trước đều tổ chức tiếp xúc nhưng số lượng giảm dần trong những nhiệm kỳ gần đây. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cần quan tâm hơn đến công tác này.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 nghị quyết cho TPHCM gồm: Thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM....
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Phan Thanh Bình đề nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cần sâu sát, cùng với thành phố triển khai tốt những nghị quyết này. Còn nhiều vấn đề đặt ra, như việc thành lập thành phố Thủ Đức hiện trong luật chưa có mô hình thành phố trực thuộc thành phố, nếu không giải quyết nhanh cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức thì sẽ rất khó trong triển khai thực hiện.
Cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh, 3 nghị quyết dành cho TPHCM được Quốc hội thông qua là tiền đề quan trọng. Trong số này, Thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã đi được hơn 60% khối lượng công việc, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Nếu thành phố không nỗ lực, cố gắng trong quãng thời gian còn lại thì cũng chưa chắc sẽ được duy trì cơ chế này.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang.
"Với thành phố Thủ Đức, với cơ chế không tổ chức HĐND quận, phường, nếu chúng ta không chuẩn bị một cách chu đáo để có được những giá trị có thể đong đếm được trên thực tế, thì tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người buồn và cảm thấy thất vọng vì chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để có được những nghị quyết này", ông Quang nói./.
Bộ GTVT hứa duy tu, sửa chữa Quốc lộ 62 bằng nguồn vốn bảo trì Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra hiện trạng Quốc lộ 62 và thực hiện duy tu, sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì để đảm bảo an toàn giao thông. Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, Bộ vừa có Văn bản số 65/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời...